Con đường vẫn rất rộng và thênh thang. Đèn đường xếp hàng nối dài chào tôi. Còn bóng thì cứ bị kéo dài mãi ra. Ở đây đã ít nhà hơn so với Sago. Dona là một tỉnh nổi tiếng nhiều chốt công an và họ làm rất nghiêm, vi phạm là phạt dù có xin xỏ kiểu gì đi chăng nữa. Có điều bây giờ là một giờ sáng, chẳng có công an giao thông làm việc siêng năng đến mức lúc này ra đứng bắn tốc độ, nên thứ duy nhất giữ người ta lái xe an toàn là bản thân họ. Nghĩ cũng lạ, tỉ lệ bị tai nạn giao thông nó cao hơn nhiều tỉ lệ trúng vé số, nhưng ta luôn mua vé số với tâm lý là “người được chọn”, trong khi lại vừa nhắn tin vừa lái xe hay vượt đèn đỏ với suy nghĩ “ai đó chứ không phải mình”. Con người thật lạ, thật nhiều mâu thuẫn.
Tôi cũng thật lạ. Cũng nhiều mâu thuẫn.
Một mình một đường. Cô đơn muôn trùng. Gió sương làm bạn. Cảm giác trống trải ùa vào trong tâm can lúc nào không hay. Cơ mà tôi đã quen với điều này: Thông thường nếu một người mà rút điện thoại ra vào giờ nghỉ trưa chụp hình thì kiểu gì những người khác sẽ tập trung mà phùng má trợn môi liếc ngang liếc dọc; Hay như những lúc đi ăn để thắt chặt mối quan hệ đồng nghiệp - chụp một lần trong lúc chờ đợi bồi bàn, một lần nữa sau khi gọi món xong, khi đồ ăn được mang ra lại mở ứng dụng máy ảnh lên, và cuối cùng khi đã đánh chén no nê thỏa mãn sẽ có thêm một tấm kỉ niệm - tất cả những việc đó làm với nhau như đã thông thuộc ám hiệu, không cần nói nhau câu gì, chỉ cần đưa ra ám hiệu mà thôi; Sau những lúc chụp hình như vậy tất cả mọi người lại trở lui không gian riêng của mình. Phần tôi trong các tình huống như thế tôi chẳng biết phải làm gì, thôi thì người ta sao mình vậy. Thỉnh thoảng bản thân cũng tự chụp với bức bặm môi, trợn má rồi cũng học theo các anh các chị các em chèn vài câu chữ gây tò mò, vài cái biểu tượng cảm xúc và theo dõi xem có ai quan tâm không. Giống như một buổi đấu giá vĩ đại, ai ai cũng lao theo trưng mình ra để thu hút càng nhiều sự chú ý càng tốt. Kết quả thu về: tôi có được năm phút vui vẻ khi người khác bày tỏ cảm xúc về hình ảnh của tôi, những gì tôi làm. Cái cô đơn khiến người ta sợ mà trốn mà chạy. Nhưng khi đi trên con đường quốc lộ không một bóng người, vừa rét vừa run, tôi chợt hiểu lý do: Không ai muốn nhìn thấy cái xác của mình một cách cô độc, nhưng cũng không dám cho người khác thấy cái thứ đã trương sình thối rữa ấy. Nên cảm giác có người quan tâm cũng đủ thỏa mãn ta rồi.
