Bận đó trẻ con không thích học, mà người lớn cũng không quan trọng việc học. Cái trường làng nhỏ xíu kia chỉ có mười lăm đứa. Mỗi lần cô giáo trông thấy bàn học lại dư ra một chỗ ngồi thì chỉ biết thở dài ngao ngán.
Cô giáo còn trẻ, dưới miền xuôi lên đây dạy học và ước ao mang con chữ đến cho những đứa trẻ sống xa thị thành. Nhìn thấy tình cảnh này, cô giáo ba lần bảy lượt tới tận nhà phụ huynh, khuyên con em đến trường.
Có nhiều phụ huynh không mấy quan tâm, vỗ ngực bảo "Cô giáo xem, tôi không làm gì mà vẫn có đất vườn cày bừa để sống." Cũng có nhiều phụ huynh rất quan tâm, giống như thằng Hiển mới bỏ học một ngày thì hôm sau đã bị mẹ xách tai đến cổng trường.
Nhìn cái đít nó nhích tới nhích lui trên băng ghế gỗ đã mục, cái Thảo như bà cụ già tặc lưỡi: "Chú ba Râu lần này đánh ác gớm nhỉ?"
Chú ba Râu là cha của thằng Hiển, người Ê-đê, làn da đen khỏe và vóc dáng cao to vạm vỡ. Không hiểu sao cứ ngày nào má cái Thảo nấu cơm ăn với mắm luộc đều thấy chú ba Râu rượt thằng Hiển chạy từ cuối xóm đến đầu xóm, trên tay còn cầm cái cọc rút ra từ hàng rào, phải mà đánh trúng thì đau phải biết.
Nói chung thằng Hiển cũng lỳ, bị cha đánh đến mấy lần mà vẫn chẳng chừa. Nể nhất là nó còn dám trốn học.
Cái Thảo là bạn cùng bàn với thằng Hiển, năm nay hai đứa vừa lên mười. Nó thấy gương mặt thằng nhỏ mếu máo tủi thân thì hỏi dò: "Hôm qua mày chạy đi đâu chơi mà bị đánh đấy?"
"Thằng Tiến rủ tao đi vặt trộm xoài nhà bà Chinh. Nó bảo hôm qua đi đồng với má về thấy mấy trái đưa ra to lắm." Thằng Tiến hơn tụi nó hai tuổi, bỏ học cũng đã lâu. Bây giờ thường hay theo má ra đồng tưới lúa.
"Chết chửa, má tao nói bà Chinh hiểm lắm, mượn má tao hai lon gạo cả tháng rồi chưa trả. Chúng bây vặt xoài nhà bà, bà mách cho bị đánh tét đít."
"Mày mà nói sớm thì tao đâu ra cơ sự này?" Thằng Hiển học thì ngu nhưng mồm lại rất văn vẻ: "Kiểu này xem ra thằng Tiến cũng nát đòn."
Nghe đến đây, cái Thảo bụm miệng cười hì hì. Nó có đôi mắt tròn và sáng, người trong xóm ai cũng khen nó đáng yêu vì thế.
Cái Thảo khác với thằng Hiển, nó không có ý định trốn học. Nó hứa với má rồi, nó sẽ học thành thật chăm chỉ để trở thành bác sĩ. Sau này khi em ốm, má sẽ không phải lặn lội đường xa để chở em lên bệnh viện tỉnh nữa.
Đám trẻ ở xóm một ngày chỉ học nửa buổi, trường thậm chí còn chẳng có cái trống nào ra hồn. Thế nên khi hết lớp, cô giáo chỉ nhẹ nhàng nói: "Các bạn về." là bọn trẻ đã ào ra như ong vỡ tổ.
Thằng Hiển rủ: "Chiều nay thằng Tiến rủ tao đi bắn bi, mày có đi cùng không?"
Cái Thảo ôm cặp đi cạnh: "Tao không có bi, ô ăn quan thì chơi."
