Thứ sáu, lò mổ được lệnh tạm đóng cửa để phía Bảo an tiến hành điều tra. Khẩu cung lấy xong xuôi, lũ chúng tôi đâm ra rỗi việc.
Châu thì về đằng nội ăn giỗ, còn lại mình tôi trong căn nhà công vụ trống trải.
Hình ảnh con bò đã chết gục, giữa đám cỏ xanh mơn mởn được cắt tỉa cẩn thận cứ quẩn quanh trong đầu tôi mãi chẳng tan. Không một chút máu me vương lại, nhưng rõ là đã chết. Ba chân nó sõng soài trên nền cỏ, cái thứ cỏ mà nó không hề ưa thích, một chân từng bị cắt hãy còn được bọc kín trong lớp dung dịch hoàn nguyên.
Cả đêm qua tôi chẳng thể nào ngủ được, bởi nó đeo bám theo tôi vào tận những cơn mơ. Nghìn câu hỏi “tại sao” tựa hồ cứ tắc lại trong bốn khoang tim, làm cả người tôi như thiếu dưỡng khí, dẫu được nghỉ làm cũng chẳng thể nào tươi cười nổi.
Chẳng muốn ở nhà thêm chút nào nữa, tôi bèn quyết định đi đâu đó cho khuây khỏa. Thế là tôi gọi bác Cẩm, bảo bác để tôi tạt qua trường học đón bé Mơ yêu dấu của tôi.
“Tác tác. Vậy để bác báo với thầy giáo nhé.” Bác Cẩm ở đầu bên kia cục tác mấy nhát nữa rồi mới tắt máy.
Tôi lục trong ngăn tủ dải băng cổ do bác tặng. Chiếc băng cổ màu xanh lục nhạt, viền họa tiết hoa chanh, phối cùng một bộ đồ màu trắng kem đơn giản. Tôi còn nhớ bé Mơ vẫn bảo là thích nhìn thấy tôi mặc như vậy nhất.
Xong đâu đấy, tôi leo lên chiếc xe hai chỗ không mui, quyết định phi đến trường Tiểu học Tú Kê, ngôi trường dành riêng cho các bé gà bông nằm cách làng gần mười cây số. Lúc bấy còn sớm lắm, tôi cố lái xe bay thật chậm, thầm cảm thấy được giải thoát vì đường đến trường ngược lại với phía bờ đê.
Nhưng tôi đã quên tính mất một chuyện: Tôi phải bay qua bãi tha ma.
Căn nhà nhỏ nằm cách trung tâm làng năm cây số, tách biệt với phần đông những cụm dân cư khác. Nó nằm ở một chỗ với địa thế chẳng hề đẹp đẽ, cạnh bên rìa khu nghĩa địa. Đấy là nhà của bò vàng.
Chẳng hiểu run rủi thế nào mà tôi lại dừng xe. Xung quanh đây, phía Bảo an đã chăng rào và gắn hệ thống bảo vệ, chắc chắn tôi chẳng có cơ hội bước chân vào đó.
Tôi nhìn cánh cửa nhỏ bằng gỗ sơn xanh đã có phần mục nát, thấy trong lòng càng thêm trống trải. Thật ra cũng chẳng phải lần đầu tôi đến đây. Trước kia, mỗi lần bò vàng cắt thịt xong, tôi đều qua nhà thăm nó.
Nhớ cái đợt con bò cắt chân, chờ mãi vẫn không mọc lại, dù đã đổi sang loại thuốc hoàn nguyên tốt nhất. Sau nhiều ngày lăn lộn, kết quả chẳng thấy đâu mà các khoản chi phí cứ thi nhau đội lên tới tấp, bò vàng bèn xin được ra viện, quay trở về căn nhà này. Lần ấy, tôi còn nhớ như in cảnh tượng nó nằm bệt trên chiếc nệm thơm mùi cỏ nơi góc nhà, lải nhải kể tôi nghe mấy câu chuyện không đầu không cuối.
“Mấy con bò cùng lò mình toàn phải đi thuê chuồng mạn rìa làng kìa. Cưng thấy không? Tớ đây có được một căn này thì đã là hơn đứt khối đứa rồi.”
