- Coi như là chuyến lưu diễn cuối cùng đi, ông Harold!
Một anh chàng có hàng ria mép được tỉa tót bảnh tỏn đang ra sức lay động một người đàn ông đang ngồi im như tượng nãy giờ. Người đàn ông đó lần mò trong túi áo một chiếc đồng hồ quả quýt, đôi mắt màu kim loại lạnh nhìn nhịp tíc tắc của kim phút kim dây, chân gõ từng nhịp đều đều trên sàn, mọi hành động của ông ta như thể đang chứng minh rằng ông đang dần mất hết kiên nhẫn:
- Không thể được! Cậu Theodore, tôi có nguyên tắc của tôi. Tôi đã lớn tuổi quá thể, thậm chí tôi đã mua sẵn bia mộ của chính mình. Giờ đây cậu bảo tôi vác cái thân già khú này băng qua Đại Tây Dương rồi quay trở về ư?
Anh chàng khẽ đứng dậy, ngồi tựa vào mép bàn, hai tay xun xoe lại với nhau, giống một người tiếp thị đang nhiệt tình chào hàng mà không biết rõ chất lượng hàng hoá ra sao.
- Ông Harold, theo như tôi nhớ không nhầm thì ông mới 49 tuổi, số tuổi này có nhằm nhò gì so với tài năng của ông chứ. Ở Southampton, ai cũng gọi ông là “ ngón tay được thần Apollo hôn”, với cây đàn Cello, ông vốn có thể sẽ dễ dàng trở thành triệu phú khi từng trình diễn nhiều lần cho Hoàng gia Anh.
Theodore dừng lại, châm tẩu thuốc rồi hít một hơi sâu. Khói thuốc lảng bảng men theo ánh sáng trôi dạt đến bầu trời, có lẽ khói lưu luyến tấm rèm cửa màu bơ sữa thêu hoa nhí này nên chưa kịp bay lên trời thì đã tan biến rồi hoà vào làm một với từng sợi chỉ mũi kim. Tấm rèm đã có màu ố vàng đặc trưng, tựa như đã có hàng trăm hàng ngàn kiếp khói neo đậu nơi đây.
- Tôi mạn phép xin lỗi trước vì những lời nói tiếp theo này, tôi buộc phải nói vì muốn tốt cho ông thôi, dù rằng ông đã từng giúp mẹ tôi. Khoản tiền kếch xù của ông, nó đâu rồi? Phải chăng tất cả đều bố thí cho những kẻ nghèo nàn mạt rệp khắp mọi xó xỉnh nơi này? Ông cho chúng thì chúng có bớt nghèo hèn đi được không? Không, chúng chỉ là loài đỉa đói vô ơn, không biết thế nào là đủ cả đâu.
Ông Harold thở hắt ra một hơi, đôi lông mày màu tiêu khẽ chau lại, khoé môi run rẩy một nỗi niềm khó tả:
- Tiền của tôi không đến lượt cậu phán xét. Tiền của tôi không đưa họ thoát ra khỏi số phận nhưng tôi cho họ một bữa ăn, một cái chăn ấm, một mái nhà tế bần. Tất cả đều chỉ có một mục đích duy nhất là mong họ sống sót qua những đêm lạnh. Cậu Theodore, cậu không thuyết phục được tôi nên chuyển sang công kích tôi đúng không?
Chớp được thời cơ, Theodore khẽ búng ngón tay rồi rướn người lại gần, đặt một tệp giấy có đánh dấu xi vào tay ông. Giọng ráo hoảnh:
- Bé Emily Scott được ông chạy chữa gần 13 năm nay, thế mà hôm qua nhà Scott lại đưa thêm một đứa nhóc bệnh tật mới cho ông. Tôi luôn có một thắc mắc tại sao nhà nghèo lại đông con vậy? Một ổ bệnh dịch muốn lây lan ư?
Harold đứng bật dậy, tiếng chân ghế kéo lê tạo nên thanh âm chát chúa, xé tan không khí sượng ngắt nãy giờ của cả hai.
