Cái nắng oi ả giữa hè làm tôi như lần nữa chết chìm trong đám cháy mấy chục năm trước. Nguồn ánh sáng như thể bất tận kia ngày ngày thiêu đốt lớp kính sáng trong.
Nóng.
Ngày ngày chằm chằm vào tấm kính, tôi trơ ra trước cái nhiệt độ thiêu đốt da thịt. Ánh sáng chiếu lên tấm kính, làm nó bóng lóa. Người ta sao lại thích ánh sáng mặt trời thế nhỉ? Người ta thích ánh sáng mặt trời, nhưng lại chẳng ưa cái nóng của nó. Mà họ có thực sự thích nó không? Dẫu sao, tôi không thích.
Tôi từng ở trong một khu rừng xanh mướt, thứ ánh sáng kia cũng chẳng phải là vấn đề gì to tát. Lớp lớp lá cây đan xen, chẳng còn mấy giọt nắng có thể rơi xuống tầng đáy. Rừng lớn lắm, xanh lắm. Cơ mà cái quá khứ ấy cũng qua lâu lắm rồi. Tôi cũng chẳng còn nhớ rõ thuở ấy tôi đã lớn lên thế nào, cũng chẳng rõ thuở ấy tôi có yêu thích cái ánh mặt trời kia không? Nhưng bây giờ tôi ghét nó đến điên lên được. Nó quá nóng. Còn tôi thì mắc kẹt nơi căn phòng ốp kính trên tầng hai mươi ba này, chẳng thể rời đi. Cùng chẳng thể chết đi.
Có lẽ phơi nắng có ích cho tôi chăng?
Quãng thời gian từ giữa trưa đến đầu giờ chiều thật là tệ hại. Nó dai dẳng từ ngày này qua tháng nọ, từ năm này qua năm khác. Những cơn mưa thỉnh thoảng cũng làm cho không khí dịu đi một chút, nhưng rồi cái nắng kia sẽ trở lại, lại thiêu đốt tấm thân tàn tạ này.
Nhiều khi tôi chẳng hiểu sao con người lại phải xây một tòa nhà cao đến thế để rồi chịu cái thứ ánh sáng này gọi dậy từ tờ mờ sáng. Phơi mặt cho nó thiêu đốt lúc ban trưa. Ừ thì ánh sáng là nguồn sống. Nhưng cây cao khi ăn ánh sáng còn đẻ ra thứ gì đó tốt lành. Con người trèo lên trên cao thế này chỉ để nhìn thấy ánh mặt trời và che khuất đi những ngôi nhà lụp xụp bên dưới kia. Rồi cũng chẳng tạo ra được thứ gì có ích.
Mà hình như họ cũng chẳng ưa ánh nắng đến thế. Họ mua một căn nhà ốp kính ở trên tầng cao nhất của một toàn nhà, sau lại chăng rèm để che đi cái ánh sáng ấy. Con người thật phức tạp, khiến tôi chẳng thế lí giải. Nếu không chịu được sự quấy nhiễu của lão trời khó ở kia thì việc gì phải chạy lên cao như vậy?
Thật ra cũng không hẳn là không có ích. Tôi thấy họ bày nơi ban công đám cây cỏ gì đó. Có lẽ họ vì đám cỏ cây ấy mà mua ngôi nhà cao thế này. Họ muốn đám cây kia ăn được nhiều ánh sáng hơn những đứa khác chăng? Có lẽ thế. Đám cây ấy hẳn sẽ hạnh phúc lắm khi biết được điều cái giá mà họ trả cho cái ban công ngập nắng? Nhưng họ cho nó ăn nhiều ánh sáng, mà lại chẳng cho chúng chỗ để bộ rễ của chúng phát triển. Những chậu cây bé tí, bọn nó chen chúc trong một cái ban công bé tẹo, đất chẳng đủ ăn. Thỉnh thoảng lại có vài đứa chết rũ. Cơ mà chẳng sao, họ sẽ nhanh chóng đem một đứa mới đến làm bạn với mấy đứa lão làng ở trên ban công ấy. Dầu gì thì nhìn cái đám bọn chúng, tôi cũng thấy chúng nó khá hạnh phúc. Họ không cho chúng nhiều đất, nhưng cho chúng ăn phân, uống nước đều đặn lắm. Sống chết chắc cũng là do số mệnh, chứ tôi chẳng tin dưới cái sự chăm sóc đến như thế mà chúng chết do người ta thiếu trách nhiệm với chúng.
Mà chúng còn tự mình kết thúc được, còn tôi vẫn mắc kẹt trên căn phòng ốp kính trên tầng hai mươi ba đầy nắng này.
Ngày tôi rời rừng, người ta chở tôi đi trên một chiếc xe tải dài ngoẵng. Chẳng biết đi bao xa, tôi dường như thiếp đi trên hành trình đó. Tôi đã chẳng còn biết anh chị em mình còn sống hay đã thác mệnh. Lâu quá rồi.
