Nắng chiều đã tắt, gió từ biển thổi vào lồng lộng khiến Việt phải co người lại trong chiếc áo khoác mỏng. Tư Phước vội đi chếch lên phía trước một chút để che gió cho cậu.
“Tối mai em đừng ra biển cùng tôi, buổi sáng cũng đừng ra biển quá sớm. Gió rất lạnh, lỡ bệnh thì sao?”
Việt cười, ngẩng đầu nhìn anh trong ánh sáng nhập nhoạng của buổi chiều tà.
“Em thích dạo bờ biển thôi mà, gió lạnh thì em có khoác áo rồi, không sao đâu ạ.”
Tư Phước quay người lại, nắm lấy hai vai của Việt, bóp nhẹ.
“Buổi sáng em cứ ngủ đi, tôi về sẽ gọi em dậy, được không?”
Việt đứng lại, nhiệt độ từ bàn tay anh đặt trên vai cậu như lan dần ra khắp cơ thể.
“Thế thì muộn lắm, em muốn vẽ anh ngồi trước biển trong ánh bình minh cơ. Nếu ra biển muộn thì còn gì là bình minh nữa ạ.”
Tư Phước bất lực trước lý lẽ của Việt. Anh buông tay khỏi vai cậu, gật đầu nói:
“Nếu thế thì lát nữa em phải ngủ sớm, sáng mai mới dậy sớm được.”
Việt mỉm cười, yên lặng tiếp tục cùng anh rảo bước về phía biển. Vẫn như hôm qua, cậu ngồi trên bãi cát, ánh mắt không rời bóng lưng Tư Phước làm việc trên thuyền. Những chiếc thuyền ở đây rất giống nhau, vậy mà chỉ sau vài ngày cùng anh ra bến, cậu đã có thể nhận ra chiếc thuyền anh làm việc dù ở khoảng cách rất xa. Khi đoàn thuyền bắt đầu rời bến, Việt đứng dậy, vui vẻ giơ tay vẫy tạm biệt chàng ngư dân mà cậu thương đang đứng trên mạn thuyền nhìn về phía cậu.
Cho đến khi những con thuyền khuất dần phía chân trời, Việt một mình lủi thủi đi bộ về khu nhà trọ. Cậu về tới nơi, tất cả các phòng trọ đều đã lên đèn, chỉ có phòng của cậu và Tư Phước là còn khóa cửa. Việt lấy chìa khóa mở cửa phòng mình, cậu vừa với tay bật đèn thì trước cửa đã xuất hiện cả bốn người bạn của cậu.
“Tiễn người ta ra biển đấy à?” Dự đứng khoanh tay nhìn vào phòng, có vẻ cậu ta không trêu chọc người khác thì sẽ không chịu nổi.
Việt vờ như không nghe thấy câu nói của Dự, nếu tiếp chuyện cậu ta thì chắc chắn giữa hai người sẽ nổ ra một trận cãi vã như thường lệ.
“Các cậu sang đây làm gì thế?” Việt cau mày nhìn bốn người bạn vẫn đứng ngoài cửa. “Muốn vào phòng tôi chơi à?”
Dự bĩu môi, giọng điệu vẫn khiêu khích như đó là thói quen của cậu ta vậy.
“Bọn tôi chờ cậu đi tiễn anh yêu về còn ăn tối chứ chơi bời gì tầm này.”
Thành đã có kinh nghiệm ngăn chặn những cuộc cãi vã giữa Việt và Dự. Cậu ta lập tức lên tiếng:
“Về rồi thì đi ăn tối thôi, bọn tôi đói rồi.”
Bữa trưa kết thúc quá muộn nên Việt không đói, cậu lắc đầu từ chối.
“Các cậu đi ăn đi, mua về cho tôi cái bánh gì đó cũng được.”
“Nhớ người ta đến mức không ăn được cơ à?” Dự lại chọc Việt một câu. “Sáng mai người ta lại về rồi, có xa nhau lâu đâu mà đã nhớ thương đến thế.”
Việt tức giận đá cậu ta một cái, nhiều lúc cậu chỉ muốn khâu cái miệng nói nhiều của Dự lại cho đỡ nhức đầu. Đôi khi chính cậu cũng không hiểu vì sao cậu và Dự luôn khắc khẩu mà chơi được với nhau lâu đến thế, hoặc là nhờ có những cuộc cãi vã chí chóe của hai người nên cả nhóm bạn mới gắn kết được với nhau như bây giờ?