- Tôi về đây, tôi đến đây không để nghe cậu sỉ vả tôi hay sỉ vả bất cứ ai.
Ngay khi ông với tay lấy mũ và áo khoác ở giá treo đồ thì Theodore khoanh tay lại, ria mép khẽ rung rung theo từng lời mà anh ta phát ra:
- 3000 bảng Anh cho chuyến lưu diễn lần này! Tôi biết ông cần bao nhiêu tiền để đổ vào mong ước được trở thành Đấng Cứu Thế của ông.
Bước chân của ông Harold khẽ dừng lại rồi ra sức đóng sầm cửa, ông vừa đi vừa lẩm bẩm, người ta có thể nghe loáng thoáng thế này “Cái thằng nhãi vô ơn, ta cóc cần thứ gì của mi hết, ta nào phải cao cả gì cho kham mà lắm ma quỷ muốn cám dỗ ta thế”. Ông vừa rẽ đến ngôi nhà đối diện tòa bưu cục thì một đứa trẻ nhảy xổ ra, ôm chằm lấy ông:
- Ông ơi! Chị Emily tỉnh rồi, chị muốn tìm ông. Ông đến nhà thương xá đi ông ơi!
Harold để đôi bàn tay nhỏ nhắn lấm lem kéo mình khỏi vũng bùn của rối ren bế tắc. Nhà thương xá mới quét vôi nên có mùi hăng dịu, những quả cam như điểm chấm phá trong khu vườn tẻ nhạt này. Ông rũ mắt xuống nhìn cô gái có mái tóc nhạt màu đang tựa trán vào tay ông.
Ông Harold vẫn không nói gì, bàn tay còn lại vuốt ve mái tóc nhạt màu của cô, mặc cô khóc ướt tay mình. Ông ngồi trên ghế tựa ngoài vườn, hai tay buông thõng xuống, để nắng nhạt đan cài với hương cam nhảy nhót trên vầng trán của mình. Ông đưa mắt nhìn về những đứa trẻ nhà Scott bao quanh giường bệnh, đang chăm chú nghe Emily kể chuyện cổ tích rồi thầm nghĩ “Những ngón tay ta chỉ có những số phận khốn khổ cầm lấy chứ nào có thần thánh chìa ra cho ta”.
Ông Harold về đến ngôi nhà đang thuê của mình, mụ giúp việc hôm nay lại quên cho mèo ăn, nhìn con mèo quấn lấy chân mình kêu ngao ngao, ông đành đổ thức ăn của mèo vào bát rồi đi chân trần vào phòng, không cởi áo khoác, nằm úp mặt xuống tấm đệm mềm. Ông đưa ánh mắt hằn học nhìn vào cây đàn Cello dựng cẩn thận ở góc tường, nghiến răng gằn từng tiếng:
- Mày là thứ của nợ!
***
Ngày 11 tháng 04 năm 1912
Tối hôm trước Harold có nhấp mấy ngụm rượu nên ông lên thuyền với trạng thái không mấy ổn định. Ông tựa đầu vào chiếc đàn Cello được bọc cẩn thận trong cái túi da của mình, ngón tay khẽ vuốt cằm thấy nhoi nhói, ông đã quên cạo râu hai ngày rồi.
Ông nhìn thấy Theodore đang thao thao bất tuyệt với nhạc trưởng của dàn nhạc, ông khá bất ngờ về vị nhạc trưởng còn rất trẻ tuổi này. Họ được Theodore dẫn đến buồng nghỉ cho các nhạc công, anh ta vẫn nói luyên thuyên về sự vĩ đại của con tàu Titanic. Ông lại nheo mắt nhìn về hướng bốn cột ống khói khổng lồ đang nhả khói ngùn ngụt rồi nhìn những người trên bờ đang vẫy tay vẫy khăn từ biệt, nhìn mãi cho đến khi họ thành những chấm nhỏ li ti.