Họ đưa tôi đến một trại tập trung để rồi dày xéo tôi ở đấy. Tôi bị tra tấn như tan thành những mảnh nhỏ. Họ dìm tôi xuống cái thứ nước hăng hắc rồi để mặc tôi ở trong ấy. Lúc bấy giờ, tôi đã tưởng rằng đấy đã là cái khoảng thời gian kinh hoàng nhất cuộc đời mình… Sau, người ta bán tôi đi. Tôi phải qua tay cả mấy con buôn, mãi sau này mới may mắn nương nơi một gã khá tử tế. Ấy thế mà hắn lại là kẻ khiến đời tôi khốn khổ thế này.
Trong căn nhà trên lầu cao kia, người đàn ông trung niên dường như là trụ cột của cả gia đình, hôm nay, trở về sớm. Thường ngày, ông ta phải đến tối muộn mới đặt chân vào cái căn hộ này. Và người vợ hiền của ông ta sẽ thường về sớm hơn, cô ấy sẽ cùng người làm chuẩn bị cơm nước cho người chồng yêu dấu. Mà nhắc mới nhớ, người làm kia dạo này cũng ít ghé hơn hẳn, chỉ lâu lắm tôi mới thấy bà ta một lần. Tuy thế, bà chủ nhà vẫn quán xuyến công việc trong nhà tốt lắm. Đám cây nơi ban công vẫn còn xanh mơn mởn, chỉ là hơi ít đi một chút.
Ông chồng mỗi ngày về đến nhà sẽ vui vẻ chào hỏi vợ mình trước tiên. Đôi lúc, ông ta phải đến nửa đêm mới trở về, người vợ của ông nhiều lần ngủ gục nơi sô pha trong phòng khách. Tuy nhiên, dạo này, ông ta về nhà muộn nhiều hơn, người vợ hiền lương kia cũng chẳng đủ sức mà chờ ông ta mỗi đêm nữa. Vậy nên, có những đêm, ông ta lọ mọ kiếm tạm đồ gì đó trong tủ lạnh để lót dạ. Tôi nghe tiếng lạo xạo nơi phòng tắm, rồi sau đó ông ta sẽ tự trở về phòng ngủ của mình.
Ấy vậy mà hôm nay ông ta về sớm quá.
Nắng chiều chói chang. Tuy cái nắng đã bớt đi phần gay gắt nhưng hơi nóng phả ra từ vô số tòa nhà bọc kính, lại có mặt đường hấp lên, khiến không gian dường như bị nung chảy. Ông ta tiến đến cửa sổ, nhìn sang cái tháp phía đối diện, nó còn cao hơn căn hộ của ông đang ở. Ông thẫn thờ đứng đó. Một lúc sau, ông kéo tấm cửa kính ra. Cái cửa sổ này đã đóng chặt thế này lâu lắm rồi. Dường như từ khi đến căn nhà này, họ chưa một lần mở nó ra. Bụi bám đầy nơi kẹt cửa.
Cái hơi nóng kia được dịp ùa thẳng vào căn nhà. Chúng như những con quỷ không ngừng gặm nhấm hết không gian bên trong. Cái điều hòa thấy thế, liền điều một toán binh ra ngăn chặn sự xâm lăng của đám quỷ dữ kia. Hai bên đấu nhau rầm rộ. Cái điều hòa kêu ô ô. Còn người đàn ông, vẫn đứng thẫn thờ ở đó. Ông cảm nhận hơi lạnh trên cơ thể ông dần bị choán lấy bởi cái nóng bên ngoài. Dường như ông ta đang nhìn thẳng vào ánh mặt trời trên kia. Vầng dương vẫn chói lọi, trắng xóa. Cả thành phố ngả vàng theo cái sắc nắng thiêu đốt, ấy thế mà nó vẫn trắng tinh tươm. Tôi bám lấy người đàn ông mà ông ta chẳng hay. Sau một lúc bần thần như thế, ông ta đóng cửa lại. Vỗ tay phủi đi lớp bụi được truyền từ cánh cửa kia, bám đầy lên bàn tay đã nhễ nhại do mồ hôi tứa ra. Trên trán, mồ hôi cũng buông đầy thành những hạt li ti. Tôi dám cá là ông ta chẳng thể nào chịu nổi cái nóng như thiêu như đốt kia. Ông ta sẽ chẳng bao giờ đủ sức để chịu đựng bằng tôi, cũng chẳng bao giờ hiểu được tôi. Ông ta quay lại bàn. Bởi vì đã đóng cánh cửa lại, cái điều hòa chỉ còn cần điều thêm vài toán binh để diệt bọn tàn quân. Người đàn ông đi đến cái sô pha, lại nằm thẫn thờ ở đó. Tôi bám theo ông ta đến tận chỗ ấy. Cái mát lạnh của không gian này mới dễ chịu làm sao. Cái mát lạnh mà chẳng mang theo chút ướt át nào như những cơn mưa. Tôi sảng khoái lắm, lâu lắm rồi tôi mới có cảm giác này. Mặc kệ người đàn ông kia đang suy nghĩ gì, chỉ cần tôi sung sướng là được.
