Ngày 15 tháng 7 năm 2025, lúc 9h30p
Ánh nắng ban mai lại rọi lên trên khắp khu phố 10, báo hiệu một buổi sáng đẹp trời một lần nữa du hành tới khắp xóm làng. Những tiếng còi xe đầy náo nhiệt trên những cung đường, hòa cùng với tiếng thầy cô và những đứa trẻ trước những lớp bồi dưỡng kiến thức, kết hợp với tiếng xào xạc của những cành cây trước nhà đung đưa trong gió tạo nên những tiếng vọng dịu dàng của kỳ nghỉ mùa hè.
Giữa cái nhộn nhịp của khu xóm nhà lính, Đoan Ngọc vẫn ngồi trong phòng học đầy sắc trắng thô ráp của vôi tường với chiếc laptop dell quen thuộc của cô. Luớt qua những dòng tin trong nhóm ôn luyện Olympia, cùng với những dòng tin nhắn bàn luận kiến thức trong cả buổi sáng, cô vẫn chưa tìm thấy một kèo đấu Olympia nào chưa đủ bốn thí sinh trong phòng, do sáng hôm đó số lượng truy cập trên TOO tăng một cách đột biến. Điều này khiến Ngọc phải mà than thở trong bất lực:
Chán thật! Mở máy tính từ 9 giờ sáng tới giờ, định tìm mấy anh chị cấp ba vừa sức để Khánh và mình lần đầu thử sức. Thế mà toàn vào mấy phòng đấu đủ cả 4 người mới đau. Không biết mình phải reload lại trang nhóm thêm bao nhiều lần nữa đây?
Đang trong lúc hoang mang tột độ khi không biết phải làm sao để có cho mình một vị trí trong phòng đấu, thì bất chợt, ở phía căn nhà đối diện, Khánh may mắn tìm được một kèo đấu trên web và gửi đường dẫn Google Meet cho cô. Ngọc hí hửng mở đường truy cập đó và tự nói với chính cô:
- Phải thế chứ! Vào trận luôn!
Bước vào căn phòng tập luyện trực tuyến, cô vẫn rất bình tĩnh khi Vương Khánh vẫn đang nói chuyện vui vẻ với hai anh nam sinh của trường cấp ba Cái Bè (Huyện Cái Bè - Tiền Giang). Cũng dễ hiểu thôi, khi cô cùng với ba nam sinh trong phòng đấu tập đều có những xuất thân không phải quá cao trong cộng đồng ôn luyện. Nếu Khánh và Ngọc đều chỉ là những học sinh cuối cấp hai ở một trường ngoại ô, thì hai anh chàng nam sinh cấp ba mà cô sắp sửa phải đối mặt cũng không khá khẩm hơn là bao khi cùng đang theo học một trường cấp ba có chút danh tiếng, nhưng lại ở tỉnh chưa mạnh bên bờ sông Cửu Long. Nhận thấy điều đó, cô liền đeo tai nghe trùm đầu và nói nhẹ nhàng:
- Em chào hai anh. Hai anh tên là gì và đang học trường nào nhỉ?
- Anh là Duy Đức, lớp 10A6 trường Cái Bè, Tiền Giang, và đây là người bạn cùng lớp anh - Hoàng Hà. - Anh Đức đáp lại với cô nữ sinh Biên Hòa bằng chất giọng bình dị của miền Tây sông nước.
- Còn em, em là ai và học trường nào nhỉ? - Hà hỏi Ngọc với chút khàn tiếng.
- Em là Đoan Ngọc, học sinh lớp 8/2 trường cấp 2 Tân An, cùng lớp với bạn Khánh. - Ngọc đáp lại lễ phép.
“Ối giời ơi, mình đang đấu với hai em chưa tốt nghiệp xong cấp hai. Không biết mình có nên thi đấu nghiêm túc với hai em không nữa?” - Duy Đức nở một nụ cười cợt nhả, có chút xem nhẹ em học sinh tới từ tỉnh Đồng Nai.