Theodore dựa vào lan can, hé mắt nhìn những bông hoa hồng và xác pháo hoa nhiều màu sắc trôi lềnh phềnh trên sóng biển nãy giờ:
- Có phòng tắm Thổ Nhĩ Kỳ ở đây, ông nên đến đó sửa soạn lại chính mình. Tối nay ông sẽ trình diễn cho một trong những người giàu nhất thế giới thời bấy giờ đấy và tôi sẽ không lấy khoản hoa hồng, vì Chúa.
Nhìn bóng dáng đút hai tay vào túi đi khuất dần của Theodore, ông cũng quay lưng về phòng, mùi tanh mặn của biển cả như véo một cú đau điếng vào dạ dày của ông, đau đến xây xẩm mặt mày, Harold cố không nghĩ đến từng nhịp chòng chành của sóng biển, giờ đây giấc ngủ chính là liều thuốc an thần duy nhất của ông.
Trời chạng vạng, ráng đỏ xen lẫn vào từng áng mây lững lờ, một họa sĩ nào đó đã lỡ làm đổ giá vẽ của mình, sắc đỏ sắc cam sắc hồng xen lẫn một cách ngẫu nhiên, họa sĩ không thể tài nào vẽ lại được bức tranh thế này. Cũng như tạo hoá cũng không thể vẽ lại hoàng hôn thứ hai. Ông Harold chỉnh lại cổ áo, mái tóc được vuốt keo của ông cũng không nhịn được mà phất lên reo hò với từng cơn gió biển phóng khoáng vụt qua, ông vội giữ lại nếp tóc và đi đến sảnh chính. 
Họ đem cả một rạp hát hoa lệ lên con thuyền này, đèn chùm vàng như đính kết từ trăm nghìn hạt sương đong đầy ánh dương, tường và các trụ cột thì chạm trổ khéo léo đến mức như chỉ cần một tia sinh khí, các họa tiết sẽ lục đục vươn mình sống dậy. Thảm đỏ, vách tường và ghế bành cũng phủ đầy nhung đỏ, những bộ váy dạ tiệc xúng xính, mùi thơm của thức ăn, hồng trà, hương liệu và rượu hảo hạng, mọi thứ xa hoa này, Harold đã quá quen thuộc và sớm chán ngấy. Mùi chim cút quay và mùi nước hoa của phụ nữ ám lấy cổ tay áo của ông, Harold đánh đàn theo sự chỉ huy của nhạc trưởng trẻ tuổi tài ba, từ giai điệu mùa hè vui nhộn đến điệu valse khiêu vũ. Ông đánh đàn mà như nhai sáp, đánh theo những nốt nhạc in đậm trên khung chứ không phải đánh theo từng nhịp từng phách cảm xúc lên xuống của con tim.
Ngày tiệc, chiều tiệc, đêm tiệc… Ông ngồi trong phòng, sau khi lấy một miếng vải khô lau sạch bụi rosin trong đàn thì ông thủ thỉ với cây đàn đã làm bạn với ông gần 20 năm
- 3000 bảng Anh làm tội làm tình với ta và mi thế đấy, gắng cho xong chuyến này nhé cậu bé của tôi!
***
Hôm nay trăng tròn vành vạnh như viên ngọc trai được đóng khung kính trong bảo tàng, đẹp nhưng mờ mờ ảo ảo, hoá ra là trăng ngại ngùng nên mượn những áng mây kết thành khăn trùm mặt. Harold hiếm khi thả lỏng bản thân đến thế, ông đến khoang bình dân, ngồi uống thứ rượu lúa mạch rẻ tiền, mùi xì gà ẩm mốc, mùi mồ hôi của cơ thể và cả tiếng ồn ào từ những thú vui nhảy nhót với nhịp điệu điên rồ. Chỉ một cây đàn Harmonica truyền từ người này sang người khác thay nhau thổi, họ đã có bữa tiệc được là chính mình, được bình đẳng, được là xương là máu là thịt với nhau.
