Giờ ra chơi.
Mới có mấy phút mà lớp học đã như tổ ong vỡ trận. Không khí nhộn nhịp đến mức tôi, một kẻ đang tận hưởng giấc ngủ ngắn sau tiết Văn đầy chữ, cũng phải bật dậy như vừa nghe tiếng báo thức.
Mọi người ai nấy đều tụm năm tụm ba bàn tàn với nhau về một câu chuyện truyền thuyết dần nổi lại dạo gần đây.
“Đã biết gì xảy ra chưa?”
“Chuyện gì thế mày.”
“Hôm qua có người lại nghe thấy tiếng la hét thất thanh từ phía đằng sau bệnh viện đấy.”
“Thật à mày, không phải lại tiếng mèo kêu nữa đấy chứ?”
“Không đâu, rõ ràng tối hôm qua có một người đi qua đằng sau bệnh viện thì có nghe thấy tiếng hét xen lẫn tiếng cười man rợn.”
“Nghĩ mà xem, làm gì có con mèo nào kêu như tiếng cười của người như thế.”
“Tao cũng có nghe nói đến, mấy hôm trước cũng có người nghe được tiếng y chang vào lúc nửa đêm.”
“Bà thím gần nhà của tao còn nghe đâu được rằng có mấy bệnh nhân ở bệnh viện đấy, tối có đi dạo xung quanh vì không ngủ được. Họ đều nghe thấy những âm thanh rất lạ phát ra từ phía đằng sau của bệnh viện.”
“Lại là bà thím nào nữa thế?”
“Sợ thế, hay là có ma mày nhỉ?”
“Ma quỷ gì chứ, thời đại này rồi còn tin mấy chuyện vớ vẩn đấy.”
Tôi cố gắng chui đầu vào giữa hai cánh tay, mong tìm lại giấc ngủ vừa bị giật mất, nhưng không ăn thua. Đám bạn tôi vẫn tiếp tục bàn tán như thể cả lớp sắp chuyển thành hội săn ma quốc gia.
Tôi, một học sinh lớp 11D2 ngỡ đang tận hưởng một giấc ngủ ở giờ ra chơi yên lành như mọi khi, ấy thế mà lại bị tiếng bàn tán xôn sao mấy chuyện ma quỷ gì đó đánh thức.
“Cứ tình hình này thì chốc nữa…” Chưa kịp nói hết câu thì rắc rối lại tới với tôi.
Đức Minh, cậu bạn học lớp 11A2, lớp nằm ngay dưới lớp tôi. Tên này như có radar riêng bắt sóng tin đồn, đã thở hổn hển chạy lên tận lớp tôi. Nhìn mặt nó là biết không phải vì lo học, mà là vì cái “chuyện ma” mới hot.
Chúng tôi là bạn nối khố đúng nghĩa. Từ lúc còn chơi cát chung đến tận bây giờ cấp ba, dù học khác lớp thì tình anh em vẫn vững như bê tông cốt thép. Nhà gần nhau, mẹ lại là bạn thân, hai đứa gần như lớn lên trong cùng một cái nôi.
Với tầm hiểu biết của tôi về nó thì sau khi nghe thấy câu chuyện này. Chắc cú là nó sẽ hứng thú và kéo tôi đi tìm hiểu cho bằng được.
“Mày nghe chuyện đó chưa?” Nó vừa thở hổn hển, vừa đưa đôi mắt nhìn tôi.
Tôi thì không quan tâm lắm lên chỉ thờ ơ đáp lại: “Vừa nghe xong.”
“Đã nghe rồi thì biết phải làm gì rồi đấy chứ!” Nó dương ánh mắt mong đợi và một nụ cười tinh quái về phía tôi.
Tôi thì đoán ra ngay cái ý định của nó lên thẳng thừng từ chối như bao lần. Nhưng có lẽ tôi đã đánh giá quá thấp sự húng thú của nó lần này.
Khi mà nó giờ đây giờ ra chơi nào cũng đến lớp tôi, rồi thủ thỉ vào tai tôi mỗi lúc tôi đang chuẩn bị vào giấc. Nó cứ ngồi luyên thuyên mãi bên tai tôi suốt cả mấy giờ ra chơi sau đó, thậm chí trên đường đi học về nó vẫn không tha cho tôi.
“Mày có thôi đi không đấy?” Tôi nhìn sang cậu bạn bên cạnh.
“Mày chịu đi với tao thì tao không làm thế nữa!” Nó khẳng định chắc nịch.