Ông ta nằm đến tận khi tắt nắng. Vợ ông vẫn chưa về. Chỉ lát nữa đây thôi, có lẽ ông sẽ nghe được tiếng trẻ thơ reo ca, khi đứa con của ông bước vào căn nhà còn vương đầy mùi nắng cùng mẹ nó. Vì ông thường về rất muộn, nên hằng ngày, chỉ có vợ ông đến đón con gái của họ từ trường trở về. Nhưng ông yêu con bé lắm, và nó cũng rất yêu ông. Trong mỗi bữa cơm tối, nó sẽ vui vẻ kể lại hết một ngày của nó, những người bạn của nó thế này, thế kia. Lạ nhỉ, con trẻ vẫn tìm thấy niềm vui trong cái vòng tuần hoàn luẩn quẩn của ngày, thế mà những người lớn kia lại bị cái sự tuần hoàn ấy bóp nghẹt. Họ ngán đến tận cổ những hành vi vô nghĩa mà mỗi ngày họ phải lặp đi lặp lại, nhưng họ vẫn sẽ ngày ngày làm như thế. Ông do dự rồi. Có lẽ ban nãy, ông nên đi đón đứa con của mình thay vì nhốt mình trong căn nhà này. Cái ban công đã bị khuất lấp bởi tấm rèm lớn nhằm che đi ánh sáng có cường độ quá cao ban chiều. Ông tắt máy lạnh đi, mở toang tấm rèm, đẩy cánh cửa lớn ngăn cách ban công và phòng khách. Ông cảm nhận từng chút hơi lạnh ùa ra ngoài, tan vào ráng chiều. Ánh tà dương chỉ còn sót lại đôi ba hạt đậu trên những tòa nhà cao nhất. Nhưng cái không gian kia vẫn nóng như thiêu. Luồng hàn khí lao ra nhanh chóng bị xơi tái. Phòng khách lại trở lại cái nóng như thường lệ. Ông ta bước ra ngoài, cố mân mê vài cành lá. Thì ra, dưới đám lá xanh tốt, lá vàng phủ đầy gốc, lấp hết cả những chậu đất bên dưới. Ông ta có lẽ sẽ nhắn vợ mình dọn dẹp để khỏi làm tắc ống thoát nước ở ban công. Ông sợ rằng nếu nó tắc, nước sẽ lan tràn cả vào trong nhà. Cái ẩm mốc, hôi thối sẽ ngấm chặt vào căn nhà đẹp đẽ của ông.
Ông phải nhắn cho vợ mình ngay thôi.
Nhưng tôi chỉ thấy ông ta cầm điện thoại lên, do dự một lúc. Chẳng biết ông ta viết điều gì trong đó. Ông ta trở lại phòng khách, đặt điện thoại của mình lên chiếc bàn chính giữa phòng. Sau, ông ta trở lại ban công.
Kéo cửa đánh cái "rầm". Có lẽ ông ta ghét căn nhà mình bị hơi nóng kia xâm nhập chăng?
Ông ta rít một điếu thuốc. Khói chờn vờn ngay trước mặt, thấm vào làn tóc có mấy sợi đã điểm bạc màu của ông ta. Mùi khói thuốc ấy ám cả vào tấm áo vest xộc xệch ông đang mặc. Cái ban công chẳng mấy to lớn, nhưng ông cứ đi qua đi lại, lôi đến điếu thuốc thứ hai mới dừng. Có thể ông sợ rằng mùi thuốc nếu ám vào trong nhà, con gái ông sẽ phát hiện ra ông vẫn còn hút thuốc?
Khi mà điếu thuốc thứ hai vẫn còn chưa kịp cháy hết, ông tựa vào lan can, nhìn dòng xe tấp nập bên dưới. Ông vứt điếu thuốc đang dở xuống. Cái tàn lửa lập lòe nơi đầu điều thuốc lại chợt lóe lên, như cố gắng thiêu đốt cho trọn vẹn một kiếp "thuốc" vậy. Chỉ tiếc là điểm sáng ấy bé quá, ông ta chẳng thể dõi theo đến hết hành trình của nó. Thế rồi ông lao xuống, để nhìn cho rõ tàn lửa ấy sẽ đi về đâu. Ông kéo theo cả tôi đi.
Trong một thoáng, cảm giác nhẹ bẫng này làm tôi nhớ lại lần đầu tôi bay lên. Lại nhớ về kẻ đã làm tôi phải tha hương thế này.
