Tôi thức dậy khi trời còn xám nhòa ngoài khung cửa. Người đau ê ẩm, đầu nhức nhối như có thứ gì đó đang gõ liên hồi từ bên trong. Cả cơ thể nặng trĩu, như bị dìm xuống lớp chăn ẩm mồ hôi. Cổ họng thì khô rát, mỗi cái nuốt nước bọt cũng như đang nuốt lưỡi dao nhỏ. Tôi cố gượng dậy, nhưng mắt hoa lên, phải ngồi lại thật lâu mới đủ tỉnh để bước xuống giường.
Ba mẹ đều đi làm từ sớm. Trong nhà chỉ còn lại tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ treo tường và tiếng mưa đều đặn đập vào cửa kính. Tôi lê bước ra khỏi phòng, mở tủ lạnh lấy nước rồi lục tủ thuốc, tìm mấy viên hạ sốt. Uống thuốc xong, tôi quay trở lại phòng, nằm xuống mà cảm giác cả người như đang rơi vào khoảng không. Mưa vẫn rơi, đều đều.
Nằm trên giường, nghe tiếng mưa gõ nhè nhẹ ngoài cửa kính, tôi kéo chăn lên cao, cố vùi mặt vào lớp vải mềm để mong tìm lại chút ấm áp. Nhưng không hiểu sao, cái lạnh len vào da thịt vẫn không đến từ thời tiết, mà giống như từ bên trong người mình đang từ từ lan ra.
Cả buổi sáng trôi qua trong một trạng thái mơ màng. Tôi chợp mắt được vài lần, nhưng cơn sốt khiến giấc ngủ ngắn và rời rạc. Mỗi lần tỉnh dậy, trời vẫn xám xịt, căn phòng vẫn âm u với ánh sáng mờ mờ từ đèn bàn. Gió lùa qua khe cửa, mang theo cái lạnh âm ẩm khiến người càng thêm nhức mỏi. Tôi không mở điện thoại. Cũng chẳng quan tâm lớp học hôm nay có ai điểm danh hộ không, hay bài tập Toán có khó không. Mọi mối quan hệ, mọi cuộc trò chuyện, mọi kế hoạch. Tất cả như bị đặt ở một thế giới khác, còn tôi chỉ có thể nằm đây, trong một chiếc giường ẩm mồ hôi, chiến đấu âm thầm với cơn sốt.
Khoảng gần trưa, khi tôi đang thiếp đi vì thuốc bắt đầu ngấm, thì nghe thấy tiếng chuông cửa vang lên. Ban đầu tôi nghĩ mình đang mơ, nhưng rồi tiếng gọi quen thuộc kéo tôi về với hiện thực:
“Minh Anh? Mở cửa được không?”
Là Quang.
Tôi gượng dậy, choáng váng bước ra mở cửa. Trước mắt tôi là ba gương mặt quen thuộc: Quang, Khánh, Kha và Lâm, mỗi người cầm theo một túi gì đó. Khánh mang theo một hộp cháo còn nóng, Lâm và Kha đưa tôi vài gói thuốc hạ sốt và cam, còn Quang thì không nói gì, chỉ nhìn tôi bằng ánh mắt lo lắng.
“Bọn tao thấy mày nghỉ học mà không báo gì nên gọi cũng không được, đoán chắc mày ốm rồi.” - Khánh nói, đặt hộp cháo lên bàn. - “Bố mẹ mày đâu?”
“Đi làm từ sáng rồi.” Tôi đáp khẽ, giọng khàn đặc.
Kha cau mày, đặt tay lên trán tôi:
“Nóng thật đấy. Sao không gọi ai?”
Tôi chỉ biết cười nhạt, chẳng đủ sức để nói thêm điều gì.
“Chiều nay tao xin nghỉ, ở đây trông mày.” Quang nói, giọng nhẹ tênh như thể đó chỉ là một chuyện rất đỗi bình thường.
Tôi nhìn cậu, ánh mắt vô thức khựng lại. Không biết vì cơn sốt làm tôi chậm phản ứng, hay vì câu nói ấy bất ngờ quá đỗi. Không có vẻ gì là cậu đang đợi tôi đồng ý, cũng không phải kiểu ra oai hay cố tình thể hiện. Chỉ đơn giản là một câu nói, nhưng khiến lòng tôi rung nhẹ.