"Xì, ba cái trò con gái." Thằng Hiển còn chẳng có cặp, trên tay nó là quyển tập cũ má nó tính lúa với một cây viết chì đã gãy đôi. Nó mất hứng chạy ùa đi: "Thế thôi, mai gặp."
Cái Thảo tiếc: "Không thì chơi rồng rắn lên mây cũng được, hay cá sấu lên bờ?" Nó cũng thèm đi chơi, nhưng lúc này thằng Hiển làm gì nghe nữa, bởi nó đã cách cái Thảo một khoảng rất xa.
Nó lại giả vờ giả vịt thở dài, dù má con Thảo cũng khẽ tay nó mấy lần vì mới tí tuổi đã học thói của bà cụ non.
Tụi nó về ngay giờ ban trưa, mặt trời treo nóng hổi trên đỉnh đầu. Cũng may dọc đường về nhiều cây, cái Thảo mới nhỏ xíu đã biết yêu cái đẹp, hết nép vào bóng cây phượng này lại nép vào bóng cây gạo kia, nhích từng chút để về nhà.
Hoa gạo đang dần tàn vào những tháng cuối. Chắc chẳng mấy chốc, hoa phượng sẽ lại bung nở, báo hiệu một mùa hè sắp về.
Cứ thế, lúc nó về được tới nhà thì đã qua giờ ăn trưa. Mẹ cái Thảo đã ụp cái lồng thức ăn lại, nó lén mở ra thì thấy dĩa rau muống và chén cơm độn với khoai, còn có cả tô canh luộc nước rau bên cạnh.
Nó húp thử, hôm nay má nó nặn chanh hơi nhiều. Canh chua đến mức hai mắt nó híp lại. Mẹ nó thì nằm ở trong, tay vỗ về đứa em trai chỉ mới một tuổi. Tiếng hát ru nhẹ nhàng vọng ra, thanh thoát như tiếng sáo của ông tư Thời. Đó là ông lão hay đẽo và bán sáo trong xóm, thỉnh thoảng còn mang sáo sang xóm khác để bán.
"Ầu ơ ví dầu
Cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi..."
Cái Thảo cảm thấy mẹ nó còn hát hay hơn những cô ca sĩ nổi tiếng thường hát trên tivi nhà ông Mẫn. Ông Mẫn là người giàu nhất xóm, nhà ông có cái xe đạp, tường xi măng và một cái tivi nhỏ. Cái tivi đó chỉ có ba kênh, chiều nào cả xóm cũng xếp lớp ngoài sân ông Mẫn đợi coi ké.
Thế nên hôm nào ông Mẫn muốn coi ca nhạc thì cả xóm sẽ coi ca nhạc, muốn xem phim thì cả xóm sẽ cùng coi phim, muốn coi tin tức thì cả xóm cũng tụm lại ngồi coi tin tức. Có hôm thằng Hiển bị đuổi ra ngoài, bởi vì hôm đó ông Mẫn muốn coi tin tức mà nó lại làm loạn la lối muốn coi phim.
Nói chung tính con Thảo cũng dễ chịu, lúc nào nó cũng có thể xem vô cùng say mê, ngay cả hôm phải xem kênh tin tức mà nó không hiểu.
Thấy em trai đã ngủ say, nó nhỏ giọng dỗi hờn: "Có em rồi, mẹ chẳng hát ru con nữa."
Má cái Thảo nghe vậy thì bật cười, giả vờ mắng: "Mày to đầu rồi mà còn đòi nghe hát ru."
"To thì to nhưng vẫn là con của má mà."
Má cái Thảo hết nói nổi, nhưng nhà có nó là đứa con gái, thương làm sao hết. Thế là bà vẫy tay, kêu nó leo lên sạp.
Lúc đẻ em trai xong thì nhà đã mua cái chiếu mới, Thảo cũng thèm ngủ nhưng nhường lại cho mẹ và em. Bây giờ leo lên nằm mới thấy trời ơi sướng.
