Bà Còng


Về nhà, bà nói với tôi.

- Người bà bẩn, bé để bà đi thay quần áo đã.

Bà lom khom đi ra giếng, cái lưng còng hẳn xuống. Bà lấy mấy lá trầu không còn lại trong làn cho vào chậu, thả thêm nhúm muối rồi đổ nước nóng vào, bê vào buồng tắm. Tôi đợi bà tắm bèn đi vào trong bếp ngồi. Xác con Vàng hãy còn treo ngoài kia, tôi không dám ra sân chơi, lúc này cứ thấy sờ sợ. Bà thay quần áo sạch xong mới đi gỡ xác con Vàng xuống, đào cho nó cái hố ở góc vườn rồi đặt xác nó xuống. Bà lấy từ trong làm tre ra một bọc vải thô, bên ngoài thấm chút máu. Bà thả bọc vải vào hố đất chôn con Vàng rồi mới lấp đất lại. Nhớ tới mấy cái răng nanh và lưỡi của nó, tôi nghĩ bà đã đòi lại từ tay thằng nhỏ láo lếu kia. Bà sai tôi vào bếp lấy trong bọc lá chuối mà nhà kia đưa cho ra một miếng thịt luộc và một nắm cơm trắng, bỏ vào cái gáo dừa của con Vàng, rồi đem đến đặt trước hố đất. Bà lẩm bẩm.

- Vàng, chết rồi thì đi đầu thai đi, không cần luẩn quẩn ở đây trông nhà cho tao. Đồ này mày ăn cho no rồi lên đường.

Tôi đứng cạnh khóc hưng hức. Xong xuôi bà dắt tôi vào nhà. Từ ngày đó trở đi, bà tôi vẫn đi chợ phiên mỗi sáng, bán nắm rau, rổ trứng, nồi kẹo mầm, kẹo bột. Thỉnh thoảng lại xách làn tre cùng gậy tre đi "công việc". Tuy bà không nói rõ với tôi về việc ấy, nhưng dần dần tôi cũng bắt đầu có nhận thức. Cho đến khi tôi lớn hơn rất nhiều, bà mới chính thức kể lại cho tôi nghe.

Lúc đó là quãng thời gian bà tôi đã già hơn nhiều lắm rồi, không còn đi "công việc" và đi chợ sáng được nữa, thay vào đó, tôi đi chợ phiên thay bà. Bà tôi kể, từ khi bà còn trẻ, người ta đã nói bà có cách mệnh kỳ lạ, bà có thể nhìn thấy ma. Mấy thầy pháp trong làng thường thuê bà tới để làm một việc cho họ, đó là "cõng ma". 

Mỗi khi trong làng có đám cúng cần rước vong hồn về nhà, họ đều tìm tới bà của tôi. Bà nói rằng, những nhà mướn công việc này đều là nhà giàu, ví dụ như bá hộ , địa chủ, quan lại. Trong nhà bọn họ nếu có người mới chết, hoặc là vời linh hồn tổ tiên về dự ngày giỗ lễ, ngoài mời thầy pháp về chủ trì, còn muốn đón rước vong hồn người chết về nhà. Mà chuyện này có một cách để thực hiện, đó là tìm người cõng vong hồn về. Không những cách này thể hiện sự quyền quý, cao sang của dòng họ, mà còn thể hiện sự long trọng đối với người đã khuất.

Cho nên những hôm mà bà nghỉ chợ bảo rằng đi công việc, kỳ thực là đi cõng ma cho người ta. Tôi nhớ lại những lần bà đi cõng ma thì không khỏi thắc mắc. Vì sao trước khi đi bà vẫn đi lại bình thường không cần chống gậy, mà lúc về thì lại thành lưng khòm, chống gậy?

Tôi nghĩ, người cõng người cũng không tới mức làm còng hẳn lưng bà xuống. Mà ma chẳng phải chỉ là một vong hồn thôi sao, lẽ nào nặng tới mức bà tôi cõng tới còng cả lưng?

