Hai người bác đều tâm lý, thấy cậu như thế thì không nói gì nữa, chỉ chờ cậu khóc xong thì mới dặn dò cậu tắm rửa rồi ăn sáng đã. Mà Bình khóc một lúc xong, tâm trạng khá lên, cũng bình tĩnh lên nhiều. Cậu ở trong phòng tắm, mặc kệ cho nước chảy xuống người mình, nhắm mắt nghĩ tới sau này nên làm những gì?
Học tiếp?
Học phí của trường cậu rất đắt, khi chưa biết mọi chuyện cậu còn có thể nghĩ tới dùng việc đi làm thêm để khuyên nhủ bố mẹ. Còn hiện tại, có lẽ cậu thật sự không thể tiếp tục theo học nữa rồi. Hơn nữa, bố mẹ cậu mang theo em cậu trốn đi, vậy nghĩa là nợ nần vẫn còn. Cậu cũng phải bắt đầu nghĩ tới chuyện trả nợ nữa, nếu không, việc nợ nần chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới gia đình cậu, còn cả tương lai của chính cậu nữa.
Dòng nước chảy xuống gột rửa đi một nửa cảm xúc tiêu cực trong lòng cậu, đầu óc cũng dần dần rõ ràng hơn. Tới khi ra ngoài, nhìn hai bác lo lắng đứng trước cửa chờ, cậu hít sâu một hơi, cố nén lại tủi thân đang trào lên, gượng cười với hai bác:
“Cháu đỡ nhiều rồi ạ.”
Hai bác gật đầu, bác gái vội nói:
“Thôi đi xuống bếp ăn bát bún đã.”
Cậu vâng dạ rồi đi theo hai bác, bác cả ngồi bên cạnh nhìn cậu ăn xong xuôi mới lên tiếng:
“Nhà cháu mở ra cái quán thứ hai đó, rồi không kham được.”
Bình giúp bác rót một chén trà, nghe bác nói đến đây thì gật đầu:
“Cháu cũng nghĩ thế. Nửa năm trước bố mẹ gọi cháu về, ép cháu đi nghĩa vụ, cháu mới trốn lên Hà Nội tới giờ.”
Thấy cậu bình tĩnh như thế, bác cả cũng yên tâm phần nào, lại nói:
“Lúc đó không ai biết gì, về sau bố mẹ cháu đột nhiên đi mất, rồi bác mới biết chuyện. Lại nghe cháu đang học trên Hà Nội nên bác cũng không gọi, sợ cháu lo lắng.”
Bình cảm kích nhìn ông, nếu không phải cậu vội vàng về ngay ngày nghỉ đầu tiên, thì chắc ông cũng sẽ tới canh trước cổng để cậu không bị bất ngờ như hôm qua. Hai bác cháu tâm sự một lúc lâu, rốt cuộc bác cả mới hỏi:
“Thế cháu tính toán gì chưa?”
Bình thở dài, thành thật đáp:
“Bố mẹ cháu đã phải đi trốn nợ, cháu mà ở nhà thì sẽ phiền tới hai bác.”
“Phiền gì chứ cái thằng này…”
Bình nhìn ông, mỉm cười, cảm thấy phần tình này của bác thật sự đáng quý. Cậu chậm rãi nói:
“Cháu đã mười tám tuổi rồi, cũng nên tự lập. Đã gặp hoàn cảnh thế này rồi, cháu nghĩ, cháu sẽ quay lại Hà Nội tìm việc làm đã, rồi sẽ tính tiếp.”
Nghe cậu quyết đoán như thế, hơn nữa với hoàn cảnh nhà cậu bây giờ, bác cũng nghĩ trước tiên cậu nên tránh nơi này xa chút. Không biết khi nào thì bọn siết nợ nó tới, một đứa trẻ như cậu, lấy đâu ra tiền mà bù cho chúng nó. Vì thế sau khi ăn xong bát bún, Bình cảm ơn hai bác, rồi lại khăn gói lên Hà Nội.