Con đường cứ kéo dài mãi. Hiện tại tôi đang đi ngang một rừng cao su, thỉnh thoảng đan xen vào là những mảng khoai lang, khoai sùng. Trong bóng đêm, những cánh rừng, mẫu ruộng nhuốm màu đen tuyền. Ánh sáng đèn đường tò mò chạm khẽ vào rìa vùng tối rồi thôi, không dám vươn xa hơn nữa. Mà có muốn cũng không thể tiến xa hơn được. Đó là giới hạn rồi. Muốn xa hơn phải thay đổi, tức là đánh đổi: Đổi góc chiếu sáng, tăng cường độ, tăng độ phủ. Không còn là chính mình. Nhưng có đáng? Tôi không rõ đèn đường muốn gì, nhưng nó an phận với khả năng của mình cho đến khi bị hư để rồi bị thay thế. Đơn giản như thế. Khỏi phải lo nghĩ xa xôi. Vừa hết rừng cao su lại đến những khu công nghiệp với những đại nhà máy, xí nghiệp, có cái sáng đèn ca khuya, cái im lìm ngủ. Người công nhân trong những nhà máy có cố gắng lắm thì cũng chỉ là ca trưởng kíp trưởng rồi thôi. Họ đã đến giới hạn. Muốn đi xa hơn phải đánh đổi quá nhiều thứ, vậy nên họ chọn đánh đổi chính họ để những người quan trọng có thể đi xa hơn, có tương lai tươi sáng hơn. Đề rồi cho đến khi họ xuống sức ở cái tuổi bốn mươi, năm mươi, mệt mỏi, đau nhức, bệnh tật với cuộc sống, xét trên quan điểm của tôi, vô vị; Họ bị thay thế như những cái đèn đường bị hư, để cho những bóng đèn đường trẻ hơn, sáng hơn thế chỗ.
Ngẫm lại có lẽ bố mẹ tôi cũng là một cũng là những người như thế.
Và tôi chắc chắc chắn không được như kỳ vọng lớn lao của họ.
Con xin lỗi.
Tôi đánh một tiếng thở dài. m thanh bị bạt đi bởi những cơn gió thét gào. Tôi vẫn còn chạy trên đường lớn chứ chưa rẽ vào tỉnh lộ theo chỉ dẫn của Google. Đã vào lại khu dân cư, nhà cửa sang sát dần. Trông vào chẳng khác Sago là mấy, nhưng thiếu mất cái hồn. Tôi không hiểu tại sao mình cảm thấy thế. Có lẽ tại tôi nhận thức được tôi đang ở địa phận Dona chứ không phải Sago. Nếu giả sử có một nhiếp ảnh gia nào đấy chụp một con phố ở Sago rồi chụp lại cảnh ở đây rồi hỏi đâu là Sago, có lẽ tôi sẽ trả lời sai. Chắc tại cái tình tôi dành cho Sago. Cái đó gọi là sự gắn bó. Thật ra tôi chỉ ở Sago chưa được thập kỉ vì ấu thơ tôi ở Barivuta. Tôi quý nơi ấy, nhưng cái gắn bó lại nằm ở Sago. Tôi không hiểu vì sao tại sao tôi lại yêu Sago đến thế. Có lẽ chỉ thua tình yêu dành cho Dala thôi. Kiểu như tôi và Sago chơi được với nhau nên kết thân, còn Dala là người tình trong mộng, gặp gỡ đôi lần rồi để lại trong tim này lưu luyến không thể nào lấp đầy.