Bò vàng vừa đưa đôi mắt nhìn ra nghĩa trang ngoài cửa sổ, vừa thì thào:
“Hội nhà gà thì không tính. Lũ đó ở hết bao nhiêu? Cả họ chui vào một căn bé tí còn được. Với chúng nó còn bán cả trứng. Chứ đâu như bọn tớ, cắt thịt xong còn tẩm bổ này kia, biết bao lâu mới hồi lại…”
Mà chẳng biết có hồi được không ấy? Tôi nhìn theo ánh mắt nó ra ngoài nghĩa trang. Nhưng nghĩa trang có lẽ cũng chẳng dành cho nó, mà cả tôi cũng vậy.
“Ê bò vàng.”
“Ơi?”
“Đằng ấy có còn họ hàng nào không?”
Tôi nhớ phần nhân thân trong hồ sơ của nó ghi rằng cha mẹ đều đã qua đời. Chẳng qua tôi không rõ liệu nó còn họ hàng nào khác.
Con bò vàng lặng im trong đôi chốc. Dường như câu trả lời là không.
“Họ hàng thì ai chẳng có.” Nó đáp. “Nhưng nói chung từ lúc tớ bắt đầu ‘nhớ’ được một chút thì bố mẹ tớ đã chuyển đến đây rồi.”
Vậy là từ chuyện họ hàng, câu chuyện bỗng con cà con kê sang sự tích của căn nhà này. Thời ấy, tôi nghĩ có lẽ là khoảng trước khi bong bóng nhà đất vỡ tung, bố mẹ nó chẳng đủ tiền mua lấy một khoảnh đất nào trong làng, dẫu là một mảnh vẹo vọ chỗ đầu đường cuối chợ.
“Lương bán thịt dăm cọc ba đồng ấy mà, thời ấy còn bèo hơn thời của chúng mình, tại người ta vẫn chuộng thịt nhân tạo.” Con bò than thở.
“Ừ. Thời đấy phong trào ‘không ăn thịt động vật sống’ vẫn còn mạnh lắm.” Tôi gật đầu, nhớ lại giai đoạn lịch sử từ năm nảo năm nào, khi mấy tổ chức phi chính phủ vận động cho “quyền động vật” mọc lên như nấm.
“Ừ đấy. Chả hiểu sao luôn. Kế sinh nhai bọn này là bán thịt mà? Vận động không ăn là sao? Chả thế mà thời đấy, bố mẹ tớ hay đùa nhau ‘nhân đạo’ này là đạo của con người, chứ chả phải đạo của con bò…”
Tôi méo miệng, chẳng thể nào cười được trước câu đùa ấy.
“Cuối cùng bố mẹ tớ vét hết tiền dành dụm, mãi mới tìm được một mảnh đất dân sinh nhỏ nhỏ chỗ này.”
“Lần trước đằng ấy kể vụ còn nợ một khoản ấy, là cái nhà này à?” Tôi buột miệng hỏi, cảm thấy lòng mình chùng hẳn xuống.
“Ụm bò. Ừm, cũng đúng. Nợ là do cái nhà này chứ còn cái nhà nào nữa.”
Ấy vậy mà con bò vẫn đáp lại tôi với cái giọng nhẹ nhàng hết sức. Về phía tôi, cái câu hỏi “còn bao nhiêu” đành mắc nghẹn lại trong cuống họng, bởi rốt cuộc, tôi nhận ra mình cũng chẳng thể làm gì hơn để giúp con bò.
“Cái nhà này ấy…” Con bò lại chậm rãi nối dài câu chuyện. “Hồi đó cũng có hai, ba gia đình khác quanh đây. Chẳng hiểu về sau thời thế biến thiên thế nào mà lại rời đi hết.”
Thời thế biến thiên… Tôi lẩm bẩm theo con bò trong trí nhớ. Đoạn, nhìn ngôi nhà trơ trọi trước mắt, nghĩ rằng mình nên ngưng hồi tưởng đi thì có lẽ sẽ hay hơn. Thời thế biến thiên, con bò có lẽ cũng đã rời đi thật mất rồi.