Nó gối lên đầu má, thủ thỉ: "Má mua chiếu mới cho con nữa." Chiếu Thảo đang ngủ là chiếu cũ của cô nó trước khi lấy chồng, gần mục cả rồi. Bây giờ ngủ hay bị sợi chiếu vểnh lên chọc vào lưng, ngứa không nói được.
"Sau này cha mày về, vòi ổng mua cái chiếu gỗ cho mà nằm." Cái Thảo biết chiếu gỗ, bởi nhà ông Mẫn cũng có một cái. Khác với loại chiếu đan tay, chiếu đó được ráp lại với nhau bằng những mảnh gỗ nhỏ đều nhau tăm tắp. Khi đó mua về ông Mẫn còn hào hứng khoe đây là "hàng ngoại".
"Vậy là nhà mình cũng sắp giàu như ông Mẫn hả má?" Cái Thảo sửng sốt: "Mình còn xài cả hàng ngoại ư?" Nó không biết "ngoại" là ở chỗ nào, nhưng chắc là xa lắm, phải xa như cỡ ra thủ đô.
"Mày lại nghe đâu đấy? Giờ người ta bán đầy đường rồi kìa." Má cái Thảo gõ vào đầu nó: "Ngủ đi cô nương, để tao còn ra canh lúa. Mưa một cái là có mà chạy co giò."
"Má chưa hát mà đòi con ngủ."
"Hát đây này. Hên là nhà tao có hai đứa, chứ mà bốn đứa như nhà bà Chinh thì cổ họng nào mà hát nổi?"
"Bà Chinh hát không hay đâu." Cái Thảo phân bua: "Con nghe bà mắng chú Dự rồi, giọng vừa to vừa chóe."
Mẹ cái Thảo lườm: "Không có nói người lớn như vậy, nghe chưa?"
Cái Thảo ngoan ngoãn nhắm mắt trong tiếng hát ru êm đềm của má. Dường như nắng đã bớt gắt hơn. Cơn gió nhè nhẹ lướt qua cổng trường làng, qua cánh đồng, lùa vào ô cửa sổ, và đáp nhẹ qua gương mặt nhỏ nhắn của nó.
Cái Thảo ngủ say hơn, trong giấc mơ, nó trông thấy một bóng cây to lớn tràn ngập sắc đỏ. Nó nghĩ thầm, không biết kia là cây phượng hay cây gạo nhỉ?
***
"Sắp Tết Đoan ngọ rồi, má mày có cúng gì không?" Xóm nó ăn lễ Đoan ngọ rất lớn, bình thường trông cái xóm nghèo nghèo, thế mà tới Tết nào bánh nào quả đủ cả. Thế nên đứa trẻ nào trong xóm cũng mong đến dịp giữa năm.
Chiều đó khi cả bọn kéo nhau ra sân nhà ông Mẫn ngồi xem tivi, thằng Hiển vừa trông thấy là coi tin tức thì chán đến chết, quay sang túm cái Thảo trò chuyện. Thảo đang coi say mê, bị túm thì gắt: "Im lặng đi."
"Tao hỏi là má mày tính nấu gì cúng." Thằng Hiển trơ cái mặt lì ra, không nghe: "Cái đó có gì hay đâu mà coi."
"Không biết, chắc là bánh ú như năm ngoái." Cái Thảo miệng thì nói, mắt vẫn dán vào màn hình phía xa xa.
"Má tao năm nay chắc làm cơm rượu." Thằng Hiển chán nản, chỉ có ông cha da đen thích nhậu của thằng nhỏ là vui. Thằng Hiển chống cằm: "Hay hôm đó tao sang nhà mày ăn ké?"
Cái Thảo đánh nó: "Mày mà sang, tao thả chó cắn mày."
"Ha ha, nhà mày làm gì nuôi chó?" Nhà cái Thảo không nuôi chó thật, cái Thảo sợ chó do từng bị cắn hồi năm tuổi. Thằng Hiển tỏ vẻ đắc ý: "Tao vẫn cứ sang."
