Ngày Thứ Nhất: 1.



Tôi bật dậy khi điện thoại reo báo thức. Sau khi rửa mặt cho tỉnh táo, tôi kiểm tra lần chót để xem thử mình có bị thiếu gì không. Coi lại đồng hồ cũng đã là nửa đêm. Tôi xách ba lô lên và đi xuống cầu thang gọi bác chủ nhà dậy. Bác già rồi, gần bảy mươi, món mén hiền từ, thường gọi là bác Mơ. Nhà trọ tôi giới nghiêm từ mười một giờ. Tôi dĩ nhiên lại phải nói dối rằng “chuyện gia đình” để thuyết phục bác mở cửa. Bác không ừ hử gì, nhìn từ đầu đến chân tôi một lượt, rồi đôi mắt đã thấy nhiều thứ kia nhìn đôi mắt mông lung này trong một chốc trước khi mở cửa. Khi đã dắt xe ra khỏi nhà, tôi ngoái nhìn lại lần nữa, nhưng cửa đã bị kéo lại từ bao giờ - mang lại cảm giác chúng vốn luôn được khép chặt, im ỉm đầy thận trọng. Tôi ngồi lên yên, phóng tầm mắt xuyên qua con hẻm nhỏ, rồi tăng ga nhẹ nhàng. Thành phố im lìm chìm trong giấc ngủ. Những con đường đông đúc giờ vắng lặng như tờ. Tôi bắt đầu cảm thấy cóng người bởi gió lùa qua tóc, tai, làm tê buốt mọi vùng da hở. Tôi bực bội dùng tay trái để chỉnh khẩu trang lại nhưng nó cứ hở và hơi cứ xộc vào mắt, bám lại trên kính. Thật tình không muốn xuất hành phải mang tâm trạng như vậy! Tôi tấp xe vào lề, gỡ khẩu trang ra vuốt cho phẳng phiu rồi lại đeo vào. Tình trạng có cải thiện nhưng cái cảm giác toàn thân lạnh mà khí nóng ẩm cứ hắt lên mắt vẫn không giảm. Làu bàu chẳng thay đổi được gì, tôi tập trung vào những thênh thang trước mặt. Sago đường to đan đường nhỏ, chằng chịt như tơ vò. Ánh đèn đường hiu hắt đồng hành người lữ khách. Ngày và đêm ngược hẳn nhau: sự ồn ã, sự nhộn nhịp nhường cho sự im lặng, sự chậm rãi. Chẳng ai vội lúc mười hai giờ đêm: Các bác xe ôm người chăn võng ngủ, người nằm bệt xuống thềm quán xá, cơ quan nào đấy, người lại cứ nằm thẳng trên yên xe; Những cô chú lao công mặc đồ dạ quang lặng lẽ hốt rác hàng quán, quét lá rơi và cứ thế chất đầy chất đầy những xe chở rác đẩy tay cũ kĩ kêu ầm ĩ do thiếu dầu; Những con mèo hoang mắt sáng quắc quan sát tôi từ trên hiên nhà, ban công, thấp thoáng sau những thùng rác hay từ trong những ngõ hẻm âm u kì dị. Thành phố thở đều đều trong cơn say ngủ, thỉnh thoảng cựa mình với những hàng quán, quầy bar mở xuyên đêm, hay những siêu thị tiện lợi lúc nào cũng sáng choang và lạnh tê tái.

Tiếng gió bạt mang lại cho tôi cảm hứng kì lạ. Như thể khúc quân hành ra trận, hay là những đoạn nhạc trong phim khi nhân vật chính bắt đầu chuyến hành trình của cuộc đời mình. Nhưng thực tế tôi chỉ đang đi trốn: Trốn việc, trốn những trách nhiệm, trốn những áp lực, trốn người yêu và trốn gia đình mình. Tôi là kẻ vô lương khi cứ thế mà quẳng hết. Nhưng có ai xốc tôi lên khi tôi đang chết chìm bởi đống công việc suốt ba năm qua sau kể từ lúc ra trường? Khi tôi khóc trên giường do phải vứt cọ vẽ đi mà cắn môi đến chảy máu mà đăng kí ngành Quản Trị Kinh Doanh? Khi người tôi mến hơn một năm trời không hề hồi đáp lời tỏ tình của tôi hồi năm lớp mười? Không ai cả, mình tôi đối diện chúng, bị chúng giết để rồi tái sinh với trái tim đầy thẹo.

