“Oscar và bà áo hồng” - Khi yêu thương gửi lại qua những bức thư

THÔNG TIN CHUNG VỀ TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM

ERIC-EMMANUEL SCHMITT là tác giả nổi tiếng Pháp - Bỉ sinh ngày 28/3/1960 tại Sainte-Foy-lès-Lyon (Pháp). Ông xuất thân từ gia đình trí thức, và bản thân cũng là tiến sĩ triết học. Sau một thời gian làm giáo viên, Eric-Emmanuel Schmitt chuyển hoàn toàn sang mảng sáng tác. Hai thập kỷ sau tác phẩm kịch đầu tay Đêm Valognes khá thành công, Eric-Emmanuel Schmitt đã trở thành một trong những tác giả Pháp nổi tiếng nhất trên toàn thế giới, các sách của ông đã được dịch ra hơn 40 thứ tiếng. Ông đã giành được chừng 30 giải thưởng văn học, trong đó đáng kể nhất là giải Goncourt dành cho truyện ngắn với tác phẩm “Một mối tình ở điện Élysée”, giải thưởng lớn của Viện Hàn lâm Pháp dành cho toàn bộ các tác phẩm kịch... 

Éric-Emmanuel Schmitt thu hút người đọc giọng văn mượt mà, ấm áp và các cốt truyện mang tính giáo dục, nhân văn cao cả. Ông từng chia sẻ: "Tôi không viết để thuyết giáo. Ngược lại, tôi thích làm người đọc suy nghĩ bằng cách kể một câu chuyện hay".

Năm 2004, trong cuộc thăm dò dư luận về "các tác phẩm văn học đã làm thay đổi cuộc đời người đọc" của tạp chí văn học uy tín Lire, độc giả đã bình bầu tác phẩm “Oscar và bà áo hồng” của Éric-Emmanuel Schmitt đứng ngang hàng với Kinh thánh, “Ba chàng ngự lâm” và “Hoàng tử bé”.

OSCAR VÀ BÀ ÁO HỒNG xuất bản lần đầu tại Pháp năm 2002 và ngay lập tức nhận được vô số giải thưởng: Giải Chronos, Giải Jean Bernard của Viện Hàn lâm Y học. Cuốn sách cũng từng nhiều lần được chuyển thể thành phim, kịch, ... 

Nội dung cuốn sách là những bức thư gửi Chúa tới từ một cậu bé mười tuổi, nhóc Oscar, biệt danh Sọ Trứng, vì cái đầu trọc – hệ quả sau đợt điều trị hoá chất do bệnh máu trắng. Oscar kể với Chúa về những mong ước của mình, về những gì diễn ra trong mười hai ngày có lẽ là cuối cùng của cuộc đời cậu. Những lá thư ấy đã được bà Hoa Hồng, một tình nguyện viên đến chơi với các bệnh nhi, tìm thấy sau khi Oscar mất. Chỉ vỏn vẹn hơn 100 trang, Schmitt đã thành công trong việc kể với chúng ta về nỗi đau, nỗi buồn, niềm hy vọng và cái chết với đầy chất thơ, chất hài và cảm xúc. 

Mình đã hoàn thành cuốn sách này trong chưa đầy 2 tiếng, với mình thì đây là một cuốn sách dễ thương, tràn ngập triết lý, những chi tiết lạc quan, hài hước. Cho dù đằng sau nó chẳng phải sự sống mà là một sự ra đi.

CẢM NHẬN

Đánh giá: 2.5/5

Như đã đề cập ở những dòng giới thiệu ở trên, Oscar - nhân vật chính - mắc một căn bệnh hiểm nghèo và cuốn truyện là toàn bộ những lá thư gửi Chúa cậu bé viết vào khoảng thời gian gần cuối cuối đời. Những lá thư ấy không nhuốm vẻ xám xịt ủ rũ, chúng đẹp rực rỡ, ấm áp và trong trẻo giống như màu áo của Bà Hoa Hồng. Ngôn ngữ được sử dụng dưới góc nhìn của cậu bé Oscar 11 tuổi rất hồn nhiên và có phần lém lỉnh, thỉnh thoảng còn mang giọng điệu hờn dỗi, lý sự rất trẻ con. 

Điều đáng chú ý xuyên suốt toàn bộ cuốn sách này chính là ở vấn đề nhân sinh được đặt ra qua cách cậu bé nhân vật chính nhìn nhận về cuộc đời của mình.

