Song Trùng 1



“Không ngờ lại có thể thành công ngay lần đầu.” Moon vừa nói vừa bước nhẹ từ phía sau Tinh Tọa, đặt chân lên vai tôi. “Những Miên trước, chưa ai tự tạo ra lĩnh vực riêng không cố định như vậy. Họ thường lập giáo phái, chọn nơi chốn rõ ràng mà trú ngụ.”

Tôi bật cười, đáp lại như thể khoe khẽ một chút tự đắc: “Tớ là Thiên Mệnh Thời Không Vận mà, phải khác chứ?”

Moon nhìn tôi chăm chú, ánh mắt vẫn ánh lên cái vẻ nửa bí hiểm nửa trầm tư. “Cậu biết vì sao tớ gợi ý cậu dùng năng lượng tinh tú không?”

Tôi nghiêng đầu, mắt nhìn cậu ấy đầy vẻ thắc mắc. Dù không nói, nhưng rõ ràng trong lòng tôi muốn biết. Moon không trả lời ngay, cậu phóng nhẹ xuống đất rồi bước từng bậc thang rời khỏi Tinh Vực.

“Tới khi cậu hoàn thành trọng trách của mình, tự nhiên sẽ hiểu thôi.”

Hả? Nói vậy thì chẳng khác gì chưa nói. Tôi hơi bực. Moon đúng là một con mèo khó ưa, dù cậu ấy khôn ngoan. Càng lúc, những ký ức lộn xộn trong đầu tôi càng rõ nét về ký ức của Thiên Mệnh Thời Không Vận. Những mảnh hình ảnh của một người nào đó cứ chớp lên từng đợt khiến tôi hoài nghi về vai trò thật sự của các vị thần. Liệu họ có thực sự tiêu diệt được gốc rễ của Đại Tội? Hay chỉ là kẻ thay nhau trấn giữ, lần lượt gục ngã?

...

Khi mở mắt ra, tôi giật mình phát hiện ông Tùng đã ghé sát mặt từ lúc nào. Đôi mắt thâm quầng vì chết lâu ngày của lão khiến tôi hoảng đến mức hét toáng giữa đêm khuya.

Mẹ và Cát Tường từ trong phòng chạy ra, mắng cho tôi một trận tơi tả. Cát Tường thì không quên ném thêm một câu chọc quê

“Ông anh nhát gan thiệt chớ!”

 Tôi xấu hổ đến mức chỉ muốn chui xuống đất. Thế mà ông Tùng, lão lại cười hề hề, mặt hớn hở ra mặt. Quá tức, tôi đành giận dỗi ra ngồi trước hiên nhà, không tài nào chợp mắt được nữa.

Trước mặt tôi là cảnh tượng hỗn loạn không kém gì trong phim. Linh hồn và tiểu quỷ chạy loạn khắp nơi. Nhân viên Bỉ Ngạn thì bay vèo qua vèo lại, chắc mệt muốn rụng cánh. May là chỉ có mấy con ma nhỏ xổng ra. Nếu là đại quỷ hay u linh thật sự thì mệt lớn rồi. Dù sao địa phủ cũng có trật tự của nó, chẳng dễ gì để lọt được mấy con mạnh hơn.

Tôi khoanh tay, tựa vai vào cột gỗ góc nhà, nhìn cảnh náo loạn ấy như người ngoài cuộc. Ông Tùng thì trốn dưới bàn thờ Cửu Huyền Thất Tổ, run như cầy sấy. Nhìn lão co ro tôi muốn cười mà không dám cười.

Bất chợt, một tiếng đáp khẽ vang lên trên bàn đá hàng ba.

“Á... la...”

Tôi nhìn sang. Một sinh vật nhỏ nhắn đứng đó với chiếc váy vàng, đôi hài đỏ rực, cổ chân đeo lục lạc leng keng, tay cầm một đóa bỉ ngạn đỏ rực như máu, to bằng bàn tay xòe rộng.

