1. cái chết


Con bò vàng đã chết. Cái con từng ngồi tâm sự với tôi hàng giờ liền sau mỗi lần cắt thịt đã chết rồi.

Châu và tôi nhận được tin ấy khi trời vừa hửng sáng, lúc mọi người đang tất bật chuẩn bị cho một ngày mới. 

Tôi nhìn vào cái máy chiếu giữa nhà, thấy cái hình ảnh ba chiều của con bò quay quay trên chương trình điểm tin đã được “tối ưu” cho dân địa phương. Nó nằm gục trên đám cỏ, không có máu me. Phần bụng trương lên, cho thấy thời điểm tử vong là khoảng vài tiếng trước. Vậy là nó đã chết đêm qua, có lẽ trong lúc đi dạo một mình trên triền đê nọ, lúc tất cả lũ động vật đều đã rời lò xẻ thịt. 

Tôi ôm đầu, muốn chết quách theo nó cho xong, nhưng con Châu thì không, nó kéo phắt tôi dậy, ép tôi bước ra khỏi cửa.

Lúc chúng tôi trèo lên đến triền đê, đám đông đã bâu quanh đấy, trông từ xa lại loạn hệt như hồi đầu năm đi cướp lộc ở đình làng. Tôi bấu lấy con Châu, cố lách qua đám gà vừa qua kỳ cắt tiết, bác nào bác nấy đeo quanh cổ những dải băng đủ họa tiết Tây – ta lẫn lộn, vô cùng sặc sỡ. Loại băng cổ ấy, tôi cũng từng được bác mái Cẩm tặng cho một cái hồi mới về đây. Kể ra thì đấy cũng là di sản văn hóa của hội gà, trước dùng che vệt cắt tiết, sau trở thành món phụ kiện thời trang. Nhưng lúc này đây, nhìn thấy chúng khiến tôi càng thêm bực dọc, chỉ muốn giật phăng đám lằng nhằng ấy cho rộng tầm nhìn.

Chúng tôi len lỏi mất mấy phút, đến khi chui ra được mép rào quây, thì trớ trêu thay, người ta đã dọn xong xác con bò. Chẳng có một dấu vết gì còn sót lại, không có cả một vết sơn trắng như trong phim hình sự.

Có cái gì đó chẳng chân thật chút nào, kể cả đã nhìn thấy hình ảnh nó chết gục trên bản tin nọ. Người ta có thể chỉnh sửa hình chiếu kia mà. Tôi thầm nhủ. Trừ hình chiếu của đội Bảo an, nơi người ta có cả một hệ thống phức tạp để theo dõi và kiểm soát. 

Giờ đối với tôi, một con bò vàng còn sống mới là điều chân thật nhất. Mới hôm qua thôi, nó còn cười to, hứa rằng khi chết sẽ di chúc cho tôi một miếng thăn vai.

Đám đông lúc bấy giờ lại bắt đầu tản đi, vô tri như khi tụ đến, dường như chẳng thật quan tâm, cùng lắm chỉ nhìn đấy, thu lại vào sóng não để tối về chia sẻ, bàn luận với nhau dăm câu ba điều. Giữa tiếng ồn ào của đám đông đang rã và cả tiếng rì rào của sóng biển ngoài đê nữa, tôi nhìn quanh, cố tìm cho mình một điểm bấu víu, trong ngực hừng hực một ngọn lửa mà chính tôi cũng chẳng thể gọi tên.

Anh Tuấn 02 – đội phó đội Bảo an – đang đứng nói chuyện với cấp dưới cạnh cái xe bay dòng Báo, sơn xám, đỗ bên rìa đường đê. Thoáng thấy con Châu, mắt anh liền sáng rực, giơ tay vẫy vẫy. Tôi nhìn cái nụ cười giả tạo của anh ta, dẫu chỉ muốn cầm dao rạch cho một nhát, nhưng cũng phải thảo mai gật đầu đáp lại.

Khi chúng tôi bước đến gần, mấy anh cấp dưới nọ cũng biết ý, lủi hết vào ngồi trong xe. Anh Tuấn đưa tay lên sừng con Châu, nhẹ nhàng nhặt từ trên đó xuống một nhúm bông chẳng biết đã vướng lên từ khi nào. Lần này Châu để yên, chẳng buồn gạt anh ta ra nữa.

Thấy thế tôi cũng biết ý mà đút tay vào túi áo, ngoảnh đi đâu đó.

“Thì nó cũng là sừng, giống móng tay của chúng mày thôi chứ có gì đâu.” Chẳng hiểu sao tôi lại tưởng tượng ra cảnh con Châu vừa dùng xà phòng cọ sạch sừng, vừa nói như thế đấy.

Dù sao thì trong hoàn cảnh này, tôi cho rằng đây hẳn là một quyết định đúng đắn của nó. Ít nhất thì chúng tôi cũng được anh ta đưa về đồn bằng con xe bay dòng Báo, thay vì ngồi vào “hai cái sọt” trên xe chuyên dụng phía sau.