—
Bé gà Mơ, cháu nhà bác mái Cẩm, năm nay học lớp năm trường Tiểu học Tú Kê. Cháu được gửi ở đó theo chương trình nội trú, chỉ cuối tuần mới được về nhà. Có bận tôi hỏi bác Cẩm rằng: con Mơ mới bé tí, tội gì mà ép cháu nó theo chương trình khắt khe thế. Bác bèn xua cánh, bĩu mỏ, nhìn tôi với ánh mắt “mày đúng là con gà mờ, chả biết gì sất”.
“Bao giờ mày có con thì sẽ hiểu cháu ạ. Bọn trẻ giờ cạnh tranh từ vạch xuất phát!”
Sau đó, bác mái bèn lôi ra một tập tin với dung lượng ngang ngửa đống giáo trình thời Đại học của tôi, chỉ vào giải thích:
“Bác đã phải nghiên cứu kỹ lưỡng mấy chục cái quanh làng mình mới tìm được quả trường chất lượng thế này đấy.”
Tôi nghe bác Cẩm hăng say diễn giải mà ù ù cạc cạc, tựa như con vịt lạc giữa đàn gà. Đến cuối cùng, dù câu được câu mất, tôi cũng tóm ra được ý chính, rằng các cháu sẽ được gửi ở đó theo chương trình tiêu chuẩn phương Tây, với chế độ dinh dưỡng và luyện tập thể chất, đảm bảo tất cả sẽ vượt qua vòng kiểm định chất lượng thịt và trứng trong tương lai.
Khi nghe đến “tiêu chuẩn phương Tây”, tôi hoang mang đến nỗi phải tức thì hỏi lại: “Nhưng bé Mơ là gà ta mà bác?”
“Không sao, chương trình đã được đồng bộ cho gà ta rồi.”
Bác trả lời, đoạn nhại lại giọng ông Hiệu trưởng nọ, vô cùng háo hức:
“Đảm bảo được nhận vào những công ty chăn nuôi hàng đầu cả nước.”
—
Tôi đỗ xe trước cổng trường cháu Mơ. Có lẽ do đã được bác Cẩm thông báo nên đội ngũ nhà trường chỉ kiểm tra sơ qua danh tính tôi một lượt.
Còn khoảng hơn một tiếng nữa mới đến giờ tan học nên tôi được mời vào bên trong tham quan khuôn viên trường.
Từ sau khi tốt nghiệp, mỗi lần có cơ hội bước qua cánh cổng dẫn vào bất kỳ ngôi trường nào, tôi lại cảm tưởng mình hóa thành một lữ khách, du hành vào một xã hội nhỏ bé và tách biệt. Tất thảy những niềm vui và nỗi buồn bên trong xã hội tách biệt nọ sẽ chẳng tài nào chạm đến được một kẻ trưởng thành. Còn những đau đớn của riêng cá nhân kẻ ấy cũng có thể được gói lại kỹ càng, ném ra bên ngoài khu vực học đường, thư giãn hệt như một chuyến du lịch chữa lành miễn phí. Tôi thầm nhủ, có lẽ quyết định đi đón bé Mơ là một lựa chọn đúng đắn của bản thân.
Ngôi trường rất hiện đại, nom chẳng hề thua kém trường học ở thành phố nơi tôi sinh ra và lớn lên. Dẫn đường cho tôi là một giáo viên trong hình dạng con người. Tôi hỏi liệu mình có thể đứng ngoài phòng học của bé Mơ xem thầy giảng được không. Người hướng dẫn ấy ngẫm nghĩ một lúc rồi đáp “được”. Sau đó, anh dẫn tôi vòng qua một khu vườn trải cát vàng, nơi tôi thấy một lớp gà bông lẫm chẫm tập bới đất. Tôi mỉm cười, thầm nghĩ có lẽ đúng là chương trình học ở đây đã được đồng bộ cho gà ta thật.
Đi qua những bức tường được kết hợp màu sắc tinh tế và trang nhã hơn so với nhiều ngôi trường tiểu học khác, tôi không kìm được mà thán phục vài câu. Người thầy giáo đang dẫn đường cho tôi nghe vậy bèn cười, giải thích:
“Họ nhà gà có góc nhìn và thói quen khác con người. Riêng về màu sắc, gà nhìn thấy nhiều màu hơn người. Chủ đầu tư cũng rất lưu tâm đến vấn đề này, nên khi xây trường, tiêu chí hàng đầu để chọn nhà cung cấp thiết kế là có nhiều thành viên gốc gác thuộc lớp Chim đấy ạ.”