Ta luôn chết một mình. Luôn luôn.

Lúc đó tôi chạy vượt đèn đỏ ở ngã tư Thudu. Vừa ngay một chiếc xe tải vụt qua, bóp còi inh ỏi. Chậm một giây, và tôi sẽ một mình vĩnh viễn. Bất giác mồ hôi lạnh túa ra, ướt hết cả chiếc áo bên trong. Rút kinh nghiệm từ những lần đi thăm Dala trước, tôi ăn vận khá dày: một áo thun cotton, một cái sơ mi, một cái áo khoác gió và ngoài cùng là một cái áo khoác thứ hai với mũ trùm đầu. Tôi giảm tốc từ từ, rồi sau đó dừng lại thở. Cúi người về phía trước và chống hai cùi chỏ lên đầu xe, tôi hít căng đầy buồng phổi cái khí lạnh ban đêm để nhắc nhở rằng mình còn sống. Buốt giá ùa vào, tay chân bắt đầu ướt sương. So với phần thân trên có bốn lớp, tôi chỉ mặc một cái quần jean cùng đôi giày chạy với một lớp vớ. Cái lạnh nắm được điểm yếu này liền tiến công: Trước hết là gan bàn chân tê đi dần dần, xong đến những đầu móng chân bắt đầu buốt, rồi ống quyển lạnh như bị chườm đá. Tôi lấy trong túi quần một điếu thuốc, châm lửa. Làn khói lượn lờ hòa vào ánh vàng đèn đường. Đóm tàn rực lên như con đom đóm mỗi khi tôi hít một hơi sâu. Khi lồng ngực cảm thấy ấm lại, hơi sức được phục hồi, tôi vứt điếu thuốc xuống dưới chân rồi nghiến chặt cho tắt hẳn, đeo khẩu trang lên lại, rồ ga. Một chiếc xe mô tô thể thao màu xanh lá cây chạy vụt qua mặt, nàng ôm chàng từ đằng sau, cứng như sam. Chàng cúi rạp người mà bay trên đường lộ trống trải. Tôi thắc mắc liệu họ có bao giờ trông đèn giao thông mà đi dừng đúng luật. Có điều đó là việc của họ, còn việc của tôi bây giờ là tương phùng với Dala.

Đường Quốc Lộ dẫn ra khỏi Sago rất lớn, mỗi bên sáu làn xe, thêm cả những cây cầu vượt, và nếu không tính cặp đôi lúc nãy, mình tôi một đường thênh thang. Nhưng không vì thế tôi đi nghênh ngang. Vụ xe khách còn chưa mờ khỏi kí ức. Con người nhìn vậy chứ mỏng manh lắm, rơi mạnh là vỡ ngay. Nhất là khi người ta trẻ, hay làm và dễ làm điều dại dột.

