“Phương Bắc, Phương Nam" - Cô đơn liệu có phải một nỗi buồn của tuổi trẻ?
THÔNG TIN VỀ TÁC GIẢ VÀ TIỂU THUYẾT
Giác, tên thật là Nguyễn Việt Hà, hiện đang là sinh viên Khoa Văn học, trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Hà Nội. Và theo như lời giới thiệu trong cuốn sách, chị ấy (fun fact: mình gọi là chị vì Giác hơn tuổi mình) “thích viết về tình yêu và sự lìa xa; cố chấp với việc ngao du tứ phương và truy cầu hạnh phúc”. Và mình nghĩ đôi lời giới thiệu đó chính là kim chỉ nam để Giác viết nên cuốn sách này, bởi “Phương Bắc, Phương Nam” chính là hành trình trưởng thành của nhân vật chính An cùng nỗ lực kiếm tìm hạnh phúc và tình yêu của cô.
Cuốn sách này được xuất bản năm 2019, cùng năm với tập truyện ngắn “Điều chưa kịp nói” của tác giả.
Du ngoạn trong thế giới của một con người trẻ tuổi tên Sinh An, đi cùng cô qua những miền ký ức, trôi dạt tới những chốn dừng khác nhau, bồi hồi những kỷ niệm cùng những con người đã đến và đã đi, mình chợt nhận ra cô gái ấy giống mình đến lạ. Nhất là ở nửa đầu của tác phẩm, khi Sinh An nghĩ về Dương, thầy Chu, cô Tâm và quãng thời gian thanh xuân của mình.
Bằng cách thâm nhập nhẹ nhàng vào những khoảng trời riêng của các nhân vật (thỉ dụ như một mối quan hệ, một khoảnh khắc, một sự kiện nào đó), những câu chuyện của Giác dễ dàng gợi nhắc mình về những gì đã đi qua - những gì mãi chỉ còn là hồi ức. Và ở đây, trong “Phương Bắc, Phương Nam” (mình tạm gọi tắt tên tác phẩm như vậy), những hồi ức đó trở về cùng với cảm xúc mãnh liệt.
Dù câu chuyện này chắc chắn không hoàn hảo, cũng chẳng đến mức có thể coi là một tuyệt tác, nhưng với mình thì “Phương Bắc, Phương Nam" vẫn là một cuốn sách đáng đọc bởi chính sức gợi đặc biệt mình đã nhắc đến ở trên. Một tuần kể từ lúc đọc đến dòng cuối cùng của tác phẩm, mình vẫn chưa thể thoát khỏi dư âm mà nó tạo ra, và mình không ngừng suy nghĩ về những điều đã xảy ra với các nhân vật.
DƯƠNG
An gặp Dương khi còn là học sinh cấp ba. Cả hai người đều theo đuổi niềm đam mê con chữ tại một ngôi trường chuyên của vùng cao Tây Bắc. Trong ấn tượng của An, Dương là một chàng trai với dáng vẻ cao gầy, dịu dàng, “lúc nào cũng lặng lẽ” và “thỉnh thoảng mỉm cười”. Dáng vẻ đó đã thu hút cô bé An ngày ấy - một người hướng nội với “cảm giác lạc lõng” trong một môi trường mới náo nhiệt và xa lạ.
Chỉ đơn thuần là: “Hình như ngay từ lúc đó, em đã muốn ở bên anh.”
Tình cảm mà An và Dương dành cho nhau, theo mình, và cũng theo như chính họ định nghĩa, là những gì thuần khiết nhất. Chỉ dừng lại ở hai chữ “ở bên” mà thôi. An không cho rằng tình yêu là “cách duy nhất để nắm chắc một mối quan hệ”, nên có lẽ hai chữ “ở bên” mà cô ấy nhắc tới là “muốn một cái nắm tay”, muốn được kể chuyện hay lắng nghe hoặc là muốn được “khám phá những góc tối bí ẩn mà đối phương luôn che giấu”. Họ giống như tri kỷ nhưng chẳng phải tình yêu. Dương đã nắm tay An đi hết quãng thời gian cấp Ba, rồi khi lên Đại học và còn xa hơn nữa. Nhưng họ dừng lại, vì cả hai đều cô đơn, và cũng bởi cô đơn nên không thể cho nhau hạnh phúc.