- Ngài Harold, là con, con là Sam Scott, anh trai của Emily. Thật trùng hợp khi gặp ngài nơi đây!
Harold vừa cụng bia với một người đàn ông có nhiều vết xăm trên mặt, chợt nghe tiếng ai đó gọi tên mình thì thấy một thanh niên trẻ tuổi từ đám đông đi về phía ông. Người thanh niên có mái tóc vàng xỉn, quần áo đã ngả màu cháo lòng, mắt hấp háy nhìn ông:
- Là con! Sam Scott đây! Con sẽ đến Newyork để kiếm tiền, ngài sẽ chúc lành cho con chứ?
Đặt cốc bia đầy bọt xuống bàn, Harold nở nụ cười bất đắc dĩ:
- Ta nào phải linh mục nhưng thôi, chúc anh đi đường bình an mạnh khoẻ!
Sam Scott cầm chiếc mũ bị mình vần vò đến nhăn rúm đội lại lên đầu, nở nụ cười đầy mãn nguyện rồi quay trở lại đám đông, hoà chung với từng con sóng nhiệt tình nối kết những kiếp người xa lạ với nhau.
Ngà ngà say với men bia, Harold đi đến mũi tàu, từng cơn gió giá lạnh như sợi cước cắt từng thớ thịt thớ cơ trên khuôn mặt ông. Ông nằm ngửa trên một chiếc ghế dài, đưa mắt nhìn bầu trời, đôi mắt màu kim loại lạnh như quả cầu phù thuỷ của người Digan, thinh lặng soi chiếu bầu trời đầy sao như cách nó vốn dĩ và nó sẽ là.
Những kí ức vụn vặt bất ngờ trỗi dậy, ông từng cầu hôn một danh ca nổi tiếng xinh đẹp nhưng cô ấy từ chối với một lý do đầy lạ lẫm là do ông sống như một vị Thánh mà cô ấy không phải là người tiết hạnh, tình yêu không phải là cứ nhét hai người trong một ngôi nhà rồi sống với nhau đến già, cô ấy muốn một cuộc đời phi thường nhưng không phải phi thường theo kiểu này.
Harold thôi không tự dằn vặt bằng những nỗi đau của quá khứ, ông nhớ con mèo ở nhà của mình, không biết mụ giúp việc có cho nó ăn đầy đủ không nữa, ông lịm dần vào giấc nồng cho đến khi một viên thủy thủ đoàn đánh thức ông dậy và đưa ông về buồng nghỉ ngơi.
Cái giá cho việc tuỳ hứng này là ông ốm một trận liệt giường, run lẩy bẩy trong ổ chăn, ông đưa mắt nhìn nhạc trưởng Wallace đến thăm ông, anh ta cũng không nói gì nhiều ngoài mấy lời hỏi thăm khách sáo. Cho đến khi Harold hỏi về chiếc đàn violin của anh ta thì Wallace mới nói với ông bằng một cung cách thân mật lạ thường:
- Đó là tất cả mọi thứ đối với tôi!
Quả thực là thế, ông thấy trên miếng bạc gắn ở thân đàn có khắc dòng chữ: "Dành tặng anh Wallace nhân ngày đính hôn của chúng mình. Maria."
Ông Harold cố rướn người lên nhấp từng ngụm nước rồi nói lời tạm biệt với Wallace:
- Cô ấy là hôn thê của cậu à?
Wallace vẫy tay chào lại, ngược sáng nên không thể thấy rõ được sự hạnh phúc đang đong đầy trên từng nét mặt của anh ấy:
- Phải! Là người phụ nữ xinh đẹp và tuyệt vời nhất trên quả đất này!
***
Ngày 14 tháng 4 năm 1912
Mọi thứ đều không chân thực đối với quý ông Harold, ông cố lắc đầu để xua đi cơn váng vất do một trận sốt để lại. Ông cảm thấy mồ hôi sau lưng ướt đẫm bộ lễ phục của mình, bẻ cổ áo ra để thắt cả cà vạt, ông rùng mình với một cơn ớn lạnh đang mon men từ biển cả như một xúc tu vô hình đang trườn lên rồi siết chặt con thuyền này.