Thảo lườm nó, nhưng chẳng nói gì nữa. Đang ngồi coi một hồi, vai tụi nó bị ai đó khều. Cái Thảo quay ra sau thì thấy hàm răng vàng khè của thằng Tiến. Thằng Tiến ra đồng rẫy lúa đã hai năm nay, thế nên da của nó cũng đen nhẻm, nhưng so với chú ba Râu thì vẫn còn xa lắm.
Thằng Tiến cẩn thận dòm xung quanh, sau đó móc ra mấy cái bông nát bấy trong túi quần. Hoa dâm bụt đỏ, cánh to, nhụy vàng và dài. Thằng Hiển cầm lấy tước nhụy mút ngay phần đuôi, ngòn ngọt. Cái Thảo không hút mật, chỉ ngắm một hồi rồi để đó.
"Anh hái ở đâu đấy?" Cái Thảo tò mò hỏi.
"Mọc dại mà. Gần ruộng nhiều lắm." Thằng Tiến cũng mút, trông hai thằng con trai mỗi người ngậm một bông cứ buồn cười thế nào: "Lần trước má cấm tao vặt trộm, giờ đâu dám hó hé nữa. Đít vẫn còn ê đây."
Cái Thảo liếc mông của thằng Hiển ngồi kế bên rồi lại cười khúc khích. Thằng nhỏ xấu hổ, trợn mắt nhìn con nhỏ.
Thằng Hiển quay sang hỏi thằng Tiến câu quen thuộc: "Thế, Tết đoan ngọ nhà mày nấu gì?"
"Chắc cơm rượu." Thằng Tiến đáp: "Tao không biết, cũng có thể là món khác. Vừa nghe má tao chửi lộn với bà năm Sơ bán rượu xong." Mỗi lần chửi lộn như vậy cũng phải giận dỗi cạch mặt mấy tuần.
Nghe đến đây, thằng Hiển lại nhìn thằng Tiến bằng đôi mắt đồng cảm: "Thôi, hôm đó cứ ghé nhà cái Thảo ăn đi. Nhà nó làm bánh ú đấy."
"Thích vậy sao?" Mắt thằng Tiến tỏa sáng: "Thế tao sang thật đấy."
Cái Thảo tỏ vẻ hung dữ: "Cha em nói đi công tác về sẽ mua một con chó phụ má trông lúa, hai người mà sang, em kêu nó cắn đấy." Mọi năm nó đã không đủ ăn, năm nay lại còn có hai kẻ ăn chực này.
"Ơ, tao tưởng mày sợ chó mà?" Thằng Tiến ngây thơ đáp: "Bảo chú đừng mua, nhà tao mới đẻ một ổ kìa, cho mày một con."
Nói đến đây, cái Thảo ngập ngừng: "Thế... thế thôi vậy."
Thằng Hiển cười phá lên.
Ngày mốt đã là Tết đoan ngọ, thế nên hôm sau khi cái Thảo đi học về thấy trên mặt ai cũng nở một nụ cười thật tươi. Mẹ cái Thảo đã ngâm gạo nếp, chắc chiều nay sẽ bắt đầu nấu và gói bánh.
Cái Thảo thích gói bánh, năm nào cũng phụ mẹ gói đến nửa đêm. Nghĩ đến đây, cái Thảo tiếc: "Năm nay Tết đoan ngọ cha lại không về nhỉ? Con có linh cảm năm nay con sẽ gói bánh đẹp lắm."
"Cha bận lắm, chắc cuối năm mới về." Má cầm cái quạt mo quạt cho thằng nhỏ dễ ngủ: "Không biết sao hôm nay trời nóng hơn mọi khi."
Cái Thảo cũng thấy thế, thằng Hiển ngồi trong lớp mà mồ hôi nhễ nhại. Thảo cũng thấy nóng đến váng cả mặt. Nó biết là sắp vào hè nhưng không nghĩ là nóng thế này.
Bên tai nó bỗng ù lên, tim căng lại. Trong một chốc, đột nhiên đầu cái Thảo tê dại. Có âm thanh chấn động sắc bén và lùng bùng bên lỗ tai, nghe thật rền rĩ và đau đớn.