“Khi đó tôi đã nghĩ, Dương chính là người như thế. Nào ngờ không phải.”
Không có ai phá vỡ ranh giới, và họ cứ đứng nhìn nhau trôi dần về hai miền ngược hướng. Nhiều năm về trước trong một buổi tự học tĩnh lặng, chỉ có An, Dương và một người bạn khác:
“Tôi đã muốn hỏi Dương, anh có thích em không? Nhưng trước khi tôi kịp nói ra, Dương đã nghiêm túc nói: ‘Đừng bao giờ thích anh nhé, An’.”
Có lẽ hai người họ đều bất lực và sợ hãi trước sự băng hoại của thời gian, rằng “giống như hoa, vẻ đẹp đó không ai có thể bảo vệ được”. Dương đặt nặng vấn đề tình yêu, còn An lại mang trong mình một tâm hồn “không có khiếm khuyết”, hay còn có thể gọi là một tâm hồn không có “cửa ra” cho “cô đơn và nỗi buồn”. Họ thấu hiểu nhau, bởi vì thấu hiểu nên không muốn rời xa, bởi vì thấu hiểu nên không muốn tiến thêm một chút nào nữa.
“Có một người luôn bên cạnh em, nhưng chưa bao giờ nói yêu em.”
Những cái nắm tay, biểu cảm buồn bã và bất lực của Dương, câu chuyện của hai người họ, chúng cho mình cảm giác hụt hẫng và nuối tiếc. Đó là cảm xúc liên quan đến những trải nghiệm cá nhân mà mình không tiện nhắc đến ở đây, nhưng mình có thể gói gọn rằng những cảm xúc đó rất đẹp.
“Không thể phủ nhận, trong mọi cuộc chia tay, dù buồn bã đến mấy cũng vẫn tồn tại khoảng thời gian rất vui vẻ.” Và, sau tất cả, có lẽ các nhân vật trong truyện và hình như là cả các độc giả nữa đều nhận ra cô đơn cũng vì thế chẳng phải một nỗi buồn.
CHANG, JACK VÀ LAM
Bên cạnh Dương, An còn có những mối quan hệ khác, ví dụ như Chang, Jack và Lam. Mỗi người góp thành những mảnh ký ức khác nhau trong cuộc đời của nhân vật chính. Cho dù cô gái ấy có không nhớ lắm về dáng vẻ của con người mình đã từng thân quen, vẫn vẹn nguyên đấy những tháng năm tuổi trẻ, những lần gặp gỡ, những cuộc chuyện trò. Và những trải nghiệm đó đã làm nên An của hiện tại: trưởng thành hơn, điềm tĩnh hơn nhưng vẫn khao khát tình yêu và hạnh phúc giống như thuở ban đầu.
Jack từng nói với An thế này: “Con người kỳ lạ thật.”. Đúng vậy, họ giống nhau, đều sợ cô đơn nhưng lại không thể yêu thương người khác. An đã từ chối ba lần tỏ tình của Jack, và cũng chính là An trước đó từng chờ đợi Chang nhiều giờ trên con phố không người. Họ đã đi cùng nhau trên một đoạn đường dài và rồi họ phải chào tạm biệt.
“Có lẽ bắt đầu từ khoảnh khắc chúng tôi học cách chào tạm biệt nhau, đã không thể trở về nữa rồi.”
MỘT MÙA HÈ
Sự quá đỗi thấu hiểu giữa An và Dương khiến mình nghĩ đến những người bạn thân. Và “Phương Bắc, Phương Nam" đã đưa mình về với mùa hè năm ấy, với những nỗi buồn đã xảy ra từ lâu mà lại chưa hề cũ, với những cảm xúc cứ cuộn trào không thể kiểm soát nổi. Mình đã trở lại khoảnh khắc khi ánh nắng chao nghiêng liệng xuống mặt bàn trải đầy đề thi, trở lại với những ánh mắt chờ đợi và hy vọng, trở lại ngày hạ chí chúng mình gọi điện cho nhau hàng tiếng đồng hồ để chắc rằng đối phương vẫn ổn, trở lại với nhiều khoảng lặng dài chẳng hề lên tiếng.
