Mẹ đã từng bảo, hắn không biết Lam còn có một người em sinh đôi là tôi. Điều này đã được tôi chứng thực từ lần gặp đầu tiên, khi thấy ánh mắt kinh ngạc mà hắn nhìn tôi. Nếu hắn là người đã xuống tay với Lam thì khi trông thấy một người giống y hệt còn sống sờ sờ, đột nhiên xuất hiện trước mặt, chắc hẳn hắn phải sợ hãi thay vì chỉ ngạc nhiên. Lúc đó, tôi đã ngờ ngợ lời buộc tội của mẹ. Nhưng vẻ ngoài thâm trầm và tính cách thích làm theo ý mình của hắn lại khiến tôi lưỡng lự. Hắn sẽ tự ý hái hoa trong vườn, mang vào nhà và cắm một bình hoa hồng rồi để ngay ngắn ở phòng khách mà chẳng cần hỏi ý kiến của tôi. Hắn cũng chỉ cất lời hỏi kéo và bình hoa vào lần đầu tiên, những lần sau, các vật dụng ấy như trở thành của hắn. Chưa hết, hắn bắt đầu dần quen thuộc với từng ngóc ngách trong căn nhà, biết được vòi nước nào hỏng, tay nắm cửa nào cần thay mới. Hắn luôn chủ động đề nghị được sửa chữa và lần nào cũng giúp đỡ hết mình.
Cứ như thể đây là nhà của hắn.
Tôi giật mình vì ý nghĩ này. Kể từ khi chuyển đến đây, tôi chưa từng tiếp xúc thân thiết với bất kỳ ai trong khu này. Căn nhà của hai mẹ con tôi nằm trong vùng khá hẻo lánh nơi ngoại thành. Việc gắn kết tình làng nghĩa xóm cũng nhạt nhẽo. Thi thoảng gặp nhau trên đường thì hỏi thăm đôi ba câu rồi ai về nhà nấy. Chưa từng có người hàng xóm hay người làng nào bước chân vào nhà tôi. Hắn là kẻ ngoài cuộc đầu tiên.
Tôi không biết phải thích ứng thế nào với sự xuất hiện của hắn, nhất là khi hắn luôn nhìn tôi bằng ánh mắt thương cảm, đôi khi còn lẩn quất chút bi thương. Cái nhìn ấy không hề che giấu mà luôn đeo bám tôi mỗi khi có cơ hội chạm mặt. Nó khiến tôi ngộp thở. Bởi tôi biết, hắn đang không nhìn mình.
Hắn thấy Lam tồn tại trong tôi, hay chỉ coi tôi là một mô hình sống động của Lam? Dù là vì lý do gì đi nữa, tôi không muốn trở thành kẻ thay thế, cũng không muốn trở thành mồi câu của mẹ thêm một giây một phút nào nữa. Mẹ muốn hắn lộ bản chất. Nhưng trước khi hắn lộ bản chất, tôi nhất định sẽ chết chìm trong sự phủ nhận tồn tại của bản thân.
Tôi là Thanh, chứ không phải là Lam.
- Anh có thể đừng cắm hoa hồng trong phòng khách nữa được không? Em không có sở thích đấy.
Hắn khựng lại tức thì, đột nhiên trở nên ngượng nghịu.
- Thế à? Anh thấy mẹ không nói gì nên cứ tưởng là…
- Em xin lỗi vì đã không nói với anh từ đầu.
Tôi trả lời qua quýt, cốt để che đi cảm giác tội lỗi của chính mình. Ngày hôm nay, tôi sẽ không làm mồi câu cho mẹ nữa. Tôi sẽ khiến hắn nhận ra, tôi thực sự không phải là Lam.
- Tại sao anh không đi tìm chị ấy?
Câu hỏi của tôi như một chiếc búa tạ giáng thật lực lên đầu hắn. Hắn ngúc ngắc cái đầu như con rô – bốt sắp hết pin, bàn tay siết chặt thân bình hoa. Giọng hắn chợt run lên:
- Anh không biết phải tìm ở đâu. – Đoạn, hắn nghẹn lại. Những giọt nước mắt chợt lăn dài trên má. – Xin em… Đừng nhắc đến nữa…
Nỗi đau đớn quá sức chịu đựng án ngữ trên gương mặt hắn khiến lòng tôi như bị cào rách tươm. Máu rỉ ra, tanh nồng cả khoang miệng. À, hoá ra tôi đã cắn phải lưỡi lúc nào không hay. Nỗi xót xa mặn chát chảy thẳng xuống cổ họng, thấm vào trong lòng khiến chân tay tôi bủn rủn. Tôi đang sợ hãi điều gì vậy chứ? Những giọt nước mắt hiếm hoi của hắn khiến tôi mềm lòng đến vậy sao?