Ở đầu dây nhà đối diện, trong lúc chờ đợi quản trận có mặt cung cấp mật mã để bắt đầu trận đấu trên TOO, Vương Khánh tranh thủ bật các bài hát trong Thủy thủ mặt trăng trên máy tính và hát lẩm nhẩm trong miếng để giải trí. Trong lúc đó, hai anh nam sinh Tiền Giang cũng tranh thủ uống nước và hít một hơi thật sâu trước khi đấu tập để giữ bình tĩnh. tập. Đang đung đưa với những bài hát trong loạt phim hoạt hình mà cậu yêu thích, thì bỗng dưng có một giọng nói thanh thoát như tiếng chuông vang vọng ở hai bên tai cậu nam sinh:
- Alo, 4 bạn thí sinh đã sẵn sàng chưa?
- Sẵn sàng! - Duy Đức và Hoàng Hà đồng thanh đáp lại
Thì ra, anh Nguyên Bình - một người chuyên tạo ra các đề thi ôn luyện Đường lên đỉnh Olympia tới từ thành phố mang tên Bác - cũng chính là người ra đề thi kiêm luôn quản trận của trận đấu buổi sáng. Ngay sau khi hai nam sinh Tiền Giang sẵn sàng cho màn đấu giao hữu, Vương Khánh và Đoan Ngọc cũng bình tĩnh nói:
- Em đã sẵn sàng.
- Tốt! Tên trận đấu và mật khẩu thi đấu trên The Olympus Online đã được gửi trong đoạn tin nhắn. Thứ tự vị trí 4 thí sinh lần lượt là: Hoàng Hà, Đoan Ngọc, Vương Khánh và Duy Đức - Nguyên Bình điềm tĩnh thông báo cho cả 4 đấu sĩ.
Trận đấu giao hữu giữa trường cấp ba Cái Bè và trường cấp hai Tân An bắt đầu với vòng khởi động đầy mùi ảo ma, khi hai anh nam sinh Tiền Giang đều có màn khởi động cá nhân tương đối chật vật, trong khi Khánh và Ngọc đều đạt 50 điểm sau 6 câu hỏi trong lượt của họ. Thế nhưng, ở lượt khởi động đối kháng, nơi kỹ năng bấm chuông là một yếu tố rất quan trọng để quyết định thành quả, thì hai học sinh chuẩn bị lên lớp 9 gần như không được chơi trong suốt 60 giây, khi Hoàng Hà và Duy Đức liên tục bấm chuông giành quyền trả lời câu hỏi của lượt đấu cuối cùng trong vòng khởi động. Điều này dẫn tới việc sau vòng thi đấu đầu tiên, số điểm của cả 4 đấu thủ gần như suýt soát nhau, lần lượt là 70, 60, 60 và 70 điểm.
“Sao mình có cảm giác mọi thứ bắt đầu trở nên mất kiểm soát đi thế nhỉ? Chỉ bấm chuông đúng 1 lần, mấy câu còn lại nếu mình biết cũng chẳng thể trả lời do bị hai anh cấp ba bấm trước rồi. Không sao, ít nhất mình vẫn có thể đuổi được hai anh Tiền Giang ở các vòng sau.” Vương Khánh và Đoan Ngọc có chút không vui trên nét mặt, nhưng vẫn cố giữ sự tập trung sau khi vòng đầu tiên kết thúc.
Rất may mắn cho cặp đôi học sinh tới từ trường Tân An, khi ở vòng vượt chướng ngại vật của kèo đấu giao hữu, phải đến hàng ngang cuối cùng, Duy Đức mới có thể kết thúc vòng thi thứ hai với mệt mã cần tìm là “Cái gương”. Thế nhưng, điều quái quỷ đã xảy ra trong vòng tăng tốc khi Vương Khánh và Đoan Ngọc lần lượt trả lời đúng và nhanh nhất trong hai câu hỏi đầu tiên. Cộng với việc tất cả đấu sĩ đều không thể tìm ra quy luật chuỗi số trong câu hỏi thứ ba và đều trả lời đúng câu hỏi cuối cùng về danh họa Leonardo Da Vinci, dẫn tới việc nam sinh trường Tân An mới là kẻ dẫn đầu sau vòng tăng tốc với 170 điểm, hơn anh Đức tới từ trường cấp 3 Cái Bè đúng 10 điểm.