Còn sâu xa hơn, ít nhất thì chúng tôi đã được tiếp cận hình ảnh chi tiết của quá trình dọn xác. Dù đối với một kẻ tay ngang trong ngành điều tra phá án như tôi đây thì có xem cũng không hữu ích gì lắm.

“Nguyên nhân thì sao hả anh?” Cái Châu ngước lên từ cái máy chiếu trong phòng Vấn đáp thuộc đồn Bảo an, vừa hỏi anh Tuấn 02, vừa chớp chớp đôi mắt nai thừa hưởng từ đằng ngoại.

Anh Tuấn mỉm cười:

“Đây, để anh giải thích cho em dễ hiểu nhé. Trong quá trình điều tra, bọn anh có nhiều giả thuyết lắm, nhưng đương nhiên bọn anh không thể tùy tiện tiết lộ cho công chúng. Xét ra thì các em cũng coi như là người có liên đới trong vụ này, nên anh đưa một số thông tin liên quan để Châu có gì tiện báo lại cấp trên? Nhỉ? Châu phải báo cáo cấp trên đúng không?”

Thấy Châu gật gật đầu, anh ta tiếp tục:

“Nhưng để tiết lộ toàn bộ thông tin thì không thể, lúc đó các em sẽ lo lắng nhiều hơn mà thôi.”

Nói tràng giang đại hải một hồi, ý là vì Châu nên anh ta mới đưa cho chúng tôi cái hình chiếu. Thẳng thắn hơn, anh ta còn ngầm ám chỉ rằng chính bọn tôi cũng nằm trong nhóm đối tượng tình nghi. Quay đi quay lại, anh ta đúng là dành chút ưu ái cho Châu và “tệp đính kèm” là tôi đây, nhưng cũng chỉ nằm trong giới hạn, còn lại thì kín như bưng, chẳng để lọt một chút thông tin nào. Về điểm này, bản thân tôi cho rằng hợp lý lắm. Thế là lần đầu tiên trong ngày, tôi thấy anh Tuấn này có vẻ cũng thuận mắt đôi phần.

Anh Tuấn 02 hỏi bọn tôi thêm vài câu về tình trạng gần đây cũng như các mối quan hệ của con bò, rồi cảm ơn theo thủ tục và tiễn chúng tôi ra về trên chiếc xe màu xám.

Chúng tôi im lặng suốt quãng đường về. Tôi lơ đễnh nhìn sang Châu, thấy nó ngoảnh về phía cửa sổ xe, ra chiều suy tư lắm. Có vẻ nó đang cảm thấy rằng rồi đây, thật ra là hai tiếng nữa thôi, chính nó sẽ là kẻ phải giải trình tất cả đống này cho các sếp. Bởi vì khả năng cao người đồng sự là tôi sẽ lại chẳng nói được gì cho nên hồn trong buổi họp chiều nay.

Cái máy chiếu đặt giữa nhà chập chập. Tôi đập một nhát thì bộ ria mép rậm của ông Đản hiện ra, vỗ thêm cái nữa là nguyên cái mặt.

“Chào hai sếp.” Chúng tôi gần như đồng thanh.

Ông Đản và cô Bích – con gái ông, mỗi người ngồi một bên bàn hội nghị. Ông Đản lướt mắt qua tôi rồi dừng lại nhìn Châu, hỏi thẳng vào vấn đề:

“Chúng ta báo cáo nhanh tình hình sáng nay đi.”

Trong thoáng ấy, trong lòng tôi chẳng biết lấy đâu ra can đảm, tôi tự nhủ mình có thể gánh vác chuyện này và không muốn phải để Châu giải trình một mình thêm nữa. Vậy là bằng hết sức bình sinh, tôi đáp lại:

“Báo cáo sếp…”

Nhìn thấy ông Đản liếc đôi mắt chờ đợi sang phía mình, tôi cảm nhận máu trong người bỗng như dồn hết từ não xuống tứ chi và tim gan phèo phổi như đảo lộn. Tôi cố dằn cái cảm giác ấy xuống, ngắc ngứ phát biểu cái ý đã được sắp xếp trong đầu:

“Bò vàng đã chết rồi…”

“Hiện phía cơ quan chức năng chưa xác minh được rõ nguyên nhân gây tử vong.” Châu lập tức cắt lời tôi.

Có lẽ do nó thấy tôi quá ậm ừ. Tôi nghĩ bụng và đành nuốt vội lời toan buột ra khỏi miệng. Châu chiếu lại cho ông Đản cái cảnh dọn xác sáng nay, tất nhiên là đã qua cắt chỉnh bớt dung lượng để các sếp không cảm thấy quá dài dòng.

Phía đầu máy bên kia tắt tiếng, hai sếp vừa chỉ vào đoạn phim, vừa bàn luận điều gì mà chúng tôi chẳng thể nào đoán định. Một lát sau, khi ông Đản bỏ ra ngoài để nhận điện thoại, cô Bích bật tiếng và yêu cầu chúng tôi tua lại từ đầu. Cô hướng đôi mắt đen láy vào hình chiếu, đoạn lại đổi góc ngồi, theo dõi từng cử chỉ của đám người dọn xác, không biết đã nhìn ra điểm gì mà tôi bỏ lỡ. 