Bà giải thích với tôi rằng, đó là vì cõng ma, ma không giống người. Người dương có ba hồn của chính mình, thể xác dung chứa vừa vặn ba hồn này, nhưng nếu còn có thêm hồn của kẻ khác, thì sẽ thành quá sức đối với nó. Cõng ma kỳ thực nặng hơn so với cõng người rất nhiều. Bởi vậy mỗi lần sau khi đi cõng thuê về, lưng bà tôi đều còng xuống.

Tôi lại hỏi cái gậy tre to mà bà thường đem theo mỗi khi cõng ma dùng để chống đỡ một phần sức nặng từ vong hồn trên lưng phải không?

Bà nói đúng, nhưng chỉ là một phần. Chiếc gậy này là do một vị thầy pháp chế cho bà để "hành nghề". Không những giúp bà đi lại khi cõng ma, mà còn dùng để tự vệ nếu như cõng phải một vong linh hung hiểm. Nó là gỗ của cây mây trăm năm mọc trên núi Thái Sơn. Tôi không biết núi Thái Sơn ở đâu, nhưng cũng không tò mò nhiều thêm. Tôi lại hỏi, bà cõng ma trên người như vậy, không sợ bị ma bám theo sao, hoặc là bị vong nhập?

Bà tôi trả lời, chính vì ngạnh cách của mình bà mới có thể làm người cõng ma. Người ngạnh cách, ma quỷ rất khó nhập. Phàm là con người, có hữu thân cố định, ma quỷ khó lung lay, mà người ngạnh cách, lại càng khó để ma quỷ làm càn. Tôi nghe cái hiểu cái không, nhưng cũng thừa nhận là bà không giống người bình thường, cõng ma cho người ta bao nhiêu năm như vậy, cũng không gặp biến sự gì hung hiểm. Tôi lại hỏi vì sao mỗi lần về bà đều tắm rửa bằng nước trầu pha muối và thay quần áo sạch. Bà nói, tuy vong hồn không bám theo bà nhưng âm khí của chúng thì sẽ lưu lại. Mà âm khí là khí xấu không sạch sẽ, sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe con người, nhất là trẻ nhỏ. Vì vậy sau mỗi lần đi cõng ma, bà tôi thường phải tẩy uế.

Nhớ lại chuyện hai đứa nhỏ năm đó, tôi bèn đem ra hỏi bà sự tình. Bà kể rằng… 

Năm đó, một hôm bà đi chợ phiên sáng thì trời đổ mưa to, bên đường có cái lò gạch cũ rất lớn của nhà bá hào Lý ngày xưa, bèn chui vào trú. Mưa tạnh, lúc quẩy quang gánh đi ra thì có hai đứa nhỏ bám theo từ lúc nào. Bà tôi nhìn một cái là biết không phải người, lại nhìn quần áo chúng mặc, đoán được chúng là con cái nhà quyền quý. Đoán chừng hai đứa nhỏ này mới chết không lâu, hẳn là hồn còn lang thang chưa về nhà. Bà tôi lấy từ dưới đáy thúng một ít tiền giấy, rải ra đằng sau, hai đứa nhỏ kia liền chạy tới nhặt lên rồi nhét trở vào thúng cho bà. Cứ thế nó bám theo bà ra đến chợ, hai đứa ngồi sau quang gánh, thích thú nhìn mấy viên kẹo bột, xiên kẹo mầm bà tôi để trên bọc lá chuối. Tất nhiên cảnh này chỉ có mình bà tôi nhìn thấy, những người khác đều không biết gì.

