1. Quả là đồng tiền thật có sức nặng, đặc biệt khi nó trị giá hơn ba tỷ đô la. Khoảng hai giờ chiều, tám người con đều đã tập trung đầy đủ trước cổng nhà. Những người có “công việc” thật sự - Giang, Hải, Khánh - vẫn còn bận rộn dặn dò nốt những người trợ lý của họ về công việc trong những ngày vắng mặt. Mấy đứa “thần tượng giới trẻ” - cặp sinh đôi và Thiên Bảo - mỗi đứa một góc, cập nhật, livestream tạm biệt fan hâm mộ để “trải nghiệm năm ngày sống trên núi”. Nhân chép miệng, anh nhất định phải chú ý hơn tới con gái mình trong việc chọn người để thần tượng mới được.
Nguyên và Linh, hai người duy nhất Nhân không hề biết công việc của họ là gì, có vẻ thong thả và chẳng hề có gì cần sắp xếp như những người khác. Hai con người ít nói, lặng lẽ, chỉ mỗi người một hướng nhìn mông lung và theo đuổi những suy nghĩ riêng. Thảo Nguyên trông thật cô độc và lẻ loi trong khung cảnh này; cô ngồi một góc cách xa hẳn với những người anh, tụt về phía sau. Nhân nhìn kiểu gì cũng không thấy cô phù hợp với gia đình này, mặc dù trước đó anh đã thấy cậu Linh mới giống một người ngoài. Thế mà, khi họ ở cùng một chỗ, Linh và những người còn lại quả thực là một gia đình. Nhưng không phải với Nguyên.
Cuối cùng thì xe cũng lăn bánh. Nguyên ngồi cuối xe, say ngất ngưởng bên cạnh người quản gia của gia đình được chọn đi cùng. Thỉnh thoảng Nhân lại liếc nhìn cô thông qua chiếc kính chiếu hậu từ vị trí đầu xe của mình, anh rất muốn nhường cho Nguyên lên đây nhưng lại nghĩ có lẽ không phải ý tốt. Bên cạnh Nhân là Giang, mà anh nghĩ mấy đứa con trai sẽ chẳng vui vẻ gì khi phải ngồi cạnh Nguyên.
Anh tặc lưỡi, quyết định sẽ chợp mắt một chút. Chuyến đi sẽ kéo dài tận hai tiếng, mà anh thì không đủ thẩm quyền để tốn thời gian lo lắng cho người nhà họ suốt cả chuyến đi. Nhân thừa nhận anh có chút xót xa dành cho Nguyên; anh không dám nghĩ đến việc con gái mình chẳng may lâm vào cảnh tương tự. Nhân sẽ không để con mình phải sống giữa vô vàn ghét bỏ như Nguyên.
Khoảng bốn giờ chiều, mọi người trên xe lục đục râm ran khi xe đã tới men bìa rừng. Cách đây nhiều năm trước, Hoàng Cầm đã mua hẳn một lô đất nằm chính giữa rừng Thanh Sơn, với ý định mở một khu homestay ở đây để kinh doanh. Tuy nhiên, khi tới nơi thăm thú, Hoàng Cầm quyết định rằng ông muốn một căn biệt phủ nằm giữa rừng để thỉnh thoảng cùng vợ tới nghỉ dưỡng. Chỉ có duy nhất một con đường mòn được mở nối từ đường cái vào tới căn biệt phủ này. Ngay dưới chân núi là một khu dân cư nằm dọc đường cái, tuy vậy không ai được bước vào con đường mòn. Hoàng Cầm đã biến nó thành của riêng, người dân chỉ biết trong rừng phía trên đầu họ là nhà của một kẻ rất giàu.
“Uôi, sao em không nhớ nhà mình có cái này nhỉ?”
Nhân loáng thoáng nghe thấy mấy đứa trẻ tuổi xôn xao. Những người anh lớn có vẻ đã quen thuộc rồi.
“Lần cuối mày tới đây mày mới bảy tuổi, nhớ thế éo nào được!” Một đứa cười giễu cợt. “Cách cả gần hai chục năm rồi. Sau đó chỉ bọn tao hoặc bố mẹ đi đánh lẻ thôi.”
Thật lạ kỳ, Nhân nghĩ khi lơ đãng ngắm nhìn từng tán cây rừng lướt qua trước mắt. Đứa nhỏ nhất của gia đình này năm nay cũng đã hai mươi tư tuổi, vậy mà lần cuối cùng nó được tới đây là khi nó mới lên bảy. Vậy thì căn biệt phủ này xây với mục đích gì, hay là hơn chục năm qua hai vợ chồng Hoàng Cầm chỉ muốn biến nơi đây thành một nơi nghỉ dưỡng không-con-cái? Quả nhiên người giàu cũng có những thú vui khác thường. Nhân chạnh lòng nghĩ đến bản thân, đã lâu lắm rồi anh chẳng còn thời gian đi chơi riêng với vợ nữa. Mà anh chỉ có một đứa con gái. Tưởng tượng một người đàn ông với tám đứa con mà xem - à, thì ông ta cũng có tới bảy người con ruột.
Căn biệt phủ nằm tít sâu giữa lòng khu rừng, đi ô tô vào cũng phải mất chừng mười phút. Nhân không thể tưởng tượng được suốt những năm qua người dân quanh khu vực này đã làm thế nào để quen với sự có mặt của căn nhà trong rừng ấy. Nhân cứ ngỡ mình đang ở trong một bộ phim của Hollywood vậy, trên một con đường băng giữa rừng dẫn tới một ngôi nhà nguy nga cổ kính nằm lọt thỏm giữa vô vàn cây xanh.
“Dậy đi, đến rồi!”
Đám con trai lục đục gọi nhau dậy. Nhân vô thức quay người lại nhìn theo Nguyên, người quản gia cũng mới lay cô dậy rồi. Nếu đứa nhỏ nhất của Hoàng Cầm tới đây lần cuối vào năm bảy tuổi thì không rõ Nguyên đã được tới đây lần nào chưa? Nhân còn chẳng biết thân chủ của mình nhận nuôi cô con gái này từ khi nào nữa.
Dường như đã lâu lắm rồi không có ai lui tới đây. Người quản gia phải xuống xe, tự mình lách cách mở cái ổ khóa đã bắt đầu gỉ sét. Cánh cổng sắt cao ngất, nặng trịch chậm chạp kêu cót két theo từng bước chân nặng nề của người quản gia. Nhân đã xuống xe đẩy giúp cánh cửa, khá bất ngờ khi chẳng có cậu con trai nào xuống giúp người quản gia và mình. Anh tự nhủ sẽ cố không nghĩ nhiều về chuyện này, có lẽ bọn họ không quen với việc tự mình làm cái gì đó nặng nhọc.
Chiếc xe chầm chậm lăn bánh, đỗ xịch lại trước ngưỡng sảnh chính. Trong khi những người con lục đục xách đồ đi theo người quản gia, Nhân dặn dò lái xe thật cẩn thận về ngày tới đón trước khi dúi cho tài xế chút tiền đi đường. Quả thực chỉ có tám người con và Nhân cùng quản gia được ở lại đây, người tài xế quay xe về thẳng mà chẳng một lần xuống xe.
“Không thể tin được, bẩn khiếp!”
Một đứa cằn nhằn. Rõ ràng đã rất lâu rồi không có ai chăm chút, dọn dẹp căn biệt phủ này. Nhân cứ nghĩ Hoàng Cầm đã chuẩn bị trước để đón các con tới đây, nhưng hóa ra ông chẳng hề quan tâm đến chất lượng đời sống của các con nữa. Dù sao đó cũng chẳng còn là vấn đề của một người đã khuất.
2. Nằm lọt thỏm giữa rừng Thanh Sơn, căn biệt phủ của gia đình Hoàng Cầm đứng sừng sững như một tòa lâu đài cổ trong mấy phim kinh dị phương tây. Nhân biết ít nhất căn nhà này cũng phải xây từ khoảng hai chục năm trước, dựa vào việc đứa nhỏ tuổi nhất đã được tới đây từ hơn chục năm rồi. Căn nhà được xây theo phong cách art décor từ thời Pháp thuộc, tuy đã lỗi thời so với thẩm mỹ thời đại nhưng lại vương vấn một nét hoài niệm rất phù hợp với mắt nhìn của Nhân. Dẫu cho đám con cái của Hoàng Cầm đang ca thán đầy ngán ngẩm cái sự lỗi thời và “quê mùa hết sức” của căn nhà, Nhân có thể thấy ngay sự tinh xảo và bền vững của căn biệt phủ bất chấp sự ăn mòn của thời gian. Chỉ có một chút rêu phong, một vài tí ẩm mốc và bạc màu bên ngoài, cùng với bụi bặm phủ lên phần nội thất; còn lại Nhân biết rõ mọi thứ vẫn vô cùng tốt. Điện và nước không hề bị ảnh hưởng dù đã không được hoạt động từ lâu. Thứ duy nhất thiếu thốn ở đây là internet và sóng điện thoại.
“Không thể tin được lại phải sống như người rừng trong gần một tuần!”
Một đứa con lớn làu bàu khó chịu. Chắc hẳn chúng đã dần nhận ra nơi đây không có cách nào cho chúng truy cập mạng xã hội và “về với văn minh loài người”.
“Ảo ma thế, rõ ràng khu dân cư với thị trấn ở ngay gần đây mà!” Đứa con trai nhỏ nhất giơ điện thoại lên trời với khuôn mặt nhăn lại bực mình. “Sao vào đến đây lại không có sóng? Không đăng ký được cả 4G luôn?”
“Vào đến giữa rừng thì lấy đâu ra sóng cho mày? Cây nó chắn hết rồi!” Một thằng anh mỉa mai. Mặc dù có khó chịu về sự bất tiện trước mắt, Nhân cho rằng những đứa anh lớn vẫn thích nghi hoàn cảnh nhanh hơn. Hoặc ít nhất bọn họ đủ chuyên nghiệp để không thở ra đường miệng.
“Tôi đã thông báo trước cho các vị rằng vào tới đây sẽ không còn phương thức liên lạc nữa.” Thế thì mới gọi đây là “biệt phủ”! Nhân thầm nghĩ, mở chiếc cặp mang bên mình. “Thân chủ tôi có dặn dò rất kĩ trong văn bản này, tuy là gửi riêng cho tôi nên không thể có bản sao cho các vị. Nhưng các vị có thể nhìn qua, văn bản đã có công chứng.”
Nhân biết mọi thứ là thủ tục cho đúng với pháp luật, rằng mọi điều anh làm đều là theo di nguyện của thân chủ. Mấy đứa lớn đủ khôn để biết và tới giờ vẫn im lặng chấp hành rất tốt, chỉ có những đứa nhỏ vẫn còn than thở rất nhiều. Giới trẻ hiện tại thật đúng là đáng báo động.
“Các vị có thể xem qua danh sách phân phòng.” Nhân chỉ tay vào mặt bằng nhà đính kèm trong văn bản. Mấy thằng nhỏ lại xôn xao.
“Vãi? Đến cả phòng ngủ cũng không được chọn á?”
“Bọn mày không được chọn thôi.” Hải lại cười khinh khỉnh, đáp lại đứa em trai. “Từ khi còn nhỏ bọn tao đã chọn phòng riêng của mình ở đây hết rồi. Có chúng mày còn bé thì phải chịu phân công.”
“Tôi không biết phòng nào của vị nào, nhưng các vị cần phải tuân theo sắp xếp của thân chủ tôi như đính kèm ở đây. Tôi chỉ có nhiệm vụ truyền đạt và đảm bảo rằng mọi người làm đúng theo quy trình.”
“Mẹ, đúng là phiền...” Ai đó thở dài. Giang đưa tay ra hiệu cho Nhân tiếp tục, có lẽ anh ta muốn Nhân đọc lên cho mọi người cùng nghe.
“Tầng một, phòng ngủ phía bên phải, cạnh phòng khách là của Hiền Anh.” Nhân chỉ tay về phía căn phòng trong góc đang đóng cửa im lìm. Hiền Anh thay đổi nét mặt trong tích tắc.
“Cái gì? Sao tôi lại phải ở phòng nghỉ của khách?”
“Bố sắp xếp vậy, đừng thắc mắc nhiều.” Giang nghiêm giọng chỉnh đốn, cậu em trai im bặt trong bất mãn. Thật may cuối cùng cũng có người giúp Nhân “khâu mồm” mấy thằng nhỏ nóng tính.
“Tầng hai, phòng ngủ chính bên trái là của anh Nhật Giang. Phòng ngủ phụ số một bên cạnh là của cô Thảo Nguyên.” Nhân đưa mắt nhìn hai người mình vừa nhắc tên. Đã có chút ngỡ ngàng thoáng qua ánh mắt của người con cả. “Bên tay trái, phòng ngủ phụ số hai đối diện phòng chính là của anh Nhật Khánh. Phòng nghỉ cho khách ở bên cạnh là phòng anh Nhật Linh.”
“Sắp xếp kiểu gì thế này...” Khánh đột nhiên bật cười, liếc nhìn Thảo Nguyên. Nhân bỗng vô cớ cảm thấy không thoải mái khi bắt gặp cái nhìn bất thường của Khánh dành cho Nguyên. Thật sởn da gà!
“Tầng ba, bên tay trái, phòng ngủ phụ số ba của anh Nhật Hải; bên cạnh, phòng làm việc là phòng nghỉ của tôi.” Nhân đưa mắt nhìn, Hải chỉ mỉm cười ra vẻ hài lòng. “Bên tay phải, phòng ngủ phụ số bốn là của Thiên Anh. Phòng nghỉ cho khách ở bên cạnh là phòng của Bảo.”
“Ủa? Sao cháu không được ở cạnh em cháu?” Thiên Anh thắc mắc và đưa mắt nhìn người em sinh đôi. “Bọn cháu có được thương lượng đổi phòng không?”
“Tôi không chắc mục đích của thân chủ tôi là gì khi sắp xếp phòng như vậy, nhưng nếu nó đã được nhắc tới trong văn bản đính kèm thì chắc chắn là có nguyên do.” Nhân nhìn một lượt hai đứa sinh đôi, xem ra chúng nó vẫn chưa hiểu. “Có nghĩa là không, mong các vị hãy ở đúng vị trí đã được phân bố.”
“Chậc, kiểu nói chuyện của chú nghe thật là mệt tai.” Hiền Anh cằn nhằn, tỏ rõ sự phật lòng khi là người duy nhất không được ở cùng tầng với anh em mình. Cậu ném một cái nhìn khó chịu dành cho Nguyên, như thể nghĩ rằng đáng lẽ cô nên là người phải ở một mình dưới tầng một.
“Vậy, nếu không còn gì nữa, các vị hãy về phòng nghỉ ngơi. Chúng ta sẽ gặp lại ở bữa tối.” Nhân bỏ ngoài tai câu chê bai của thằng nhóc sinh đôi, gấp tờ giấy cất lại vào cặp. “Sau bữa tối tôi sẽ thông báo tiếp những gì sắp tới với các vị. Tôi sẽ cùng quản gia dọn dẹp khu vực chung dưới này, nhưng phiền các vị tự dọn dẹp phòng mình.”
Đám con trai lại vang lên những câu than vãn. Nhân nhìn theo từng đứa tản về phòng, lại tự nghĩ trong lòng đám trẻ thời nay... Chẳng một ai tỏ ý muốn ở lại giúp Nhân và quản gia dọn dẹp, mà bọn chúng còn than thở khi phải tự dọn dẹp căn phòng mình sẽ ở trong mấy ngày tới.
Nhân đẩy hành lý của mình gọn vào một góc, xắn tay áo bước vào bếp. Người quản gia đã cặm cụi dọn dẹp từ khi bước chân vào đây; phòng của ông là phòng nghỉ cho người làm ngay bên cạnh bếp. Nhân đã trò chuyện qua với người quản gia này - ông Kỳ - người đã làm việc cho Hoàng Cầm gần ba mươi năm trời. Ông Kỳ cho biết đã nhiều lần cùng ông bà chủ tới căn biệt phủ này rồi, từ khi đám con trai còn rất nhỏ. Chẳng trách ông rất biết công việc của mình, biết rõ mọi thứ nằm ở đâu, nhanh nhẹn dọn dẹp mà chẳng cần ai giục giã.
Hóa ra đó là lí do đám con trai chọn ông Kỳ là người thứ hai đi cùng trong chuyến này. Bọn chúng cần một người hầu không biết than vãn.
Bình luận
Chưa có bình luận