“Hiện giờ mình đang nhất trận với khoảng cách 5 điểm so với người về nhì và hơn Ngọc, người đang về chót 20 điểm. Với việc mình sẽ phải thi đấu đầu tiên trong vòng về đích, tầm này cứ lấy 3 câu 20 điểm cho an toàn rồi tính sau” Khánh giữ nét mặt lạnh lùng trước màn hình laptop sau khi vòng tăng tốc kết thúc.
“Xem nào, mình đang đứng vị trí thứ hai với 160 điểm, cách nhất đúng 10 điểm. Tức là ít nhất em nam sinh Đồng Nai rơi vào thế bất lợi khi buộc lòng phải trả lời đúng hết trong lượt đầu tiên của vòng thi cuối cùng. Điều này đặc biệt khó với một người chưa tốt nghiệp cấp hai, nên cơ hội của mình để chiến thắng trận đấu vẫn còn lớn lắm” Duy Đức nở nhẹ một nụ cười trong phòng học của anh khi quản trận Nguyên Bình công bố kết quả sau vòng thi thứ 3.
Thời khắc quan trọng nhất của trận đấu đã tới, đi cùng với tiếng nhạc căng thẳng mở màn cho phần thi về đích của trận chiến giao hữu giữa hai ngôi trường. Là thí sinh phải thi đấu đầu tiên trong phần thi cuối cùng, Vương Khánh không giấu nổi nét mặt căng thẳng khi phải bảo vệ thành quả mong manh trước sức ép khá lớn từ người bạn cùng xóm và hai anh nam sinh cấp 3 miền Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, cậu không hề sợ hãi mà nói với anh Bình trước khi bắt đầu lượt thi:
- Em xin chọn 3 câu 20 điểm!
Người quản trận im lặng một lúc, rồi đọc từ từ câu hỏi đầu tiên của lượt thi của Khánh với chất giọng bình dị của mảnh đất Sài thành:
- Câu hỏi đầu tiên: Bình dưỡng khí loại Trimix thường được các thợ lặn chuyên nghiệp sử dụng. Loại bình này chứa hỗn hợp của ba loại khí nào?
Những nếp nhăn bắt đầu xuất hiện ở trên trán cậu nam sinh nhà lính, tựa như những cơn sóng vỗ liên tục giữa biển khơi. Khánh liên tục lục lọi khắp trí nhớ của cậu để tìm ra ba loại khí thỏa mãn yêu cầu đề bài, nhưng dường như mọi thứ đang trôi đi vào khoảng không vô hình mà không thể tìm được ra. Hết 15 giây, cậu không thể trả lời câu hỏi hóa học này, khiến cho anh Nguyên Bình phải thông báo cho ba đấu sĩ còn lại:
- Cơ hội sẽ dành cho các bạn còn lại, xin mời!
Ngay lập tức, như một cú chớp mắt, Hoàng Hà bấm chuông thành công và nói một cách đầy tự tin:
- Câu trả lời của em là Oxygen, Nitrogen và Helium
- Và bạn đã vươn lên dẫn đầu đoàn leo núi, xin chúc mừng Hoàng Hà! - Bình thông báo một cách đầy khí thế.
“Chán thật! Mình đã nghĩ ngay đến hai loại khí ô-xi với ni-tơ trong đầu, nhưng khí hê-li thì mình không thể nghĩ được ra. Thế là mất 20 điểm vào tay anh Hà. Nhưng không sao, mình vẫn còn cơ hội.” Khánh lắc đầu tự trách bản thân, nhưng vẫn cố gắng gượng sự bình tĩnh trước câu hỏi thứ hai của lượt thi.