Cũng chẳng rõ là bao nhiêu năm rồi, khi ấy, một tên ngót nghét ba mươi tiến vào cửa hàng tạp hóa trong khuôn viên ngôi trường mà hắn theo học. Hắn là một nghiên cứu sinh ngành Vật lý. Hồi đó, người ta đua nhau mà bàn luận về cái Thuyết tương đối mà Einstein đề xuất, lại cãi nhau ỏm tỏi xem Lượng tử hay Tương đối, Einstein, Schoedinger hay Heisenberg. Nghiên cứu sinh trẻ kia đang cố hoàn thành luận văn tiến sỹ của mình. Hắn có một ông giáo khá có tiếng, trường hắn theo học cũng chẳng phải dạng vừa. Hắn mua về một xấp giấy để tính toán. Những kí tự Hy Lạp tràn lan trên mặt giấy nơi cặp sách của hắn, nào những tích phân, những phép toán đại số. Tôi không hiểu lắm. Có những ngày hắn rong ruổi từ văn phòng của thầy hướng dẫn, rồi đến gặp bạn bè. Tên ấy nói nhiều lắm. Có lẽ do hắn được thỏa cái sở nguyện với đam mê của mình chăng?
Một hôm nọ, đèn bàn của hắn đến ba giờ đêm vẫn chưa tắt, xấp giấy mới mua hôm trước cũng chỉ còn vỏn lại vài tờ. Tay hắn thoăn thoắt, như những chú chim không ngừng gom rơm về bồi tổ, mặt giấy của hắn đã chằng chịt nét mực cả. Đến khi chỉ còn tờ giấy trắng cuối cùng sót lại, hắn đặt nó chính giữa bàn. Xung quanh bày la liệt những mảnh ghi chú không đầu cũng chẳng đuôi. Hắn sắp xếp lại mớ giấy ấy một chút, theo một thứ tự mà chỉ có hắn mới hiểu được, sau đó, lần lượt ghi lại rõ ràng vào tờ giấy cuối cùng kia. Hắn cẩn thận từng nét, lâu lâu lại cầm lấy tờ giấy mà ánh mắt hắn đang dõi theo, đưa lên quan sát thật kĩ rồi mới bắt đầu ghi lại. Chợt hắn nhận ra hình như có chút sai sót về dấu trong mấy bản nháp của hắn. Hắn đặt tờ giấy cuối cùng kia gọn sang một bên, mau chóng sửa lại các lỗi sai kéo theo. Hắn kiểm tra lại một lần nữa, khi đã chắc chắn không còn lỗi nào khác, hắn lấy tờ giấy cuối cùng lại, tiếp tục ghi chép. Hắn lật mặt giấy, chỉ còn một mặt giấy nữa để hắn hệ thống lại tất cả. Đã bốn giờ sáng, bên ngoài giờ này chẳng thể mua thêm bất kì tờ giấy nào, và hắn không muốn dừng cái mạch suy nghĩ này lại. Hắn sẽ phải cố gói gọn toàn bộ nội dung còn lại trong một mặt giấy. Hắn vẫn cố nắn nót cho trang giấy ấy được đẹp đẽ nhất.
Xong cái tích phân cuối cùng. Hắn đặt một dấu chấm.
Dấu chấm ấy chính là tôi. Một mảnh giấy mang theo cái dấu chấm huy hoàng của tên tiến sỹ kia.
Khi hoàn thành xong, hắn mừng rỡ đến chẳng thể ngủ nổi. Hắn đặt tờ giấy cuối cùng kia ngay ngắn vào trong cuốn sách hắn mang theo mỗi ngày. Sau đó, hắn mân mê đọc đi đọc lại những tính toán hắn đã nháp ra cho đến tận khi trời sáng.
Còn tôi, mực từ dấu chấm ấy ngấm vào, bao bọc trọn vẹn lấy tôi. Trong một khoảng thời gian về sau, tôi đã ghét cái thứ đen đúa ấy ghê gớm. Không lâu sau đó, hắn hoàn thiện luận văn của mình, hắn phản biện công trình của mình trước hội đồng và thành công mỹ mãn. Kể từ ngày đó, dẫu đi đến đâu, tờ giấy kia, cùng với cuốn luận văn của hắn, luôn luôn đi theo trên mọi nẻo đường.