Bà hỏi han hai đứa nhỏ, hỏi nhà chúng ở đâu, tên gì, làm sao mà chết. Chúng nó nói, đứa con gái tên là Tép, đứa con trai tên là Tôm, người ở nhà hay gọi chúng như thế. Nhà chúng nó là nhà ông bá hộ Chính, ở đầu làng Xuân Thành. Chúng nó bình thường không được ra ngoài chơi, hôm ấy lẻn người hầu chạy ra ngoài, lạc đến cái lò gạch cũ ở làng bên này. Trong lò gạch có mấy cái hố sâu, mấy hôm trời mưa trơn trượt, hai chị em không may trượt chân ngã xuống, đứa nọ níu kéo đứa kia, đều chết chìm dưới ấy cả. Mới có một ngày thôi. Thấy bà đi vào, nhìn đến hai cái thúng đựng mấy món đồ vặt của trẻ con, chúng nó thích lắm, muốn đi theo xin ăn. Con Tép bảo.

- Hai đứa cháu thấy bà rơi tiền nên nhặt giúp bà, bọn cháu chỉ xin mỗi đứa một viên kẹo bột thôi.

Bà tôi nói nếu để bà đưa chúng về nhà thì bà cho chúng tất chỗ kẹo cục này, còn nặn cho mấy con tò he mà chơi. Ban đầu chúng nó phụng phịu, nói không muốn về nhà, ở ngoài thích đi đâu chơi thì đi. Thế là bà mặc kệ chúng. Hôm ấy bà đi chợ phiên về, chúng nó cũng tò tò đi theo. Chúng nó muốn vào nhà, nhưng đêm đó bà tôi lén đốt mấy cây hương, cốt rượu, thỉnh gia thần trông chừng lúc nào mà tôi không biết. Chúng bị gia thần đuổi nên không dám vào, chỉ đứng ở ngoài cổng nhìn. Sáng hôm sau, dường như biết bị bà phạt vì không nghe lời, bà còn nói ngoan thì bà sẽ cõng chúng về đến nhà mới thôi. Lúc này chúng nó mới đồng ý theo bà về nhà. Vậy là bà tôi phải cõng tận hai đứa con nít trên lưng sang làng bên.

Sang làng bên ấy thì ngay đầu làng là nhà bá hộ Chính, đương trong nhà đang chạy loạn cả lên. Bà hỏi thì biết nhà ấy đang đi tìm hai đứa cháu mất tích của bá hộ Chính, thế là bà tôi đem hai đứa nhỏ vào, rồi chỉ cho bá hộ Chính nơi bọn nó chôn thân. Lúc nhìn lại trên lưng thì chỉ thấy mỗi con Tép, thằng Tôm thì đã lẻn trốn tự bao giờ. Bà hỏi con Tép thằng Tôm đi đâu, nó chỉ về hướng ngược lại.

- Thằng Tôm không muốn về, nó muốn vào chơi với con bé trong nhà bà.

Bà tôi nghe xong mà tái mét mặt mày, vội vã đi về nhà ngay, lần này còn dắt thêm một dì bên nhà bá hộ Chính. Bà vừa về kịp cổng nhà là lúc thằng Tôm rủ tôi xuống giếng bắt cá. Nghĩ lại đến giờ tôi vẫn còn thấy sợ. Bà chỉ về chậm tí nữa thôi thì không biết thằng nhỏ nhà giàu quen thích gì làm nấy ấy có hại chết tôi không.

Sau khi bắt nó về bên nhà, bên này bá hộ Chính cũng cho người sang lò gạch cũ bỏ hoang của bá hào Lý tìm kiếm, quả nhiên vớt được xác của con Tép và thằng Tôm trong một cái hố sâu nằm ở vòng ngoài của cái lò gạch ấy. Họ cảm ơn bà tôi không ngớt, rồi mời thầy cúng về làm lễ cho bọn nhỏ.

Sau này khi tôi có con đầu lòng, thường hay ru nó ngủ bằng mấy câu hát thế này:

"Bà còng đi chợ trời mưa

Cái Tôm cái Tép đi đưa bà còng

Đưa bà đến quãng đường cong

Đưa bà về tận ngõ trong nhà bà

Tiền bà trong túi rơi ra

Tép Tôm nhặt được trả bà mua rau"



Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}