Mặc dù Việt không đi ăn cùng nhưng bốn người vẫn rất vui vẻ, họ vừa nói cười ồn ào vừa rời khỏi nhà trọ, đi vào thị trấn Vạn Giã tìm quán ăn.
…
Đứng trên mạn thuyền nhìn về hướng đất liền, Tư Phước mong ngóng từng giờ từng phút được nhìn thấy bóng dáng cậu họa sĩ đáng yêu ngày nào cũng chờ đón anh trên bờ biển. Mới chỉ hơn hai tuần quen biết nhau, cũng là hơn hai tuần cậu chờ anh trên bờ biển mỗi sáng, vậy mà việc được nhìn thấy bóng dáng cậu khi thuyền cập bến đã trở thành thói quen và niềm yêu thích của anh. Thế nhưng cũng là mỗi sáng, khi thấy cậu co ro chờ đợi trong gió lạnh, tim anh lại nhói đau. Anh chỉ muốn sau lưng mình mọc ra một đôi cánh để có thể bay nhanh về bờ, ôm cậu vào lòng ủ ấm.
“Ê Tư, mày có bồ rồi hả? Mong về dữ quá ta.”
Giọng một người bạn thuyền vang lên phía sau làm Tư Phước giật mình quay lại. Dưới ánh đèn tù mù của tàu cá, các chàng ngư dân khỏe khoắn và đen bóng bá vai nhau cười ha hả. Một người vỗ vai Tư Phước, vui vẻ hỏi:
“Nghỉ hai hôm đó, mày có tính đi đâu chơi không hay về thăm nhà hả Tư?”
Nhà Tư Phước ở bên thành phố, cách Vạn Giã khoảng sáu mươi cây số. Đã vài tháng anh miệt mài đi biển chưa có dịp về nhà, lần này được nghỉ, anh muốn đưa Việt về thành phố chơi, nhân tiện mời cậu tới thăm nhà anh một chuyến.
“Về chứ.”
Tư Phước cười, trước mắt anh không còn biển đêm mịt mù và những người bạn thuyền thô kệch vạm vỡ, mà là viễn cảnh anh đưa người mình yêu về thăm nhà. Người đó không ai khác chính là cậu họa sĩ nhỏ dễ thương có nụ cười tỏa nắng.
Thuyền vừa cập bến, Tư Phước vội vã nhảy xuống thuyền thúng chèo vào bờ, chen lấn giữa đám đông thương lái tìm kiếm bóng dáng cục bông nho nhỏ của mình. Khi còn ở trên thuyền, nhờ ánh đèn lấp loáng thương lái giăng chờ thuyền, anh đã nhìn thấy cậu. Vẫn là chiếc áo khoác màu đỏ khoác bên ngoài áo lanh in hình cây dừa mà cậu ưa thích, vẫn là bàn tay giơ lên vẫy khi cậu vừa nhìn rõ đoàn thuyền trở về. Thế nhưng chỉ trong chốc lát, khi anh lúi húi cùng bạn thuyền xếp sọt cá lên sàn thuyền, bóng dáng cậu đã biến mất khiến anh lo đến thắt ruột.
Lo lắng tìm kiếm một hồi trong đám đông, Tư Phước mới thấy Việt ngồi bệt trên cát, chiếc túi đựng họa cụ đặt bên cạnh, còn giá vẽ thì nằm cách đó một đoạn. Xung quanh cậu, thương lái vẫn bận rộn chuyển những sọt cá mới mua ra xe bán tải chờ bên ngoài bãi cá, không ai có thời gian để ý đến một cậu trai ngồi dưới đất. Anh vội vã chạy đến, quỳ một chân xuống trước mặt cậu.
“Em sao vậy?”
Thấy anh, đôi mắt Việt lập tức sáng bừng, cậu tươi cười như không có chuyện gì xảy ra.
“Nãy em va phải một anh vác sọt cá, chỉ hơi đau tí tẹo thôi ạ.”
Tư Phước nhặt giá vẽ, nhấc túi họa cụ đeo lên vai mình rồi đỡ Việt đứng dậy. Bàn chân vừa đặt trên mặt đất, cậu vội túm lấy cánh tay anh, kêu lên.
“Ui đau quá, chỉ ngã tí thôi mà sao đau thế này nhỉ?”
Tức thì, Tư Phước vòng tay ngang người đỡ cho Việt không bị ngã, tư thế của hai người lúc này thân mật đến mức mờ ám, hơi thở quyện vào nhau nóng hổi. Vì quá đau, Việt chỉ có thể đứng bằng một chân, cơ thể cậu như lọt thỏm trong lòng anh.
