“Từ Vũ…” Châu mấp máy hai từ ra khỏi miệng.
Dường như cô đã quên hết mọi âm thanh xung quanh, bất chấp tất cả chạy về phía trước.
Anh đứng im tại chỗ, nhìn cô chăm chú cho đến khi cô thở hổn hển đứng trước mặt mình. Anh bỏ tài liệu lên bàn, rồi mở nắp chai nước mới tinh lên, đưa cho cô: “Chạy chậm thôi, uống miếng nước này.”
Giọng nói trầm thấp quen thuộc tự nhiên, giống như đã làm điều này vô số lần. Hành động ấy khiến Châu ngẩn ngơ, không kịp suy nghĩ mà bật thốt lên: “Anh là Từ Vũ sao?”
Chàng trai bật cười. Khi anh không cười sẽ tạo cảm giác là người trầm ổn thành thục trong mắt người ngoài, nhưng khi cười lên sẽ khiến người ta bị đắm chìm bởi khuôn mặt đầy cuốn hút ấy.
“Rất vui được gặp em, Châu San!”
May mắn chính là khi bạn tìm được người mình yêu. Và hạnh phúc khi tình yêu đó đến từ cả hai phía!
Tình yêu đơn giản vậy đấy. Nó luôn hiện diện quanh ta, chỉ là ta có cố ý muốn vạch tìm nó ra hay không thôi. Cũng giống như không khí, ta không thấy chưa chắc là không có.
Thanh Hà đang xem ti vi, khuôn mặt thanh tú mỉm cười đầy mĩ mãn. Cô đứng dậy khỏi chỗ ngồi. Trên màn hình chiếu cảnh cặp đôi hạnh phúc ôm nhau trong ngày lễ đám cưới.
Ngày qua ngày, cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn. Thời gian không chờ đợi bất kỳ ai, một giây quý báu có thể tạo nên hoặc thay đổi vô số chuyện trên đời. Nó sẽ không chững lại hay lùi bước, vì vậy người ta hay nói rằng: Trên đời không sinh ra thuốc hối hận, cũng chẳng thuốc nào lùi ngược thời gian.
Truyền thuyết về Chén rượu canh ba dần biến mất. Con người luôn ham thích và hiếu kỳ những điều mới lạ, sau đó lại bắt đầu chú ý đến những điều mới lạ hơn. Câu chuyện rầm rộ ngày nào giờ lặn xuống, mọi người lại trở về với cuộc sống thường nhật.
Vậy mà vẫn có một người kiên trì đợi trước con hẻm suốt thời gian dài. Đó là một bà cụ hơn tám mươi tuổi. Làn da nhăn nheo, ngồi gù lưng trước đầu hẻm. Bất kể nắng hay mưa, trên tay bà ấy luôn có chiếc máy bay bằng giấy được gấp nếp cẩn thận. Bà nâng niu chiếc máy bay, thử phóng nó vào con hẻm, rồi lại nhặt về. Hành động lặp đi lặp lại không hề nhàm chán. Có người hiểu bà ấy đang đợi điều gì, thở dài bèn bảo bà đó chỉ là truyền thuyết mà thôi.
Bà mỉm cười cảm ơn, cố chấp ngồi đợi ở đó.
Những tưởng sự kiên trì nào cũng sẽ được đền đáp, và rồi một ngày nọ hàng xóm hốt hoảng khi thấy bà cụ nằm ngất xỉu trước đầu con hẻm. Có người tốt bụng vội vàng đưa bà vào viện. Bà sống lủi thủi một mình, không ở với con cháu. May thay bà cụ có bảo hiểm nên không phải lo lắng tiền viện phí. Bác sĩ bảo sức khỏe bà đã kiệt quệ rồi, không thể đi lại được nữa.
Bà cứ tiếc mãi, có lúc bà ngẩn ngơ nhìn bóng trăng ngoài cửa sổ. Thầm nghĩ nếu giờ này mình tới đó có thể sẽ gặp được điều kỳ diệu hay không. Nhưng nhìn thân thể già cỗi của mình, bà lại thở dài buông bỏ. Rồi bà lại nghĩ vẩn vơ, những điều không ai biết.
“Giá như…” Bà cụ thều thào. Cảm xúc mệt mỏi khiến mắt bà dần nhắm lại.
Hình ảnh cuối cùng trong mắt bà là dây leo thường xuân ngả mình bên bệ cửa sổ, vươn cành lá dưới ánh sáng chan hòa của trời sao.
Thanh Hà ngồi bên mép giường, đổi lại chai dung dịch muối truyền đã gần cạn. Cô thấy tủ đựng đồ cá nhân lộn xộn, xắn tay áo bắt đầu công cuộc dọn dẹp. Phòng bệnh này có ba giường, đều là các cụ già cả với nhau. Họ đều đi ngủ rất sớm nên không ai phát hiện ra có một người xuất hiện đột ngột ở đây.
Dọn xong, Thanh Hà mới lấy chiếc hộp gỗ mình phát hiện được trên giường. Cô dễ dàng mở hộp ra. Bên trong đựng xấp giấy, có giấy cũ đã ố màu, có giấy còn sáng như vừa mới viết gần đây.