Trước tiên cậu quay lại kí túc xá của trường, ở đây vẫn còn mở cửa thêm hai tuần nữa, cậu có thể ở tạm trong lúc tìm việc. Mà qua hè rồi, cậu không còn học trong trường nữa, cũng sẽ phải chuyển ra. Như vậy từ giờ cho tới hết hai tuần, cậu không chỉ cần tìm việc mà còn phải tìm nhà nữa cơ. Bình chỉ quăng đồ lên giường của mình, rồi lại ngay lập tức ra ngoài, bắt tay vào tìm việc. Lúc này, không có thời gian cho cậu nghỉ ngơi nữa rồi.
Vì đã là ngày nghỉ hè thứ ba, các sinh viên năm nhất đều về nhà cả rồi, kí túc vắng vẻ hẳn ra, căng tin quán xá cũng đóng cửa gần hết. Bình đi lòng vòng ngoài đường, muốn thử xem có nơi nào tuyển sinh viên làm thêm hay không. Vì những công việc này sẽ dễ được nhận ngay, cậu có thể giải quyết được tình trạng hiện tại. Nhưng đã vào hè, các quán xá cũng theo kỳ nghỉ mà thưa khách hơn hẳn, cậu đi lòng vòng đến tận tối mịt vẫn không thấy một chỗ nào cần tuyển thêm người. Vuốt cái bụng đói, cậu thất vọng trở về kí túc xá. Trước khi lên Hà Nội cậu đã để hết lại số bánh kẹo mua bằng tiền học bổng ở lại nhà bác, hiện giờ trong túi cậu chẳng còn bao nhiêu, mà còn phải thuê nhà nữa.
Bình mím môi, cắn răng đi vào quán tạp hóa gần đó, lựa mấy gói mì tôm loại rẻ tiền mà trước đây cậu chưa ăn bao giờ. Đứng ở quầy tính tiền, chủ quán hỏi có lấy thêm nước không, cậu chỉ cười trừ. Bây giờ có ăn là tốt lắm rồi, còn nước nôi gì sang chảnh thế. Vừa lúc này, bỗng có một người vỗ vai cậu. Bình giật mình quay lại, gặp được ngay người đàn anh khóa trên đang nghiêng đầu nhìn mình. Quý cũng ngạc nhiên không kém cậu là bao, hỏi lớn:
“Sao em lại ở đây? Hôm trước em về quê rồi mà?”
Dáng người Quý thuộc dạng mảnh khảnh, đường nét gương mặt thì mềm mại, nhìn bề ngoài rất hiền lành. Nhưng giọng của anh lại thuộc cỡ lớn, mỗi khi anh nâng cao giọng thì nghe cứ như chuông đồng. Bình phải nghiêng người né ra mới đỡ chói tai, cậu xách theo túi mì tôm vừa mua, đơn giản nói:
“Em muốn lên đây tìm việc làm thêm.”
Quý nghe vậy thì hơi ngạc nhiên, vì Bình vẫn luôn tỏ ra là người thuộc gia đình có điều kiện tốt, lúc này nghỉ hè còn cố ý quay lại Hà Nội xin việc làm thêm, không giống cậu cho lắm. Anh nghi ngờ cúi xuống nhìn túi mì tôm trong tay cậu, là loại ăn liền, rẻ tiền nhất. Trong phút chốc anh chợt hiểu ra, cười hỏi:
“Cãi nhau với bố mẹ?”
Nói rồi lại trêu chọc:
“Giận dỗi với bố mẹ thì được gì đâu, giờ đi học, ít có thời gian ở nhà thì nên về quây quần được ngày nào hay ngày ấy.”
Câu nói của anh chọc trúng nỗi đau của Bình, cậu cũng trở về, nhưng gia đình thì bỏ cậu lại mà đi mất rồi. Cậu cúi đầu xuống, giấu đi chua xót trong mắt, cố gắng bình tĩnh nói:
“Em đi rèn luyện bản thân thôi.”
Quý không tin, nhưng vẫn gật gù đáp:
“Ừ, đi ra ngoài va chạm sớm thì trưởng thành sớm. Đi làm thêm cũng được thôi, nhưng vẫn phải gọi điện báo cho bố mẹ đấy, kẻo bố mẹ lo.”
Bình luận
Chưa có bình luận