Nghe vậy, chẳng hiểu sao trong đầu tôi lại nổi lên một sự tò mò hết sức vô nghĩa. Tôi muốn thử xác định anh là con người hay là động vật biến thành.
Tôi bèn ngoảnh sang, lúc bấy mới để ý kỹ người đàn ông trước mắt. Anh ta mặc bộ com lê màu xanh hải quân, ngực trái hãy còn đeo một miếng băng vuông nhỏ màu đen. Vì anh ta cũng khá cao nên tôi cũng không tiện nhìn kỹ mặt, nhưng trông dáng đi thẳng, cử chỉ vô cùng thanh lịch và tự nhiên, thì dẫu thế nào cũng không giống xuất thân từ động vật.
“Anh có từng làm người mẫu ư?” Tôi buột miệng hỏi.
Một giây ấy, tựa như cảm nhận được thắc mắc bất chính của tôi, anh ta chỉ cười cười:
“Vâng, cũng có thể coi là vậy.”
Mấy giây sau, anh ta mới lên tiếng diễn giải tiếp:
“Vì các bé trong trường đều còn nhỏ, nên nhà trường muốn tạo một môi trường thân thiện và đồng cảm nhất cho trẻ. Hiện khoảng 30% giáo viên trong trường là loài gà và 90% cán bộ nhân viên có nhân dạng tại nhà trường từng là động vật. Cá nhân tôi có gốc từ loài bò.”
Tôi gật đầu, trong lòng hơi hơi chột dạ. Nhưng tôi chưa kịp xử lý cảm xúc mơ hồ ấy, thì giọng của anh ta lại lần nữa vang bên tai tôi, thông báo rằng đã đến lớp của bé Mơ.
Người dẫn đường mời tôi ngồi lên băng ghế bên ngoài. Tôi theo lời, ngồi xuống đó rồi đeo lên thiết bị dự thính mà anh mang cho. Lớp học dường như vừa vào giờ Lịch sử, giọng giáo viên vang lên du dương, tựa hồ có thể xoa dịu bất cứ cảm xúc khó chịu nào.
“Sau cuộc Đại Tiến Hóa, còn gọi là Đại sự kiện thứ nhất, hầu hết các động vật thuộc lớp Chim và Thú đã có thể giao tiếp với loài người.”
Tôi gật gù, phát hiện ra mình vẫn còn nhớ được ít nhiều kiến thức Lịch sử thời Tiểu học. Có lẽ cũng một phần do tôi học ngành Quản lý Nông trại và giai đoạn này gắn liền với cuộc sống thực tế chăng?
Giáo viên tiếp tục giảng giải: “Trong đó, giới Chim Thú mới này lại phân hóa ra hai nhánh riêng biệt: nhánh có khả năng tiến hóa cấp thành hình dáng loài người và nhánh vẫn giữ nguyên hình dạng động vật.”
Nghe thấy nhánh tiến hóa cấp tự nhiên, tôi lại tự động nhớ đến Châu. Chẳng biết nó về nhà ăn giỗ thế nào nữa? Liệu nó có nhìn thấy con bò vàng như tôi không? Hay là, liệu nó có mất ngủ như tôi không nhỉ?
Tôi nhớ họ nội và họ ngoại nhà Châu đều là những dòng họ di truyền khả năng tiến hóa cấp. Tức là đến tuổi dậy thì, hầu hết sẽ biến đổi thành nhân dạng một cách tự nhiên, đồng thời giữ lại vài đặc trưng nguyên bản. Như Châu là cặp sừng.
Đương nhiên, mọi nền văn minh đều từng ghi nhận rằng trong các dòng họ này, có những trường hợp cá biệt “mắc kẹt trong lốt thú”. Mà có lẽ chẳng nói đâu xa, tôi vẫn thường nghe con Châu than thở nó có đứa em họ mãi không hóa được thành người, hơn hai mươi tuổi mà cứ đội lốt bò dù đã chạy chữa khắp nơi. Châu bảo người nhà nó gọi những kẻ như thế là “bị giữ lốt”.