“Tao không sao đâu, nghỉ học làm gì.” Tôi cố lên tiếng, nhưng cổ họng khô rát, âm thanh phát ra như một lời bào chữa yếu ớt.
“Ờ, mày không sao nên mới nằm lăn lóc từ sáng tới giờ chứ gì?” Cậu cười khẽ, rồi thở dài. “Yên tâm đi, chiều nay không có bài kiểm tra. Tao học bù được.”
“Vậy để bọn tao xin thầy giúp mày.” Khánh lên tiếng, mắt liếc nhìn Quang rồi nhìn tôi, giọng nửa trách nửa lo.
Tôi khẽ gật đầu, lòng dâng lên một cảm giác lạ lẫm. Ở một nơi xa lạ như Hà Nội, chỉ mới quen nhau chưa bao lâu, vậy mà những người như Quang, Khánh, Lâm và Kha lại có thể vì một đứa học sinh mới như tôi mà lo lắng đến thế. Không ồn ào, không cần lời hứa, chỉ là những hành động nhỏ nhưng đủ khiến lòng tôi ấm lại giữa cơn sốt lạnh người.
Quang đứng dậy, kéo ghế lại gần đầu giường, ngồi xuống như thể đã quyết ở lại cả buổi chiều.
Trước khi về, Lâm dặn:
“Tao để thuốc ở đây nhé, lát nhớ uống. Có gì thì gọi.”
Khánh cũng gật đầu, thêm một câu nữa:
“Mày nhớ tự chăm sóc mình đi nhé. Bọn tao về đây, có gì thì báo.”
Tôi chỉ kịp cảm ơn họ bằng một cái gật đầu yếu ớt. Khi cửa phòng đóng lại, chỉ còn lại Quang với tôi, không gian yên tĩnh, chỉ có tiếng mưa rơi lộp độp ngoài hiên. Cảm giác cô đơn lúc này dường như tan biến khi cậu cứ ngồi đó, nhìn tôi với ánh mắt ấm áp, im lặng mà không cần phải nói gì.
————
Quang đứng dậy, bước ra ngoài một lát rồi quay lại với chiếc khăn ấm trên tay. Cậu ngồi xuống bên cạnh, vắt nhẹ khăn rồi đặt lên trán tôi. Động tác cẩn thận và chậm rãi, chẳng khác gì một người đã quen chăm người khác từ lâu.
“Đỡ hơn chút nào chưa?” Cậu hỏi, giọng khẽ, như sợ làm tôi mệt thêm.
Tôi khẽ gật đầu. Cổ họng vẫn khô rát, không nói được nhiều. Quang lẳng lặng rót cho tôi một ly nước, đưa tận tay. Tôi đón lấy, uống vài ngụm, cổ họng dễ chịu hơn một chút. Cậu thu dọn hộp thuốc, kiểm tra lại nhiệt kế rồi liếc mắt nhìn tôi:
“Lát nữa uống thuốc xong thì ngủ một giấc đi, ngủ dậy sẽ khỏe hơn.”
Tôi nhìn cậu, muốn nói lời cảm ơn nhưng rồi lại thôi. Ở bên Quang, tôi không cần gồng mình tỏ ra mạnh mẽ. Cậu không hỏi quá nhiều, không làm quá lên, chỉ im lặng ở bên, một sự hiện diện khiến tôi thấy yên lòng.
Gió từ cửa sổ khẽ lùa vào, mang theo chút mùi đất ẩm của cơn mưa sáng nay. Trong không gian ấy, tôi chỉ thấy rõ một điều: có những người, dù chẳng nói điều gì lớn lao, vẫn khiến người khác cảm thấy được yêu thương bằng những điều nhỏ nhất. Và Quang, có lẽ là một trong số ít người như vậy.
Quang ngồi đó một lúc lâu, không nói gì. Chỉ thỉnh thoảng nhìn tôi, rồi lại liếc ra ngoài cửa sổ – nơi trời vẫn còn âm u, mưa lất phất rơi như chưa muốn dứt hẳn.
Tôi khẽ trở mình, gối hơi ẩm vì mồ hôi và chiếc khăn ấm trên trán. Quang nhận ra ngay, cậu nhẹ nhàng nhấc khăn xuống rồi đứng dậy đi thay cái mới. Khi quay lại, cậu vừa đặt khăn lên trán tôi, vừa nói nhỏ, giọng nửa như trách móc, nửa như lo lắng:
“Lần sau thấy không khỏe thì đừng cố gắng đến mức này. Ở một mình mà nằm bẹp như vậy, lỡ không ai biết thì sao?”