Sau khi có tấm bằng Tiến sỹ Khoa học rồi, hắn xin được một chân làm postdoc tại ngôi trường hiện tại, và chẳng bao lâu, hắn nhận được một lời đề nghị trở thành nhà nghiên cứu hữu cơ ở một đại học khác. Tuy đại học ấy có danh tiếng không bằng trường hắn đang làm, nhưng cách biệt cũng không quá xa. Hắn khăn gói, cầm theo cuốn luận văn của hắn, và cả tôi, đến ngôi trường mới. Hắn danh dự đặt cái luận văn kia ở trên ngăn tủ cao nhất trong văn phòng, đối diện với bàn làm việc của hắn. Lúc này, tôi cũng chẳng còn thấy cái mùi hăng hắc của mực mới kia đáng ghét nữa. Có lẽ thời gian đã làm cái mùi ấy tan đi hết rồi. Giấy dần cũ đi, ám lên một cái màu ngà ngà, hương thơm như tỏa ra một cách rất tự nhiên. Ánh mắt của hắn ta mỗi lần nhìn đến luận văn này dường như còn góp thêm hương sắc, làm cho những tờ giấy ấy như thể được tắm trong một bể hoa thơm ngát, như mùi gỗ quý đã trên trăm năm.
Nhưng tại sao hắn lại trân quý cái luận vân ấy như thế? Vì đó chính là thứ huy hoàng nhất cuộc đời của hắn. Sau khi chuyển đến công tác ở ngôi trường mới, ban đầu, mọi việc cũng khá thuận lợi. Dựa vào mối quan hệ đã xây dựng được thông qua người giáo già của mình và quá trình học tiến sỹ, công việc nghiên cứu của hắn có thể nói là hanh thông. Tiếc thay, về sau, cả xã hội dường như đều dồn tiền tài cho cuộc chiến vẫn chưa ngã ngũ. Người ta kéo nhau rời khỏi đất nước này, ấy vậy mà hắn quyết định không đi. Hắn lo lắng về một tương lai vô định trước mắt với nhiều hơn những bất định mà hắn chẳng thế khống chế. Thầy hắn tuy đã lớn tuổi, vậy mà cũng đã rời đi vào hai năm trước. Sau hai năm, nguy cơ mà hắn phải đối diện ngày càng cao khi người thì bị đuổi việc người thì tự mình nghỉ việc, hắn cũng đã bắt đầu dự tính cho mình kế hoạch rời khỏi đây. Nhưng hắn sợ rằng sẽ khó lòng mà có được một công việc tốt khi mấy năm nay hắn không xin được tài trợ cho những công trình nghiên cứu của mình, số lượng bài báo khoa học được xuất bản cũng không quá nhiều. Hắn đã liên hệ cùng thầy của hắn đang ở Anh với hy vọng tìm được một chốn an thân.
Một đêm nọ, sau bao ngày hắn ngồi bần thần trong căn nhà của mình. Bấy giờ, cái khát khao vén tấm rèm của vũ trụ đã chết chìm trong vô số tranh cãi của những phong trào đang ngày một biến tướng, ngày một hung hăng hơn. Hắn đã mất việc. Trong căn nhà nhỏ mà hắn thuê được, những chồng tài liệu chất cao quá đầu. Cái luận văn kia cũng chẳng còn được đặt trên một vị trí quan trọng nào nữa. Hắn đặt nó trên chốc mấy bản nháp cùng mớ hóa đơn mà hắn mới phải moi móc hết số tiền hắn có để trả. Còn tôi, cùng tờ giấy kia, đã bay vào tận trong góc phòng mà hắn chẳng hề hay biết. Bởi vì đống tài liệu kia đổ xuống, làm cuốn luận văn cùng mớ giấy lộn bay tứ tán. Hắn lê cái xác nặng nhọc của mình đến nhằm gom mớ giấy tờ ấy lại. Ấy vậy mà hắn đã quên đi tôi, một thứ hắn đã từng trân quý như sinh mệnh của hắn. Một đêm nọ, cuộc đời tôi đã biến đổi hoàn toàn.
Tôi nghe bên ngoài nháo nhác. Ở bên dưới gầm tủ, mạng nhện bám đầy, tôi chẳng thể thấy gì ngoài bụi bặm và một không gian tối om. Bất chợt, có một nguồn sáng rọi vào chỗ tôi. Một chút hơi nóng xâm lấn vào từng vụn không gian. Sau, cái nhiệt lượng ấy bao chùm tất cả. Căn phòng này bày la liệt giấy, lại càng tiếp sức cho con quỷ dữ kia. Nó lan ra nhanh chóng, rồi bao trọn lấy căn phòng. Không khí nóng xoay vần đảo điên trong một không gian chẳng mấy to lớn. Tôi nghe tiếng quỷ giữ gặm nhấm từng mẩu giấy. Đỏ rực. Rồi đến những cuốn sách, thứ ấy không tha một cái gì. Nó lôi lấy tôi từ trong góc kẹt sâu nhất. Tôi có thể cảm nhận nó đang từ từ gặm nhấm. Lớp mực đen bao bọc tôi cũng cháy, còn con quỷ kia, nó há miệng gào thét, nó cười như thỏa mãn. Cả cuộc đời, dù có xoay vần trong máy nghiền, ngâm mình trong thuốc tẩy, tôi cũng chưa bao giờ thấy đau đớn và sợ hãi thế này. Một phần của tôi tan vào hư vô, góp phần nào chút chất dinh dưỡng tiếp sức cho con quái vật kia. Chỉ còn lại một mảnh thân tàn, bập bùng. Tôi nhẹ hẫng. Tôi loanh quanh trong căn phòng đó. Mớ giấy tờ đã bị thiêu gần hết, tôi chẳng rõ tên tiến sỹ kia ở chốn nào. Tôi nhìn thấy tập luận văn đã bị gặm quá nửa. Nó đang kêu gào đau đớn lắm. Nhưng tất cả đều cháy. Tôi theo sức nóng, bay tít lên cao. Cái đau đớn làm tôi vật vã, chẳng còn nhận thức được điều gì. Tôi chỉ biết cứ theo hơi ấy, tôi lưu lạc lên cao lắm.