Wallace quay lại nở nụ cười đầy thiện chí với ông, họ ngồi vào vị trí của giàn nhạc rồi đánh một bản giao hưởng nhẹ nhàng, tầng lớp thượng lưu hôm nay quây thành nhiều bàn tròn thưởng thức bữa tối. Từng hàng người phục vụ đang lũ lượt bưng những đĩa thức ăn tinh xảo đến, tiếng nói nhẹ nhàng có, tiếng cười sang sảng cũng có khiến ông Harold tạm ngưng chốc lát, mở chiếc đồng hồ quả quýt ra nhìn giờ.
- Hôm nay có đến mười cặp đôi hưởng tuần trăng mật ngồi ở đây đấy! - Một người bạn đồng diễn gác cây đàn violin trên vai quay sang dí dỏm nói với Harold.
“8:24 p.m”
- Vậy thì không thể thiếu những bản tình ca trứ danh rồi! - Ông nhận ra giọng mình khô khốc quá đỗi.
Người bạn kia không để ý đến sự khác thường của Harold, ông ta khẽ nhún vai rồi chú tâm vào việc lồng khung cửi là khung nhạc để lấy những nốt nhạc làm con thoi, bện thoăn thoắt lại với nhau để cho ra một tấm tình ca du dương đến nỗi làm những vị khách cũng phải thinh lặng trong chốc lát để thưởng thức trọn vị bữa ăn của thính giác.
Bữa tiệc tổ chức thâu đêm, những đóa hồng còn vương đầy giọt nhựa vàng như mật được đính khắp các lan can và cầu thang, cánh hoa rơi vãi trên thảm đỏ, bị trăm ngàn gót giày giẫm qua rồi hất văng xuống gầm bàn, cánh hoa tội nghiệp đó đã kết thúc cuộc đời của mình như vậy đấy.
“23:10 p.m”
Tiếng nhạc cũng không thể át được âm thanh xì xào bên ngoài. Harold gật đầu với Wallace rồi đi ra ngoài, ông còn lịch thiệp chào hỏi với những người đã từng giao thiệp trong quãng đường đi ra sảnh chính. Ông nghe thấy tiếng la hét của một thủy thủ đoàn:
- Ống nhóm đâu? Mẹ kiếp! Ống nhóm đâu rồi?
Theodore đã ở ngoài đó từ bao giờ, anh ta gạt tàn thuốc xuống biển, tay sửa lại cặp kính Pince-nez, khẽ mỉm cười:
- Chút trục trặc nho nhỏ thôi mà, ông không quay lại bữa tiệc sao, tôi thấy món tráng miệng là bánh tart chanh không tệ.
Harold không đáp lại, ông nheo mắt nhìn về xa, ánh trăng bàng bạc như cố tình dặm thêm lớp phấn dày vào tròng mắt vốn đã đục dần vì tuổi tác của ông. Ông đánh hơi được cái cây Đinh Ba đầy thinh nộ của Poseidon đang chĩa về con thuyền này.
Harold đi vào bữa tiệc, ôm thật chặt chiếc đàn Cello trong lòng và chờ đợi…
“23:40 p.m”
Con thuyền rung lắc dữ dội như gặp một dư chấn kinh hoàng. Mọi người đều chao đảo ngã sõng soài ra giữa nền, chén đĩa dao nĩa vỡ tung toé. Tiếng la hét thất thanh từ khắp nơi trong con tàu ré lên như một tiếng kèn xung trận, dự báo điềm chẳng lành.
Harold đã cố giữ chặt nhưng cũng không thể ngăn được cây đàn Cello nặng trịch rơi xuống mặt sàn, cây đàn phát ra thanh âm như tiếng cột sống gãy răng rắc, một cú ngã chí mạng.
- Mày là thứ của nợ! - Lần này ông rũ mắt xuống, ve vuốt những vết rạn vỡ trên thân đàn.
