Lam trong trí nhớ của tôi đã chẳng còn rõ hình hài. Chị chỉ đồng hành với tôi đến năm lên mười, sau đó, Lam chuyển lên nhà bà nội ở trung tâm thành phố, còn tôi ở lại ngoại thành với mẹ. Từ bấy đến nay, những gì về Lam chỉ được mẹ kể qua quýt vài lời. Bà luôn lấy lý do Lam rất bận nên tốt nhất tôi không nên tìm cách liên lạc với chị làm gì. Suốt mười một năm ròng, những gì về Lam đã bị bào mòn đến nhẵn thín. Đọng lại trong tâm trí chỉ còn là một người “giống tôi” về ngoại hình, nhưng không nhạy cảm với ánh mặt trời như tôi. Điều này đã âm ỉ nhen lên trong lòng tôi một mầm lửa so đo. Bởi tôi luôn ngưỡng mộ những người có thể thoả sức nô đùa dưới ánh nắng mà không sợ bị nổi mề đay hay ngất xỉu. Khi lửa đã cháy thì thật khó để dập tắt. Tôi đâm ra đố kỵ với sự tồn tại của Lam lúc nào không hay. Và những lần hỏi thăm về chị cũng thưa dần rồi ngưng hẳn.
Nếu mẹ không nhắc về việc bản thân đã phát chán việc chăm bẵm những cây hoa hồng, ngỏ ý muốn thuê một người làm thay thì có lẽ, Lam vẫn là một cái tên bị phủ bụi, nằm lăn lóc ở xó xỉnh nào đó trong tâm trí mịt mờ của tôi. Khi lần đầu nghe được tin này, tôi còn tự hỏi, giữa bao nhiêu người chăm hoa, sao mẹ lại chọn trúng anh rể? Thật may, mẹ tôi luôn là một người thẳng thắn. Bà chẳng ngần ngại khoe ra toàn bộ những chiếc vuốt sắc nhọn giấu trong tay áo, cũng không hề do dự tỏ rõ cho tôi thấy vị trí của tôi trong lòng bà. Một mồi câu, không hơn. Thú thật là suốt hai mươi mốt năm kề cận, tôi đã từng nhiều lần tự ảo tưởng một mình. Nhưng lần nào cũng thế, nỗi đau mới sẽ lại tiếp tục đè lên vết thương cũ, cào rách đến nát tươm. Nhiều lần đến độ tôi đã thôi không còn oán trách mẹ mà dần học cách chấp nhận, cảm thấy thật may mắn vì bà vẫn không hề che giấu ý nghĩ thật sự của bản thân. Thật may… mà cũng thật mỉa mai.
Tôi sẽ giúp bà, với bổn phận của một người làm con. Và cũng để kết thúc những ngờ vực bấy lâu về một con người giờ đây đã trở nên xa lạ đến nỗi nhạt nhoà.
*
Hắn ở sát vách nhà tôi, cách một bức tường có hàng rào hoa giấy. Mỗi buổi sáng, vào khoảng bảy giờ, khi tôi vừa ăn xong bữa sáng được mẹ mang tới tận giường cũng là lúc hắn tưới xong nước cho vườn hoa hồng rộng chừng một trăm mét vuông. Tôi có một thói quen khó bỏ, đó là hé rèm cửa vừa đủ để lọt một con mắt, trộm nhìn xuống khu vườn ngay lối cổng ra vào. Tôi không dám nhìn lâu, bởi ánh sáng mặt trời sẽ khiến da nổi mề đay vừa ngứa ngáy vừa khó chịu. Nhưng chỉ khi trông thấy vườn hoa do chính tay tôi chọn hạt giống được chăm sóc kỹ lưỡng, tôi mới yên tâm mà thở phào. Nó là thứ duy nhất giúp tôi có cảm giác được kết nối với thế giới này.
Trước đây, mẹ sẽ một tay chăm vườn hoa giúp tôi hết cả buổi sáng. Vì thế, bữa trưa và bữa tối sẽ do tôi phụ trách, đổi lại thời gian cho mẹ nghỉ ngơi. Tiền kiếm được từ việc bán hoa cho các chợ đầu mối cũng kha khá, đủ để chúng tôi có cuộc sống đủ ăn đủ tiêu mà không phải lo nghĩ gì. Cuộc sống của chúng tôi đáng lẽ sẽ tuần hoàn như một bánh răng đã vào guồng, nếu như nửa năm trước, tôi không buột miệng hỏi mẹ về Lam. Đáng lẽ tôi không nên làm như vậy. Thú thực, lời hỏi thăm bâng quơ đó chỉ xuất phát từ sự hiếu kỳ. Nhưng chẳng ngờ, chỉ một câu hỏi cũng đủ thổi tắt ngúm ánh sáng trong mắt mẹ. Ngay ngày hôm sau, mẹ bắt đầu kể về Lam như con đê vỡ, cuồn cuộn liên miên không dứt suốt ngày đêm, gieo vào đầu tôi những hoài nghi về sự biến mất đột ngột của một người thích sự tự do.
- Thích sự tự do.
Tôi vô thức lẩm bẩm mấy lời trước đây mẹ hay nói về Lam, bàn tay lau bàn ngừng lại lúc nào không hay. Chợt, tôi nghĩ. Một người thích sự tự do thì việc đột nhiên biến mất để đi đâu đó có gì là lạ? Vậy thì tại sao mẹ lại cứ khăng khăng rằng Lam đã chết? Lại còn là do chính tay anh rể giết? Rốt cuộc, điều gì đã khiến mẹ tự tin như vậy?
Hàng loạt những câu hỏi như con thác dội xuống đầu khiến tôi như tách khỏi thế giới thực tại. Đến khi bên tai loáng thoáng có tiếng ai gọi, tôi mới giật mình ngoảnh lại.
Và tôi chết sững.
Hắn đứng sừng sững trước mặt tôi, với gương mặt đỏ như gà chọi, nụ cười rộng ngoác tận mang tai. Hắn ôm một bó hoa hồng đỏ như máu, giơ về phía tôi. Đôi mắt cười cong cong nhưng lại đong đầy vẻ thương hại.
Tôi giật mình lùi lại, đánh rơi cả khăn lau. Hắn cúi xuống nhặt khăn, để lên bàn rồi bước một bước dài, đứng ngay trước mặt tôi. Hắn cúi đầu xuống, nhìn thẳng vào gương mặt đang ngước lên của tôi. Hắn chỉ nhìn, và chờ đợi. Tiếng thở dồn dập của hắn ngay sát bên tai khiến tôi cảm giác cổ họng như bị bóp nghẹt. Tôi đặt tay lên ngực trái, siết chặt.
- A… Anh Nhân, anh có chuyện gì ạ?
Bấy giờ, hắn mới nở một nụ cười ra điều niềm nở, chậm rãi hỏi tôi:
- Bình hoa để ở đâu em nhỉ?
Tôi đảo mắt, cố gắng tránh né cái nhìn không chớp mắt của hắn, ngập ngừng chỉ tay về phía phòng bếp.
- Anh cứ đi thẳng vào phòng bếp, nhìn sang tay trái là thấy giá để lọ hoa ạ.
Tôi lí nhí, cố giữ giọng không run và rành rọt nói từng chữ. Hắn nghe xong, không nói gì mà quay người đi thẳng. Khi tôi chưa kịp thở phào, hắn đã đột ngột quay lại, một tay cầm chiếc bình màu xanh cổ vịt, tay còn lại vẫn ôm khóm hoa. Hắn liếc tôi một cái rất nhanh rồi đặt chiếc bình lên bàn ở phòng khách, thong thả ngồi xuống ghế và bắt đầu dùng kéo tỉa cành, cắm từng bông vào lọ. Sự hiện diện của hắn khiến tôi cảm thấy nghẹt thở. Tôi siết chặt đường chỉ quần, dõi mắt ra cửa, thầm mong mẹ đi chợ nhanh về.
- Em sợ anh à?
Giọng hắn trầm, hơi khàn, đủng đỉnh không mang cảm giác uy hiếp nhưng lại khiến tôi giật mình thon thót. Tôi run run đáp lại.
- K… Không ạ.
- Thế à? – Hắn hừ khẽ, đoạn cười trào phúng. – Thế thì tốt.
