Bốn giờ sáng, bà cụ tỉnh giấc. Hôm nay bà cảm thấy tinh thần minh mẫn lạ thường. Tầm nhìn luôn mờ ảo giờ đây trở nên sáng rõ. Chân tay chậm chạp bắt đầu linh hoạt hơn. Bà thử xuống giường, vui vẻ khi thấy mình có thể đi lại. Bà ra khỏi phòng bệnh, chậm rãi bước qua hành lang trống trải. Cô lễ tân trực dưới sảnh ngạc nhiên khi thấy bà, hỏi thăm bà mấy câu. Bà vui vẻ đáp lại, còn chuyện trò với cô một hồi.
Sau đó bà ra sân viện, ngồi xuống ghế đá dưới tàng cây. Bà hít sâu bầu không khí trong lành, nghe tiếng chim hót ríu rít. Thi thoảng gặp vài người dậy sớm đi ngang qua, bà đều cởi mở bắt chuyện. Thời gian còn lại bà sẽ im lặng nhìn ngắm cảnh trời.
“Bà ơi, ngồi ngoài này lạnh lắm. Cháu đưa bà về nhé ạ?”
Có người thấy bà ngồi đó rất lâu, bèn tốt bụng nhắc nhở. Người già cả không có sức đề kháng tốt, dễ bị nhiễm lạnh. Bất ngờ là bà lại nghe lời người nọ, còn gật gù tán đồng. Bà đứng dậy bảo với thanh niên kia: “Cảm ơn cháu, bà tự về được. Cháu làm việc đi.”
Hiện tại là năm giờ sáng, ấy vậy mà bà đã ở bên ngoài một tiếng rồi. Bà trở về phòng mình, theo thói quen mở hộp gỗ nhỏ mà mình đã nâng niu bao năm qua. Sau đó, bà ngạc nhiên khi xấp giấy nhật ký nay đã biến mất. Thay vào đó là một chén sứ ngọc bích chứa đựng màu hoa đậu biếc.
Mắt bà ngấn lệ, bàn tay khẽ run cẩn thận nâng chén sứ lên. x
Niềm vui đến quá bất ngờ khiến bà không thể nào thốt ra thành tiếng, chỉ biết mải mê ngắm nhìn. Bà ngẩng lên trông trời cao, thầm cảm tạ vì đã cho bà một cơ hội. Dù không biết có thật hay không, dù chỉ là tia hy vọng nhỏ nhoi, bà vẫn muốn níu giữ.
Chất rượu cực kỳ nhạt, đến nỗi tưởng chừng đây chỉ là nước lọc pha màu, nhưng khi trôi xuống cổ họng lại cảm thấy toàn thân tràn đầy sức sống. Bà nghe thấy âm thanh đinh đang của chiếc hộp âm nhạc đồ chơi. Phòng bệnh trước mắt dường như mờ dần. Chùm sáng mạnh mẽ bao trùm lấy bà, cảm giác an tâm như bóng lưng của ba, ấm áp như vòng tay của mẹ.
“Bống à…” Tiếng gọi vang vọng xa xôi.
Nước mắt kìm nén bao lâu bỗng chảy xuống. Tiếng khóc rấm rứt, nức nở, rồi vỡ òa. Hai bàn tay già nua che lấy khuôn mặt muốn ngăn đi dòng lệ tuôn rơi. Bà bật khóc từng tiếng, sống lưng còng đi, âm giọng gãy vụn: “Ba, mẹ. Con nhớ ba mẹ lắm!”
Bao nỗi tủi thân, cô độc, uất ức chôn giấu tận đáy lòng, giờ đây như tìm được bến bờ.
“Bống ngoan của mẹ, đừng khóc!”
“Lại đây ba ôm một cái, vui lên nào!”
Bà vô thức vươn tay ra. Bàn tay nhăn nheo xuyên qua chùm sáng như hóa thành bàn tay trắng mịn nhỏ xinh. Bé Bống ba tuổi nhào vào lòng ba mẹ, òa khóc.
Bóng hình một nhà ba người dần biến mất trong chùm sáng.
Mặt trời nhô cao, người ta phát hiện một bà lão an tường nằm “ngủ” trong phòng bệnh. Tay bà vẫn cầm chặt chiếc hộp gỗ trống không. Cả cuộc đời bà như ngọn nến leo lắt, cứ vậy tắt lịm.
Từ lúc chúng ta chào đời cho đến khi trưởng thành, ba mẹ luôn là người dìu dắt dõi theo chúng ta. Những lúc chúng ta phạm sai lầm, sẽ có người chở che. Những lúc chúng ta quyết định điều gì đó, sẽ có người ủng hộ. Chỉ cần chúng ta quay đầu, sẽ luôn có người đứng đằng sau mỉm cười cổ vũ. Có lẽ, mỗi chúng ta ai cũng là đứa trẻ. Dù bạn bao nhiêu tuổi, trưởng thành độc lập tới mức nào. Chỉ cần bạn trở về, sẽ có người ở đó giang tay chào đón bạn.
Cha mẹ thương bạn vô điều kiện, vì vậy xin hãy trân trọng ngay khi còn có thể!
Thanh Hà đứng trên sân thượng của tòa nhà cao tầng. Cô cúi đầu nhìn dòng người xe cộ tấp nập. Gió thổi qua mái tóc bồng bềnh gợn sóng của cô, vờn quanh vạt váy đong đưa. Dây thường xuân quấn bên eo vươn cành lá đón nắng. Cô vén tóc mai ra sau, suy nghĩ xa xăm.
“Đang nghĩ gì vậy?” Tiếng nói vang lên sau lưng Thanh Hà.
Cô không quay đầu, chỉ lẳng lặng thưởng thức phong cảnh đường phố. Một lúc sau, cô mới trả lời: “Đang nghĩ hết rượu rồi, nên kiếm đâu đây.”
“Bà chủ mà cũng hết rượu sao?” Giọng nói bông đùa. Người đấy đi tới đứng cạnh Thanh Hà cùng ngắm cảnh.
Thanh Hà quay đầu sang. Đối mặt là một chàng trai trẻ tuổi, cách ăn mặc không thuộc về thời đại này. Mái tóc dài búi cao, trông giống một kiếm khách từ chốn giang hồ lạc nhầm vào đây. Cô nhìn chiếc mặt nạ cậu đang đeo, nhẹ giọng: “Rượu thì cũng sẽ có ngày hết thôi. Nó không phải là thức uống lâu dài.”
Một người một câu chuyện, một người một chén nhỏ canh ba. Đến nay Thanh Hà đã “bán” ra được chín trăm chín mươi chín chén rượu. Cô xoay xoay chiếc chén rỗng, đặt câu hỏi: “Cậu muốn về chưa?”
“Còn chưa ngắm đủ mà.” Thiếu niên trả lời. Thanh kiếm giắt bên hông được ánh nắng hắt vào lóe sáng.
Thanh Hà hiểu tâm trạng thiếu niên bây giờ. Cô thức thời không lên tiếng.
“Bà chủ này…” Thiếu niên híp mắt đón nắng, cất lời: “Thế giới của bà chủ trông thế nào?”
Lý lịch bà chủ thần bí, ngoại trừ trực tiếp hỏi thì không thể dò la qua phương thức khác. Có đôi lần thiếu niên tò mò về cô, nhưng cô lại không hé răng lấy nửa lời. Khí chất của Thanh Hà rất mâu thuẫn nhau. Cô vừa thân thiện gần gũi tạo cảm giác muốn dựa dẫm lại gần, nhưng trái lại cô cũng có sự xa cách khiến người ta không thể nào chạm tới.
Thanh Hà mỉm cười hòa nhã: “Cậu có biết Chén Rượu Canh Ba xuất phát từ đâu không?”
“Không.” Thiếu niên thành thật trả lời. Thứ rượu này cũng bí ẩn như bà chủ vậy.
Đối mặt với đầy câu hỏi hiện rõ lên khuôn mặt thiếu niên, Thanh Hà chợt quay người sang. Cô duỗi ngón tay chỉ vào lồng ngực cậu, rồi nói: “Nó xuất phát từ lòng người.”
Sau đó cô giải thích sự khó hiểu đó: “Thật ra khi các vị khách đến gặp tôi, thứ họ uống không phải là rượu mà là nội tâm họ. Không ai biết lòng người có vị gì, chỉ có chính bản thân họ biết mà thôi.”
“Thì ra nội tâm của tôi lại đắng đến thế.” Thiếu niên nghĩ ngợi, thôi không hỏi sâu nữa.
Thanh Hà đồng cảm thiếu niên, rồi lại nhìn ra ngoài. Từ góc độ này sẽ thấy toàn cảnh thành thị náo nhiệt. Thành phố này được coi là trung tâm chính trị quốc gia, ở đây vẫn còn lưu giữ nét hoài cổ.
“Đúng là không nhìn ra được gì, tương lai phát triển thật.” Thiếu niên cảm khái kết luận, rồi cậu lại buồn: “Nếu trước kia tôi không dựng cờ khởi nghĩa, có lẽ sẽ cùng huynh đệ ngao du giang hồ, vui vẻ biết mấy. Vậy thì sẽ chẳng còn những chuyện tranh quyền đoạt thế, mâu thuẫn rạn nứt về sau.”
“Thế thì sẽ chẳng còn đất nước này.” Thanh Hà mở miệng.
“Không có tôi thì còn người khác.” Thiếu niên lắc đầu không cho là đúng: “Ban đầu ba anh em chúng tôi đều ôm lòng hoài bão, kết cục cuối cùng lại chẳng tốt đẹp gì cho cam.”