Ông cùng ban nhạc đến boong tàu, họ vẫn ôm chặt cây đàn là tâm huyết của đời mình. Lướt qua mắt họ là ngọn núi băng hùng vĩ, dưới ánh trăng trở nên sạch sẽ, tinh khôi hơn bao giờ hết. Nếu nó không làm sườn tàu bị bóp méo dị dạng và các lan can tàu bị cong vẹo thì đây chính là một cảnh sắc đáng thưởng thức bởi vì nó đã trượt khỏi kẽ tay của Đấng Tạo Hoá.
Những vụn băng rơi lộp bộp trên boong tàu như vụn rỉ sắt vốn bao phủ quanh một lưỡi kiếm thép xanh, mũi kiếm bén nhọn giật mình tỉnh giấc, thọc một nhát sâu vào tạo vật của nhân loại dám ngông cuồng đâm vào nó này.
Ngón tay run rẩy của Harold dí chặt vào phím dây đàn, thứ gì đó đã phá vỡ sự trấn định từ trước đến nay của ông:
- Mọi chuyện ổn rồi đúng không?
Ai đó đã hét lên, cắt lìa tơi tả lời nói chưa kịp thoát hơi hết của ông:
- Nước tràn vào thuyền rồi!
Như một cú búng tay để kích phát hiệu ứng Domino, mọi người, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ gái trai, tất cả đều là những mảnh ghép đồng thời bị nỗi sợ hãi đốn gục xuống. Họ cho phần “người” đi vào dĩ vãng, phần “con” trỗi dậy. Chỉ đáng thương cho hai viên thuỷ thủ đoàn phát áo phao trở thành trung tâm của trận chiến tranh giành giẫm đạp lẫn nhau. Tai của những người đó ù dần, họ không nghe nổi bất cứ lời trấn an nào nữa vì mắt đã bị đóng đinh cái hiện trạng rành rành của con tàu “chẳng mấy chốc con tàu sẽ chìm xuống”.
- Có đủ áo phao cho tất cả mọi người! - những thủy thủ đoàn gào thét bất lực trước sức mạnh ngùn ngụt của đám đông. Tiếng khóc thất thanh của phụ nữ và trẻ em đồng thời vang lên.
Có một thủy thủ đưa áo phao cứu sinh màu trắng cho ban nhạc, họ cầm lấy, đặt những chiếc đàn ở nơi an toàn rồi mặc áo phao cho những đứa trẻ bị lạc bố mẹ đang chạy loạn trên boong tàu, không một ai trong tám người họ mặc áo phao. Bàn tay của họ run lẩy bẩy, ôm chiếc đàn của mình chặt hơn…
Harold là người tách hàng đầu tiên, ông đi đến mạn sườn tàu và nheo mắt nhìn xuống vết nứt vỡ toang hoác, người ta thấy ông đứng bất động hồi lâu, sau cùng ông lặng lẽ làm dấu Thánh giá, kết cục của con thuyền này đã rõ ràng rồi.
Càng ngày càng có nhiều người chạy lên boong tàu, Harold quan sát những nhà quý tộc cũng dần trút những bộ áo cánh trang nhã, họ điên cuồng tìm các thuyền viên, hứa hẹn thậm chí là đút tận tay một khoản tiền khổng lồ để bảo toàn tính mạng của họ. Người nghèo thì dễ hơn, họ đóng kín cửa phòng lại, chấp nhận số phận rồi cùng nhau chìm vào giấc ngủ vĩnh hằng. Số đông còn lại thì bâu kín đến thuyền cứu sinh, dùng dao để mài đứt từng chạc dây thừng đang giữ chặt lấy nó. Harold vẫn còn tâm trí để nhớ về tuổi thơ, lúc nhỏ ông từng đổ nước vào tổ kiến lửa, lũ kiến cũng điên loạn giẫm đạp lấy nhau để thoát ra thế này, chẳng con nào sống sót, xác kiến nổi từng mảng trên nước cũng như từng người đang thực hiện những cú chạy nước rút để đến gần với cái chết này.