Chẳng hiểu sao đối với tôi, những phút giây ngắn ngủi được ngắm cô Bích ngồi im không nói năng gì lại khá là thư giãn. Chí ít, cô ấy là một “mỹ nhân” đúng nghĩa, mà trong đó, “mỹ” ý chỉ ngoại hình đẹp, còn “nhân” tức là con người.

Nhưng tiếc là cô Bích lại hiếm khi giữ im lặng trong buổi họp. Dù hôm nay cô có vẻ trầm lặng hơn mọi hôm đôi chút, nhưng rồi cô nheo mắt, chốt hỏi một câu:

“Xử lý truyền thông ra sao?”

Tôi ngỡ mình nhầm, mở to mắt nhìn vào màn chiếu, trong vòng một giây ngắn ngủi, cố xác định xem ở phía bên kia có nhân viên nào của đội Truyền thông hay không. Nhưng dường như là không rồi. Vậy có nghĩa là sếp Bích đang hỏi câu đấy với cái đội Quản súc gồm hai đứa bọn tôi – cái đội mà anh Đội trưởng vừa nhảy việc vào tuần trước, giờ đang như rắn mất đầu.

Tôi thở một hơi sao cho thật khẽ, cố để không tạo thành một tiếng “thườn thượt”, gây “mất tinh thần”. Thôi được rồi. Có một cái truyền thuyết công sở rất ư nổi tiếng, ấy là dù sếp bạn có hỏi câu nào, thì tốt nhất bạn nên có lời hồi đáp trong vòng ba giây.

Bất chợt, tôi lại nhớ đến con bò vừa chết, cái đứa mà từng ký vào bản hợp đồng chỉ bán thịt mông và thịt thăn, cái đứa từng “chắc như đinh đóng cột” bảo rằng “sẽ chỉ bán đến thế mà thôi”. Nhưng sau đó chưa đầy một năm thì sao? Nó bán luôn cả nầm và nhiều bộ phận khác. Nó, cái đứa mà tôi cho rằng có một tư duy hết sức thú vị, đã tâm sự với tôi thế này:

“Ai rồi cũng khác. Cái ngữ đi bán thịt mà lại bảo là không bán được bộ phận này, bộ phận kia… Thế là hỏng rồi cưng ạ!” Nó chỉ cái móng guốc vào nầm của bản thân rồi nói. “Giờ mà tớ không chịu bán cái nầm này thì sẽ có đứa khác vừa bán nầm, vừa bán thêm thăn thay thế tớ thôi.”

Tôi cố gạt cái suy nghĩ về con bò đi chỗ khác, ngoảnh sang nhìn Châu. Châu cũng nhìn lại tôi đầy ẩn ý. Ba giây đã trôi qua kể từ lúc câu hỏi nọ được vang lên. 

“Thưa sếp…” Tôi vừa lên tiếng, vừa bấm nút chọn gửi bản báo cáo kèm phương hướng xử lý vừa soạn gấp trưa nay. “Bọn em có làm một bản phương hướng sơ lược. Sếp xem qua ạ.”

Đương nhiên, bản báo cáo này cũng chỉ đề cập sơ qua vài ý về truyền thông, chứ không phải là một bản kế hoạch xử lý khủng hoảng chuyên sâu gì cho cam. Cái quan trọng nhất thật ra nằm ở chỗ tôi đã kịp thời hồi đáp trong vòng ba giây kia. Còn nội dung ư? Chúng tôi đâu có dại gì mà đi đá chén cơm của phòng Truyền thông kia chứ?

Bài báo cáo hiện lên trên màn hình chiếu, kèm theo chất giọng lành lạnh của con trợ lý ảo – phiên bản miễn phí. Các sếp thực ra cũng chả khoái món thuyết trình bằng người ảo, nhưng tôi chịu thôi, biết làm sao giờ? Tôi chỉ có một buổi trưa để cùng con trợ lý soạn ra cái của nợ này, còn Châu thì phải chạy đi làm nốt phần việc còn tồn của buổi sáng.

Vậy là trước mặt cô Bích và ông Đản – người vừa đi nghe điện thoại trở vào, giải pháp cứ thế được con trợ lý ảo giải thích liên thanh.

“Cái gì đây?” Ông Đản nghe nhìn được một phút, nhíu mày. “Đội Quản súc bây giờ còn sang cả mảng truyền thông à?”

“Con hỏi đấy ạ.” Cô Bích lên tiếng giải thích. “Mình phải hỏi ý kiến những người nắm rõ tình hình trước chứ bố?”

Ông Đản không nói năng gì, tựa hồ không đánh giá cao mấy gạch đầu dòng về truyền thông của tôi cho lắm. Cuộc họp kết thúc, chốt lại mấy ý triển khai. Đội Quan hệ công chúng thuộc phòng Truyền thông sẽ sớm về đây để giải quyết hậu quả, còn việc của chúng tôi là tích cực phối hợp và làm việc với Cơ quan chức năng mà thôi.

“Nhớ tuyển thêm bò mới nhé.” Cô Bích dặn dò trước khi kết thúc buổi họp.


Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}