Tôi cười khẽ, giọng khàn hẳn:
“Có chết được đâu mà lo.”
“Ừ, nhưng như vậy thì có người lo đấy.”
Tôi im. Câu nói của cậu khiến tim tôi hơi khựng lại. Không phải vì nó quá đặc biệt, mà vì từ lâu rồi tôi đã không nghe ai nói như thế với mình. Không theo kiểu quen thân lâu ngày, cũng chẳng là người nhà, chỉ đơn giản là cậu ấy đang quan tâm.
“Chiều nay mày không đi học thật à?” Tôi hỏi, giọng còn nghẹt nhưng tò mò.
“Không. Hai đứa kia báo thầy rồi. Lát còn nhắn lại nữa. Ở lại trông mày.”
“Mày không cần phải như vậy đâu.”
Cậu nhìn tôi một lúc, rồi lắc đầu:
“Tao không làm vì ai bắt tao làm. Mà vì tao muốn.”
Cậu nhìn tôi một lúc lâu, ánh mắt không gay gắt, cũng chẳng mềm mại – chỉ là một cái nhìn thẳng, rõ ràng và chân thành đến lạ. Rồi cậu lắc đầu, hơi nghiêng đầu một chút như thể muốn dứt khoát với tất cả những điều tôi vừa ngập ngừng hỏi.
“Tao không làm vì ai bắt tao làm. Mà vì tao muốn.” Cậu nói, giọng bình tĩnh nhưng chắc nịch, không hề để lại khoảng trống nào cho sự hoài nghi.
Chỉ đơn giản như vậy. Không vòng vo, không viện cớ, không cần ai hiểu hay đồng tình. Một câu nói ngắn ngủi, nhưng lại khiến tôi không biết phải nói gì thêm. Tôi quay mặt đi, cố giấu đi sự chộn rộn đang dâng lên trong lòng như sóng vỗ nhẹ vào bờ cát – không dữ dội, nhưng dai dẳng. Tôi không biết mình đang cảm động, bối rối, hay chỉ đơn thuần là xúc động trước sự thẳng thắn của cậu. Chỉ biết rằng trong khoảnh khắc ấy, tôi cảm thấy lồng ngực mình như đang ôm lấy điều gì đó thật ấm.
Cửa sổ vẫn mở. Gió đêm lùa vào, nhè nhẹ như bàn tay ai đó khẽ lướt qua làn tóc. Mùi đất ẩm sau cơn mưa trộn lẫn với hương hoa sữa quen thuộc của Hà Nội, thoảng qua thật khẽ rồi ở lại thật lâu. Không khí mang theo chút lạnh, nhưng chẳng buốt giá như những ngày đầu đông. Mà ngược lại, cái lạnh ấy như dịu đi, dễ chịu hơn, thậm chí khiến tôi thấy nhẹ nhõm.
“Tao không thích mưa.” Tôi nói, như một cách chuyển chủ đề.
“Sao?”
“Ở Bình Dương, mỗi lần mưa là ngập. Rồi ướt nhẹp, rồi bị cảm. Lúc nào cũng thấy mưa phiền. Nhưng ở đây thì khác. Mưa ở Hà Nội nghe buồn mà êm.”
Quang mỉm cười.
“Tao thì ngược lại. Hồi nhỏ, mỗi lần mưa là được nghỉ học, mẹ làm bánh xèo, cả nhà ngồi coi phim. Mưa với tao là nhớ, là vui.”
“Giờ còn được ăn không?” Tôi hỏi, nửa đùa nửa thật.
Cậu hơi ngập ngừng.
“Giờ thì không. Mẹ tao mất rồi.”
Câu nói của Quang như một làn gió lạnh thoáng qua giữa đêm hè, không dữ dội, nhưng đủ để khiến lòng tôi chùng xuống. Cậu không cúi đầu, cũng không tìm cách giấu đi nỗi buồn, chỉ nói bằng một giọng đều đều, như thể đã quen với việc giữ ký ức đó trong lòng quá lâu. Tôi im lặng. Lần đầu tiên tôi nghe cậu nói điều gì đó riêng tư như vậy. Không ngờ giữa hai người còn chưa thân lắm, cậu lại sẵn lòng kể.
“Mày thấy đỡ hơn chưa?” Cậu lại hỏi, cố đổi chủ đề.