- Ưu tiên cho phụ nữ và trẻ em! Ưu tiên cho phụ nữ và trẻ em! - Một thủy thủ đoàn bám lên các dây chạc cố định, gào lên từng tiếng.
Con thuyền cứu hộ đầu tiên thả xuống, hy vọng sống đồng thời trỗi dậy. Harold nhìn xuống, ngồi trong thuyền chính là các quý ông và quý bà thượng lưu, còn dư chỗ cho hai con chó. Con thuyền nhanh chóng rời đi mặc cho những đứa trẻ nheo nhóc giang tay cầu cứu. Đến con thuyền cứu sinh thứ hai thì một thanh âm cuồng nhiệt đến xé lòng vang lên:
- Anh yêu em! Julian! Anh yêu em!
Một quý ông chồm xuống hôn lấy hôn để vị hôn phu của mình, nàng ấy giãy dụa điên cuồng, muốn lao đến vòng tay của người đàn ông ấy mãi mãi thì bị chính anh ta đánh ngất, nàng ta kịp gào lên một hơi cuối cùng:
- Đừng bỏ em!
Nhìn con thuyền cứu hộ có người mình yêu trong đó hạ xuống an toàn, quý ông đó tách khỏi đám đông, đi vào con tàu đang lún sâu dần trong nước. Quý ông ấy đã nhường chỗ của mình cho một người phụ nữ trung niên làm tạp vụ trên tàu.
Đến con thuyền thứ ba, hai vợ chồng già thượng lưu đã cùng nắm chặt tay nhau, nối gót quý ông kia, đi vào tàu, họ đã chọn đại dương vô tận làm mộ phần của mình.
Một bé gái xinh xắn như búp bê dụi đầu vào vai mẹ, líu lo cười:
- Lát nữa sẽ gặp cá voi phải không mẹ ơi?
Người mẹ lén lau nhẹ nước mắt, gật đầu lia lịa với con, ôm chặt con hơn, cầu mong thượng đế không tách rời mẹ con họ.
Harold chứng kiến tất cả, nhìn những người như ruồi mất đầu chạy loạn xạ trên tàu, ông thấy Sam Scott chạy về phía ông, mái tóc của cậu ta đã bết cứng lại bởi mồ hôi và nước biển. Cha Thames đang ban ơn chết lành lần cuối, bàn tay của cha đặt trên sách kinh thánh run rẩy không ngừng, nhiều người cùng quỳ xuống, chắp tay lại khóc nức nở, nước mắt của họ còn mặn chát hơn cả nước biển ngoài kia.
Chiếc cột thông khói đầu tiên rơi xuống tạo nên một con sóng khổng lồ làm con tàu nghiêng lệch đi. Những tia điện chớp loé như một chiếc roi da, vút từng nhát vào đoàn người. Họ như thú dữ bị đẩy vào đường cùng, cắn xé giành giật lấy cơ hội được sống sót. Nhiều người nhảy xuống biển và chẳng mấy chốc đã bị cơn giá rét tê buốt gặm nhấm chẳng sót một mảnh.
Đầu của Sam Scott đập mạnh vào bản lề cửa, máu chảy nhiều tới nỗi ướt loang cả cổ áo của anh ta. Harold lấy khăn tay rịt lên miếng vết thương cầm máu cho anh ta, ông nhìn đồng hồ lần cuối.
“1:02 a.m”
Wallace đờ đẫn một lúc lâu rồi gác cây đàn violin trên vai, anh ta đánh khúc “Nearer My God To Thee”, một khúc nhạc da diết vang lên, cả tám thành viên tụ lại một chỗ, đánh khúc nhạc cuối đời tựa như chú chim mận gai hót lên một khúc nhạc được đánh đổi bằng cả sinh mệnh. Họ nhập tâm vào từng nốt nhạc đến nỗi họ không sợ cái chết đang bén gót nữa, những phút yếu lòng, họ đến gần với chính bản ngã của mình. Họ đã sống và chết vì âm nhạc, điều đó là quá đủ rồi.