Cái Thảo thề rằng nó chưa nghe thấy âm thanh nào tương tự như thế trong đời. Nghe như có một con chim đang bị bóp cổ nhưng vẫn ráng kêu thót lên những tiếng dài.
Mặt đất chấn động và khói bụi mù mịt. Thảo không còn nhớ gì nhiều những giây phút đó, chỉ thấy mắt má đỏ hoe lao về phía mình. Và cái xóm nho nhỏ tràn ngập những tiếng thét:
"Bom rơi! Giặc tới!"
Giặc tới.
Đầu nó kêu ong ong, trông thấy gạo nếp đổ đầy ra sàn, màu gạo vàng óng ánh đâm vào mắt nó. Rồi tất cả dần dần nhòe đi.
Bầu trời lúc đó như sụp xuống.
"Chị Thảo?"
Thảo choàng tỉnh, trong một chốc, cô tưởng mình vẫn còn đứng trong mưa bom bão đạn. Máy bay chạy ngang đầu và miệng mồm cô đầy đất cát. Cô nghiêng đầu, trông thấy thằng Trực ôm súng nhìn mình: "Vết thương chị đau à? Em thấy chị khóc."
Thảo dụi mắt ngồi dậy, "ừ" một tiếng.
Mới đó mà đã mười năm, ngày mai lại là Tết đoan ngọ rồi. Chắc thế nên cô mới nằm mơ như này.
"Chị cần thuốc không?" Thằng Trực là sinh viên thủ đô, bỏ bút cầm súng, tính tình thành thật. Trông thấy Thảo khóc còn lo sốt vó: "Mai lên đường tiếp rồi, chị mà đau nhiều thì khó đi lắm."
"Chị không đau mấy nữa." Thảo mỉm cười, im lặng một hồi rồi đứng lên: "Chị đi đây xíu, lát chị về."
Thằng Trực gật đầu, ngồi đó nhìn ra ngoài.
Thảo vừa đi chưa bao lâu thì thằng Quân mặc bộ rằn ri xanh rờn, lú cái đầu vào, ngơ ngác hỏi: "Ủa chị Thảo đâu?"
"Làm chi?" Thằng Trực moi nắm cơm nguội ngắt trong túi quần ra, ăn một miếng: "Lại có thằng nào bị thương à? Tao đã kêu tụi bây nghịch dại ít thôi. Đánh nhau cho lắm lúc dính đạn thật thì chẳng có cái lá mà đắp."
"Không có. Bọn chúng rủ chị Thảo qua chơi, ai cũng bảo chị hát hay lắm."
"Chị bảo tao là ghé đâu đấy, lát chị về."
Thằng Quân nghe vậy thì mặt tiu nghỉu, thế mà vẫn đứng lại buôn chuyện: "Chị Thảo giỏi ghê, đợt rồi phía trên điều chị về Hà Nội làm mà lại không chịu. Thân con gái bon bon ở chiến trường làm quân y miết?"
"Gì mà không chịu, nghe đồn mẹ chị đang ở thủ đô còn gì." Thằng Trực chung đội với Thảo lâu năm nên rành hơn: "Mà tự nhiên nghe thấy đội trưởng lên xuôi, chị xin đi xong chuyến này thì về sau."
"Phải về, phải về thôi." Thằng Quân than thở, lần trước mang thuốc đi dọc Trường Sơn, đạn nổ cứa mắt chị, giờ mù một bên. Ôi thôi, cứ bôn ba miết lại cực.
Thằng Quân tiếc nuối, rồi lại nhìn về phía xa xa. Nơi đó là bờ kè đã cạn nước. Mấy cái cây bị bom dập trụi lủi không biết từ tháng năm nào. Thậm chí thằng Quân còn chẳng biết mấy cái cây đó là cây gì.
Tiếc thật.