“Xin chào anh đẹp trai, chúng ta lại gặp nhau rồi.”

Tôi giật bắn. Nhận ra ngay đó là cô bé ở bệnh viện. “Sao em lại ở đây?”

“Diêm Vương có lệnh,” cô bé cười híp mắt, “bảo em đi kiếm và bắt Hồng Hoạ Ngạ Quỷ.”

“Gì cơ? Em có thẩm quyền đó hả?”

“Vì em là Âm Sai Sứ Giả, Tuyết Liên Ma Đồng.”

Tôi sững sờ. “Giao ước Âm Sai thật à?”

Cô bé gật đầu. Tôi rùng mình. Một đứa nhỏ mà phải gánh trọng trách như vậy… Nhưng nếu Minh Vương đã phê chuẩn, tôi cũng không dám ý kiến. Dây vào ngài ấy chỉ khiến con đường luân hồi sau này thêm gập ghềnh.

Tôi bước tới, khoanh tay, lẩm nhẩm cái tên: “Hồng Hoạ Ngạ Quỷ... Quỷ đói, màu đỏ...”

“Con này trốn thoát từ bao giờ?” tôi cúi người hỏi.

Tuyết Liên Ma Đồng đáp: “Khá lâu rồi. Nhưng giờ nó đã thành Ngạ Quỷ thực thụ, bị Phẫn Nộ Thiên Tội Đồ tha hóa.”

Nghe đến đây tôi ngẩn ra. “Khoan... chẳng phải là con từng bắt vong ở Cầu Hòa?”

“Không sai. Anh biết à?”

“Ừ. Vừa để nó chạy thoát.”

“Hả?”

Tôi lắc đầu. “Ừ thì... vậy đấy.”

Nỗi bất an len lỏi trong ngực. Để một con Ngạ Quỷ tha hóa thoát thân, chẳng khác nào gieo tai hoạ chờ ngày nở hoa.

...

Chợ đêm Bến Tre náo nhiệt mà dịu dàng, ánh đèn lung linh soi bóng xuống dòng sông hiền hoà. Tôi cùng Trương Gia Phúc, thằng bạn mới chuyển chỗ ngồi, vừa đi dạo vừa tán gẫu. Trước kia tôi ngồi với Ân, nhưng vì Ân nói nhiều quá nên bị đẩy lên bàn đầu, để Phúc xuống ngồi cùng tôi.

Phúc nhỏ người, là dân mọt sách chính hiệu, lại bị xương thủy tinh nên được miễn thể dục và lao động nặng. Chúng tôi dừng lại ở một quầy đồ tre trúc. Phúc ngắm nghía cái bình đựng nước, rồi nhờ ông chủ khắc tên lên. Tôi ngồi xuống bên cạnh, cầm lên một cây sáo trúc mười lỗ, hỏi:

“Ông có khắc hoa văn phức tạp không?”

“Có chớ! Cậu muốn khắc gì cũng được.” Ông chủ liếc qua, rồi chỉ cây tôi đang cầm. “Loại này trăm hai, hàng bền. Cây bên cạnh rẻ hơn, bảy hai, lấy bảy chẵn luôn cho cháu.”

Tôi chỉ cười nhẹ. Tôi học nhạc từ nhỏ, ông ngoại dạy, nên cũng rành. Cuối cùng tôi chọn cây trúc tàu, loại cho âm vang xa. Giá trăm ba, ông chủ giảm còn một trăm hai lăm. Tôi mượn bút lông, viết lên đó vài văn chú, khắc thêm hai chữ Tinh Vực. Tôi không định thổi sáo nữa đâu, nhưng vì trừ tà cần, nên đành theo. Có mấy bản nhạc có năng lượng mạnh lắm.

Sau đó tôi và Phúc đi xem hoa kiểng, ăn vặt, rồi quay lại thanh toán nốt cây sáo. Lúc đang ăn xiên nướng, ánh đèn treo trên các hàng cây chiếu xuống khiến tôi nhớ về thời nhỏ. Bố mẹ từng dắt tôi đi chơi ở đây.

