Cứ đến giờ Ngọ, khi mặt trời treo mình trên trượng pháp của thần linh, gieo xuống trần gian những cơn uể oải, đậu trên sườn mặt những người làm nông những vết cháy xém da, đó là lúc Thị Lệ đưa võng đưa con ngủ.
“Gió lùa bụi chuối sau hè,
Anh mê vợ bé, bỏ bè con thơ.”
Giọng Lệ ngọt như mía lùi, luyến dẻo như vắt xôi vò vào ban sớm. Ai nấy đều ngẩng đầu khen Thị Lệ tài hoa, giọng nghe sao mà mát dạ. Chỉ riêng tôi sao thấy não lòng, phải chăng vì nỗi bi thương, niềm khắc khoải trong lời hờn trách bâng quơ.
Trước khi theo chồng, thị là con gái của ông thầy đồ nên cũng được xem là người có vốn liếng tri thức. Tính cách lại dịu dàng, ý tứ, luôn dòm trước ngó sau và không bao giờ để ai đó khổ đau vì mình. Thế sao ông trời kia lại để Thị Lệ chịu nhiều cay đắng thế? Chữ Lệ trong tên có phải mang nghĩa là giọt nước mắt đâu, là thứ đẹp đẽ, mĩ miều cơ mà. Cũng tại ông thầy của tôi, nếu chọn chữ cụ thể hơn là May, chữ Phước mà đặt thì cuộc đời con gái ông ta đâu có đến nỗi nào.
Hôm nay, cậu Cả lại đón vợ về đặng đẻ con trai. Thế cho nên, Thị Lệ mới lánh sang một vách nhà trống xập xệ, tách xa cơ ngơi nhà chồng, tránh họa lây cái vô phước đến cô dâu mới.
Người ta truyền miệng nhau là: Vịt trời toàn đẻ loài ngan, chứ đâu đẻ rồng cho chồng nhờ con.
“Oe oe oe”
Tiếng con bé khóc nấc, tội nghiệp, còn đỏ hỏn mà thiếu thốn đủ điều, thiếu hơi ấm của cha, thiếu đi lòng kiêu hãnh vì sự khinh rẻ của nhà nội, thiếu cả vị ngọt sữa mẹ ở đầu môi. Người ngoài nhìn vào thì cười chê. Nào là mẹ không đủ khỏe mới tịt sữa. Nào là ăn uống bừa bãi nên mới thế thôi. Nào là không lo không nghĩ để mặc con cái.
Đâu có ai hay rằng, chính người mẹ vô tâm, vô trách nhiệm đó hằng ngày phải nhai trấu với rau, hôm có gạo phải pha loãng để nấu được nhiều cháo dành cho ngày sau. Thị Lệ kéo khăn lau đi giọt mồ hôi lăn trên má. Ngoài ruộng, bà con thấy đó không kiềm được xót xa. Họ lắc đầu thương cảm, cất lên câu hát:
“Con thơ tay ẵm tay bồng
Tay nào xách nước, tay nào vo cơm.”
Các thím vác lúa trên vai, thủ thỉ với nhau rằng:
“Tội nghiệp con nhỏ! Nó xinh đẹp, đường hoàng mà gặp phải mối ôi.”
“Ôi gì đâu, chồng giàu con xinh, chỉ tại nó không biết đẻ nên không có phước mà hưởng.”
“Lúc trước, nó được nhiều người mê lắm. Khéo là trai tráng cả làng mình ấy chứ. Cậu Cả lúc đó cũng si mê lắm, có được thì lại không còn ham.”
“Ừ nhỉ? Cậu Cả năm ấy cứ ở suốt nhà ông đồ, tôi còn tưởng là gã quyết tâm đỗ kỳ Hương. Hóa ra không phải, cậu ấy chỉ đang mê con gái của ông thầy thôi.”
Chú Tư đánh xe lu đi ngang qua nhìn cảnh đơn chiếc ở vách nhà gỗ mà chợt cáu gắt:
“Mê nỗi gì mà để con gái người ta khổ thế! Con Lành nhà tao mà chịu cảnh thế, có bị chém đầu tao cũng sẽ mang con về.”
Mọi người ai cũng biết chú Tư thương con đến thế nào nên dễ cảm thông. Thế nhưng, lời lẽ này quá là xấc xược, chỉ có thứ dân bán mặt cho đất bán lưng cho trời mới lỗ mãng nói gở như vậy.
“Tía nó là thầy chứ có phải như ông đâu. Chỉ có bọn tôi ở đây nên ông nói thế, chứ gặp chuyện rồi, đố ông dám nói láo thế đấy!”
“Tao cứ láo thế đó.”
Chú hậm hực rồi nổ máy xe chạy đi tiếp, không thèm nghe người ta đang bàn gì nữa.