“Năm đó, chúng ta cùng nhau trưởng thành. Năm đó, chúng ta nuôi dưỡng hoài bão và nhiệt huyết. Năm đó chúng ta gặp nhau.”
Giữa đêm khuya, hình như mới chỉ vài hôm trước, mình đường đột gửi cho một người đoạn ghi âm dài hai mươi lăm phút. Chỉ để họ nghe được trích đoạn diệu kỳ trên, mở đầu rằng: “Những người chưa từng thua cuộc sẽ không hiểu được cảm giác của tôi lúc đó…”
Thỉnh thoảng thì tuổi trẻ cũng cô đơn thật, nhưng mà nó tới mức khó vượt qua đến thế. Vì vẫn còn những người xung quanh đúng không, những người “lo lắng cho cảm giác của bạn hơn là lo lắng cho thân thể của bạn” ấy?
NGƯỜI THẦY
Mình dành phần cuối cùng của bài viết để viết về thầy Chu và câu chuyện của văn chương.
An gặp thầy Chu vào một buổi sáng chủ nhật. Cùng với Dương, cô trở thành lứa học trò hiếm hoi và có lẽ là cuối cùng của người thầy giáo đã nghỉ hưu này.
Dương từng nói: “Thầy Chu ở lại thành phố này là một sự lãng phí". Mình cũng nghĩ như thế. Một người cho rằng chỉ khi nào học trò sẵn sàng nói với thầy mình muốn học gì thì mới có thể sẵn sàng cho văn chương, một người không chạy theo điểm số mà “dạy về tư duy và cách bồi dưỡng tâm hồn", đó là một người đặc biệt. Thật may mắn cho An và những ai được biết đến người thầy giống như thầy Chu. (Thật may mắn cho cả mình nữa)
Trong kỳ thi HSG Quốc gia, Dương là người duy nhất trong đội tuyển không có giải.
“Đáng ra anh cũng không buồn lắm đâu. Nhưng thầy Chu rất buồn.”
Mặc dù mình chưa từng đi thi HSG Văn, cũng biết là mình sẽ chẳng bao giờ có cơ hội được là một thành viên của đội tuyển quốc gia, với mình nỗi đau ấy vẫn là chân thật. Câu chuyện của Dương có lẽ chẳng khác gì câu chuyện mùa hè của mình hồi xưa đâu.
“Thầy nói sau này thầy sẽ không dạy ai khác nữa.” hay “Có lẽ chúng ta là những thế hệ cuối cùng mà thầy sẽ dạy.” - Cũng như cô giáo mình từng bảo cô sẽ nghỉ hưu khi mình tốt nghiệp, và cô hình như không dạy ôn thi chuyên nữa.
Mình nghĩ mình hiểu cảm giác của nhân vật Dương khi anh ấy trượt giải HSG, tưởng là rất điềm tĩnh nhưng đằng sau đó lại giống như đang “cố kìm nén thứ gì đó đang trào lên trong lồng ngực”.
“Lúc đó anh lạ lắm. Tim anh như chẳng đập nổi khi đối diện với ánh mắt của thầy. Anh cũng không biết là thầy thấy thất vọng về anh, hay thầy thất vọng về bản thân mình nữa. Hay là ngược lại? Có lẽ thầy nghĩ anh thất vọng về thầy…” - Những lời thoại này mình đã đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần, chỉ để níu lại một vài phút giây ngắn ngủi trong quá khứ - cuộc chuyện trò lúc bốn giờ chiều với cô vào cái ngày mình nhận được điểm thi. Mình quả thật rất giống Dương: không biết phải đối mặt với người thầy của mình như thế nào, không biết phải giải thích làm sao, là tại mình nên kết quả mới như vậy hay là tại một ai khác. Đến tận bây giờ mình vẫn không thể quên nổi.
Dù sao thì với Dương, An và cả mình nữa, kỷ niệm như vậy vẫn cứ là một viên hổ phách đẹp rực rỡ mà bên trong đó là biết bao nhiêu cảm xúc.
Với cá nhân mình thì những trích đoạn về thầy Chu là phần hay nhất của tác phẩm.
Bình luận
Chưa có bình luận