Tôi nhìn Phúc, cậu ấy ăn rất từ tốn và nho nhã. Đột nhiên, cậu ấy hỏi “Khải này, cậu mua sáo để biểu diễn trường à?”

Tôi gật đầu, tiếp tục nhai. Phúc nhìn tôi, hơi ngập ngừng “Cậu nghĩ... lồng đèn có linh hồn không?”

Tôi sững người. “Ý cậu là sao?”

“Là... có truyện ma nào liên quan lồng đèn không?”

Tôi lắc đầu, vừa định nói chưa nghe thì Phúc đã lên tiếng.

“Hồi trung thu, hàng xóm tớ có đứa em, tối nào cũng xách lồng đèn đi vòng vòng... Giờ vẫn vậy. Mỗi đêm đúng mười hai giờ. Nó đi vừa cười, trông rợn lắm. Mà nhà ẻm thì không ai biết gì. Tớ học bài khuya, ngồi ở cửa sổ tầng trên nhìn thấy, muốn té xỉu. May mà nó không thấy tớ.”

Tôi chép miệng “Vãi, vậy mà cậu còn học bài khuya. Gặp tớ là trùm mền ngủ rồi.”

Nhưng nghĩ lại, nếu là tôi… tôi xuống gõ đầu con bé đó luôn cho xong chuyện. Mà khoan đã, chuyện hàng xóm? Ý là có thật à?

“Tình trạng đó tới giờ vẫn còn?” Tôi liền hỏi với vẻ nghiêm túc. Phúc gật đầu, bỏ hẳn cây xiên nướng vừa cầm lên. 

“Tớ đúng là chưa nghe gì về ma với lồng đèn, nhưng nghe cậu kể, tớ cũng khá hứng thú. Muốn đến coi thử.”

Phúc dường như rất ngạc nhiên “Cậu chắc chứ? Không sợ à?”

“Sợ cậu gạt tớ hả?”

“Không, ý là cậu tin vào mấy chuyện vớ vẩn đó à?”

“Cậu đọc sách nhiều, học giỏi, hiếm khi cậu kể vậy. Giờ cậu nói, vậy nó có thật. Trê vàng đời này, cái gì cũng có.”

Tôi nhấn mạnh từng chữ “cái gì cũng có” rõ ra. Phúc không buồn ăn tiếp, cậu nuốt nước bọt. “Tớ không dám nói ra, sợ không ai tin, mà tớ cũng lo lắm.”

Tôi vỗ vai Phúc rồi nói “Đừng sợ, xem thử xong thấy không ổn á, tớ mời pháp sư cho. Tớ có quen pháp sư đó.” 

Tôi cố trấn an Phúc nên nói vậy chứ bản thân tôi có quen thầy nào đâu. Có tôi là pháp sư mới vào nghề chứ đâu. Tôi kêu thanh toán tiền ăn. Tôi chịu tiền hết vì hầu hết là tôi ăn nhưng Phúc khá ngại nên cũng giành. Tôi quyết liệt lắm nên Phúc cũng chịu thua. Trên đường về, tôi đèo Phúc trên chiếc xe đạp điện, chúng tôi nói nhiều về bài thuyết trình ngày mai. Không chỉ vậy, tôi còn hẹn cùng cậu ấy đi học về để tạt qua xem vụ cô bé xách lồng đèn kia.

Đêm đó, tôi ngồi tra mạng về những chuyện kỳ dị liên quan đến lồng đèn. Nhưng kết quả chỉ toàn là mấy truyện kinh dị về lồng đèn bí ngô. Trong khi cái lồng đèn mà cô bé kia cầm là lồng đèn cá chép cơ mà. Tôi xoa đầu, quay sang hỏi ông Tùng.

“Ông có nghe câu chuyện kỳ kỳ nào về lồng đèn không ạ?”

Ông Tùng bay lại, ngồi chễm chệ trên bàn “Có, chuyện về lồng đèn đỏ.”