Tôi gật đầu khẽ.
“Ừ. Chắc có người ngồi canh nên bệnh nó sợ.”
Cả hai bật cười. Tiếng cười không lớn, nhưng cũng đủ làm căn phòng bớt trống trải.
“Mày là người đầu tiên ở đây đối xử với tao như vậy đấy.” Tôi buột miệng nói.
“Như vậy là sao?”
“Là tử tế. Là ở lại. Là không hỏi han kiểu tò mò, không cố thân thiết gượng ép. Tao ghét kiểu kết bạn cho có.”
Quang chống cằm lên thành giường, nhìn tôi một lúc lâu. Rồi cậu nói, chậm rãi:
“Tao cũng không cần bạn cho có. Tao cần người mà tao thấy đáng tin. Mà hình như tao thấy mày với đám kia đáng tin.”
Tôi quay đi lần nữa. Mắt bỗng dưng cay. Có thể là do sốt. Cũng có thể là không.
Ngoài trời, cơn mưa vẫn chưa dứt. Nhưng trong phòng, hơi ấm từ người bên cạnh lại đủ để tôi quên đi cái lạnh. Một ngày bị bệnh, nhưng có lẽ là một ngày đáng nhớ.
—————
Tối đó, khoảng gần bảy giờ, tôi nghe tiếng xe dừng trước cổng. Mưa đã tạnh từ lâu, chỉ còn hơi đất ẩm vương lại trong không khí. Tôi vẫn nằm trên giường, chăn quấn quanh người, đầu vẫn âm ấm sốt nhưng đỡ hơn lúc trưa. Quang thì đang ngồi kế bên, tay cầm một quyển sách, mắt không tập trung mấy.
Cánh cửa mở ra. Mẹ tôi chạy vào với khuôn mặt lo lắng.
“Minh Anh, con đỡ chưa? Bị sốt cao thế tại sao không nói sớm để mẹ về.”
Quang đứng bật dậy, hơi bối rối. Tôi cũng vội nhỏm dậy, chăn rơi khỏi vai, giọng khàn khàn đáp lại:
“Con đỡ rồi mẹ.”
Chỉ vài giây sau, ba tôi bước vào phòng. Ông dừng lại khi nhìn thấy một cậu con trai lạ mặt đang đứng bên giường tôi. Không khí như khựng lại một chút.
Quang lễ phép cúi đầu:
“Cháu chào hai bác. Cháu là Quang, bạn cùng lớp với Minh Anh ạ.”
Ba tôi nheo mắt quan sát Quang, còn mẹ tôi thì mỉm cười dịu dàng:
“À, vậy là con bạn mới mà Minh Anh từng kể. Cảm ơn con đã tới thăm và trông nó.”
Quang gãi đầu, cười nhẹ:
“Dạ không có gì đâu bác. Bạn cháu bị bệnh mà ở nhà một mình, cháu không yên tâm nên xin nghỉ ở lại thôi ạ.”
Ba tôi hơi gật đầu, nhưng ánh mắt vẫn chưa rời khỏi Quang. Có thể ông không nói, nhưng tôi biết ba là người ít dễ tin tưởng người lạ. Còn mẹ thì tiến lại gần, đặt tay lên trán tôi kiểm tra, rồi quay sang Quang:
“Con ăn gì chưa? Có ở lại ăn cơm tối với gia đình bác không?”
“Dạ thôi ạ, cháu xin phép về. Còn phải học bài nữa.”
Tôi liếc sang Quang, thấy cậu lén nhìn mình một cái, như thể để chắc rằng tôi ổn. Rồi cậu quay sang cúi đầu lần nữa:
“Cháu chào hai bác. Minh Anh, mai gặp lại nhé.”
Tôi khẽ gật đầu.
Cậu bước ra khỏi phòng, tiếng chân chậm rãi dần rồi khuất sau cánh cửa. Mẹ tôi ngồi xuống cạnh tôi, vuốt nhẹ tóc tôi.
“Bạn tốt đấy. Mới chuyển tới mà có được người bạn như vậy, mẹ yên tâm hơn rồi.”