Sam Scott nhấp bờ môi đầy máu của anh ta vào cây đàn Harmonica, gắng gượng bắt nhịp rồi thổi, anh ta vẫn luôn nở nụ cười mà giờ nó lại méo xệch lạ thường bởi đau đớn và bàng hoàng. “Emily, Ella, Joah, Jim, Michael, Hellen… những đứa em khốn khổ của anh”
Con tàu kêu rắc một tiếng thật to như một con dã thú trút hơi thở cuối cùng sau những giây phút quằn quại hấp hối của mình. Con tàu mang tên người khổng lồ gãy ra làm đôi, nước tràn vào xối xả, điện mất hoàn toàn. Hừng đông hửng sáng như ai đó đã tiện tay đánh bóng bầu trời đêm bằng nhọ nồi vậy.
- Ông Harold! Còn một chỗ cho ông!
Từ xa, Theodore đã quay trở lại, anh ta vẫn giữ khoảng cách xa vừa đủ để tránh những người đang chới với nổi giữa mặt biển lạnh cóng sẽ nhào đến cướp thuyền của anh ta.
- Một lần nữa, Harold, còn một chỗ duy nhất cho ông! Vứt cây đàn đó ngay!
Tiếng đàn vẫn không ngứt, khúc ca xoa dịu và đưa tiễn người vẫn không ngưng. Harold chợt cúi đầu xuống thủ thỉ bằng giọng điệu như nói với tình nhân với cây đàn Cello đã tàn tạ của mình:
- Mày là thứ của nợ đến nỗi ta chẳng thể rời xa mày!
Dứt lời, ông đẩy Sam Scott xuống biển, hét vọng lại:
- Thế là hết nợ, Theodore nhé!
Theo lời những người trên thuyền cứu sinh thì câu nói cuối cùng của Harold Langbridge là:
- Sam! Anh đã nhận lấy lời chúc lành của ta, anh phải sống sót đấy! Sống thay phần ta!
Ngay khi Theodore kéo Sam lên thuyền thì nửa phần con tàu còn lại đã chìm nghỉm xuống. Trả lại mặt biển phẳng lặng trôi dạt đầy những thi thể đã đóng băng tím ngắt. Tám thành viên ban nhạc, chẳng thiếu một ai, vinh dự lớn nhất cuộc đời họ đó là khi đánh một khúc ca bằng sinh mệnh cuối đời với nhau. Wallace ôm chặt chiếc đàn trong lòng, ôm chặt một tình yêu dang dở, anh ta vẫn đinh ninh rằng, mình đã về bến cảng, mình sẽ cõng nàng vào lễ đường như khi xưa mình hay cõng nàng dạo khắp khu vườn, để nàng dang rộng hai tay giả làm cánh bướm. Cả vườn hoa cũng chẳng thể tươi tắn hơn nàng, thật đẹp…
***
Ngay khi tiếp xúc với mặt biển, chiếc đàn Cello đã giằng khỏi tay Horald, những sợi dây đàn kéo căng ra như nỏ cao su, nhắm về phía ông. Horald hoảng hốt ôm đầu, chưa kịp cảm nhận cơn rét lạnh thấu xương và nước biển mặn chát xộc vào khoang mũi, ông đã bị dây đàn Cello tung hứng lên không, bay về nơi đầy ánh sáng chói mắt.
***
Những người sống sót trên thuyền cứu sinh đang run lẩy bẩy nhìn lên trời, những dải nắng xé tan lớp mây dày rọi xuống. Tay họ bám chặt vào men thuyền, ngơ ngác nhìn từ mặt biển xa xôi kia, một con bướm bay vụt lên trời cao, đôi cánh khẽ chao nghiêng vài nhịp như rắc bụi tinh linh, bướm bay cao, cao mãi, khuất dần khỏi mọi nỗi đau và ràng buộc của trần thế.
Bình luận
Chưa có bình luận