“Nó xoay quanh lồng đèn đỏ, hay lồng đèn nói chung?”

“Tao biết là... chỉ có lồng đèn đỏ mới bị thôi.”

Tôi thở dài sầu não. Phải chi mình biết nhiều hơn. Moon hôm nay lại biến đi đâu rồi không biết...

“Mày sao thế?”

“Một người bạn cháu... gặp chuyện kỳ dị liên quan đến cái lồng đèn. Không biết là bị ma nhập hay gì nữa.”

“Cái này gặp rồi tính. Giờ đoán khó lắm.”

Nghe ông Tùng nói vậy, tôi cũng thôi không nghĩ nhiều, rồi đi ngủ.

Sáng hôm sau, tan học, tôi đến nhà Phúc để đỗ xe. Cậu ấy giới thiệu tôi với ba mẹ rồi chúng tôi lên phòng. Phúc mở cửa sổ, chỉ tay sang căn nhà kế bên.

“Bên đó là nhà của em Diệu, con bé tớ kể đó.”

Tôi ngó qua “Tớ không biết nữa, phải gặp mới rõ.”

“Được, tớ hái đu đủ xách sang.”

“Làm gì vậy?”

“Lấy cớ chứ gì nữa, Khải!”

Vì Phúc bị bệnh xương thủy tinh nên tôi thay cậu ấy hái đu đủ. Sau đó, chúng tôi mang sang biếu nhà bác Hai. Bác vui vẻ mời hai đứa vào nhà uống nước. Cũng tỏ vẻ tò mò khi thấy bạn Phúc là tôi.

Diệu mang trà ra mời. Tôi liếc nhìn em một cái. Cô bé mới khoảng mười hai tuổi, quả thật khá xinh xắn.

“Đừng có mà nhìn nữa, thằng này.” – Bác Hai lườm tôi, giọng nửa đùa nửa thật.

Tôi cụp mắt xuống, cười, rồi nói “Dạ, cháu xin lỗi, thấy em dễ thương quá. Nếu em gái cháu được như vậy thì tốt biết mấy.”

“Nhà có em gái à?”

“Vâng, song sinh. Mà suốt ngày nó mắng cháu thôi.”

“Con Diệu ngoan lắm, chỉ tệ mỗi vụ nấu nướng. Nhưng dạo gần đây thì đảm đang hẳn ra. Thức sớm nữa. Cũng biết đỡ đần mẹ. Con gái lớn rồi.”

“Thức sớm ạ?” Phúc hỏi.

“Ừ, dậy ôn bài, rồi tiện tay nấu cơm luôn. Thành tích học tập dạo này cũng khá lắm.”

“Trước đây em có siêng vậy không bác?”

“Trước nó cũng siêng, nhưng dạo này thấy siêng hơn nhiều.”

Tôi nhíu mày. Bình thường, ma đâu cần ngủ? Mà theo lời Phúc kể, em ấy còn lang thang khuya, tức là cũng chẳng ngủ luôn. Nhưng nãy giờ nhìn, tôi không thấy em ấy có âm khí gì cả. Phúc khều tôi, ra hiệu hỏi. Tôi lắc đầu, vẫn chưa đoán được gì. Khi em ra sân giũ rổ rau, tôi lén dùng Linh Nhãn để nhìn kỹ. Lập tức, tôi giật mình suýt té khỏi ghế. Chân thân của em vẫn có hình dạng người, nhưng... không có ngũ quan. Phúc quay sang hỏi tôi có sao không. Tôi gượng cười cho qua. Bác Hai cười lớn.

“Thằng này mới lớp mười, lo học đi. Con Diệu nó còn nhỏ lắm!”

Tôi chỉ khẽ cười, nhưng trong đầu đã hiện lên một phán đoán. Có lẽ… là Song Trùng. Phải chăng… nó cầm lồng đèn đi vào đêm khuya, chỉ để tích tụ năng lượng sống?

0

Hãy là người bình luận đầu tiên nhé!

Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout