Chương 4: Tiến triển bất ngờ


Tiếng trống hội theo gió bay vào trong lớp, khiến ai nấy càng ủ dột hơn. Hôm nay là ngày 12/11 âm lịch, là ngày chính trong lễ hội của làng tôi. Gọi là hội làng cho dân dã, chứ hội cũng có tên đàng hoàng là “Kỳ Phước”. Ban đầu tôi cũng không hiểu rõ ý nghĩa của cái tên này, cho đến khi đọc cuốn “Việt Nam phong tục” của tác giả Phan Kế Bính, tôi mới hiểu kỳ phước ở đây có nghĩa là cầu phúc, “cầu cho dân được bình an”. Sách viết:

“Trước một ngày, làm lễ cáo yết, dắt trâu bò ra xem xét rồi đổ một chén rượu vào đầu trâu bò, gọi là tỉnh sinh. Tỉnh sinh rồi mới được giết thịt.
Trước khi tế phải rước văn. Dân làng đem long đình cờ quạt, tài tử đồng văn và cắt một người viên chức đội mũ, mặc áo thụng đến tại nhà người điển văn (người coi việc tả văn tế) mà rước bản văn về đình. Người tả văn cũng phải đội mũ mặc áo thụng đi theo sau long đình.
Vào đến cửa đình, người tế chủ phải ra tại cửa ngoài mà nghênh tiếp bản văn đem vào an trí trong nội hương án, đâu đấy mới tế. Tế phải có một người làm tế chủ, kén người nào có chức tước ngôi thứ cao nhất trong làng mới được làm. (…)
Hai người hoặc bốn người bô lão làm bồi tế. (…)
Có hai người Đông xướng, Tây xướng đứng đôi bên cạnh cái hương án bày đài rượu để xướng lễ. Lại có hai người nội tán đứng đôi bên người tế chủ, để dẫn người tế chủ khi ra khi vào, và trợ xướng những khi tế chủ đã vào chiếu xong.Còn phải mươi mười hai người nữa đứng hai bên vào chấp sự, hoặc dâng hương, hoặc dâng rượu, hoặc chuyển chúc đọc chúc vân vân”.

Phần tế lễ này sẽ diễn ra ở ngoài đình, trẻ con chúng tôi không mặn mà cho lắm. Phần chúng tôi quan tâm nhất chính là lễ rước kiệu. Người lớn bảo rằng chui qua kiệu Thánh sẽ học giỏi, thế nên trẻ con trong làng thích phần này lắm. Còn nhớ năm lớp Năm, hôm ấy hội làng cũng vào ngày đi học như này, vì muốn được tham gia hội mà cả lớp chúng tôi đã trốn ra ngoài. Kết quả là hôm đó vào lớp muộn, tất cả bị cô giáo phạt chép lại bài học mười lần. Tuy bị phạt nhưng cả lũ vẫn thấy vui, miệng đứa nào cũng toe toét suốt.

Đang cười như một con dở thì một tờ đề tiếng Anh hiện lên trước mặt làm tôi giật bắn mình. Tất Thành ngồi xuống cạnh tôi, bảo:

– Ê mày, làm hộ tao bài này, có mấy câu bị mắc. Không cần gấp đâu, mai đưa là được.

Tôi nhăn mặt:

– Mai mà không gấp à?!

Năm lớp Sáu, tôi ngồi ngay dưới Tất Thành. Ban đầu hai đứa cũng chỉ nói chuyện bình thường thôi, dần dần chia sẻ bài tập cho nhau. Sau đó, mọi thứ giống như một thói quen, cả hai đều đặn nhờ đối phương làm hộ bài tập tiếng Anh, mà đa phần đều là Tất Thành nhờ, vì cậu đi học thêm ở trung tâm, bên đấy giao khá nhiều bài. Cũng từ đây mà tình cảm của tôi nảy nở, nhưng tiếc rằng nó chẳng thể đơm hoa. Vì trong bản thảo, tôi viết Tất Thành và Tuyết Liên vẫn thân thiết với nhau nên vừa nãy cậu ấy mới nhờ tôi như thế, chứ ngoài hiện thực, chúng tôi đã không còn vô tư chia sẻ việc học tập cho nhau kể từ khi tôi gửi cậu bức thư đó rồi. Ai da, càng nghĩ lại càng đau lòng.

– À mà mày đang không đi học tiếng Anh ở đâu đúng không? Sao không ra chỗ Bubble mà học?

Bubble là tên trung tâm tiếng Anh mà Tất Thành đang học. Tôi nói dối:

– Tao sợ mình không quen với cách dạy của trung tâm.