Màn hình laptop của Khánh bắt đầu hiển thị câu hỏi 20 điểm thứ hai:
“Những động vật nào sau đây có dạ dày 4 ngăn: trâu, cừu, dê, thỏ, chuột?”
Thời gian 15 giây đếm ngược bắt đầu trôi qua những giây đầu tiên, và những suy nghĩ bắt đầu trôi qua trí nhớ của cậu nam sinh nhà lính. Ở những đầu dây còn lại, Đoan Ngọc, Hoàng Hà và Duy Đức cũng đã sẵn bàn tay trên con chuột máy tính, chỉ chực chờ Vương Khánh trả lời sai mà bấm chuông giành quyền trả lời, giống như những con hổ đang lăm le chờ con mồi vào tầm ngắm. Giữa thời điểm mà nguy cơ mất tiếp 20 điểm trở nên càng ngày càng hiện hữu khi thời gian trôi dần về 0, Khánh vẫn bình tĩnh trả lời:
- Đáp án của em là trâu, cừu và dê.
Tiếng nhạc 15 giây đếm ngược của câu hỏi thứ hai cũng đã kết thúc, và sau khi nghe câu trả lời của cậu nam sinh trường Tân An, anh Bình im lặng một lúc, rồi hỏi Khánh với ánh mắt có chút hoài nghi:
- Vương Khánh, tại sao bạn lại trả lời như vậy?
- Dạ, theo em được biết thì những loại động vật có dạ dày 4 ngăn thì đa số là động vật nhai lại. Vậy nên chỉ có trâu, cừu và dê thỏa mãn yêu cầu câu hỏi.
- Lời giải thích của bạn là hoàn toàn chính xác. - Quản trận phản hồi cậu nam sinh nhà lính một cách dứt khoát.
Vương Khánh chỉ nhẹ nhàng giật nắm tay trái để ăn mừng, vì cậu cũng biết rằng cậu vẫn còn một câu hỏi cuối cùng trong lượt thi, và vẫn còn cách người dẫn đầu 10 điểm nữa. Tuy nhiên, sự tự tin trong cậu bắt đầu trỗi dậy, khi chỉ cần trả lời đúng câu 20 điểm cuối cùng trong lượt thi, cậu sẽ lấy lại vị trí thứ nhất trong đoàn leo núi từ tay Hoàng Hà. Bởi thế, cậu quyết định chơi liều lĩnh khi nói với anh Nguyên Bình:
- Em xin lựa chọn ngôi sao hi vọng!
“Quái thật! Em này mới xong lớp 8 mà đấu sòng phẳng với mấy học sinh cấp ba, thậm chí còn có cơ hội đánh bại họ luôn nữa chứ. Từ nay về sau phải để ý em Khánh tới từ Tân An thật kỹ mới được” Quản trận không khỏi sửng sốt khi nhìn vào màn trình diễn như thêu hoa dệt gấm của cậu trong trận đấu giao hữu.
Màn hình máy tính của cả bốn đấu sĩ hiện lên dòng chữ “Bạn hãy trả lời câu hỏi sau bằng tiếng Anh”, kèm với một đoạn băng nghe từ một trận đấu Đường lên đỉnh Olympia những năm trước đó:
“Hi, my name is Tristan from New York. I was born on a seaside town, so I know a lot about sea creatures and fish. I went to an aquarium last week and I saw a shark there. I have a question for you. How many bones do sharks have in their bodies. Good Luck!”
Vừa nghe xong câu hỏi, Khánh mừng mở cờ trong bụng, vì cậu đã biết chắc đáp án đúng của câu hỏi khi đã từng xem phim tài liệu về thế giới động vật trên kênh National Geographic. Cậu nam sinh nhà lính nở nụ cười tươi rói, trước khi đáp lại với MC của trận đấu khi thời gian chỉ còn 10 giây:
- My answer is “Zero”
Hết thời gian 15 giây, anh Nguyên Bình im lặng một lúc, rồi điềm tĩnh nói với cả bốn đấu sĩ của trận chiến:
- Câu hỏi tiếng Anh trong đoạn băng là có bao nhiêu chiếc xương trong cơ thể cá mập. Và đáp án trong câu hỏi này chính là zero - không có chiếc xương nào cả. Như vậy, Vương Khánh kết thúc lượt thi về đích của bạn với 210 điểm.
“Xem nào, mình đang có 210 điểm, còn anh Hà bên Cái Bè có 180 và đang về nhì. Giờ là lượt về đích của Hoàng Hà, thì mình hi vọng anh nam sinh miền Tây phải trả lời sai dù chỉ một câu để giành quyền bấm chuông. Nếu không, gần như chắc chắn mình sẽ tụt lại phía sau, khi mà quyền chủ động bây giờ không còn thuộc về mình nữa” - Khánh tranh thủ uống một ngụm nước, lặng lẽ suy nghĩ thực tế sau khi hoàn thành khá tốt lượt về đích của cậu.
Điều mà Vương Khánh lo lắng nhất đã trở thành sự thật, nhưng theo một cách mà đến chính cậu cùng Đoan Ngọc phải giật mình thon thót vì không thể ngờ được tới. Trong lượt về đích thứ hai, Hoàng Hà bị dội gáo nước lạnh vào chí khí khi trả lời sai hết cả 3 câu hỏi 20 điểm trong lượt thi. Và cậu nam sinh nhà phải bất lực nhìn những cơ hội cướp điểm bay về hư vô khi trong cả ba lần bấm chuông xin giành quyền trả lời, Duy Đức luôn nhanh hơn Khánh một bước và ghi thêm 30 điểm. Càng xui xẻo hơn nữa cho cậu học trò trường Tân An khi đấu sĩ còn lại của trường cấp 3 Cái Bè tiếp tục bay cao trong lượt thi về đích thứ ba khi ghi được thêm 40 điểm, nâng tổng số điểm của anh lên 240 và đánh chiếm vị trí dẫn đầu đoàn leo núi.
“Còn mỗi mình chưa thi về đích thôi, nhưng với khoảng cách 90 điểm so với Duy Đức, cơ hội lật kèo của mình gần như bằng 0. Nhưng mà thôi kệ, vì đây là trận đấu giao hữu mà, nên cứ liều một phen mà lượng sức mình ở đâu.” Ngọc hít thở thật sâu và cố gắng giữ tâm lý của cô trên mặt đất trước lượt thi cuối cùng của vòng thi quyết định, tuy nhiên không giấu nổi những nếp nhăn của sự lo lắng.
Thời khắc quan trọng nhất của trận giao hữu cũng đã đến khi Ngọc hồi hộp bước vào lượt thi về đích của cô - nơi chứa đựng những câu hỏi cuối cùng của trận đấu tập chực chờ thử thách cô. Mọi thứ trở nên rối tung rối mù với nữ sinh vừa qua lớp 8 khi khoảng cách giữa cô với anh Duy Đức đã lên tới 90 điểm và cơ hội chiến thắng của cô còn mỏng hơn cả sợi chỉ. Nhưng trong khoảnh khắc mà cái khó giống như hòn đá tảng lù lù trôi từ đỉnh đèo xuống đường đi, thì dòng máu của sự liều lĩnh trong mỗi con người sẽ dồn đến tận não bộ và biến thành hành động thật sự. Cô nữ sinh tới từ xóm nhà lính quyết định chơi lớn khi nói với anh quản trận:
- Em xin chọn 3 câu 30 điểm và ngôi sao hi vọng ở câu thứ 3.
“Vãi cả chưởng! Em này còn nhỏ mà chơi hơi bị ác đó nha! Không khéo trong một ngày đẹp trời thế này, nhỏ nữ sinh Tân An ăn sạch 120 điểm là coi như xong phim. Chờ xem con bé tới từ Đồng Nai xử lý như thế nào.” Duy Đức có chút bất ngờ khi Ngọc quyết định chơi lớn, nhưng nhanh chóng chỉnh lại tai nghe và nhìn chằm chằm vào màn hình máy tính.
Anh Nguyên Bình không hề bất ngờ khi Đoan Ngọc quyết định mạo hiểm như vậy. Không biết bao nhiêu lần anh đã từng dẫn bao nhiêu kèo đấu có những thí sinh máu liều nhiều hơn máu não, thậm chí có những pha mà thắng thua chỉ được quyết định bằng đúng một câu hỏi thì anh cũng đã chứng kiến và trải qua. Giữ sự nghiêm chỉnh vốn có, anh vẫn đọc câu hỏi cho Ngọc với chất giọng chuẩn chỉ như thường lệ:
- Câu hỏi đầu tiên dành cho Đoan Ngọc có nội dung như sau: Một lò xo có chiều dài l = 1,5m và có độ cứng k = 10N/m. Người ta cắt lò xo trên thành hai lò xo nhỏ có chiều dài lần lượt là 1m và 0,5m. Hỏi độ cứng của hai lò xo mới bằng bao nhiêu N/m, biết rằng lò xo ban đầu đồng chất, tiết diện đều? Thời gian 20 giây, bắt đầu!
“Mình chưa từng học về độ cứng của lò xo bao giờ, nhưng mình đã từng cắt thử lò xo bút bi rồi, và rất khó để kéo lò xo mới giãn ra. Vậy chẳng lẽ độ cứng tỷ lệ nghịch với chiều dài lò xo?” Ngọc nhớ lại những lần nghịch bút bi hồi còn ấu thơ khi nhìn chằm chằm vào câu hỏi trên màn hình laptop của cô.
Khi đồng hồ đếm ngược chỉ còn 5 giây, cô nữ sinh nhà lính sau một lúc suy luận liền đáp lại anh quản trận với chút hoang mang vì không chắc chắn:
- Câu trả lời của em là 15N/m và 30N/m
- Bạn đã ra phương án này như thế nào? - Anh Bình hỏi Ngọc với chút sự nghi vấn trong lòng
- Thực ra em chỉ mới học xong lớp 8, nên em chưa biết các công thức cơ học về lò xo. Tuy nhiên, em có suy đoán rằng độ cứng của lò xo tỉ lệ nghịch với chiều dài của lò xo, nên em mới ra phương án như vậy. - Ngọc bộc bạch với anh quản trận một cách hơi thiếu tự tin vì không chắc chắn với phương án của cô.
Nhìn thấy nét mặt hơi nhăn nhó của cô trên webcam, anh quản trận liền nói lời động viên với Ngọc:
- Bạn hãy nở nụ cười thật tươi đi, bởi vì số điểm của bạn bây giờ là 180 điểm!
Ngọc mỉm cười, vì cô biết rằng, hành trình tiến tới chiến thắng trong trận giao hữu trên The Olympiad Online vẫn còn hai câu hỏi ở phía trước. Tuy nhiên, lại tiếp tục một điều không ai ngờ nữa sẽ xảy ra khi anh dẫn trận lại thông báo cho cả 4 đấu sĩ trong trận đấu:
- Câu hỏi 30 điểm thứ hai dành cho Đoan Ngọc như sau: Bạn hãy thực hiện yêu cầu sau đây của chương trình.
Ngay lập tức, trên màn hình của cả 4 thí sinh xuất hiện hai đường tròn tiếp xúc ngoài với nhau. Mỗi đường tròn có ba ô trống để điền số, cộng kèm thêm một ô trống dùng chung ở điểm tiếp xúc của cả hai đường tròn. Và ở dưới hai đường tròn đó xuất hiện dòng yêu cầu:
“Hãy điền các số tự nhiên từ 1 tới 7 vào ô trống, sao cho ở mỗi đường tròn, tổng các số trên đó đều bằng 17. Biết rằng mỗi số chỉ được điền 1 lần và không được bỏ trống ô nào.”
Đợi một lúc vài giây, khi Khánh, Ngọc, Hà và Đức đều đã đọc lướt qua yêu cầu của bài toán, MC Nguyên Bình hô to khẩu lệnh:
- Thời gian suy nghĩ dành cho Đoan Ngọc, bắt đầu!
“Để xem nào…17 nhân đôi ra 34, còn tổng từ 1 tới 7 là 8 nhân 3 cộng 4 là 28… 34 trừ 28 ra 6, suy ra số điền vào ô giữa là 6. Vậy tổng ba ô còn lại trên đường tròn là 11. Thành ra đường tròn bên trái là 7, 1, 3, 6 và đường bên phải là 6, 2, 4, 5. Thế là 30 điểm thẳng tiến.” Ngọc và Khánh đều có chung suy nghĩ khi nhìn chằm chằm vào hình vẽ trong vòng 20 giây.
Khi thời gian suy nghĩ kết thúc, cũng là lúc 60 giây thực hành của nàng nữ sinh Tân An bắt đầu. Cô nhanh chóng gõ dòng đáp án mà nàng đã suy nghĩ lên khung chat của google meet trong vòng 15 giây đầu tiên. Khi tiếng “cách” của phím enter trên bàn phím của Ngọc vang lên khắp căn phòng, những tiếng “cạch, cạch” vang vọng trên tai nghe của cô nữ sinh nhà lính đột nhiên dừng lại, giống như có ai đó kích hoạt ngưng đọng thời gian vậy. Thì ra, anh Bình đã bấm dừng đồng hồ đếm ngược và cộng thêm 30 điểm vào quỹ điểm của cô, đồng nghĩa với việc Khánh và Ngọc cùng có 210 điểm sau màn thực hành xuất sắc của cô nàng trong câu hỏi 30 điểm thứ hai của lượt thi.
“Còn một câu hỏi nữa thôi. Đúng là thắng luôn, còn sai thì không sao cả, vì đây chỉ là đấu tập mà.” Nữ sinh xóm nhà lính bởi một nụ cười tươi tắn, trước khi nạp thêm nước vào cơ thể để duy trì sự tập trung.
“210, 210, 240 và 1 câu hỏi duy nhất…Bắt buộc mình phải bấm chuông thành công và trả lời chính xác trong lượt này để ba mặt một lời với Duy Đức trong câu hỏi phụ. Mình phải chắc nhịp cò súng trong thời điểm dầu sôi lửa bỏng như thế này, dù chỉ là một trận giao hữu vui vẻ.” Khánh đặt tay sẵn lên con chuột máy tính của câu và tập trung nhìn vào màn hình cho câu hỏi cuối cùng của trận đấu.
Một lúc sau, âm thanh ngôi sao hi vọng văng vẳng bên tai Ngọc và ba đấu sĩ còn lại, kèm với những dòng chữ sắc bén và gai góc của câu hỏi cuối cùng trên màn hình, giống như cái lưỡi hái tử thần phán xét số phận của cả trận đấu:
“Tại các kỳ Olympic Toán học quốc tế (IMO), người Việt Nam đầu tiên đạt điểm tối đa và cũng là người duy nhất của Việt Nam tính đến nay đạt giải đặc biệt về lời giải đẹp là ai? (Trả lời đầy đủ họ và tên)”
Đối mặt với một câu hỏi liên quan tới các kỳ thi học thuật Olympic quốc tế, vốn là lĩnh vực mà rất ít học sinh bình thường để ý, ánh mắt nữ sinh Tân An bỗng trở nên mờ đi đôi chút và đôi má nàng lại co nhúm lại đôi phần. Trong trí nhớ của Ngọc lúc này, chỉ có cái tên “Ngô Bảo Châu” là có vẻ hợp lý với câu hỏi được đưa ra. Mặc dù cô rất nghi ngờ suy nghĩ của mình là sai, nhưng trước áp lực của thời gian, cô buộc phải trả lời đầy ấp úng:
- Câu trả lời của em là…Ngô Bảo Châu.
Hết thời gian 20 giây đếm ngược của Đoan Ngọc, anh Nguyên Bình thông báo:
- Rất tiếc, cơ hội ghi điểm sẽ thuộc về ba bạn thí sinh còn lại!
Ngay lập tức, một tiếng chuông chói tai vang vọng lên khắp khắp hai bên tai của cả 4 thí sinh, tựa như tiếng xoẹt đầy sắc lẹm của lưỡi hái khi vung xuống mục tiêu. Nhưng rất tiếc cho cậu nam sinh trường Tân An khi cậu không thể bấm chuông kịp trước Nguyên Hà dù biết rất rõ đáp án của câu hỏi. Cậu ôm đầu thất vọng vì gần như không thể thắng nổi hai anh nam sinh miền Tây trong những cuộc đấu chuông, dẫn đến bị mất cơ hội nâng cao điểm số về tay đối thủ. Và khi anh Hà trường Cái Bè trả lời đúng đáp án câu hỏi cuối cùng là Lê Bá Khánh Trình để kết thúc trận đấu với 140 điểm, Khánh dù vẫn giữ nét mặt bình tĩnh chấp nhận kết quả, nhưng trong lòng cậu đang sôi sùng sục như lửa đốt vậy.
“Chán thật! Gục ngã trước cửa thiên đường chỉ vì một cú bấm chuông, mà lại trong một câu hỏi mà mình biết cực kỳ rõ đáp án câu hỏi là Lê Bá Khánh Trình nữa chứ. Sáng mai mình phải báo thù bằng một trận khác mới được” Khánh thở dốc một hơi, mặt ửng đỏ như vừa mới hoàn thành chạy nước rút khi nghe anh Nguyên Bình công bố kết quả trận giao hữu giữa hai trường trên TOO.
“Tính ra trận này mình khá may mắn khi trúng tủ hai câu về đích đầu tiên. Nhưng mình vẫn cần phải tìm tòi nhiều cái khác nữa, nhất là những chủ đề ít được quan tâm.” Ngọc tạm hài lòng với kết quả trận đấu đầu tiên của cô trên TOO, nhưng cũng không vui cho lắm dù đã thi đấu hết mình.
Sau khi trận đấu đã đến hồi còi kết thúc, anh Đức liền hỏi hai em học sinh cấp hai trên Google meet với sự ngạc nhiên trên đôi mắt anh:
- Hai em…có thực sự mới xong lớp 8 không nhỉ?
Ngọc trố mắt giật mình, vì rõ ràng cô cùng người bạn tri kỷ của nàng cũng chỉ mới kết thúc năm áp chót trong đời học sinh cấp hai chưa được hai tháng, chưa kể tới việc trước đó, cô cũng bị hỏi câu hỏi này trước trận giao hữu, thế mà anh nam sinh Tiền Giang vẫn hỏi lại câu đó. Cô đành trả lời anh nam sinh trường cấp ba Cái Bè trong thẹn thùng:
- Dạ vâng. Em cùng bạn em cũng chỉ mới chuẩn bị lên lớp 9 thôi.
- Tính ra mà nói, cái đề hôm nay có độ khó cỡ một trận thi tuần trên VTV3, nhưng hai em đã xử lý nó khá là tốt, đến mức anh còn ngạc nhiên khi biết hai em chỉ mới 14 tuổi cơ. Có điều là tốc độ phản xạ của hai em còn hơi chậm so với tụi anh đáng kể, nhưng không sao, vẫn có thể cải thiện được trong 3 năm mà - Duy Đức đáp lại dịu dàng với nàng nữ sinh nhà lính trên Google meet.
Anh Nguyên Hà nghe vậy, cũng nhí nhảnh chen vào góp vui:
- Anh nói điều này có phần hơi quá cho hai em, nhưng nếu ba năm sau mà nghe thấy tin Đồng Nai có cầu truyền hình chung kết năm Olympia, chắc các anh không bất ngờ mấy đâu. Mà thôi, chào tạm biệt các em nhé, anh đi làm trận khác đây!
- Dạ vâng! Em chào tạm biệt các anh nhá! Bye bye!- Ngọc và Khánh vui vẻ đáp lại và rời khỏi đường dẫn Google meet.
Bình luận
Chưa có bình luận