Tôi lại vô thức cắn môi, đột nhiên nhớ đến câu nói như đinh đóng cột của mẹ.
Linh cảm của một người làm mẹ thì luôn đúng.
*
Từ sau lần ấy, hắn đã biết thân biết phận hơn trước nhiều. Hắn sẽ không dám tự ý cắm một bình hoa hồng rồi đặt trước mặt tôi – điều mà tôi đoán rằng hắn đã làm hàng trăm nghìn lần với Lam. Hắn cũng không còn tự ý bước chân vào nhà tôi nhiều như trước, chăm sóc vườn hoa xong là hắn lẳng lặng ra về ngay. Sự thay đổi này rõ ràng đến mức khiến mẹ bận lòng. Chỉ nhìn thoáng qua, mẹ hẳn đã biết hắn đang giữ khoảng cách với tôi. Và không phải tự dưng hắn lại làm vậy.
- Thanh, con đã nói gì với Nhân?
Mẹ vừa gọt táo, vừa điềm nhiên hỏi tôi. Tôi ngồi đối diện với mẹ, đang chăm chú xem chương trình truyền hình trên ti vi, đột nhiên cảm thấy một dự cảm không lành. Tôi không dám tắt ti vi, sợ sự biến mất đột ngột của âm thanh sẽ khiến bầu không khí giữa chúng tôi trở nên căng thẳng. Tôi cố tỏ ra không có chuyện gì to tát, vừa dõi mắt lên màn hình, vừa trả lời mẹ:
- Con chẳng nói gì cả.
Mẹ hừ một tiếng tỏ ý coi thường, vẫn giữ giọng bình thản, đáp:
- Mẹ để con tự giác.
Tôi cảm giác toàn thân như con rối bị giật dây, chân tay lạnh toát, tim không ngừng gia tốc. Nỗi sợ hãi quen thuộc lập tức ập đến như cơn dông bất chợt giữa chiều nắng đẹp. Tôi để hai tay lên đùi, véo mạnh phần thịt qua lớp quần, miệng vẫn chối đây đẩy:
- Con không nói gì cả, thật ạ.
Tôi bất giác nổi da gà khi cảm nhận được một cái nhìn sắc lẹm như muốn lóc từng lớp thịt trên người xuống. Tôi lại véo mạnh vào đùi, cố gắng nhẩm đi nhẩm lại trong đầu rằng không được cắn môi, không được nhìn ngang ngó dọc.
- Mày vẫn còn non lắm con ạ.
Mẹ thở hắt ra một hơi, rồi buông một câu như thể đã tỏ tường mọi chuyện.
- Mẹ hỏi thằng Nhân rồi, mày còn định chối đến bao giờ?
Tôi giật mình nhìn sang mẹ. Toàn thân như bị dội một thùng nước lạnh. Tôi chỉ biết trợn mắt lên, miệng há ra ngắc ngoải. Còn mẹ thì vẫn nhìn tôi đầy ngán ngẩm. Bà đẩy đĩa táo đã gọt xong, xắt thành miếng nhỏ về phía tôi, dịu giọng:
- Con không muốn giúp mẹ nữa, đúng không?
Tôi như kẻ chết đuối vớ được cọc, giơ cờ trắng đầu hàng, lắp bắp đáp lại:
- Con không làm được đâu… Con không… không muốn bị nhầm là Lam.
Tôi không dám nhìn thẳng vào mẹ khi nói câu này. Một lát sau, khi bên tai chỉ còn tiếng người hỗn loạn trong ti vi, tôi mới ngước mắt lên nhìn mẹ. Từ sâu trong đôi mắt mỏi mệt và chất chứa nhiều điều khó nói của mẹ ánh lên sự vụn vỡ. Khẽ khàng. Nhẹ nhàng. Nhưng đau đớn lặng câm. Tôi nghe trong tim mình như cũng có gì đó vừa nát vụn. Tôi vô thức đè tay lên điều khiển ti vi. Màn hình tắt phụt. Chung quanh lặng ngắt như tờ.
Mẹ nhìn tôi một hồi rồi bỗng đứng lên, nhoẻn miệng cười gượng.
- Con nói thật ngay từ đầu có phải tốt hơn không. – Đoạn, mẹ nhấc túi đựng vỏ táo trên bàn lên, chép miệng. – Mẹ chưa hỏi gì thằng Nhân cả.
*
Bình luận
Chưa có bình luận