Thanh Hà lấy một tờ trong đó ra. Nội dung tương tự với chiếc máy bay giấy bà gửi đến, hoặc có thể nói đây là phần chi tiết hơn. Cô gái rũ mắt chăm chú đọc. Nét chữ bà cụ bị run, bệnh tuổi già khiến bà không thể cầm bút chắc tay được. Nhưng chữ nào ra chữ đó, nói lên người viết rất nắn nót.
Đọc tờ giấy đầu tiên, trong đôi mắt Thanh Hà tựa như chiếu lên khung cảnh mấy chục năm về trước. Đó là giai đoạn chiến tranh còn tàn dư khi bà nhỏ tuổi, theo chân ba mẹ lánh nạn. Giai đoạn sống trong thời kỳ bao cấp, cái ăn cái mặc đều phải tính toán chi li. Cô con gái bé bỏng không hiểu thế nào là nỗi khổ và áp lực ba mẹ phải chịu. Thấy hàng xóm ăn ngon, cô bé cũng thèm mà nằng nặc đòi mẹ nấu thêm món. Thấy các bạn học có sách vở đồ dùng mới, cô bé cũng chạy về mè nheo muốn sắm sửa. Cô bé của khi đó vừa không hiểu chuyện vừa không vâng lời. Ba mẹ mệt mỏi, nhưng vẫn phải cười dỗ dành cô, không dỗ được thì đành chắt bóp tiền tiết kiệm để mua đồ chơi cho cô bé.
Sau đó thì, có lẽ ông trời ngứa mắt nhìn cô cứ kiêu ngạo vênh váo, nên đã cướp họ đi. Chỉ trong một đêm, cô bé từ một người hưởng thụ cuộc sống gia đình hạnh phúc nhất lại trở thành đứa trẻ mồ côi không cha không mẹ. Cô bé phải sống nhờ nhà ngoại, nhìn sắc mặt người khác. Không còn được ba mẹ che mưa, cô phải học cách bung dù. Không còn ai cưng chiều, cô phải học cách tự lập mà sống. Thế rồi cô bé trở thành người hướng nội trầm tính từ lúc nào. Cô không còn cười thoải mái nữa, lầm lì đến mức các bạn học chẳng ai muốn chơi cùng cô.
Các cụ nói rồi, cái gì xảy đến và hành động quá nhiều sẽ thành thói quen. Cô thu đi sự kiêu ngạo, bắt buộc phải trưởng thành sớm khiến cô quên mất mình đã từng là một người thế nào, thích cái gì.
Nhiều lúc nghĩ đến ba mẹ, cô lại buồn. Trong nỗi buồn ấy còn xen lẫn sự hối hận.
Phải chăng nếu cô là đứa ngoan ngoãn hiểu chuyện, sẽ khiến ba mẹ bớt lo toan hơn. Nếu cô có thể làm đỡ san sẻ mẹ việc nhà, mẹ cô sẽ có thể dành nhiều thời gian cho bản thân. Nếu cô có thể bớt đòi hỏi thái quá, thì ba cô sẽ không phải nai lưng kiếm từng đồng đến thế.
Nhưng trên đời nào có nếu như…
Lớn tuổi kết hôn sinh con, cô mới hiểu thấu thế nào là nỗi vất vả của họ. Nhưng dù rằng cô có hiểu, thì họ đã chẳng còn trên đời.
Về già, con cái không thích gần gũi bà. Chúng mải mê với việc học, việc làm, vun vén gia đình nhỏ của mình, chẳng ai còn quan tâm người bà nằm một góc. Không biết làm gì, bà bắt đầu nhớ về thời gian xa xôi. Sương mù đong đầy trong đôi mắt vẩn đục, bàn tay già nua nhăn nheo. Bà cảm thấy quãng đời mình sống thật vô nghĩa.
Tích!
Giọt nước nhỏ xuống, nhòe đi nét chữ.
Không chỉ một lần bà nhẩm hai chữ “giá như”...
Giá như có thể nắm lấy quá khứ.
Giá như có thể lại gần thời gian.
Con nợ người, mà cả đời chẳng thể trả hết!
Thanh Hà trầm mặc. Một tấm ảnh rơi xuống lúc giở trang. Cô nhặt lên xem, là hình chụp gia đình ba người hài hòa. Cô đứng dậy nhìn khuôn mặt nhuốm màu tang thương ấy. Có lẽ thời gian thăng trầm trải qua bao năm sóng gió đã khiến bà không còn là đứa trẻ thuở nào. Thứ còn sót lại, chỉ còn là nỗi nhớ nhung và kỷ niệm.
Cô đặt lại chiếc hộp gỗ về vị trí cũ, cẩn thận dém chăn lại cho bà. Khi y tá trực đêm bước vào, chỉ thấy tấm rèm cửa sổ đong đưa.
Mọi thứ chỉ như một giấc mộng.
Bình luận
Chưa có bình luận