Hình như với Oscar, cái chết không phải vấn đề mà vấn đề lại là những gì ở xung quanh cái chết. Cậu bé đã nghe lén cuộc trò chuyện của ba mẹ và bác sĩ về những chuyển biến xấu trong sức khoẻ của mình, cậu nhìn thấy dáng vẻ bất lực, có phần yếu đuối và trốn tránh hiện thực của người thân, thấy sự buồn rầu của các y tá. Bệnh tật đã cản bước niềm vui và hạnh phúc đến với những người mà Oscar yêu quý. Và mọi người trưng ra trước mặt cậu toàn là sự ủ ê, và nghi kỵ cái chết. Chính bởi vậy mà Oscar thường căm ghét và tỏ ra ác cảm với những ai cố gắng tiếp cận mình. Dường như chỉ có cậu và Bà Hoa Hồng dám chấp nhận sự tồn tại của cái chết, nói về nó với tâm thế bình thản giống mấy câu chuyện phiếm thông thường. 

Thái độ của Oscar hay thái độ của những người lớn (đương nhiên là trừ Bà Hoa Hồng ra), đâu mới là một thái độ đúng đắn để đối diện với sự ra đi của những sinh linh nhỏ bé nơi trần thế? Oscar có phải là một đứa trẻ ngây thơ và không hiểu gì về cái chết? Hay cậu bé chính là kẻ có được sự minh triết hơn hẳn những người lớn xung quanh? Bố mẹ Oscar và các y bác sĩ, họ tránh đề cập về cái chết vì họ đang trân trọng sự sống hay đó chỉ đơn thuần là sự lẩn trốn vì sợ hãi những điều mình chưa biết? Đấy là những câu hỏi để băn khoăn về cách chúng ta đối diện với các sự kiện có tính bước ngoặt trong đời mình. Vậy nhưng đáng ngạc nhiên là cuốn sách này không thúc giục ta tìm câu trả lời cho cho những câu hỏi đó. Câu trả lời cụ thể dường như không ý nghĩa bằng việc nhận thức và suy nghĩ về vấn đề một cách nghiêm túc. 

Sự sống - Cái chết - Tình yêu: Là cạnh của tam giác cuộc sống, cũng là nguồn cơn của mọi hạnh phúc và khổ đau. Có sự sống ắt sẽ có cái chết và chắc chắn là phải có tình yêu. Tình yêu trong “Oscar và Bà Áo Hồng” luôn là hiện hữu xuyên suốt tác phẩm: Tình cảm trìu mến mà Oscar và Bà Hoa Hồng dành cho nhau, tình cảm “từ thích thích thành thương thương” của Oscar với Peggy Blue, niềm tin yêu với Chúa, kể cả thái độ căm ghét cha mẹ cũng là xuất phát từ quan tâm, lo lắng. Tác phẩm nồng nàn thứ tình cảm ngọt ngào như hương thơm của đóa hồng vương chút sương mai. Hương thơm đó lan ra, vượt khỏi ranh giới ngăn cách con chữ và đời thực để đến với chúng ta, những người đọc, giống như một lời chúc phúc cuối cùng của Oscar để lại cho đời.

Trong từng câu chữ mà Oscar gửi đến Chúa, dường như không còn chỗ cho buồn rầu, không còn chỗ cho sợ hãi. Cậu bé lấp đầy các dòng lá thư bằng suy tư và trải nghiệm. Không có thì giờ để ủ rũ khi mà cuộc đời vẫn còn đầy thứ mới mẻ và quyến rũ như thế, không có thì giờ để lòng trùng xuống khi vẫn còn bao nhiêu câu chuyện thú vị mà Bà Hoa Hồng chưa kể, bao nhiêu sự kiện xảy ra mà cậu có thể chưa được biết tới trong chuỗi 12 ngày với mỗi 24 giờ ví như mười năm. Những khoảnh khắc cuối cùng của Oscar sống động, thi vị tựa như nhan đề của một cuốn sách mình mới đọc gần đây: “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian”. Chỉ là “một thoáng” hữu hạn, ngắn ngủi nhưng là một thoáng “rực rỡ” sắc màu.

“Oscar và Bà Áo Hồng” mang đến một cảm giác buồn nhưng là một nỗi buồn trọn vẹn, một sự đầy đặn về cả nội dung lẫn cách nhà văn cấu trúc tác phẩm. Các dịch giả đã làm tròn nhiệm vụ của mình - truyền tải toàn bộ thông điệp ý nghĩa mà câu chuyện gửi gắm. Tuy nhiên mình vẫn cảm thấy bản dịch này không như mong đợi, mình vẫn chưa thấy được vẻ đẹp ngôn ngữ đã giúp “Oscar và Bà Áo Hồng” sánh ngang với “Hoàng tử bé”. 

Đọc đến dòng cuối cùng rồi khép lại cuốn sách, mình cảm thấy một buổi chiều trôi qua thật không có gì nuối tiếc. Và mình mong là các bạn khi đọc cuốn sách này cũng cảm thấy như vậy.


Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}