Tôi không hiểu cái tốt mà hắn nói là gì. Tôi chỉ cảm thấy bản thân như một con gà non đã nằm gọn trong vuốt của diều hâu. Sợ hãi và hoảng loạn thôi thúc tôi chạy trốn, vứt lại hết ý định làm mồi câu giúp mẹ. Hắn đang nén chặt điều gì đó trong lòng như nén một chiếc lò xo quá khổ, nếu một ngày bật tung ra thì có lẽ sẽ phá hủy hết thảy những gì trong tầm mắt. Tôi chưa bao giờ tiếp xúc với một ai ẩn giấu đầy sự đe doạ như hắn. Tôi nhìn về phía cửa, giằng co giữa việc ở lại đây chịu trận hay lao ra giữa ánh nắng buổi sáng để bất tỉnh nhân sự. Trong lúc tôi đứng ngay đơ như khúc gỗ, lấm lét nhìn cửa ra vào, hắn ngồi quay lưng lại phía tôi, bất chợt dừng kéo. Hắn để cành hoa hồng trên tay xuống bàn, cầm lấy chiếc kéo cỡ đại mà mẹ chuyên dùng để mở phanh lồng ngực gà, đứng phắt dậy. Cái bóng cao lớn của hắn lập tức trùm lên thân tôi. Tôi trợn mắt, liếc cái kéo lăm lăm trong tay hắn, mồ hôi ở đâu túa ra như tắm. Cả hàm tôi cứng lại, lưỡi như bị nhúng thuốc tê, nằm thẳng đơ trong khoang miệng.
Hắn nhìn tôi vô cảm, đôi mắt cuộn xoáy bóng đêm. Tay hắn chầm chậm giơ kéo lên, hướng mũi kéo về phía tôi. Tôi nín thở, cảm giác máu trong người như đông lại. Mỗi giây trôi qua dài tựa thế kỷ.
Khi mũi kéo chỉ còn cách ngực trái vài xăng – ti, tôi nhắm tịt mắt lại, nỗi sợ nguyên thủy nhất của con người nuốt chửng lấy thân.
- Em có muốn thử cắm hoa không?
Cả người tôi tê rần, đầu váng vất như thể hồn chưa kịp về với xác. Đến khi hắn lặp lại câu hỏi lần thứ hai, tôi mới lật đật thả lỏng bàn tay đang siết chặt gấu áo, dò xét nhìn hắn. Hắn vẫn giơ kéo về phía tôi, nhưng lúc này đã hướng tay cầm kéo cho tôi. Ánh mắt hắn vẫn vần vũ như bầu trời trước cơn dông, sự uy hiếp rõ mồn một giáng xuống đầu tôi mà chẳng buồn che giấu. Tôi cắn răng, cầm lấy kéo trong tay hắn.
- Chĩa mũi kéo về phía mình là rất nguy hiểm đấy, anh không biết à?
Mắt hắn thoáng qua một tia kinh ngạc. Phải rồi, hắn làm sao lường trước được việc tôi dám phản kháng lại. Tôi không thể tiếp tục nhún nhường, để hắn lấn tới như vậy được. Dù sợ hãi đến nỗi răng sắp cắn vào lưỡi, nhưng tôi vẫn phải cố nói thật rành mạch cho hắn nghe.
Hắn vẫn giữ nguyên tư thế cầm kéo, cũng nắm luôn cả bàn tay lạnh toát và nhầy nhụa mồ hôi của tôi. Trái với những gì tôi mong đợi, hắn bình tĩnh đến lạ. Đôi mắt hắn còn ánh lên vẻ vui mừng khó giấu. Hắn khẽ nhếch môi, giọng nói mang ý cười.
- Vậy em muốn anh chĩa mũi kéo về phía em à?
Hắn đã hạ nốc ao tôi, chỉ với một đòn nhẹ nhàng như vậy. Tôi chỉ biết trợn mắt lên nhìn hắn, như con cá ngắc ngoải chẳng hề biết nói, cố nhìn tay đầu bếp van xin chút ân huệ cuối cùng.
Rốt cuộc, tôi chẳng thể trả lời câu hỏi đó của hắn. Nhưng tôi biết, hắn hỏi và cũng không có ý định tìm kiếm câu trả lời. Đó chỉ là một lời cảnh cáo. Rằng tôi đã trở thành mục tiêu của hắn.
*
Bình luận
Chưa có bình luận