Cậu ngượng ngùng vịn tay anh, cố gắng đứng thẳng lại.
“Em tự đi được mà, chỉ hơi đau tí thôi anh ạ.”
“Có đi được thật không đó?”
Tư Phước lo lắng nhìn xuống bàn chân nhỏ nhắn trắng hồng của Việt, mỗi lần ngắm nhìn chân cậu, anh nghĩ có khi bàn chân này bước trên cát cũng đau.
Việt tập tễnh đi thử, nhưng mới được hai bước, cậu đã lảo đảo chực ngã. Tư Phước nhanh tay đỡ cậu rồi ngồi xổm xuống, vòng tay vỗ lên lưng mình.
“Em lên đây, tôi cõng em về.”
Dù hồi hộp và bối rối đến mấy, Việt cũng đành áp người lên tấm lưng rộng của Tư Phước, vòng tay ôm lấy cổ anh. Tiếp xúc da thịt với người mình có tình cảm không khác gì chạm phải lửa bỏng khiến người cậu nóng như thiêu như đốt, trái tim nện thình thịch như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực.
Hơi ấm của anh, tấm áo lấm bẩn vương mùi cá tanh nồng của anh, mái tóc và làn da dính muối biển ram ráp của anh, vậy mà hấp dẫn đến lạ lùng.
Tư Phước đứng dậy, một tay đỡ cục bông nho nhỏ của mình trên lưng, một tay cầm túi đựng họa cụ và giá vẽ, nhẹ nhàng rời khỏi bến cá.
“Hôm nay mình không vẽ hả anh?” Việt ngạc nhiên hỏi khi nhận ra hướng đi của anh không phải là bãi biển quen thuộc.
“Đau chân thế này mà em vẫn muốn ngồi vẽ à?” Anh lắc đầu, âm thầm thở dài một hơi. “Về phòng tôi kiểm tra chân em coi thế nào, nếu đau nặng thì phải vô trạm xá.”
Mặt trời lúc này mới bắt đầu nhô lên trên mặt biển, gió lạnh thổi thốc vào tận trong áo khoác của Việt. Nhưng hôm nay có hơi ấm của Tư Phước, chút gió lạnh này không làm Việt nổi da gà như mọi ngày.
Hai người cõng nhau đi thong thả trên con đường vắng người qua lại. Trời vẫn còn quá sớm, nếu không phải người làm nghề đi biển và thương lái thì giờ này người ta vẫn ngủ ngon lành trên giường êm nệm ấm.
Về đến khu nhà trọ, các phòng khác vẫn đóng cửa im ỉm. Tư Phước đi đến cửa phòng mình, ngồi xổm để Việt có thể dễ dàng đặt chân xuống đất. Cậu dựa người vào tường, móc chìa khóa từ trong túi áo đưa cho anh.
“Anh cứ nghỉ ngơi đi, em thấy chân đỡ đau hơn rồi ấy.”
Thấy Việt vịn tường muốn về phòng mình, Tư Phước vội giữ cậu lại, dịu dàng nói:
“Em chờ xíu, vô phòng tôi kiểm tra coi chân em có sao không còn tới trạm xá khám.”
Nghe anh nói vậy, Việt không dám phản đối. Nếu chân cậu bị trật khớp nặng thì bắt buộc phải nhờ đến nhân viên y tế chứ không thể chủ quan được.
Tư Phước mở cửa phòng, dìu Việt đi vào tận giường mình rồi mới đỡ cậu ngồi xuống.
“Giường có đệm êm hơn ghế.” Anh bối rối gãi đầu giải thích. “Em ngồi chờ tôi xíu nha, tôi đi rửa tay xong kiểm tra chân em coi sao.”
Nói xong, Tư Phước đi ra cửa mang túi đồ của Việt vào đặt lên bàn rồi vội vã lấy quần áo, đến khu vệ sinh chung. Lúc thuyền cập bến, anh chỉ rửa tay qua loa bằng nước biển, toàn thân vô cùng bẩn thỉu. Chỉ vì Việt đau chân không đi nổi, chứ nếu không thì anh chẳng dám cõng cậu trên tấm lưng bốc mùi của mình. Còn bây giờ về tới phòng trọ, điều đầu tiên anh muốn làm là tắm rửa sạch sẽ, anh không dám dùng bàn tay lấm lem tanh mùi cá của mình chạm vào làn da mỏng manh, mịn màng và thơm tho của người mà anh đã lỡ yêu thương.
Bình luận
Chưa có bình luận