Lý do thực sự không phải thế, mà bởi vì Tất Thành đang học ở đó. Bên ngoài kia là thế giới hiện thực – nơi mà mối quan hệ giữa tôi và cậu vốn đã chẳng còn như xưa. Thế nên tôi rất sợ. Tôi sợ đi học ở trung tâm sẽ phải đối mặt với cậu, tôi sợ bản thân sẽ không thể trụ vững nổi nữa. Bị từ chối đã khó xử, đây còn là bạn cùng lớp nữa, mỗi lần gặp nhau đều bối rối ngượng ngùng.

Đầu mày Tất Thành khẽ nhíu lại:

– Mày còn chưa học thử buổi nào thì làm sao biết hợp hay không?

Tôi tiếp tục chống chế:

– Tao nghe Quỳnh nói, với cả hôm nào cũng làm bài mày đưa nữa. Như thế cũng đủ biết rồi.

Nghe thế, cậu ấy định nói gì đó nhưng chưa kịp nói thì Ngọc Quỳnh đã xông đến cướp lời:

– Này này, tình tứ thế đủ rồi hai bạn ơi!

Một câu nói đã đủ làm dây thần kinh xấu hổ của tôi rung lên. Mặt tôi dần nóng bừng trong khi cái tên gây ra hiểu lầm lại cười cười đi ra chỗ khác. Trời ạ, sao từ lúc xuyên không vào bản thảo, tôi lại dễ “e thẹn” thế!?

Sau khi Tất Thành đi khỏi, cả nhóm xúm lại quanh chỗ tôi ngồi. Đang là hội làng nên chủ đề của cuộc trò chuyện không gì khác ngoài ăn liên hoan. Vì mai là thứ bảy, lớp học thêm Văn lại học vào buổi tối nên mọi người quyết định mai ăn luôn. Bàn bạc về đồ ăn nước uống xong xuôi, cả bọn lại nói chuyện trên trời dưới biển. Và buồn thay, chuyện tình của tôi lại được đem ra mổ xẻ. Diệu Hà là người tiên phong:

– Thế cậu cứ định giữ mối quan hệ mập mờ này với thằng Tất Thành mãi à?

– Sao lại mập mờ?

– Thì rõ ràng là cậu thích nó, cũng đã gửi thư tình rồi. Còn nó lại chẳng có phản ứng gì về việc ấy, vẫn trò chuyện bình thường với cậu. Cậu có từng hỏi bản thân rằng, rốt cuộc đây có phải là điều mình mong muốn hay không chưa?

Vạn tiễn xuyên tim. Diệu Hà nói đúng, lại còn nói trúng tim đen của tôi. Ở hiện thực, Tất Thành đã thẳng thừng từ chối tôi nên tôi hoàn toàn có thể vạch ra con đường mới cho mối quan hệ này. Nhưng trong bản thảo, thái độ không rõ ràng của Tất Thành lại khiến tôi không biết mình nên làm gì tiếp theo. Mặc dù đã xuyên không vào đây được một tuần rồi, quan sát kỹ càng rồi nhưng vẫn thấy mông lung. Dù tôi là tác giả của tập bản thảo này, nhưng truyện vẫn chưa hoàn thành nên vẫn chưa thể biết trước được cái kết sẽ như thế nào. Ôi, người ta xuyên không thì đều xuyên vào truyện đã kết thúc, vậy mà tại sao đến lượt tôi thì lại sinh ra cái chuyện oái oăm này chứ?! 

– Với cả… – Ngọc Huyền đang nói bỗng bỏ lửng, khẽ nhếch cằm về phía bục giảng.

Tôi nhìn theo, thấy Tất Thành đang trêu đùa Kim Hạnh, trông khá thân mật. Tôi khẽ thở dài trong lòng. Người ngoài cuộc như các cậu ấy còn nhận ra thì không lý nào tôi lại không hiểu. Dù là ở hiện thực hay trong bản thảo, mối quan hệ giữa hai người họ vẫn luôn khiến tôi thấy lấn cấn. Tuy là cả hai vẫn chưa có hành động gì “trên tình bạn” lắm, nhưng hương vị mập mờ tỏa ra từ họ còn nhiều hơn cả sự không rõ ràng giữa tôi với Tất Thành.


Tiết học đầu tiên trong buổi sáng hôm nay là môn Thể dục. Chúng tôi luyện tập đá cầu cho nhuần nhuyễn. Ây dà, cơn ác mộng của tôi đấy. Gắng lắm tôi cũng chỉ có thể đá được mười quả, trong khi đề thi lại là hai mươi quả. Thế là cứ đến giờ thể dục là cả nhóm đều dành phần lớn thời gian dạy tôi đá cầu. Dạy chán rồi thì các cậu ấy chơi đá cầu đôi hoặc thi xem ai đá được nhiều quả hơn.