“Tao không đi đâu. Mày quên vụ cánh đồng lần trước rồi à?” Tôi gằn giọng, nhắc lại vụ “ma bù nhìn” hồi năm ngoái.
Tôi nói tiếp: “Mày không nhớ lần trước à, cái lúc mày nghe được mấy lời đồn gì về hồn ma lơ lửng giữa cánh đồng đấy có nhớ không?” Tôi phải nhắc lại câu chuyện lần trước để nó hiểu được lần này cũng có thể như lần đó.
Tôi lại nói tiếp: “Thế mà ai cũng đồn nào là gặp được hồn ma bay lơ lửng ở giữa cánh đồng lúc tờ mờ sáng, rồi có người lại nhìn thấy bốn năm con vào nửa đêm khi chạy xe qua cánh đồng. Rồi sao, thì ra đấy chỉ là mấy con bù nhìn của chú Phát trồng ngô, do dạo ấy có nhiều chim đến phá quá nên mới làm mấy con bù nhìn để dọa tụi nó, bất cẩn thế nào mà bác ấy lại làm nó cao quá lại còn bọc nó trong bao ni lông trắng. Thế mà ai đi qua cũng tưởng ma này ma nọ, chẳng qua là sáng bác ấy giậy sớm tháo nó xuống chút, thế mà còn có người đồn rằng mấy con ma biết di chuyển, hài dễ sợ.”
“Thế nhưng mày biết mà.” Nó vẫn chưa từ bỏ cho lắm nên cố gắng thuyết phục tôi.
Thấy nó lần này kiên quyết như thế lại hôm trước mượn nó đôi giày cho tiết thể dục nên tôi miễn cưỡng đồng ý với nó.
Thấy tôi đồng ý, hai mắt nó sáng lên như đèn pha ô tô. Nó kêu tôi đợi nó tại gốc cây gần nhà tôi tối nay. Nghe nó nói vậy tôi lại thấy hơi sai lầm khi đồng ý với nó rồi đấy.
Tối đó, sau khi về phòng tôi có hơi thấy mình điên khi lại đồng ý với mấy ý tưởng điên rồ của nó. Trong lúc đang phân vân không biết có lên theo nó không, thì ngoài cửa sổ đột nhiên có mấy cục giấy bay vào. Trời ơi, cái chiêu này từ thời tiểu học mà giờ nó vẫn xài. Nhìn mấy tờ giấy nằm chỏng chơ dưới đất, tôi chỉ biết thở dài cam chịu số phận
Nó biết là sẽ không thuyết phục được bố mẹ tôi nên bèn nghĩ ra cái kế này. Khi cần chỉ cần ném mấy mẩu giấy vốn nằm trong hộp đựng giấy bố tôi bỏ ngoài nhà, mỗi khi đầy bố tôi sẽ bán chúng cho một người mua.
Biết nó đã đứng dưới đó, tôi hé đầu ra cửa sổ, đập vào mắt tôi là gương mặt thân quen ấy. Nó hối thúc tôi xuống mau. Để xuống được cũng đơn giản thôi, bên kia phòng tôi có một ban công, không biết vì lí do gì mà bên cạnh ngay cái ban công đấy có một cây cau, tôi chỉ cần bám vào nó rồi từ từ trượt xuống, nói chứ cái cây này ở đây hơn chục năm rồi, từ lúc tôi biết nhận thức thì nó đã có ở đấy.
“Mày làm gì mà lâu thế, định sủi à?” Nó càm ràm với tôi như bà cụ non ngay khi hai chân tôi chạm đất.
Tôi không có lí do để biện bạch nên hỏi nó: “Sao rồi giờ ta nên làm gì đây?”
Nó nhìn tôi rồi cười mỉm, nụ cười ấy khiến tôi muốn táng cho nó phát nhưng nghĩ lại nên thôi.
“Hai bác ngủ rồi à?” Nó thì thầm với tôi.
“Chắc thế, dạo này bố tao có được tin mấy vụ, chắc sắp lại đi đâu đó nữa rồi.”
Bố tôi là một nhà báo. Nhưng không phải kiểu nhà báo văn vẻ hay gõ bài phê bình phim ảnh này nọ, ông chuyên săn những tin nóng hổi, những vụ việc giật gân kiểu “có thật hay không?”, “bí ẩn chưa lời giải”, “người dân đồn đoán”, nói dễ hiểu hơn thì ông là kiểu người mà khi có vụ tai nạn, án mạng hay hiện tượng lạ, chưa ai biết đúng sai thế nào thì ông đã có mặt hiện trường từ… ba tiếng trước rồi.
