Kết thúc chuỗi công việc trong xưởng thì cũng đã giữa trưa, tôi không dám ăn uống trong căn tin, thức ăn trong đó đắt hơn đồ ở mấy quán bình dân. Dù mệnh giá có chênh nhau chỉ vài đồng bạc lẻ, tôi vẫn kiên quyết tiết kiệm được từng nào hay từng ấy, của có nhiều đâu mà dám ăn dám uống.
Tôi lau mồ hôi trên bàn tay đen nhẻm và thô ráp vào tấm giẻ cũ treo ở gần cửa, dè dặt ngồi vào trong quán phở mà bình thường tôi hay lui tới. Chủ quán là một ông chú tuổi trung niên, đầu tóc lụp xụp và vương đầy dầu khói, hệt như cái mái tôn trên đỉnh đầu tôi vậy. Ngoài tôi ra thì trong quán chẳng có một mống khách nào, có lẽ họ không thích khuôn mặt khắc khổ đầy nếp nhăn của ông, cũng không thích vẻ xập xệ cũ rích của cửa hàng. Cái họ muốn là sự mới mẻ và hào nhoáng, những bức tường được quét sơn đẹp mắt, tầm nhìn rộng rãi đẹp đẽ với muôn vàn món ăn đặc sắc. Tôi luôn cảm nhận được một sợi dây liên kết giữa mình với ông ấy, có thể là do chúng tôi đều là những kiếp đời tàn, quần quật tồn tại nơi tận cùng xã hội…
Thức ăn đã được dọn lên, bát phở chỉ lèo tèo mấy cọng hành cùng với hai miếng thịt nạc luộc. Nhìn vào trong tô, đột nhiên, trong lòng tôi cuồn cuộn một nỗi ấm ức không thể tả, nó ép vào tuyến lệ của tôi khiến sống mũi cay xè, mắt cũng nhòe cả đi. Tôi lớn tiếng gọi, có lẽ đây cũng là lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi dám buông cuống họng và rống lên như vậy.
“Ông ơi! Sao phở hôm nay chả có miếng thịt nào thế?”
Hành động lạ lùng của tôi khiến ông chủ giật nảy mình, giẻ lau tuột khỏi tay mà rơi xuống sàn, ông vội vàng nhặt nó lên, khó chịu mà nhìn tôi:
“Tao có bỏ thịt vào trong rồi đấy mà, mày còn muốn gì nữa?”
Vừa nghe dứt câu, tôi liền nghe thấy âm thanh của mớ cảm xúc đứt phựt một cái thật mạnh, nước mắt không khống chế được mà túa ra, tôi gào lên nức nở, những áp lực, tủi thân và uất ức cứ thế lũ lượt trào ra ngoài, hòa vào cả tiếng khóc của tôi.
Thấy tôi như vậy, ông chủ vừa ngạc nhiên vừa lúng túng:
“Ơ cái con bé này, có gì thì từ từ nói chứ, không có thịt thì tao luộc cho mày là được rồi, chỗ khách quen chả nhẽ không mời nhau được bữa thịt à? Thôi nào, đừng khóc.”
Tôi ngước đôi mắt đỏ lừ, mệt mỏi thốt ra:
“Không phải cháu khóc vì trong bát không có thịt. Ông nghĩ xem, tại sao cháu đã hơn ba mươi tuổi rồi, ở cái tuổi này đáng nhẽ ra đã lấy chồng rồi sinh con đẻ cái, có nhà có cửa, có của có cải hết rồi, tại sao cháu vẫn vì vài đồng tiền với mấy miếng ăn mà sống mệt mỏi như thế này?”
***
Thuở còn thơ bé, tôi là một đứa trẻ rất hay làm nũng với cha mẹ, có lẽ vì vậy mà mỗi lần bị ngã, mỗi lần đứt tay hay gặp phải bất kì sự cố gì, tôi đều ngoái đầu xung quanh xem có ai không. Nếu có người thì tôi sẽ nức nở lên rồi nũng nịu yêu cầu được dỗ dành, nếu không thì sẽ chỉ sụt sịt vài câu rồi ngoan ngoãn chạy đi tìm người lớn.
Trưởng thành rồi, mọi thứ mà tôi đã từng đều đi ngược lại. Tôi không còn khóc lóc đòi an ủi khi vấp ngã mà chỉ lẳng lặng nhìn quanh. Nếu có người gần đó thì sẽ cố gượng dậy rồi đi thật mau, còn không thì liền sụp xuống đất mà khóc cho thỏa lòng.
Bình luận
Chưa có bình luận