Trong lớp, mấy bé gà có vẻ im phăng phắc, chăm chú lắng nghe. Tôi cũng nghe, dẫu rằng câu được câu mất, hai mắt bắt đầu díp lại do hậu quả của một đêm mất ngủ.
“Tất cả những vấn đề về mâu thuẫn và thực phẩm đó được giải quyết khi Ông phát minh ra thuốc hoàn nguyên. Toàn bộ sự kiện này gọi là…?” Cô giáo kéo dài giọng hỏi.
“Đại sự kiện thứ hai.” Cả lớp đồng thanh đáp lại, giọng non nớt đáng yêu hết xảy.
Trong cơn mơ màng, tôi lại nhớ đến hồi Đại học, khi nói về “Đại sự kiện thứ hai” và thứ thuốc giúp phục hồi cơ xương thịt mang tên “hoàn nguyên” ấy, có một vị Giáo sư từng đùa rằng “Đại sự kiện thứ ba” thực chất đã xảy ra rồi. Đó là khi loài người phát minh ra thứ thuốc tiến hóa cấp nhân tạo, biến nhánh Chim Thú mang hình hài động vật trở thành nhân dạng. Tất nhiên, để tiến hành một liệu trình bơm thuốc, động vật vẫn phải bỏ ra một khoản tiền không hề nhỏ, đi kèm theo đó là nhiều hệ lụy. Nhưng dù cái giá có lớn thế nào, trên đời này vẫn có không ít động vật vay chạy để mang dáng dấp con người.
“Các em biết đấy, ngoài hai nhánh dạng thú và dạng người di truyền, thì hiện nay, công nghệ đã phát triển đủ để giúp loài vật tiến hóa thông qua can thiệp sinh học.”
Tôi nhíu mày, đang không hiểu vì sao trường học lại giới thiệu thông tin nhạy cảm ấy cho học sinh tiểu học thì thấy giáo viên hỏi tiếp:
“Các em có theo dõi chương trình ‘Hoa khôi Tiến hóa’ không nào?”
Nghe bọn trẻ trong lớp “Có” một tiếng rất dài, tôi cố nhớ lại chương trình mà mình vẫn xem ké con Châu mỗi tối thứ năm, chợt nhận ra mình chẳng nhớ gì mấy về nội dung trong đó.
Lúc bấy, tôi lại nghe cô giáo nói tiếp:
“Hôm nay, cô xin mời thầy Hoàng – Tổng phụ trách của trường ta đến để chia sẻ cho các em về trải nghiệm trở thành con người của thầy nhé.”
Giữa tiếng vỗ tay rào rào và tiếng hú hét của học sinh, thầy Hoàng nọ lên tiếng: “Xin chào cô giáo và cả lớp.”
Tôi cũng chẳng mấy ngạc nhiên khi nghe giọng của anh chàng dẫn đường cho tôi khi nãy vang lên. Dẫu sao thì việc bơm thuốc tiến hóa ngày nay cũng không phải điều hiếm gặp. Có chăng thì chỉ là tôi có chút băn khoăn về khoản nợ anh ta còn gánh trên lưng.
“Thầy Hoàng của chúng ta đang dự thi chương trình ‘Hoa khôi Tiến hóa’ và hiện đang rất nổi tiếng phải không nào?” Cô giáo nói xong, cả lớp lại tràn lên một đợt hú hét khác.
Tôi nhướng mày, vì tôi xem ké con Châu nên thực ra cũng không để ý quá nhiều. Nhưng nếu như anh ta thật sự nổi tiếng thì có thể tôi sẽ có ấn tượng một chút chăng? Tôi thử vắt óc, nghĩ lại xem anh ta có thể là ai trong đám thí sinh nọ, nhưng dường như đến cả trí nhớ chi tiết cũng chẳng phải là sở trường của cá nhân tôi, một đứa mang bộ não hoàn toàn tự nhiên, chưa từng nâng cấp.
“Chắc các em cũng biết, thầy Hoàng trước khi trở thành người đã từng là bò vàng đấy…”
Lời giới thiệu của giáo viên như xô mạnh vào tôi một cái. Tôi giật mình, trong thoáng chốc trở nên tỉnh táo lạ thường.
Bình luận
Chưa có bình luận