Nhiều người bị phận đời cay đắng của Thị Lệ che mắt, làm quên đi đạo vợ chồng trong phong tục truyền thống rồi thì phải? Cậu Cả có thể đã quên bổn phận và trách nhiệm trong cách đối đãi với vợ, nhưng những cay đắng, tủi nhục của Thị Lệ là đang giữ đạo cho mình.
“Gió lùa bụi chuối sau hè,
Anh mê vợ bé, bỏ bè con thơ.
Ơ ầu à a a ơ…
Gió đưa bụi trúc ngã quỳ,
Thương cha phải chịu luỵ dì, con ơi.”
Cho đến tối muộn, vách nhà gỗ vẫn kẽo kẹt tiếng võng đung đưa, lời ru thánh thót, não lòng ai kia.
“Anh mê vợ bé bao giờ?”
Cậu Cả đẩy cửa bước vào. Người vợ thấy chồng đưa tay lau mặt, giật lùi về sau. Người chồng thấy thế kéo tay vợ lau đi vụn nước mắt, khẽ khàng ôm vào lòng.
“Anh sao lại ở đây? Em Liên giường đơn gối chiếc đêm tân hôn thì không phải phép. Anh về bên đó đi.”
“Anh ở đây một lúc.” Cậu Cả xoa đầu vợ: “Mấy nay anh trên tỉnh, thiệt thòi cho em rồi. Em đừng trách má, lỗi nằm ở anh thôi. Anh để em mang tiếng xấu, để má nhọc lòng nhiều.”
“Anh đừng nói thế! Em không đẻ được con trai cho nên mới thế.”
“Đẻ con như nào có phải chuyện của mình em đâu.”
“Anh về đi. Đừng để cả nhà không vui.” Thị Lệ đẩy chồng mình ra
“Em nhỏ tiếng thôi. Con mình còn đang ngủ. Anh kêu thằng Tý canh ở nhà rồi. Anh chỉ ở đây một lúc, sợ em tủi thân. Em ráng qua nốt hôm nay, anh sai người đón em về nhà chính. Anh thương em, nhưng cũng không thể cãi ý cha mẹ. Anh xin lỗi em nhiều lắm.”
“Chồng, anh đừng nói thế. Em nhận từ anh đủ rồi, trách em không làm tốt bổn phận người vợ thôi.”
Ngoài sân có tiếng chân hối hả chạy, càng lúc càng gần. Thằng Tý soi đèn bên cửa sổ, nhỏ giọng thông báo.
“Cậu ơi, bà kêu người đi tìm cậu, nói sợ cậu say mò đi tìm mợ. Bọn họ đang định kéo tới đây đấy.”
Vẻ mặt cậu Cả thoáng trầm xuống, nâng niu mặt vợ tựa như nâng một đóa sen:
“Anh đi nhé!”
Thằng Tý thoáng thấy cậu nó lướt qua, nhảy xuống sông bơi về nhà chính. Nó biết ý, chạy nhanh về nhà trước, canh cậu nó sắp tới bờ thì la toáng lên:
“Bớ làng nước ơi, cậu say té xuống đìa rồi bây ơi. Mau, mau, tụi bây phụ tao kéo cậu dậy.”
“Trời ơi, mau lôi cậu mày dậy. Ngày vui mà để say bét nhè lộn cổ xuống ao vậy nè trời. Mau đưa cậu tụi mày về phòng tắm rửa đi.” Bà cả Trân nói.
Cô dâu nhìn chồng mình sình đất dính đầy trên tóc, áo hỷ không nhìn ra hình dạng, đi đến dìu chồng từ tay người ở*, cúi đầu, thoáng lẩm bẩm: “Hôi khiếp thế. Làm gì mà đến mé sông chi không biết nữa.”
Thằng Tý nắm tay chặt lại, chau mày khó chịu. Làm sao nó không biết? Cậu nó là sợ hãi trong lòng, không muốn động phòng trong ngày vui hôm nay nên mới liều thế.
Hỡi ơi, không biết đến bao giờ định kiến không bủa vây, kiềm hãm con người nữa nhỉ? Giá mà con gái cũng như con trai! Giá mà đàn ông không còn cái lẽ hiển nhiên năm thê bảy thiếp! Giá như mẹ chồng không lấy những cái bất hạnh của bản thân gán lên đứa con dâu tội nghiệp, thay vào đó là sự cảm thông, yêu mến!
Cái thời đó chắc còn xa xăm lắm. Dễ gì lay động được những diễn ngôn tồn tại hàng nghìn năm!
Nhưng tôi cảm giác, thời đó chắc chắn sẽ đến. Cái thời mà một vợ một chồng với một đàn con thơ. Cái thời mà nam nữ bình đẳng, không còn bất công, thiên vị. Chỉ là không biết còn bao lâu.
Chú thích:
- người ở: kẻ hầu, người giúp việc trong nhà.
Bình luận
Chưa có bình luận