Bom nổ dài làm đôn lên những ụ đất, con đường xưa vốn đã chẳng bằng phẳng giờ lại càng gập ghềnh. Mắt trái của Thảo mù, trên mi mắt là một vết sẹo dài, hồng đậm, nổi lên như rết, kéo tới tận cằm. Cô đi đường suýt té mấy bận. Thế mà mắt phải vẫn to tròn và sáng trong như thuở nào.
Cô loay hoay mãi mới leo lên được cái ụ đất cao, nhiều năm xa quê nhưng con đường đó nó vẫn quen thuộc. Là con đường dọc bờ đê có những cây cao rợp bóng, rải mắt xa xa vào vụ Đông Xuân là màu vàng ngợp mà mùi sữa lúa non thơm nứt. Khi đó mấy khứa nhỏ tách vỏ lúa rồi "mút" chùn chụt như sữa mẹ, nhất là thằng Hiển.
Nhớ lần chú ba Râu lôi cổ nó xuống ruộng đánh tơi bời, Thảo lại vô thức cười, cong cong đôi mắt.
Tiếc là bây giờ, tất cả chỉ còn là đống đổ nát.
Đêm chạy giặc hôm đó giống như một giấc mơ, rất nhiều người chết. Chết vì bom đạn, chết vì đá vùi, cây đổ. Chết rất nhiều. Nhiều người Thảo biết tên, nhiều người Thảo không biết. Hoặc là Thảo biết đấy, có điều cái thây bê bết khiến Thảo không dám nhìn, cũng không dám nhận ra.
Em trai Thảo cũng chết.
Cha từ trong quân về đưa mẹ con Thảo lên Hà Nội. Mới đó là đã hơn chục năm. Thảo đay nghiến mong ngày Thống nhất, để được về quê, về cái xóm nho nhỏ. Cũng may là giờ Thảo đã được về sớm hơn dự định.
Từ đêm hôm đó mẹ Thảo bệnh, xong chuyến này không muốn cũng phải về thủ đô. Về thủ đô chăm mẹ.
Cái xóm nho nhỏ vốn ở đó giờ chỉ còn là một bãi đất hoang tàn. Thảo thèm nhìn thấy một ngôi nhà, một cái cây của chốn cũ. Ngôi nhà của bà Chinh khó tính có cây xoài chua nhăn răng, của ông Mẫn có cái tivi không màu và cái cổng to mở toang. Không thì bãi đất tụi nó ùa ra chơi ma lon, hay đuổi bắt vào mấy buổi chiều.
Chẳng còn gì, chỉ có một bãi đất đá lổn ngổn và cái mùi ngai ngái của khói và đất.
Thảo bới chút đất đá, cố đi về nhà mình. Đó là ngôi nhà nhỏ nhắn và giản dị, có đôi chiếu cũ và cái lồng úp cơm màu xanh. Dưới lồng úp cơm khi là cá, khi là rau, khi chỉ là vài củ khoai luộc vội.
Nhưng cũng chẳng còn gì.
Thảo nhắm mắt, tưởng tượng trước mắt mình là một ngôi nhà. Nơi có người cha đi công tác xa và người mẹ thường ngồi ngoài sân canh lúa. Những trưa hè khó ngủ, mẹ hát:
"Ầu ơ ví dầu
Cầu ván đóng đinh..."
Cô gái trẻ lê đôi chân nặng trịch về phía trước, gương mặt dính đầy đất cát. Rồi cô khóc, trong đống đổ nát.
"Ầu ơ ví dầu..."
Ầu ơ ví dầu...
Bài hát ru vang lên đứt quãng bởi giọng hát của cô quân y mù một mắt, nhưng cái xóm nho nhỏ đó đã không còn. Cũng chẳng còn chú ba Râu, thằng Hiển hay thằng Tiến. Chẳng còn ngôi trường làng hay đồng ruộng xanh xanh. Hàng cây dọc bờ kè tan tác theo những tiếng cười, và những chiều cả lũ tụ lại xem ti vi...
Chẳng còn nữa.
Chẳng còn gì nữa.
1972, còn 3 năm 4 ngày đến lúc Thống nhất.
Bình luận
Chưa có bình luận