Bịch!
Tiếng da thịt bầy nhầy chạm nào nền bê tông.
Tôi bị người đàn ông kia đè bên dưới. Máu lan ra.
Tiếng la hét náo loạn cả không gian. Thứ máu sền sệt kia kéo theo cả tôi, chảy tràn cả vỉa hè, lan đến tận mặt đường. Máu, vậy mà nóng quá, nóng hơn cả thứ nắng ban trưa.
Cái lúc bị thiếu đốt bởi con quái vật lửa kia, tôi cứ nghĩ đó là cơn đau lớn nhất cuộc đời mình. Nhưng cuộc đời phía sau mới chính là địa ngục kinh hoàng nhất.
Sau khi tỉnh lại, tôi đã ở giữa tầng không. Những cơn gió cứ thế kéo tôi đi xa mãi, xa mà chẳng biết bến bờ. Một cơn mưa đem tôi lao xuống mặt đường. Mặt đường nhơ nhớp. Tôi vón cục cùng đám bụi xung quanh, theo dòng nước, len qua những khe hẹp in trên mặt đất rồi mắc kẹt ở đó. Nước cứ thể chảy mà chẳng thế kéo tôi đi.
Rồi mưa qua, tôi lại phơi mình một đêm sương, rồi một ngày nắng. Tôi ghét đám bụi đất xung quanh. Ngày nắng, mặt đất nóng lên, những hạt bụi ấy cũng nóng lên, lan sang cả tôi. Khó chịu. Đã mấy ngày không mưa, mặt đường khô khốc. Đám bụi kia vẫn bám chặt tôi chẳng buông. Tôi nghĩ chúng là đám bụi công nghiệp hôi hám, cái đám đen đúa và đáng ghét. Bọn chúng thường đến từ những nhà máy. Người ta dùng đủ thứ nhiên liệu, từ gỗ đến nhiên liệu hóa thạch, mà sản xuất ra vô vàn sản phẩm cho đám người kia sử dụng. Chúng là những thứ phế phẩm mà chẳng qua con người chẳng thể nhìn thấy để xử lí, hoặc chỉ đơn giản là người ta còn chẳng thèm muốn xử lí chúng. Tôi thì khác chúng. Đáng lẽ, tôi phải ở một nơi đẹp đẽ, bên trong một tủ kính, để người ta chiêm ngưỡng như một điều quý giá. Tất cả chỉ bởi hắn. Có lẽ hắn nên rời khỏi đất nước ấy sớm hơn. Hoặc hắn chẳng hề muốn rời đi, có lẽ đó là cách hắn chọn để kết thúc cuộc đời đang dần lụi tàn của hắn. Nhưng hắn làm tôi trở thành một kẻ đáng ghét như đám khói bụi công nghiệp kia. Tôi ước rằng mình còn là một cái cây, mãi ở đó, hoặc chết đi, tan vào đất, hòa vào nước, trở thành một phần trong một sinh mệnh mới. Còn ở chốn này, tôi không có lựa chọn nào, chỉ có thể để gió cuốn tôi bay đi những nơi mà nó muốn, hòa vào làm một cùng đám bụi mà con người chẳng hề trông thấy.
Một chiếc xe hơi lăn bánh qua chỗ tôi. Mặt đường khô khốc và bỏng rát đã chẳng còn muốn níu giữ đám bụi này. Thế là một lần nữa, tôi lại bay lên, tan vào đám khói xe nặng mùi. Gió lại cuốn tôi lên lần nữa.
Tôi đậu vào cửa kính của một quán ăn. Sau mấy ngày, người ta lấy khăn ướt lau tôi đi. Tôi lại hòa vào nước. Sau cùng, người ta lại một lần nữa hất tôi ra đường.