Tôi không đáp. Chỉ nhìn ra khung cửa sổ, nơi mưa đã dứt hẳn, chỉ còn từng giọt nước đọng trên mép lá, lặng lẽ rơi xuống. Trong đầu tôi vẫn còn văng vẳng giọng nói ban chiều của Quang: Tao không làm vì ai bắt tao làm. Mà vì tao muốn. Tôi không chắc mình đã hiểu hết những gì cậu ấy muốn. Nhưng tôi biết, hôm nay, giữa một cơn sốt, một buổi chiều ướt mưa và một buổi tối lặng lẽ, tôi đã không còn cảm thấy trống vắng nữa.
Sau bữa tối, ba mẹ tôi gặng hỏi vài câu về sức khỏe rồi để tôi lên phòng nghỉ sớm. Mọi thứ diễn ra bình thường như những lần tôi bị bệnh trước đây, chỉ khác là lần này có thêm một người bước vào cuộc sống của tôi, mang theo sự dịu dàng khó diễn tả thành lời.
Tôi lên phòng, tắt bớt đèn, chỉ để lại ánh sáng vàng dịu vắt nhẹ qua mép bàn học. Căn phòng trở nên yên tĩnh đến mức có thể nghe rõ từng tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ treo tường. Tôi nằm nghiêng trên giường, đầu vẫn còn âm ấm nhưng không khó chịu nữa. Có lẽ vì thuốc bắt đầu phát huy tác dụng, hoặc là do sự hiện diện của Quang ban chiều vẫn còn đọng lại trong tôi, như một dư âm khó tan. Tôi nhắm mắt lại, nhưng chẳng thể ngủ được. Trong đầu lại hiện lên hình ảnh Quang ngồi cạnh giường, tay chống cằm nhìn tôi với vẻ lo lắng pha chút bối rối. Cậu ấy không nói nhiều, nhưng mỗi lần mở miệng lại khiến tôi cảm thấy có gì đó rất thật. Rất gần.
Tôi nhớ lúc tôi ho nhẹ, Quang vội vã rót nước đưa tận tay. Khi tôi bảo không muốn ăn, cậu ấy ngồi lì, ép tôi ăn hết chén cháo bằng giọng dỗi nhẹ mà lạ lùng thay, tôi không thấy khó chịu. Ánh mắt cậu lúc nghe tôi nói "cảm ơn", như thể điều đó chẳng đáng để nhắc tới, nhưng lại khiến cậu hơi khựng lại một giây. Tôi thở dài, ngón tay khẽ vẽ những vòng tròn vô nghĩa trên mép chăn. Mọi thứ đang dần thay đổi, tôi có thể cảm nhận được điều đó. Từ khi lên Hà Nội, tôi đã luôn nghĩ mình sẽ chỉ cố sống lặng lẽ cho đến khi hết năm học. Không kết thân, không hy vọng, không gắn bó. Nhưng giờ đây, tất cả như đang rạn ra từng chút một.
Ngoài kia, đêm Hà Nội vẫn miên man trong sắc tím thẫm dịu dàng. Thành phố dường như đã thôi vội vã, bỏ lại sau lưng những tiếng còi xe hối hả và dòng người chen chúc. Trên mái hiên trước nhà, những giọt nước mưa còn sót lại lặng lẽ rơi xuống nền gạch ẩm ướt. Từng giọt, từng giọt, nhẹ nhàng chạm đất, phát ra thứ âm thanh nhỏ bé như hơi thở của phố đêm - khẽ khàng, đều đặn, nhưng không ngừng.
Tôi ngồi bên cửa sổ, mắt lặng lẽ nhìn bóng tối ngoài kia đang dịu lại, lòng cũng tự nhiên trầm xuống. Có một điều gì đó vừa khẽ rơi trong tâm trí tôi, không rõ là ký ức, cảm xúc hay một mảnh suy nghĩ vụn vỡ nào đó, chỉ biết nó đủ nhẹ để không gây đau, nhưng cũng đủ nặng để gợn lên trong lòng một chút yên bình mong manh, lẫn lộn với cảm giác loay hoay không gọi thành tên. Đó không phải là nỗi buồn, cũng chẳng phải niềm vui. Chỉ là sự tồn tại âm ỉ của một điều gì đó rất thật như thể lần đầu tiên sau nhiều ngày, tâm trí tôi có một khoảng trống đủ yên tĩnh để lắng nghe chính mình. Và trong sự yên tĩnh đó, tôi nhận ra đôi khi một khoảnh khắc tĩnh lặng cũng có thể khiến người ta thay đổi. Không ồn ào, không rõ ràng. Nhưng sâu. Và thật.
Bình luận
Chưa có bình luận