Đang nhàn nhã ngồi nhìn các cậu ấy thi thố thì cô giáo tuýt còi tập hợp cả lớp lại. Mọi người xếp thành hai hàng dọc nghe cô phổ biến.

– Hôm nay chúng mình cùng chơi trò chơi nhé.

Nghe vậy, cả lũ cứ nghĩ trò chơi sẽ liên quan đến đá cầu, nhưng không, đơn giản chỉ là trò “mèo đuổi chuột”. Thấy cả lớp ngơ ngác, cô giáo giải thích:

– Trò chơi này giúp các em chạy nhanh hơn, chân dẻo dai hơn, từ đấy giúp các em đá cầu tốt hơn.

“Ra là thế”, cả lớp gật gù rồi tản ra, đứng thành một vòng tròn rộng. Đang mải nói chuyện với lũ bạn nên tôi không để ý người nắm tay trái mình là ai, cho đến khi người ta mở miệng cằn nhằn:

– Tập trung vào, mày có định cho cả lớp chơi không?

Tôi kinh ngạc quay sang, nghệt mặt nhìn Tất Thành. Sao ông trời không để những chuyện “trùng hợp” như này xảy ra ngoài hiện thực cơ chứ? Tôi nhìn tay cậu, tâm trạng rối rắm. Hình ảnh Tất Thành ở hiện thực phũ phàng từ chối tôi lại hiện lên trong đầu.

– À, bạn Liên làm trọng tài giúp cô nhé!

– Vâng ạ! – Tôi vội vàng đáp.

Khẽ thở phào nhẹ nhõm, tôi lấm lét ra khỏi hàng, không dám nhìn mặt Tất Thành. Sao tôi lại có cảm giác bản thân vừa mới từ chối cậu nhỉ? Mà kệ đi, ai bảo cậu ta ngoài hiện thực phũ với tôi thế chứ!

Sau khi mèo và chuột đứng vào giữa, cả lớp đã nắm tay nhau thật chặt, tôi ra hiệu lệnh bắt đầu. Mọi người vui vẻ ca vang bài đồng dao.

“Mèo đuổi chuột

Mời bạn ra đây

Ta nắm chặt tay

Đứng thành vòng rộng

Chuột luồn lỗ hổng

Chạy vội chạy mau

Mèo đuổi đằng sau

Trốn đâu cho thoát.

Thế rồi chú chuột

Lại đóng vai mèo

Co cẳng đuổi theo

Bắt mèo hóa chuột”

Trận đầu tiên, mèo thắng. Sau đó tôi chọn ra mèo và chuột tiếp theo. Trò chơi cứ thế, cứ thế tiếp tục. Trận này chuột thắng, trận kia lại hòa. Ai cũng cười tít mắt, không khí rộn ràng như đi chơi hội. Tiếc thay, trò chơi nào rồi cũng phải kết thúc, giờ ra chơi đến sớm hơn chúng tôi tưởng. Hoặc có thể là vì chúng tôi chơi vui quá, quên cả thời gian.

Về đến lớp, mọi người vẫn trò chuyện rôm rả, dường như ai nấy đều đã gạt đi nét sầu ban sáng. Nhóm tôi rủ nhau xuống chỗ Diệu Hà ngồi để chơi chuyền. Mọi năm, cứ đến tầm này là chúng tôi lại rủ nhau mang que chuyền đến lớp chơi. Vì chơi luôn trong lớp nên đứa nào cũng đặt que chuyền lên nơi tiếp xúc giữa mặt bàn với lưng ghế để dễ nhặt hơn. Trò này yêu cầu động tác nhanh gọn và linh hoạt, cũng khá dễ nếu chơi quen. Cũng giống như nhiều trò chơi dân gian khác, chơi chuyền cũng có bài đồng dao của riêng mình. Người chơi sẽ vừa đọc bài đồng dao vừa tung quả chuyền, nhặt que lên rồi đón lấy quả chuyền.

Vì hôm qua chúng tôi vẫn đang chơi dở nên việc đầu tiên của hôm nay là sắp xếp lại thứ tự người chơi. Diệu Hà lấy vở ra ghi.

– Đầu tiên là Ngân, sau đấy đến tớ, đến Liên, rồi đến… Ơ, hết Liên thì đến ai nhỉ?