Họ sống trong thời buổi loạn lạc, ai mà chẳng có chí hướng muốn xông ra một mảnh trời.
Thanh Hà thấy tinh thần thiếu niên sa sút, bèn thấp giọng an ủi: “Cậu không thể chỉnh lại bánh xe vận mệnh. Cho dù khi đó cậu thay đổi quyết định, kết quả chỉ có một mà thôi. Trăm sông đổ về một biển, dù cậu có đi nơi nào làm gì, thì tấm lòng vẫn không hề đổi thay. Giống như thanh kiếm của cậu vậy. Dù cậu mua được nó, thấy nó cắm bên vách núi, hoặc tặng nó cho ai thì cuối cùng thanh kiếm vẫn về tay cậu.”
Thiếu niên nắm chặt thanh kiếm trong tay. Xoẹt một tiếng, lưỡi gươm sắc bén tỏa ra ánh hào quang chói mắt. Thiếu niên ngắm kỹ nó. Chính nhờ thanh kiếm này đã giúp cậu bao phen thoát chết, bầu bạn cùng cậu suốt quãng đời tịch mịch.
“Độc Thần kiếm… nó vốn nên tỏa sáng hơn thế nữa. Đây là thanh kiếm được trời ban…” Thiếu niên thất thần lẩm bẩm.
Tiếng ong ong vù vù từ thanh kiếm phảng phất như phản đối với lời nói của thiếu niên. Thanh Hà trông thấy vậy, mỉm cười tiếp lời: “Nhưng nó chọn cậu, và nó không hối hận.”
Thiếu niên mím môi, cứng nhắc thả thanh kiếm đang rung dữ dội vào tay Thanh Hà. Giọng cậu trầm buồn: “Tôi ngắm nhìn đủ rồi. Cảm ơn bà chủ đã cho tôi cơ hội được trông thấy đất trời bao la lần nữa. Làm phiền bà chủ giúp tôi trả nó về.”
Thanh Hà nhìn thanh kiếm bao trùm không khí bi thương, khẽ thở dài rồi hỏi lại: “Cậu chắc chắn chứ? Tôi có thể cảm nhận được ý nguyện lớn nhất của nó là muốn đi cùng cậu.”
“Đi làm gì? Ở đó đi.” Thiếu niên hung dữ mắng.
Sau đó cậu ngẩng mặt nhìn áng mây. Vạt áo bay phất phới, cuốn theo sợi dây cột búi tóc. Khí độ kiên cường bất khuất toát ra từ khuôn mặt thiếu niên. Cậu cất giọng đầy tự hào: “Đời đời dựng xây gấm son. Ngàn năm sau, đất nước vẫn ngoan cường kiên trung, quả không hổ là con cháu rồng tiên.”
Tiếng trống hồn thiêng văng vẳng đâu đây, đập vào trái tim thổn thức.
Thanh Hà nhìn xa xăm. Kiếm trong tay cô dần ảm đạm mất đi ánh sáng, phủ đầy sương gió.
Thiếu niên bên cạnh cô đã biến mất, chỉ còn lại một mình Thanh Hà. Khuôn mặt cô toát lên đầy vẻ thương cảm. Nếu con người thời đại này biết tổ tiên tự hào về họ, sẽ mang biểu cảm gì? Đột nhiên cô rất tò mò về chuyện đó, tiếc là hết rượu rồi.
Cột tháp phía xa treo cao lá cờ. Đó là biểu tượng của một đất nước, chứa đựng linh hồn lòng yêu nước của dân tộc. Bao anh tài được sinh ra nối gót cha ông, sóng sau xô sóng trước giúp đất nước ngày một hùng mạnh. Cái “tình” nặng mà nồng nàn, tình nguyện dâng hiến máu xương vì tổ quốc.
Thanh Hà thấu hiểu và cảm phục hào khí ấy.
“Đến lúc nên trở về rồi.” Thanh Hà thì thầm.
Có một câu hỏi của thiếu niên mà cô không trả lời, thế giới của cô trông thế nào. Cô không thể đáp, bởi thế giới của cô đã vỡ tan rồi. Thanh Hà đi khắp thế giới, qua bao tinh cầu chỉ để góp nhặt cảm xúc mãnh liệt, giúp đánh thức trái tim nguội băng của hàng triệu con dân quê hương cô. Mỗi chén rượu chứa đựng một câu chuyện, vô vàn câu chuyện nhân sinh đời người. Có vui, có buồn, có khổ đau và hạnh phúc.
Thanh Hà ngửa tay để lộ chén rượu sứ. Đây là chén rượu cuối cùng cô cất dành riêng cho mình. Vị rượu mát lạnh như sương tuyết, đông cứng mạch máu trong cơ thể.
Đến một thời điểm nào đó, bạn sẽ phải hoàn thành trách nhiệm của mình. Đừng bỏ dở, hãy cứ kiên trì và bạn sẽ nhận được hồi đáp!
Bình luận
Chưa có bình luận