Cứ thế, tôi chẳng hề biết mình đã qua bao nhiêu năm, chỉ nhớ mình bị giày xéo. Mà nguyên nhân chính bởi tên tiến sỹ kia. Nếu hắn trân trọng tôi hơn, như hắn đã từng… Cho đến khi tôi mắc kẹt vào cánh cửa sổ trên tầng hai mươi ba.
Tôi đã từng cho rằng cái nóng của ngọn lửa là thứ hỏa ngục đau khổ nhất tôi phải chịu, nhưng quãng thời gian bên bậu cửa kính này mới chính là địa ngục thật sự. Cái nóng dai dẳng chẳng thể kết thúc. Năm này qua tháng nọ, tôi cũng chẳng có khả năng thoát khỏi nó hay thoát khỏi cánh cửa sổ này. Dẫu bao cơn mưa có qua, hay gió, hay bão, mãi cho đến khi người đàn ông kia mở cánh cửa ấy ra. Tôi đậu nơi ngực người đàn ông ấy, cùng ông ta qua một buổi chiều trong căn nhà sang trọng.
Sắc đỏ cô đọng, nó không chảy nữa. Thân thể người đàn ông kia đã được đưa đi. Nhưng vệt máu thì vẫn còn đó. Cái ấm nóng của dòng máu này sao lại khiến tôi lưu luyến đến thế. Có lẽ đó là nguồn nhiệt cuối cùng của người đàn ông nọ. Và khi nó tuôn ra hết, cơ thể người đàn ông kia cũng sẽ lạnh băng. Máu vẫn tệp ở đó, chưa có người xử lí. Tôi không biết vợ ông ta và đứa con gái nhỏ sẽ thế nào, tôi chẳng thể trèo lên tầng hai mươi ba được nữa. Sau mấy tiếng đồng hồ, máu đã khô lại. Người qua lại vẫn còn xì xào về sự việc vừa rồi. Đèn đêm đã buông, thế mà thứ màu thẫm đỏ kia chẳng hề phản xạ chút ánh sáng nào. Nó tối om, như thể nuốt hết ánh sáng từ đèn đường vào trong mình. Một đêm, lại một đêm, màu máu tệp vào màu đường, dường như người ta cũng quên đó là dấu vết cho một sự tồn tại. Ngày sang, ngày lại sang, và cơn mưa đến. Đám đỏ thẫm kia hút lấy một ít nước, rồi bám vào bánh xe, bám nơi gót giày, tứ tán. Tôi theo chân một người phụ nữ, cô ta đeo một chiếc guốc có cái đế nhọn hoắt. Cô vội bước trên vỉa hè, tiến vào một trung tâm thương mại. Cô ta bỏ lại tôi ở sảnh. Máy lạnh công suất lớn nhanh chóng hong khô đi những vệt nước mà khách hàng tạo nên, để lại những vất hằn nâu xám đầy bụi đất. Rồi người qua, người lại qua, bọn họ lại kéo tôi bay lên lần nữa, tôi bay ra khỏi tòa nhà, lượn tít lên trời cao, chao qua những cánh chim. Chẳng biết lại là bao lâu, tôi cứ bay lên, rồi lại rụng xuống.
Tôi thấy một khoảng xanh ngắt phía trước. Trời đang kéo cơn giông đen nghịt. Khoảng xanh ấy lớn lắm, tưởng chừng như vô tận. Là rừng. Cuối cùng cơn gió ấy cũng đẩy tôi về nơi tôi được sinh ra. Có nên được gọi là sinh ra không, khi mà giờ đây tôi chẳng còn là hình dáng ban đầu nữa, cả đến cái bản chất cũng xa lắm rồi.
Lại một lần nữa, những hạt mưa rơi xuống. Tôi bám lấy một hạt, rụng xuống những tán lá bên dưới. Tôi đậu trên một tán cây xanh mướt, trượt xuống vài cái lá nữa, lại hòa cùng đám bụi khác, lăn tròn xuống tầng lá thấp hơn. Cuối cùng, đậu trên một cái lá của tầng dưới tán. Cơn mưa qua, để lại một trời xanh ngát. Ngày hôm sau, mặt trời lại lên, nắng lại chiếu trên quả đất này. Ánh sáng sau khi xuyên qua đám lá phía trên, đã cởi bỏ bao nhiêu lớp giáp áo gay gắt và nóng bức. Nó ôn hòa mà đến chỗ tôi, sấy khô những hạt nước cùng hơi sương.
Gió lay những cành cao ngất, vướng lên cả đám rừng. Tôi lại tiếp tục len lỏi qua những nhành cây kẽ lá, chờ một ngày chạm đến mặt đất bên dưới và yên ổn ở đó. Tôi đậu trên một chiếc lá khô dưới thảm rừng, thế rồi chiếc lá ấy lại bị gió cuốn bay lên, kéo theo cả tôi. Đi qua những thân cây chẳng thấy ngọn, tôi bất ngờ nhìn thấy trước mắt có vài mái lá nâu sẫm. Sâu thẳm trong khu rừng này, con người vẫn sinh sống.