Tôi đang định nói thì tên Tất Thành dở hơi kia không biết từ đâu chạy đến, xen vào:

– Hết Liên thì đến Vũ!

Tôi liền đá cậu ta một cú:

– Ăn no rửng mỡ à? Hôm trước học cô Tuyết, mày nói thế nào hả?

Thấy tôi nhắc đến chuyện hôm nọ, cậu ta chắp tay, giả bộ xin lỗi rồi chuồn đi.

– Nhưng đúng còn gì, hết Liên thì đến Vũ mà! – Đi được một đoạn, Tất Thành quay đầu lại, nói một câu trêu tức tôi rồi chạy biến.

Tôi sôi máu, gào lên:

– Thằng dở hơi cám lợn kia!!

Aizz, sao Tất Thành trong bản thảo cứ ngứa mồm thế?! Làm người bình thường không được à?!

Thấy lửa giận bừng bừng tỏa ra từ người tôi, Ngân vội vàng bảo tôi hạ hỏa. Tôi cũng chẳng thèm chấp người nào đấy nữa, quay lại chủ đề cũ. Sau tôi là Quỳnh, kế đến là Trúc, rồi đến Như và cuối cùng là Huyền. Hôm qua Diệu Hà đang chơi dở nên hôm nay cô ấy sẽ là người bắt đầu. Cô ấy đang ở bàn thứ tư.

Sau khi rải que chuyền, Diệu Hà vừa tung quả tennis vừa nhặt que. Đôi tay linh hoạt theo từng nhịp đồng dao.

“Tư củ từ

Tư củ tỏi

Hai lên năm”(1)

“Năm em nằm

Năm lên sáu”(2)

– Sáu củ ấu. Bốn lên… (3)Ôi!

Do cô ấy tung quả tennis hơi mạnh nên quả bóng bay ra xa, không nắm được bóng. Thanh Trúc ra nhặt bóng lên rồi đưa cho tôi – người chơi tiếp theo. Tôi và Diệu Hà chuyển chỗ cho nhau. Đầu tiên là rải que chuyền, sau đó là tung bóng tennis và nhón que lên. Vì tôi đeo kính nên việc nhìn hướng bóng có hơi khó một chút. Thêm nữa, quả tennis khá nặng nên cần phải kiềm chế lực tay sao cho bóng không bay quá xa hay quá cao.

“Lá lốt, xương sông

Bông hồng nho nhỏ

Chú thỏ trắng tinh

Em trông thích quá

Xí xóa, một lên đôi”(4)

“Đôi nồi xôi

Đôi nồi chè

Đôi cá mè

Đôi cá chép

Hai lên ba”(5)

“Ba hoa cà

Ba hoa bí

Ba thiên lý

Một lên tư”(6)

Trong lúc tôi chơi, Tất Thành lại mon men đến gần, vẻ mặt giống như đang chờ xem kịch hay. Được, thích xem thì bà đây diễn cho xem!

“Tám cám lợn

Hai lên chín”(7)

“Chín cái cột

Một lên mười”(8)

– Bạn Liên chơi giỏi quá, đến mức thằng Vũ còn phải khen đấy!

Bàn tay đang định tung bóng lên liền khựng lại. Tôi biết ngay mà, chẳng thở ra được câu nào tốt đẹp cả! Tôi lườm cháy mặt cậu ta, nghiến răng:

– Mày nên cảm ơn ông trời vì tao đang chơi đi, không thì mày no đòn với tao!

Chẳng biết Tất Thành học đâu ra cái thói cợt nhả mà vênh mặt lên với tôi:

– Đây, tao chường mặt cho mày đánh này!

Thằng dở hơi này!! Núi lửa trong phòng tôi lại phun trào, tôi tiến về phía cậu ta. Đang định đánh thật thì trống vào lớp vang lên. Ôi, đến cả bác bảo vệ cũng không muốn tôi tẩn cho tên này một trận nữa ư? Nhưng nhìn cái mặt đáng ghét kia, tôi không chịu nổi bèn dẫm một phát thật mạnh vào chân Tất Thành rồi hiên ngang quay mặt đi. Mặc kệ cậu ta cứ la oai oái vì đau, tôi vẫn chỉ cắm cúi thu dọn que chuyền với nhóm, không thèm quan tâm đến cái tên khùng dở kia.



_________________________________

(1) (2) (3) (4) (5) (6) (7) (8) Bài đồng dao “Chơi chuyền” này sẽ tùy thuộc vào từng vùng miền, từng địa phương mà có sự khác biệt. Phía trên là bài đồng dao được lưu truyền ở địa phương người viết.


Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}