Vòng xoay khổng lồ với cầu vượt và đường ngầm là ranh giới giữa ba tỉnh thành: Sago, Dona và Barivuta.  m thanh của động cơ xe vang dội không gian xung quanh như tiếng trống. Ngược lại tiếng thở của tôi thì lại như một khúc tình ca: ấm áp và ướt át. Dừng xe trước đèn đỏ sáu mươi giây, tôi tắt máy xe để lắng nghe nhịp thở đều đều chậm rãi của mình. Nếu như là một ngày bình thường, thì trong căn phòng trọ nhỏ bé của tôi sẽ có chàng trai hai mươi lăm tuổi đang chìm trong giấc ngủ chập chờn. Tầm vài tiếng nữa cậu sẽ phải thức dậy với sự ngái ngủ và mệt mỏi để vác cái thân xác nặng nhọc đi làm. Cậu nhiều lần tự hỏi bản thân rằng "Tôi đang đi về đâu?". Nhưng cậu không có câu trả lời vì chính cậu cũng không biết mình là ai. Nhiều lần về nhà sau khi hoàn thành việc bàn giấy chán ngắt tẻ nhạt ở công ty, cậu vừa ăn cơm trong hộp xốp, người vẫn mặc quần áo công ty đầy xộc xệch, vừa ngắm bộ cọ vẽ đã phủi bụi dày lớp lớp, những hộp màu đã vón cục không thể sử dụng được nữa, những xấp tranh vẽ không đến nỗi nào đã thắp cho cậu ước mơ vào Đại Học Mỹ Thuật. Cậu cứ nhìn như vậy rồi khóc. Có khi thổn thức nhưng cũng có khi những âm thanh đớn đau ấy nghẹn lại, nhất là sau khi chịu cơn thịnh nộ của sếp do cậu không chạy kịp tiến độ, hoặc nhận được cuộc gọi hỏi thăm từ bố mẹ. Có những hôm cuối tuần cậu coi liền tù tì hết trọn một bộ phim dài tập để rồi đến tận nửa đêm về sáng, nửa tỉnh nửa mê bị những màu sắc trên màn hình laptop đập vào mắt. Đôi khi cậu nhìn chăm chăm con dao gọt trái cây đang loáng lên dưới ánh đèn, giả sử với bản thân rằng cậu nắm chặt cái cán, kề lên cổ tay rồi rạch ngang một phát chuyện gì sẽ xảy ra. Máu? Chắc chắn. Đau? Hẳn nhiên. Những dòng đỏ tuông ra, chảy dọc xuống cẳng tay khi cậu giơ cao, xòe bàn tay ra mà ngắm kĩ. Giọt máu đỏ đượm mang theo sinh mệnh cậu lấp lánh, vằn vện nhảy múa trên làn da. Sau đó do mất máu, cậu sẽ lả đi. Cậu có thét trong tình huống đó không? Cậu nghĩ rằng không, vì cơ bản cái phần mà thúc đẩy cậu cắt tay đang kêu gào cậu giải thoát cho nó đã được thỏa mãn rồi. Rồi cậu sẽ khụy xuống, mắt trợn ngược. Nếu cậu may mắn, cậu sẽ chết do mất máu và sẽ quá trễ để mọi người biết nếu cậu không hét. Đau nhưng nhẹ nhàng.

Quan trọng là: Tôi đã chấp nhận.

Tôi giật mình khi một chiếc xe tải chở hàng khuya khác vụt qua. Tôi chớp chớp mắt nhìn theo chiếc xe tải con đó, hồi tưởng lại những suy nghĩ kì dị của mình. Đúng là không lên Dala để xả hết ưu tư phiền muộn trong lòng là không được: Ai lại nghĩ đến việc tự sát chứ! Nhất là một người mới hai mươi lăm tràn đầy sức sống như tôi. Có thể tôi đã chết bên trong, đã từ bỏ những giấc mộng trẻ con nhưng cái bản năng tồn tại là có. Tự hỏi bản thân nãy giờ đã vẩn vơ suy cái gì, tôi vội tìm một điếu thuốc khác đặt lên môi. Một lần nữa hơi thuốc giúp tôi thư giãn và giải tỏa những căng thẳng và suy nghĩ kì lạ trong đầu. Làn khói thuốc bay bay lấp đầy tâm trí, che mờ hết những hiện thực chán chường. Lần này tôi từ tốn hút hơn, nhâm nhi như thưởng thức chai rượu vang hảo hạng mà bác Tuân tặng cho bố vài năm về trước. Tôi ngẩng đầu lên nhả khói. Hơi thuốc nồng ấm bao quanh khuôn mặt. Khói chui vào mắt, quay ngược lại vào vòm họm, rồi lửng lơ trong hình hài những đường tơ cách mắt vài ba phân. Thưởng thức xong điếu thuốc, tôi xem giờ: “1:18”

Môi vẫn rực tàn, tôi lại khởi động xe, rời Sago mà tiến vào địa phận Dona.


0

Hãy là người bình luận đầu tiên nhé!

Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout