Hồi lên năm, lần đầu tiên tôi thấy những thứ mà sau này tự gọi là “thần” và “ma”. Đó là một đêm trăng non mảnh khảnh, nhọn hoắt như lưỡi câu sắp xé toạc bầu trời đêm đầy sao, mong manh lạc lõng lấp ló qua ô cửa sổ nhỏ để mở. Tôi bị đánh thức bởi một tiếng khóc rấm rứt đâu đó bên ngoài, nếu không phải vì mẹ đang nằm ngay bên cạnh thở đều trong giấc ngủ say thì tôi đã lầm tưởng là bà rồi. Những ngày này, bà cũng hay khóc, chỉ một lúc không để ý tôi đã thấy mắt bà ngấn nước, rồi một lúc sau đã thấy tràn đầy cả đôi mắt vốn đỏ hoe. Tiếng khóc này cũng không giống của mẹ, nó nhẹ nhàng như gió mùa hè thổi qua khe cửa sổ, êm ái như gió thu lướt trên bụi cây trước nhà.

Bị trí tò mò thôi thúc, tôi bước xuống giường mò mẫm theo ánh sáng tỏa ra từ ngọn nến thờ ở gian giữa nhà. Khi đó, ban thờ của bố tôi đặt thấp bên dưới bàn thờ tổ tiên, có một ngọn nến đặt trong cốc đã vơi đi gần hết, mẹ thắp nó từ tối trước khi đi ngủ, cùng một nén hương vòng le lói cũng sắp tàn đến nơi rồi. Mẹ sẽ tỉnh sớm, bà dường như luôn biết lúc nào thì hương hết để mà thức dậy thắp lại một vòng mới.

Tôi rón rén mở cửa he hé nhìn ra bên ngoài để rồi ngơ ngác nhìn. Tôi phải quay lại ngó bức ảnh trên ban thờ nhỏ rồi nhìn lại cái người đang đứng ngoài sân tới mấy lần. Một bên gương mặt bố tôi được ánh đèn đường vàng vọt chiếu tới, một bên lẩn khuất trong bóng tối. Khi đó, tôi chỉ lơ mơ nhận thấy chuyện này thật lạ lùng và thú vị, cũng không hề nghĩ đến việc cần phải chạy ào ra ngoài đến bên người cha đã mấy ngày không gặp.

Ông chắc chắn không phải là kiểu bố khiến đứa con trai năm tuổi cảm thấy thật sự luyến tiếc khi không còn được gặp lại. Nghe có vẻ vô tình nhưng bố tôi đúng là như thế. Người ta nói rất nhiều về tình cảm gia đình trên ti vi hay những cuốn sách, nhưng để tạo được ấn tượng đó cần có thời gian và tâm huyết muốn xây dựng một mối liên hệ thật bền chặt và gần gũi hơn là chỉ cùng chung máu mủ. Bố tôi dường như coi căn nhà mình chỉ như một nơi dừng chân tạm bợ. Ông lúc nào cũng có một việc gì đó để làm, từ chuyện đồng áng đến bất kì công việc nào được nhờ vả, từ trèo dừa, hái nhãn, đến lợp lại mái nhà, phụ hồ, khuân vác… bất cứ việc gì khiến ông có việc để làm. Còn cả những khi phải ở nhà, ông cũng cố tìm ra những chỗ hỏng hóc, hay mày mò đan cái rổ, chuốt chuốt từng khúc gỗ thành hình. Tối đến, ông thường chỉ lùa vội bát cơm rồi lại đi qua nhà hàng xóm uống chén chè xanh, hút điếu thuốc lào gần khuya mới về.

Bởi vậy, cái duy nhất làm đứa trẻ năm tuổi khi đó thấy ấn tượng là rõ ràng nó thấy bố mình đã được người ta cho vào hộp gỗ và thả xuống hố ở nghĩa trang bên kia cánh đồng và đắp lên một nấm mộ tròn trĩnh. Vậy nhưng người đứng ngay dưới sân kia lại chẳng thể nhầm lẫn vào đâu được là người trong bức ảnh trên ban thờ vẫn được ánh nến chiếu rọi, giống đến cả cái nụ cười hiền buồn tênh thả rơi nhẹ nhàng.

Rồi hình ảnh của ông mờ dần, cái nhìn vốn đã lay lắt càng trở nên đau đớn hơn cứ chằm chằm về phía hiên nhà ngay trước cửa sổ gian chính, nơi tiếng khóc rấm rứt đang ngày một lớn hơn. Bố tôi cứ thế nhẹ nhàng từng chút một nhạt nhòa dần trong không khí như hòa tan vào màn đêm, lẫn với cơn gió nhẹ thoảng qua và bay về một chốn xa xôi nào đó vượt ngoài khái niệm mà con người có thể hiểu. Cũng có thể ông đã tan ra cùng ánh đèn đường ung ủng vàng hắt lên cái sân bê tông trước nhà. Cũng có thể ánh trăng nhỏ nhoi trên kia đã hút lấy ông mà đắp đầy lấy bản thân.

Dù sao thì, ở nơi đây chỉ còn lại tiếng khóc nghe não nề, tiếng dế kêu rên rỉ, tiếng cóc nhái day dứt phụ họa. Tôi hé cửa rộng hơn để nhìn qua bên hiên nơi mà tiếng khóc đang phát ra. Ngồi đó, vùi mình vào bàn tay nhỏ nhắn, bộ tóc đen dài bằng cả chiều cao của cô được vén sang một bên để lộ ra gương mặt trắng nhờ nhợ tỏa sáng dưới bóng cây nhãn già.

Tôi tiến lại gần, ngồi xuống bên cạnh. Làm một đứa trẻ cũng có cái hay ở đó. Lúc năm tuổi, con người chỉ biết cảm giác sợ ông ba bị, ông ngáo ộp với hình thù quái dị độc ác chứ chẳng sợ gì những người lạ mặt đang khóc thương rầu rĩ. Mỗi lần mẹ khóc, tôi lại tới ngồi bên cạnh, bà sẽ ôm lấy tôi và nở một nụ cười trong hàng nước mắt. Vậy nên tôi cũng làm với cô gái. Cô liền lau vội mắt mình và nhìn tôi thật kĩ. Chúng tôi cứ ngồi cạnh nhau một lúc thật lâu, tôi thì ngó đâu đó về phía ngọn đèn đường yếu dần khi ngày mới đến, còn cô gái thì nhìn chằm chằm lên mảnh trăng mỏng dính trên bầu trời ngày một mờ ảo.

Mẹ hốt hoảng chạy ra ngoài tìm tôi sau khi thức dậy.

“Sao con không ngủ mà ngồi đây một mình thế này?” Bà khẽ cằn nhằn rồi ôm lấy tôi mà bế lại về giường.

Cô gái cứ nhìn theo tôi mãi, bờ mi lại bắt đầu ươn ướt.

*

Hồi lên năm, lần đầu tiên tôi thấy những thứ mà sau này tự gọi là “thần” và “ma”. Tôi hầu như giữ bí mật đó cho riêng mình, một điểm nhấn nho nhỏ cho cuộc đời bình lặng. Dù thuở còn trẻ con tôi không hiểu gì gì về thế giới, chẳng hiểu lắm về cái sự đố kỵ cũng như sợ hãi của con người với những điều khác thường, nhưng thật tốt vì tôi đã không đem chuyện đó mà khoe khắp nơi. Một phần là nhờ lời dặn dò của cô gái đêm đó, một phần cũng bởi cuộc sống của tôi vốn lặng thầm bên trong căn nhà nhỏ của hai mẹ con, loanh quanh nơi góc vườn có hàng giậu bao quanh. Trước khi Hiệp đến và trở thành bạn với tôi thì tôi cũng chỉ có mẹ để bầu bạn. Chỉ có điều mẹ lại lúc nào cũng bận rộn bao việc lớn nhỏ để cho tôi đủ ăn đủ mặc.

Những lúc chẳng có con người nào ở bên, tôi đành bầu bạn với những sinh vật siêu nhiên. Ở làng quê nơi tôi lớn lên, có rất nhiều những thực thể kiểu như vậy, họ lang thang khắp đường làng, trên mái nhà, vắt vẻo cành cây, họ lặng lẽ đến và đi, họ ồn ào huyên náo, họ tươi cười niềm nở, họ giận dữ cọc cằn, họ hiền lành hòa nhã, họ hung hãn độc ác, họ có thể mang bất cứ hình dáng nào, bất cứ tính cách nào. Và chỉ mình tôi ở đây thấy được họ, trò chuyện với họ, hay thậm chí là chạm vào họ.

Hiệp thích nghe tôi kể lại những câu chuyện đó, háo hức như đứa trẻ chờ viên kẹo mạch nha được kéo ra, ngưỡng mộ như đứng trước một anh hùng hiệp lữ đã bôn ba khắp giang hồ.

“Ước gì tớ cũng có thể thấy họ.” Hiệp ngồi trên một bậc thang của bến sông sau nhà, để chân ngâm vào dòng nước trong vắt, mát lạnh. “Cậu cứ như siêu anh hùng giúp đỡ mọi người khỏi các thế lực siêu nhiên.”

“Nói nghe kinh khủng quá.” Tôi cười ngặt nghẽo trước suy nghĩ của cậu ấy. “Tớ làm gì có cái quyền năng đó. Chỉ thấy được họ thôi mà.”

Ngoài thấy được, trò chuyện được, đôi khi là chạm vào, tôi vẫn chỉ là một con người trần thịt và yếu đuối trước họ.

“Năm kia, làng mình đã suýt nữa mất mùa to còn gì.” Hiệp hăm hở nhắc lại. “Khắp các cánh đồng đột nhiên bị nhiễm rầy nâu hết cả, lan tràn không sót cây lúa nào, chẳng có gì báo trước, thậm chí còn chẳng phải mùa dễ bị. Người lớn đã làm đủ mọi cách có thể nhưng đều bất lực. Thế rồi cậu bé mười hai tuổi, nhỏ xíu xiu và gầy đét tên An đã ra tay cứu tất cả, phát hiện ra một vị thần giận dữ, cậu ấy đã tìm cách xoa dịu ngài. Năm đó làng lại bội thu.”

Nghe qua lời Hiệp thì có vẻ ghê gớm chứ câu chuyện cũng chẳng có gì nhiều nhặn. Vị thần đó vốn được thờ phụng trong cái miếu nhỏ dưới gốc cây gạo lớn sát bên chân cầu nhỏ nối làng với cánh đồng. Ngài từng là hồn ma một người lính tử trận vì trúng tên của vài trăm năm trước, dân làng lập miếu ngay chỗ ngài qua đời mà thờ phụng. Lâu dần nhờ hương khói mà từ ma ngài thành thần, vẫn thường xuyên ra tay phù hộ cho ruộng đồng tươi tốt. Nhưng rồi máy móc đến làng, phân bón hóa học rẻ bèo, thuốc trừ sâu được dùng rộng rãi, nỗi lo mất mùa càng ngày càng bớt đi. Người ta cũng chẳng cần đến một thế lực mơ hồ nào bảo vệ cây lúa nữa. Miếu ngày càng lạnh lẽo, bát hương bị vùi lấp trong bụi mờ của thời gian.

Năm đó, chẳng biết có ai quệt xe làm vỡ một bên mái miếu thần. Mọi nỗi uất ức cũng như giận dữ tích lũy bao năm của vị thần bùng lên. Ngài gọi về hàng đàn ác ma đi cùng với đám rầy nâu mà quấy phá cánh đồng. Tôi nghe được vậy thì cũng có chạy vạy đôi chút, chịu cái cảm giác ớn lạnh ghê người khi lũ ác ma xuyên qua để đến khuyên ngăn, xin xỏ vị thần đang giận dữ. Cuối cùng cũng là Hiệp đã giúp tôi sửa lại ngôi miếu của ngài. Và cũng chính cậu ấy rỉ tai với dân làng để phục hồi lại hương khói nơi gốc cây gạo. Nói đúng ra thì chính cậu ấy mới là một người hùng thật sự trong mắt tôi.

“Và cũng nhờ khả năng đó mà tớ và cậu mới thân với nhau thế này.” Hiệp nói thêm, miệng cười rõ tươi làm má lúm hiện lên tươi tắn.

Tôi cũng tự động mà cười theo, gật đầu đồng ý với cậu ấy.

Đó là lúc bọn tôi đều lên mười, trời nắng chang chang, nhà Hiệp mới chuyển đến ngôi nhà rộng lớn bề thế trong làng. Chủ cũ nơi đó là một đôi vợ chồng già, đã sống cả đời mình trên mảnh đất đó, cũng như nhiều thế hệ nữa của gia đình. Ngôi nhà lại là chốn dừng chân thường xuyên của đủ loại thần ma. Nghe đâu gia đình đó trước kia có người làm nghề phù thủy, và rất nhiều bùa chú vẫn còn rải rác khắp nơi, cùng với nhiều nhiều những ban thờ, bát hương, tượng đá, đều là những nơi mà thần ma thích đến trú ẩn. Hai ông bà không còn ký ức gì về công việc của tổ tiên, nhưng vẫn thường xuyên gìn giữ hương khói, khiến các thần ma đều yêu quý mà phù hộ cho sức khỏe dài lâu, gia đình sung túc. Nhưng rồi không thoát được sinh tử, họ lần lượt qua đời bởi tuổi già, con cái đều đã lớn khôn mà sống ở thành phố. Ngôi nhà trở nên hoang vắng và lạnh lẽo.

Tôi tự thấy mình có một chút trách nhiệm nên đã thỉnh thoảng có chui qua hàng giậu nhà đó mà thắp vài nén hương. Và nhanh chóng quen thân với vài vị thần ma trong đó, cùng họ chơi cũng vui lắm. Có nhiều vị vốn lang thang khắp chốn và thỉnh thoảng mới ghé. Họ đem theo những câu chuyện về vô số những miền đất xa xôi, những kỳ nghỉ hè dài của tôi cứ trôi qua cùng những cuộc dạo chơi chẳng hồi kết của họ.

Khi nhà Hiệp chuyển đến thì tôi cũng ít lui tới hơn. Nhà cậu ấy lại chẳng biết gì về chuyện cũ nên mạnh tay tiến hành dọn dẹp hết những thứ họ coi là không cần thiết. Việc này khiến các linh hồn không hài lòng chút nào. Cả nhà Hiệp bắt đầu trở nên ốm đau.

Biết được điều đó, nhưng tôi đâu có thể tự nhiên đến nhà và bảo họ bị ma quỷ ám rồi. Cách duy nhất lúc đó tôi có thể làm là thuyết phục thần ma nơi đó tha cho gia đình nhỏ. Nhưng cũng như con người có hàng bao nhiêu những kẻ cứng đầu chỉ biết bảo thủ bảo vệ điều mình tin là đúng, thần ma cũng không thiếu người chẳng chịu hiểu chút nào lời người khác nói. Thậm chí họ còn cứng đầu hơn rất nhiều, tại sao phải nghe lời một con người nhỏ bé đoản mệnh kia chứ? Dù sống hàng trăm năm, đôi khi họ cũng trẻ con và thù dai vô cùng.

Nói chuyện với thần ma đã khó khăn, nhưng với tôi thì con người còn khó tiếp cận hơn nhiều. Hiệp mới chuyển đến đã nhanh chóng hòa nhập với trường lớp mới, còn hơn cả tôi nữa. Cậu ấy từng ở thành phố, biết đánh guitar và lại còn hát rất hay. Cậu ấy có kiểu tóc xoăn xoăn buông xuống che cả trán và gần như chạm tới đôi mắt nâu lớn long lanh mơ màng, cảm giác dễ chịu như nhìn vào hồ nước mát lành ngày nắng nóng. Tôi vốn đã là đứa lặng thầm trong lớp, đâu có dễ để quen biết gì với cậu ấy.

Một lần, Hiệp ốm cả nửa tháng không thể đi học. Tôi được nghe rằng có một vị thần lang thang đã lâu không trở lại căn nhà và trở nên vô cùng hung dữ mà nguyền rủa cậu ấy. Đêm trăng sáng ngày rằm tháng tám, tôi lẻn vào nhà Hiệp vì nghe phong thanh có vẻ như vị thần muốn đưa ra cảnh báo cuối cùng cho những con người nhỏ bé vô lễ dám bỏ việc thờ cúng ngài. Lúc đó, tôi chỉ có duy nhất một suy nghĩ là phải làm hết sức mình để giúp đỡ họ. Một vài thần ma xung quanh, và cả nhiều vị trong căn nhà cũng không muốn mọi thứ đi quá xa nên cũng đã cố gắng giúp đỡ tôi.

Nhận được sự bảo vệ của họ, tôi vào trong căn nhà đang tràn đầy những oán thán cay độc mà không bị ảnh hưởng gì. Tôi thấy vị thần ngồi bên bờ ao, ngài có hình dạng một con mèo với bộ lông trắng muốt sáng lên dưới ánh trăng rằm, hàng ria dày và dài hơn bình thường chảy tràn xuống chân, đôi mắt màu xanh lá sáng lên trong bóng tối liên tục đảo qua đảo lại chẳng ăn nhập gì với nhau. Trông ngài có vẻ nhỏ bé và già nua, nhưng lại tạo ra một áp lực vô hình kinh khủng lên tất thảy sinh vật xung quanh. Kể cả được bảo vệ, tôi vẫn cảm nhận nỗi sợ đang run lên từ con tim bé nhỏ thúc giục hãy bỏ trốn. Ngài rõ ràng là hùng mạnh hơn hết thảy những thần ma mà tôi từng được gặp, có lẽ ngài đã sống quá lâu và hấp thu được rất nhiều năng lượng của trời đất, có lẽ ngài đã nhận được sự thờ phụng của rất nhiều nơi quanh đây. Có thể là bất cứ thứ gì không thể nào biết rõ được, duy chỉ có sự nguy hiểm khôn lường toát ra từ ngài là ai cũng có thể hiểu rõ.

Sự giận dữ rò rỉ ra xung quanh vị thần thành những sợi chỉ hồng tua tủa trong không gian xung quanh. Bất cứ thứ gì chạm đến đều cũng sẽ bị khuấy động tâm can, cũng sẽ cảm nhận được những cảm xúc như lửa cháy ngùn ngụt trong lòng vị thần.

“Con người kia.” Vị thần lên tiếng, thậm chí khóe miệng còn chẳng thèm nhếch. “Đây không phải nơi ngươi nên đến đâu.”

Giọng ngài rền vang trong không trung, làm mặt nước ao cũng phải lăn tăn gợn sóng, còn trong lỗ tai tôi thì lùng bùng ngân dài mãi mới dứt.

“Cháu chỉ muốn xin ngài tha cho những người ở đây.” Tôi lên tiếng, lí nhí trong miệng, nhưng vị thần cũng không tỏ thái độ là không nghe thấy. “Cháu hứa là mọi người sẽ lại hương khói cho ngài đều đều.”

“Tại sao ta lại phải nghe lời một đứa trẻ con người?” Vị thần khinh khỉnh đáp lời.

“Con đâu có dám bảo ngài nghe lời gì đâu, chỉ là cầu xin ngài như vậy thôi.” Giọng tôi ngài một run rẩy, khi những sợi chỉ hồng đang ngày một dài ra vươn tới gần mình.

“Con người các người đã bội bạc quá nhiều rồi. Trước kia các người suốt ngày lậy lục cầu xin chúng ta giúp đỡ, muốn cái này, ước cái kia đủ thứ trên đời. Ta đã không màng nhọc nhằn mà sẵn lòng giúp sức hết mình. Ta cho chúng tiền tài, ta cho chúng đỗ đạt, ta bảo vệ chúng trước hiểm nguy. Nhưng rồi chúng đã sớm quên mất chúng ta, chúng bỏ bê thờ phụng, chúng tin vào những thứ niềm tin quái quỷ, chúng cầu xin những kẻ vốn sẽ không bao giờ đáp lời. Thật là rặt một lũ tráo trở vô ơn! Giờ thì ta sẽ trừng phạt tất cả.”

Vị thần giận dữ gầm lên một tiếng, đất trời như rung chuyển, nhưng có lẽ chỉ có mình tôi là run lên bần bật rồi ngã ngồi xuống đất vườn. Tất cả các loại bảo vệ của các thần ma khác đều đã bị phá vỡ hết. Nỗi sợ bủa vây lấy khi những sợi chỉ hồng quấn lấy quanh tôi. Rồi chính thân thể tôi mất dần kiểm soát, tự động đứng dậy và bước đi mà không sao chống lại được. Từng bước nặng nề đặt xuống và tôi đi dần về phía cầu ao. Cho đến khi nước đã lút qua mũi tôi mới lấy lại được cơ thể của mình và vùng vẫy loạn xị lên. Tôi biết bơi, mẹ tôi đã dạy tôi ở chính ao nhà mình, nhưng ngay lúc đó tôi lại chẳng thể nào khiến mình nổi lên được. Dường như còn có thứ gì khác đang cố gắng kéo tôi xuống nữa. Nỗi tuyệt vọng cứ vậy tràn vào cùng với từng ngụm nước tôi uống, và cơ thể mỏi mệt rã rời. Khắp không gian xung quanh âm vang tiếng kêu thê lương của vị thần mèo, như một bản tang ca sầu thảm đưa tiễn linh hồn con người bé nhỏ.

Giữa lúc đó Hiệp chẳng biết từ lúc nào đã bơi đến bên cạnh. Cậu ấy cố gắng túm lấy tôi và định bơi về bờ. Nhưng có vẻ chẳng hề dễ dàng. Chúng tôi cứ bơi bơi và bơi, nhưng dường như đang ở giữa biển cả vô tận chứ chẳng phải chỉ là cái ao cá nhỏ nhoi. Bờ bên kia vẫn cứ ở đó, chẳng hề gần hơn chút nào mặc cho cả hai đứa ra sức khoát tay, đạp chân và hổn hển thở giữa những đợt nước bắn lên tung tóe.

Tưởng như mọi thứ vẫn cứ vậy cho đến khi chúng tôi kiệt sức, nhưng rồi từ đâu có một cảm giác ấm áp, khô ráo, nham nhám như lông động vật nâng chúng tôi lên khỏi mặt nước. Một vị thần vô cùng quen thuộc đã xuất hiện cứu giúp tôi giữa lúc cận kề cái chết, và những nhân duyên đan cài kỳ lạ cũng xuất hiện từ thuở đó.

*

Hồi lên năm, lần đầu tiên tôi thấy những thứ mà sau này tự gọi là “thần” và “ma”. Mọi thứ vẫn còn rõ ràng trong trí nhớ tôi dù có bao nhiêu năm nữa đã trôi qua. Làm sao mà có thể quên được khi tận mắt chứng kiến bố mình tan đi vào hư không và một cô gái ma mị khóc lóc rấm rứt ngay bên cạnh.

Cô gái có vẻ ngoài chỉ như thiếu nữ đôi mươi. Mái tóc cô rất dài nhưng lại không tạo cảm giác nóng bức ngột ngạt ngay cả trong ngày hè oi ả, những sợi tóc như đang trôi nổi trên một thứ chất lỏng vô hình nào đó cứ dập dềnh lên xuống không ngừng. Đôi mắt cô nhỏ với đuôi mắt dài và hàng lông mi dày. Khác với vẻ ngoài, nó lại tỏa ra một thứ ánh sáng cũ kỹ như những người đã phải trải qua quá nhiều chuyện trên cuộc đời, vui buồn ngấm sâu vào làm ánh nhìn trở nên xa xăm, ngay cả trong lúc cười khi chúng hít tịt lại, vẫn chẳng biết được đâu mới là điểm dừng thật sự. Cô hay diện một bộ đồ xưa cũ chỉ còn thấy được trong những bức tượng trong chùa. Thứ vải gấm sang trọng lại càng tôn lên vẻ đẹp lộng lẫy của cô. Cô từng là một con cáo, nhưng chẳng biết từ lúc nào đã hấp thụ được năng lượng của trời đất mà thành thần. Cô đã ra tay cứu cả tôi và Hiệp một mạng vào cái đêm rằm năm đó.

Có những lưu luyến nào đó khiến cô vẫn thường xuyên xuất hiện trong nhà tôi. Khi thì bờ ao, khi thì gốc nhãn, khi lại cheo leo trên mái nhà. Tuyệt nhiên là chỉ lúc nào không có mẹ tôi. Hai chúng tôi đã như đã quen thân tự bao giờ chẳng rõ. Dù cho có không nói với nhau câu nào, nhưng cũng chẳng khiến chúng tôi trở nên xa cách. Lúc nhỏ, mỗi lần thấy cô khóc, tôi lại đến bên mà tựa người vào an ủi. Chỉ vậy thôi cũng hơn bao lời nói. Mà cô lại khóc rất nhiều, hầu như lúc nào tôi gặp cũng là cô đang khóc, đang chực chờ khóc, hay là đã khóc quá nhiều đến ướt nhòe cả hai bên má. Tôi không hỏi cô khóc vì gì, tôi nghĩ là tôi đoán được. Cô khóc vì cha tôi, vẫn như lần đầu tôi gặp cô.

Năm tôi mười tám, tôi bắt gặp cô thả tóc trôi trên mặt nước sông sau nhà. Cô không khóc, nhưng mắt lại chất chứa biết bao những nỗi niềm. Dường như tất cả nước mắt đã thu hết lại, lặn vào sâu trong đáy mắt mà thành cả biển trời ai hoài mênh mang. Tôi chủ động ngồi xuống bên cạnh. Lúc đó tôi đã cao lớn hơn cả cô rồi chứ không còn là đứa trẻ năm tuổi nhỏ xíu nữa. Còn cô thì vẫn vậy, bị thời gian bỏ quên và đóng băng lại một thời khắc đó.

“Mừng là chị đã không còn khóc nữa.” Tôi lần đầu lên tiếng với cô.

Cô chỉ khẽ gật đầu mà tựa cằm vào đầu gối, vẫn nhìn đâu đó nơi cánh đồng phía bên kia sông, ngút ngàn trải rộng đến tận những dãy núi xa xa. Tôi hiểu được nỗi cô đơn trong mắt cô khi mà những người tôi yêu quý cứ lần lượt rời xa tôi. Người mẹ đã tần tảo một mình nuôi tôi đã qua đời năm tôi mười sáu. Tôi một mình trong căn nhà hiu quạnh, từng bữa cơm chỉ biết lặng lẽ nhìn ảnh bố mẹ trên bàn thờ mà chực chờ muốn khóc, chỉ có điều nước mắt chẳng bao giờ rơi được. Đến năm mười tám, người bạn là con người duy nhất của tôi cũng lên thành phố học đại học. Tôi có quá nhiều thứ ở lại làng quê này mà chẳng thể đành lòng bỏ đi, vậy nên bên tôi chỉ còn những linh hồn để bầu bạn mà thôi. Đôi khi nỗi cô đơn vẫn cứ ào về như gió mùa bất chợt, se sắt trong lòng.

Lúc đó, mất một lúc lâu mới nhẹ tênh đáp lại. “Ừ, từ giờ chị sẽ không khóc nữa đâu.”

Hai chúng tôi cứ ngồi yên thế để mặc cho những cơn gió chiều thổi tới lung lay tóc mềm. Chẳng vì gì mà sớm coi nhau như người thân thiết.

Tôi tự đặt cho cô cái tên Hiên để nhớ về lần đầu gặp mặt nơi mái hiên nhà. Và Hiên cũng xuất hiện một cách thường xuyên hơn trong căn nhà của tôi. Cô đổi sang quần sao hiện đại, tóc ngắn gọn gàng hơn. Cô vác cuốc ra vườn làm cỏ, gánh nước tưới rau, rê lúa trước sân nhà, chẳng việc gì là nề hà. Cô như chợt rùng mình thoát khỏi cái thân phận thần linh mà thực sự trở thành một con người. Cô cũng ăn cơm cùng với tôi, và chúng tôi chuyện trò rôm rả mỗi bữa, cười đùa rồi chọc ghẹo lẫn nhau. Với tôi, cô đã sớm như một người chị lớn, một người thân tựa máu mủ ruột già mà thương yêu và bảo vệ lẫn nhau.

Còn Hiên, tôi lại thấy những thứ tình cảm khác ẩn chứa trong lòng cô. Cô thường nhìn tôi đọc sách hàng tối, chẳng làm gì khác mà chỉ chống tay lên cằm mà nhìn chằm chằm chẳng dứt. Cô thêu tặng tôi những cái khăn tay rất đẹp với những đôi chim uyên ương âu yếm bên nhau. Cô đối với tôi như cách cô đã từng với bố tôi thuở xưa. Một thứ tình cảm thầm lặng nhưng vô cùng mạnh mẽ. Thứ tình cảm chỉ cần giữ nguyên đó mà sẵn sàng chấp nhận bất cứ điều gì.

Trong những câu chuyện của cô, tôi biết được cô đã bấm bụng giữ những nỗi đau đớn trong lòng để mà nhìn bố tôi đi lấy vợ. Cô chấp nhận cái hiện thực rõ ràng trước mắt, rằng đứng trước những lằn ranh khó có thể phá vỡ của cách biệt thần – người, và cả những lời ra tiếng vào của người xung quanh, tình yêu cũng phải đành nhượng bộ mà đứng nép mình lại phía sau.

Còn bao nhiêu những khổ đau tủi nhục nữa mà Hiên đã phải trải qua trong suốt những quãng thời gian dài đằng đẵng của một kẻ bất tử? Tôi chẳng thể nào biết hết được, chỉ sợ rằng bản thân lại cũng khiến cô phải khóc nữa mà thôi.

*

Hồi lên năm, lần đầu tiên tôi thấy những thứ mà sau này tự gọi là “thần” và “ma”. Sống cùng bí mật đó, tôi có cho mình rất nhiều bằng hữu thân thiết là các linh hồn đủ kiểu. Tôi có cho mình một người bạn con người đủ thân thiết để chia sẻ cả bí mật to lớn đó. Tôi cũng kết thành người thân trong nhà với một vị thần sầu bi.

Từ ngày Hiệp đi học đại học, chỉ lúc nào rảnh mới có thể về chơi. Ban đầu cuối tuần nào cậu ấy cũng về, mang theo vô số những câu chuyện về một thế giới quá đỗi xa vời với tôi và cũng đòi tôi kể lại những chuyện kỳ bí nào đã trải qua nơi làng quê thân thuộc này. Nhưng rồi những lần về cứ thưa dần, thưa dần. Hiệp đã có những người bạn mới, những mối quan hệ mới, những điều mới mẻ cần phải bận tâm hơn là mấy câu chuyện cổ tích như thuở còn thơ. Tôi cảm nhận rõ ràng được cậu ấy đang ngày một cách xa mình hơn.

Nơi phố thị Hiệp đang sống quá đỗi lạ lẫm với tôi, một nơi mà tôi thật khó để tưởng tượng được. Nơi đó đông đúc và ồn ào, nơi đó con người sống vội vã và chật hẹp, nơi đó hẳn các thần ma sẽ chẳng hề thích thú chút nào. Tôi tự rút ra được qua lời kể của Hiệp. Và tôi cũng sợ rằng, bản thân cậu ấy cũng đã trộn mình vào với phố thị, ngày càng thấy mình cách biệt với chốn đồng quê ảm đạm tẻ nhạt này mất rồi. Tôi đã sợ điều đó từ ngày tiễn cậu ấy đi học, tôi thấy lòng mình quặn lên một thứ cảm giác lạ lùng. Tôi thấy mình chợt khao khát được giữ cậu ấy ở lại, tóm chặt lấy không tài nào rút ra được, làm hết mọi cách để phố thị đáng sợ đó không cướp mất Hiệp của tôi.

Nhưng rồi cũng chỉ là những khao khát ích kỷ của riêng tôi. Tôi nhận ra mình thật sự phải làm gì. Tôi nên lùi lại về phía đồng ruộng, về phía những thần ma rắc rối, về phía cuộc sống không còn sự hiện diện thường xuyên của nụ cười má lúm bừng sáng ngày xưa nữa.

Năm tôi hai lăm, tôi gặp lại Hiệp sau cả năm trời cậu ấy không về làng. Cậu ấy đã tốt nghiệp và có việc làm nơi thành phố. Cậu ấy mặc vest lịch lãm, đầu vuốt keo bóng loáng, gương mặt đã hoàn toàn trưởng thành.

“Các thần ma có gây rắc rối gì nhiều không?” Hiệp vẫn hỏi câu cậu ấy luôn hỏi mỗi khi trở về.

“Cũng bình thường như xưa nay vẫn vậy thôi.” Tôi thì đã không còn nhiệt tình kể lại từng việc như trước nữa rồi.

Chúng tôi ngồi bên cầu ao nhà Hiệp, cái nơi hai người đã suýt bị dìm chết cùng nhau mười lăm năm trước. Cậu ấy có vẻ đang hoài niệm lại những chuyện xưa cũ, cứ nhìn chằm chằm nơi mặt hồ lăn tăn sóng, chỗ hồi xưa chúng tôi vùng vẫy bơi trong tuyệt vọng. Còn tôi thì nhìn đâu đó trên đầu trời mây trắng bay là đà, chẳng có gì để hoài niệm khi mà ngày nào tôi cũng ghé vào dạo chơi.

“Tớ sắp kết hôn đấy.” Tôi khẽ lên tiếng. “Cô ấy đẹp như ánh trăng rằm và lúc nào cũng dõi theo tớ chẳng rời. Cô ấy luôn ở gần bên tớ ở ngôi làng này, luôn trò chuyện cùng tớ mỗi ngày. Cô ấy cùng tớ thăm hỏi khắp các thần ma, giải quyết mấy chuyện xích mích nho nhỏ của họ. Bọn tớ sẽ tạo ra một gia đình thật sự và xoa dịu nhau khỏi những cô đơn bao lâu nay đã phải trải qua.”

Hiệp im lặng chẳng nói thêm gì. Hẳn là cậu ấy hiểu những nỗi niềm tôi ẩn giấu đằng sau đó, những nỗi niềm mà cậu ấy chẳng bao giờ có thể đáp trả.

Tôi còn ngồi ở đó lâu thật lâu, ngay cả sau khi Hiệp tạm biệt để trở về thành phố. Tôi cứ mặc cho những cơn gió thổi đến ào ào đem hết những tình cảm dang dở bay đi về nơi sâu thẳm mà chôn giấu không mong ngày thấy lại.


Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}