Cơn gió tạt mạnh, cuốn tôi đi thật nhanh. Tôi bay thẳng đến một người phụ nữ có cái bụng rất lớn. Gió toan cuốn tôi lách qua người này, nhưng chỉ một nhịp hít, tôi bị kéo thẳng vào hệ hô hấp của người phụ nữ nọ.
Có lẽ đây sẽ là điểm kết thúc cho tôi, tôi sẽ chẳng bao giờ thoát ra khỏi cơ thể này được. Hơi thở cuốn tôi vào một đường hầm đỏ hoắm, sau cùng, tôi đọng lại ở đâu đó mà tôi chẳng biết.
Nếu ở ngoài, tôi còn có ánh sáng mặt trời để trông về năm tháng, nhưng ở đây thì hoàn toàn không thể. Chỉ nghe tiếng tim lụp bụp, thỉnh thoảng lại rung lên trong những cơn thở hoặc ô ô khi người phụ nữ ấy cất tiếng. Chỉ mấy tháng nữa thôi là người phụ nữ này sẽ sinh. Thật ra chuyện ấy chẳng liên quan gì đến tôi, chỉ là chẳng biết làm gì và làm thế nào. Bên trong cơ thể này, một độ ấm vừa phải, tôi chẳng còn phải đối mặt với ánh mặt trời gay gắt để mà than vãn.
Tôi nghĩ về tên tiến sỹ kia, tại sao hắn lại bỏ tôi? Có lẽ đã gần một thế kỉ trôi, thời gian lâu như thế. Tôi bây giờ mang một hình hài khác cũng chẳng phải điều gì lạ lẫm, cũng đã qua bao kiếp người rồi…
Tên tiến sỹ kia, tôi chẳng biết hắn có kịp rời căn nhà ấy trong cơn say ngủ, hay cũng đã bị con quỷ lửa ấy nuốt trọn. Một phần thân thể hắn, liệu cũng có giống như tôi, lang bạt khắp nơi? Mà tôi nghĩ, nếu đó là một kết thúc cho hắn, cũng chẳng phải là một câu chuyện tồi tệ. Dẫu sao, trong những năm tháng cuối cùng tôi còn ở nhà hắn, tôi không thấy hắn vui vẻ là mấy. Hắn cũng đã đôi lần muốn như người đàn ông kia, trở thành một tàn lửa mà bay đi, nhưng hắn lại sợ. Có lẽ cuộc đời đã lựa chọn thay hắn. Cái thời cuộc bấy giờ, có nhiều người kết thúc lưng chừng như thế, có lẽ hắn cũng có vài người bạn đồng hành chăng?
Cơ thể này giật từng cơn. Người phụ nữ này hay ho lắm, mỗi cơn ho của cô ta có thể kéo dài đến nửa tiếng. Có những đêm, cơn ho làm nhịp thở của cô ta chẳng thể nào đều đặn. Cô đã sinh đứa con của mình. Nhưng chẳng bao lâu sau, nhưng cơn ho dai dẳng khiến tiếng bập bùng trong cơ thể này ngưng bặt.
Đám bụi đáng hận.
Kể từ lúc cơ thể này ngừng giao động, tôi dần lạnh đi. Tôi nghe vọng lại từ bên ngoài có tiếng gõ của đồ sắt và những tiếng trống. Có lẽ những con người ấy đang kêu gọi muốn dẫn đường cho cô gái này trở về bên mẹ thiên nhiên vĩnh hằng chăng? Cứ thế, rồi tôi không còn nghe thấy bất kì điều gì nữa. Từ bên trong cơ thể, mọi thứ bắt đầu trương phồng. Tôi nghe cái mùi kinh khủng nhất cuộc đời mình. Cơ thể này được táng trực tiếp xuống đất. Đám dòi bọ bắt đầu xâm nhập vào. Tôi thấy ghê rợn với cái đám ấy.
Nhưng mọi thứ cũng qua… tôi cuối cùng đã trở về với đất.
Từ chốn mà người ta táng cái xác này, một hạt mầm nảy nở. Tôi bám theo cái rễ của nó, đâm sâu xuống bên dưới hơn. Tôi sẽ đi tận sâu vào lòng đất, để thoát khỏi cái kiếp lang bạt chẳng chốn dung thân.
Đất rừng ẩm ướt, cái cây ấy lớn lên nhanh lắm. Nó trồi lên khỏi mặt đất, rồi dần vươn cao, vươn cao lên mãi. Nó đẩy tôi vào tận sâu bên trong lòng đất.
Một ngày nào đó, có lẽ tôi sẽ tan vào cái cây này, để một lần nữa nhìn ngắm ánh mặt trời mà tôi yêu từ thuở ban sơ.
Bình luận
Chưa có bình luận