Ông ấy không ở nhà nhiều. Công việc của ông giống như một cuộc săn liên miên, chỉ cần nghe tin có chuyện lạ ở đâu là lập tức khăn gói máy ảnh, sổ ghi chép, máy ghi âm và rút đi như một cơn gió. Có lần còn sang tận vùng núi vì nghe đồn có người bị “người rừng” bắt cóc.
Bố có một thói quen mà mẹ tôi vừa bất lực vừa ngán ngẩm: ông viết nháp bằng tay. Mỗi bài báo, ông có thể viết đi viết lại cả chục lần, chỉnh từng chữ, từng câu cú, đến mức tờ nháp nào cũng chi chít vết gạch xóa, mũi tên chỉ dòng, khoanh tròn bôi đỏ. Căn phòng làm việc của ông không khác gì một kho giấy vụn, lúc nào cũng có hai, ba hộp giấy to đùng chất đầy những bản nháp bị vứt bỏ.
Mỗi lần dọn nhà là mẹ lại nhăn mặt: “Trời đất, ông có thể viết trực tiếp lên máy tính được không?” Nhưng ông chỉ lắc đầu: “Tay tôi gõ bàn phím không bắt kịp đầu óc. Viết tay mới chậm mà chắc.”
Những tờ báo ông từng mua để tham khảo cũng chất cao như núi. Ông bảo: “Tin tức là vũ khí. Phải đọc đủ để biết người ta đã viết gì, đang nghĩ gì, và thiếu cái gì.” Nhờ thế mà tôi có cả một thư viện báo giấy đủ loại, từ chính thống đến lá cải, từ tin kinh tế tới chuyện giật gân.
Chính vì căn nhà có cả một “hệ sinh thái giấy” như thế nên mỗi khi bạn tôi thằng Đức Minh, cần truyền tin lén lúc nửa đêm, nó chỉ cần lượm vài mẩu giấy vứt cạnh nhà, vo tròn rồi ném lên cửa sổ phòng tôi. Đó là ám hiệu chúng tôi vẫn dùng từ hồi tiểu học, hồi còn bị bố mẹ cấm đi chơi buổi trưa. Bây giờ vẫn vậy, nhưng mục tiêu chuyển từ chơi đá banh sang… săn ma.
Và cũng chính vì sống chung với một ông bố suốt ngày săn mấy chuyện “kỳ bí” như vậy, tôi dường như đã miễn nhiễm với mấy chuyện ma quỷ. Dù vậy, Đức Minh thì không, chắc nó bị nhiễm đam mê từ bố tôi từ hồi còn bé xíu, lúc mà nó còn chưa biết đánh vần từ “giật gân” đã mê mẩn mấy bài báo giật tít của ông rồi.
Quay lại chủ đề tôi lại hỏi: “Thế giờ mình làm gì, cứ đứng đây đợi muỗi nó làm thịt à?”
“Mày yên tâm tao sắp xếp hết rồi.”
Nói xong nó cho tôi xem cái ba lô nó mang trên lưng nãy giờ, trong đó tôi dám chắc phải lắm đồ lắm “nhìn nó phồng lên như quả bóng thế kia cơ mà” tôi tự nhủ.
Nó đưa tôi nào là từ xẻng gấp, rồi cây gậy gì đó, mấy cái bật lửa, bình nước, bản đồ thế giới.
“Bộ mày định đi tìm kho báu hay gì à?” Tôi nghĩ trong lòng, rốt cuộc nó định làm cái khỉ gì.
“Mấy thứ này thực sự có ích à?” Với ánh mắt đầy nghi hoặc, tôi hỏi nó.
Nó chỉ thờ ơ trả lời, rồi rút ra từ ba lô hai cái đèn pin “Biết đâu được, tao dám chắc mày không mang theo đèn pin lên chuẩn bị sẵn cho rồi này.”
“Thôi nói nhảm với mày nhiều quá, ta lên đường đến chỗ đấy luôn kẻo tối.” Nói xong nó bước tới lôi cái xe đạp từ đằng sau cái cây ra. Rồi nó lôi cái xe đạp ra, trèo lên, quay lại nhìn tôi:
“Lên lẹ, chiến hữu. Đêm nay ta đi săn ma!”
Tôi vừa leo lên vừa thầm nghĩ: “Nếu mai mình không có mặt ở trường, chắc là đang bị nhốt trong bệnh viện tâm thần rồi.”
Lúc này tôi thấy nhớ cái giường của mình rồi đấy.
Bình luận
Chưa có bình luận