Hàng chục cây số đường chỉ mình tôi với phong cảnh. Cái lạnh và cái mệt bắt đầu thấm vào, tấn công, làm tôi bắt đầu run tay lái, mắt bắt đầu quáng, ho khù khụ. Không kể bao tử gào thét đòi ăn - nó kêu ọc ọc đầy giận dữ. Tôi bắt đầu giảm tốc để kiếm một cái quán cà phê nào đó. Với những cung đường hay có khách du lịch những quán mở hai bốn trên hai bốn không hiếm. Vấn đề ở đây là tôi đang ở một khu khá hiu quạnh, nhà chủ yếu là nhà cấp bốn mà còn cách xa nhau. Không còn ánh đèn đường dẫn lối. Thỉnh thoảng leo loét lên chút sáng trông như thể ánh ma trơi. Tôi chạy rà rà như thế chắc cũng hơn mười phút. Không hiểu sao có một trái bong bóng cứ to dần lên trong tâm trí, nài nỉ tôi ngước lên. Trái bong bóng ấy vỡ tung khi đập vào mắt tôi, lúc này đã giảm ga, một bức tranh tuyệt vời của tạo hóa: Bầu trời đêm rộng lớn, đen tuyền được trải lên những chấm sáng li ti với mặt trăng tròn là điểm nhấn. Lung linh hơn tất cả những ngọn đèn ở Sago, Dona và Dala cộng lại. Một tiếng thì thầm nhỏ nhưng đủ nghe trôi vào tai này tựa hồ toàn bộ những ngôi sao kia đang thầm thì gì đấy. Tôi ngạt thở, phải dừng xe tắt máy. Rồi không biết từ đâu cái cảm giác phải hét, dù giữa đêm hôm phải hét lên một cái cho đã, cho cả thế giới, cho những vì tinh tú kia hiểu rằng tôi - Trần Thành Tâm - vẫn còn đây, vẫn còn sống! À không, tôi còn thở thôi, chứ việc tôi còn sống không bản thân tôi không dám chắc. Tôi đã không hét mà ngồi lặng thinh trên yên xe như vậy vài phút. Rồi như một thói quen, lấy trong túi ra bao thuốc, lại đặt lên môi mà châm mà rít để cảm nhận cái ấm lan tỏa vào người để giúp bản thân vượt qua cảm giác bị nhận chìm bởi một thứ gì đó lớn lao hơn cả nhân loại. Cảm giác bị quan sát làm tôi nổi hết cả da gà. Rùng mình, tôi vội khởi động xe mặc cho linh cảm kỳ lạ kia vẫn làm cho tim đập mạnh như đang chạy nước rút. Cơn đói, cái lạnh cùng sự mệt mỏi dần thay thế cảm giác bé nhỏ. Cắn chặt môi để cơn đau giúp làm cho tỉnh táo, tôi cứ thế chạy, chạy mãi. Không biết đã được bao lâu nhưng cảm giác mằn mặn bắt đầu lan ra đầu lưỡi. Tôi kiệt sức, váng đầu. Không thể đi tiếp. Đã đến giới hạn rồi. Tôi quá yếu đuối để chạy đến Dala. Có lẽ số phận của tôi chỉ là cây đèn đường, rồi khi hư hỏng thì vứt vào bãi phế liệu.
Mùi cà phê xộc vào mũi tát tôi tỉnh dậy. Phóng tầm mắt ra xa tôi thấy những ánh đèn huỳnh quang cũ kĩ, rẻ tiền soi sáng một cái chòi lá tạm bợ. Có hai chiếc xe máy và một chiếc ô tô đang mệt mỏi đậu, bị hắt lên cái buồn chán từ ánh đèn. Tôi cảm thấy mình như đang trong trận bão mà thấy được hải đăng vậy. Vào trong quán, tôi kiếm chỗ ngồi. Lập tức bà chủ già nhanh nhẹn với khuôn mặt nhăn nheo ra chào và hỏi tôi muốn dùng gì bằng một giọng nói khắc khổ như thể thanh quản bị đẽo gọt làm cho sần sùi. Tôi nằm xuống võng lưới với những cái lỗ đủ to để đút nguyên bàn tay qua, ậm ờ bảo cho một phần mì gói và một ly cà phê sữa nóng rồi vứt ba lô vào cái ghế con đối diện. Thoải mái phủ phê trên võng trong cái ấm cúng của quán giúp cơn mệt tan biến dần dần. Đưa mắt lơ đãng nhìn xung quanh, tôi thấy trong quán có vài người đàn ông, mỗi người ngồi một bàn mà chìm trong thế giới riêng: Người vân vê ly cà phê, nhóp nhép miệng; Người đang chăm chú vào điện thoại, ánh sáng từ màn hình đang làm họ mù đi; Có người thì ngập chìm trong khói thuốc và những suy nghĩ của bản thân, phòng tầm mắt ra xa, nhìn vào màn đêm vô tận chứa hết mọi tâm hồn.
Tôi ngáp dài và chìm vào giấc ngủ không mộng mị.
Bình luận
Chưa có bình luận